Hiện nay các vật phẩm bằng ngọc phỉ thúy được săn lùng nhiều nhất trên thị trường đấu giá, hơn nữa giá còn tăng trưởng ổn định. Ngày càng có nhiều người ham thích đặc biệt đối với tính độc đáo hữu hình của ngọc phỉ thúy, trở thành những người chơi cao cấp! Những vật phẩm ngọc phỉ thúy được sưu tầm đều làm cho người ta phải ngưỡng mộ không ngừng mà thốt lên: Đây thật sự là các bảo vật hiếm có nơi trần thế!
Sợi dây chuyền trang sức ngọc phỉ thủy dưới đây thuộc dòng châu báu mang tên “Ngôi sao may mắn”, nó được đưa ra mức giá 80 triệu nhân dân tệ tại Hồng Kông (khoảng 280 tỷ đồng Việt Nam). Đây là một mức giá kỷ lục của thị trường trang sức ngọc phỉ thúy. Có người nhân chuyện này mà nói đùa rằng: “nghèo khó đã làm hạn chế trí tưởng tượng của chúng ta!”
Ngọc phỉ thủy thời Thanh, Càn Long đế
Càn Long đế là một vị hoàng đế của nghệ thuật phương Đông, ông chỉ đứng sau Tống Huy Tông về phương diện nghệ thuật. Càn Long đế là một nhà giám định với con mắt tinh tế, ông cũng là một nhà sưu tầm, lưu giữ được một kho báu lớn những vật phẩm quý giá. Trong bộ sưu tập của ông, ngọc phỉ thúy được xem là một chất liệu được quan tâm đặc biệt.
Trong triều đại hoàng đế Càn Long, ông đã cho xây dựng Như Ý Quán – nơi chuyên chế những khí cụ, đồ vật bằng ngọc trong cung. Đây là nơi thu thập các loại ngọc phỉ thúy tinh mỹ và được chế tạo thành đồ vật. Càn Long rất chú trọng đến việc sản xuất đồ dùng ngọc bích trong cung đình, hơn 30.000 viên ngọc phỉ thúy đã được tàng trữ trong cố cung, trong đó một nửa là những sản phẩm được làm ngay trong thời kỳ Càn Long.
Thủy thừa trừ tà, điêu khắc từ ngọc phỉ thúy là một trong những sản phẩm được đem bán đấu giá vào năm 2012 với giá là 49,45 triệu nhân dân tệ. Vật phẩm này như một sự thể hiện chuẩn mực cho vật phẩm ngọc phỉ thúy của thời nhà Thanh.
Từ Hi Thái Hậu và kho báu ngọc phỉ thúy
Nhắc tới ngọc phỉ thúy, không thể không nhắc đến Phỉ Thúy Thái Hậu Từ Hi là một người nghiện ngọc phỉ thúy đã đi vào huyền thoại vào cuối thời nhà Thanh, cả cuộc đời bà lưu giữ tàng trữ một kho báu phỉ thúy không đếm xuể. Trong cung điện của bà có thể thấy các loại các loại đồ vật làm từ ngọc phỉ thúy. Uống trà thì dùng chén ngọc phỉ thúy, ăn cơm dùng đũa ngọc phỉ thúy, cổ tay đeo vòng ngọc phỉ thúy, trên tóc cái trâm ngọc phỉ thúy v.v.
Trong số các đồ vật ngọc phỉ thúy được thu tập bởi Từ Hi Thái Hậu, nối tiếng nhất phải nói đến “Thúy ngọc bạch thái” hiện đang được cất giữ tại bảo tàng cố cung Đài Bắc, “Thúy ngọc bạch thái” cũng được coi là báu vật của bảo tàng.
Đệ nhất phu nhân Tống Mỹ Linh
Vào những năm 1930, những người phụ nữ của tầng lớp thượng lưu thường sử dụng đồ trang sức ngọc phỉ thúy như biểu tượng của thời trang và chứng tỏ đẳng cấp bản thân. Tống Mỹ Linh là người đầu tiên dẫn đường cho thời trang ngọc phỉ thúy. Trong cuộc đời mình, bà đã thu thập và sưu tầm rất nhiều trang sức ngọc phỉ thúy, nổi tiếng nhất trong số đó là vòng tay xoắn bằng ngọc phỉ thúy bà thường đeo.
Tại thời điểm đó, người đứng đầu Thanh Bang, Thượng Hải là bà Đỗ Nguyệt Sanh đã bỏ ra 40 vạn nhân dân tệ (khoảng 1,4 tỷ đồng Việt Nam theo tỷ giá hiện nay) để mua một đôi vòng tay xoắn ngọc phỉ thúy. Chất ngọc của đôi vòng này rất sáng và xanh, bích lục như nước, như là chiếc vương miện của đôi tay. Tại một buổi tiệc, bà Tống Mỹ Linh đã nhìn thấy chiếc vòng xoắn phỉ thúy này trên tay của bà Nguyệt Sanh, và yêu thích ngay từ cái nhìn đầu tiên, mắt không rời khỏi chiếc vòng. Đỗ phu nhân thấy vậy liền tháo cả đôi vòng và tặng cho bà. Từ đó, bà Tống Mỹ Linh luôn đeo chiếc vòng không bao giờ tháo ra. Chiếc vòng xoắn phỉ thúy xinh đẹp này hiện nay đã được định giá lên đến 40 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 120 tỷ đồng Việt Nam).
Tại buổi tiệc sinh nhật lần thứ 100 của mình, bà Tống Mỹ Linh đeo cả bộ trang sức ngọc phỉ thúy hoàn chỉnh, toàn là đồ tuyệt phẩm, càng tôn lên sự sang trọng cho bà, một người phụ nữ dù đã già trăm tuổi khi khoác lên mình bộ trang sức này, vẫn mang một nét ung dung, cao quý, tao nhã lạ thường.
Theo sohu.com
Uyển Vân biên dịch