“Tiên học lễ, hậu học văn”, cuốn sách đầu đời của trẻ không phải để học tri thức, mà chính là học làm người. Chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, ai cũng mong muốn trang sách đầu tiên đi vào tâm hồn trẻ sẽ là những bài học thấm đẫm lòng nhân. Đó không chỉ là tiếng Việt, văn Việt, mà chính là tâm hồn Việt. Với tâm nguyện ấy, Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tiểu mục “Tủ sách bé yêu” với những bài thơ, những mẩu chuyện nhỏ, vừa là ‘văn’, cũng vừa là cái ‘lễ’ làm người.
Bài đọc:
Thương yêu kẻ tôi tớ
Kẻ ăn người ở trong nhà,
Sớm khuya công việc giúp ta nhọc nhằn.
Thương người đày đoạ chút thân,
Chớ nên ngược đãi, lòng nhân mới là.
Giải nghĩa:
– Kẻ ăn người ở: những người tôi tớ, người giúp việc.
– Sớm khuya: cả ngày cả đêm.
– Đày đoạ chút thân: phải đem mình làm tôi tớ người ta.
– Ngược đãi: xử tệ, nghiệt ác.
– Lòng nhân mới là: nói xuôi là “mới là lòng nhân”, nghĩa là lòng tử tế thương người.
Học tiếng: Thương — giúp — tôi tớ — lòng nhân.
Bé đặt câu:
1. Ta chớ nên nghiệt ác với kẻ ………
2. Xin anh ……… tôi việc ấy.
3. Cha tôi hay ……… kẻ yếu hèn.
4. Bà tôi có ………. không xử tệ với người ở bao giờ.
Đáp án:
1: tôi tớ
2: giúp
3: thương
4: lòng nhân
Bé trả lời:
– Sao ta phải thương yêu kẻ tôi tớ?
– Thế nào gọi là người có lòng nhân?
– Làm sao kẻ ăn người ở với mình lại gọi là người phải đày đoạ?
Bé cùng thảo luận:
– Nhà bé có bác/cô giúp việc hay không?
– Bác/cô giúp việc phải làm việc cả ngày, rất mệt nhọc, bé có thương không?
– Khi thấy bác/cô giúp việc làm rất vất vả, bé sẽ giúp đỡ như thế nào?
– Khi thấy bác/cô giúp việc mệt mỏi, bé đừng quên rót nước mời và nói rằng: “Bác/cô nghỉ tay, cháu mời bác/cô uống nước ạ” nhé!
Bản in:
Nội dung: “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, lớp Đồng Ấu, 1935
Trình Bày: Tâm Minh