Kể từ khi phim trường Trung Quốc ra mắt bộ phim “Như ý truyện”, những khán giả trung thành của những bộ phim thuộc thể loại “cung đấu” này luôn luôn theo sát, còn thường xuyên mang ra so sánh với hai bộ phim “Hậu cung Chân Hoàn truyện” và “Diên hy công lược”. Điều được chú ý nhất chính là y phục, cách hóa trang và trang sức của các phi tần trong hậu cung, nhất là những vai nữ chính…
Những năm gần đây, những vai nữ chính trong các bộ phim cung đấu từ người có nội tâm đơn thuần lương thiện đến những người có bụng dạ đen tối, mưu đồ xấu xa đã được khắc họa rất rõ nét phẩm chất, tính cách thông qua những kiểu đầu, cách trang điểm và cả phục trang của họ. Sự biến hóa của những kiểu “lưỡng tử đầu” và “giá tử đầu” của hậu phi thật là tuyệt diệu, sử dụng những trang sức điểm thúy hay hoa khảm khiến cho người xem cảm nhận được vần điệu cổ xưa trong các bức tranh về Thanh triều.
Câu chuyện của những kiểu tóc
Trong phim “Hậu cung Chân Hoàn truyện”, Chân Hoàn lúc đầu khi nhận được sự khen ngợi của hoàng thượng, nàng để kiểu “lưỡng bả đầu” (như hình bên dưới, kiểu tóc này có hai phần tóc được cuốn sang hai bên đối xứng). Trong thời gian này, nàng cũng cố ý che giấu tài năng của mình, vì thế mà chủ yếu chỉ dùng những trâm cài và trang sức rất nhã nhặn, thanh lịch, hay những bông hoa dành dành nhỏ nhắn. Những trang sức này làm nổi bật ra sự mát mẻ tươi trẻ của người thiếu nữ, biểu hiện sự thẹn thùng, nhút nhát một cách tinh tế. Ngoài ra, những trang sức này cũng thể hiện được tâm trạng ngây thơ lúc mới vào cung của Chân Hoàn.
Trong “Như Ý truyện”, lúc Như Ý được gả vào Vương phủ, cũng là kiểu tóc “lưỡng bả đầu”, đeo những trang sức màu xanh lam, lộ ra một tính cách nhân vật không tranh không đoạt, không vội vàng gấp gáp.
Kiểu tóc “lưỡng bả đầu” – Thể hiện sự thanh lịch, tao nhã
Vào đầu triều đại nhà Thanh, “lưỡng bả đầu” là một kiểu tóc rất phổ biến, đó là đem toàn bộ tóc vấn lên đỉnh đầu, sử dụng một cây trâm dài làm khung, đặt ngang đầu, sau đó phân từng nhúm tóc vấn lên cây trâm từng lớp từng lớp, phần tóc thừa ở phía sau được tạo thành đuôi phía trên gáy, như vậy có thể khiến cho cổ của người phụ nữ có cảm giác dài hơn, càng lộ vẻ đoan trang.
“Lưỡng bả đầu” hoàn toàn dùng tóc mà chủ nhân có để vấn, hình dáng xinh xắn, gọn gàng, khó để sử dụng cùng những trang sức vàng bạc đắt tiền, chủ yếu sử dụng trong lối ăn mặc bình thường. Thời đầu nhà Thanh, những vị Hoàng thái hậu hay Hoàng hậu đều chú trọng việc ăn mặc đơn giản, khi đầu vấn kiểu “lưỡng bả đầu” chỉ dùng trang sức là hoa tươi hay nhung, không chuộng dùng châu báu phỉ thúy, cũng là để làm gương cho những cung nữ phi tần trong việc tiết kiệm.
“Giá tử đầu” – Thể hiện sự cao quý hoa lệ
Khi Chân Hoàn nhận được sự sủng ái của hoàng thượng, phong nàng làm Uyển tần, kiểu đầu “lưỡng bả đầu” đã được thay đổi sang “giá tử đầu”, đồ trang sức cài lên tóc cũng đã phong phú hơn. Mặc dù những trang sức châu báu vẫn là những đồ vật có hình thức trang nhã, nhưng lại không còn dáng vẻ ngây thơ như lúc mới vào cung, mà làm nàng nổi bật lên địa vị cao quý. Trong khi đó, nhân vật Hoa phi trong “Hậu cung Chân Hoàn truyện” luôn sử dụng kiểu tóc “giả tử đầu” này cùng với những đồ trang sức hết sức xa hoa, phù hợp với tính cách khoe khoang, ngang ngược của nàng.
Thời kỳ giữa nhà Thanh, các phi tần đều thích sử dụng kiểu tóc “giả tử đầu”. Giai đoạn này trong lịch sử được gọi là “Càn Long thịnh thế” – một niên đại hoàng kim của vua Càn Long; tất cả những trân châu dị bảo từ khắp nơi cả nước không ngừng cuồn cuồn thượng cống đến cung đình, các thợ thủ công làm đồ trang sức tinh xảo không ngừng tiến cung; nên các phi tần thời này khó mà tránh khỏi được sự xa hoa.
Để tạo được kiểu tóc “giả tử đầu”, trước tiên phải có một bộ khung cố định đầu, bộ khung này có thể tùy hình dáng mà phi tần yểu cầu (to nhỏ, cao thấp), sau đó cũng lấy từng phần tóc cuốn lên bộ khung và giữ cố định lại, lần lượt như vậy cho đến khi vấn kín tóc lên bộ khung; cuối cùng dùng một cây trâm lớn để cố định lại toàn bộ. Với bộ khung tóc như vậy thì loại trang sức nào cũng có thể được sử dụng tùy theo sở thích của nữ chủ nhân; thường thì cấp bậc càng cao thì bộ khung này sẽ càng to lớn, đồ trang sức gắn lên đó cũng càng phức tạp.
“Đoàn đầu” phồn hoa tựa như gấm lụa
Sau khi thoát khỏi một loạt các cuộc hãm hại cùng các âm mưu nhắm vào nàng, Chân Hoàn một lần nữa trở về cung để báo thù. Đến thời điểm đó, nàng đã hoàn toàn lột xác, trở nên quả cảm và tàn nhẫn, bụng đầy một rổ mưu tính, khí chất theo đó cũng thay đổi, không chỉ phản ánh ở cách trang điểm đậm hơn, mà những đồ trang sức trên đầu cũng có thể toát ra khí chất đó. Thời kỳ này, Chân Hoàn sử dụng kiểu tóc “đoàn đầu”, kiểu tóc này tượng trưng cho thân phận tôn quý của hậu phi.
Cùng với đó, sự kết hợp trang sức cũng biến hóa khôn lường, đa phần là dùng hồng lam châu báu cùng điểm thúy đuôi phượng. Khi Chân Hoàn lên làm Thái hậu, nàng mặc Minh Hoàng cát phục, trên đầu đội chiếc miện khảm nạm phượng hoàng bằng vàng, thể hiện sự trầm tư, nghiêm nghị của một vị Thái hậu quyền uy.
“Đoàn đầu” là kiểu tóc chủ yếu sử dụng khảm nạm bằng vàng, không giống như bộ khung ở “giá tử đầu”, “đoàn đầu” là bộ khung đã có gắn sẵn tóc, hình dáng như một chiếc vương miện đội lên, sau đó dùng kẹp để cố định trên đầu; nhờ thế mà có thể chịu được những trang sức nặng bằng vàng. Thông thường “đoàn đầu” sẽ cao tầm một thước tàu.
Hoa bằng nhung – trang sức mát mẻ, thanh tao
Phú Sát hoàng hậu trong “Diên hy công lược” tuy là một mẫu nghi thiên hạ, nhưng luôn tôn trọng phong cách đơn giản. Để giảm bớt sự xa hoa lãng phí, nàng thường đưa ra đề nghị với hoàng thượng: “Thần thiếp là hoàng hậu, nhất định phải lấy mình ra làm một người mẫu mực. Thần thiếp sẽ không sử dụng trang sức châu báu và điểm thúy, thay vào đó sẽ sử dụng trang sức bằng hoa cỏ bằng nhung”. Vì thế mà tất cả những đồ trang sức thường ngày của Phú Sát hoàng hậu đều làm từ hoa nhung, mà trang sức này còn toát lên được tính tình hiền thục ôn hòa của nàng. Những hoa nhung ở đây là một loại trang sức hoa giả làm phỏng theo những loài hoa thật, khi nhìn kỹ sẽ thấy từng tầng hoa nhỏ chồng nhau, hình dáng rất ưu mỹ.
Thông thường nguyên liệu được sử dụng để làm hoa nhung là lụa tơ tằm, được dệt và nhuộm bởi tay nghề của thợ thủ công hoàng gia. Màu sắc hoa nhung rất tươi sáng, sống động như thật, phù hợp để sử dụng lâu dài hơn so với hoa tươi. Hiện nay, làm hoa nhung đã trở thành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống lớn nhất tại Nam Kinh. Năm 2006, hoa nhung đã được liệt kê là một di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Giang Tô. Ngoài vẻ đẹp bên ngoài, hoa nhung cũng ngụ ý cát tường như ý, vinh hoa tựa gấm.
Điểm thúy – Sự mài giũa từ thiên nhiên
Trong phim “Diên hy công lược”, nhân vật Cao quý phi là đại diện cho sự xa hoa. Cùng với tính cách ngạo mạn, phách lối của cô là sự xuất hiện của trang sức điểm thúy đầy đầu; điểm thúy vĩnh viễn là trang sức thể hiện sự hoa lệ sang trọng. Ngoại trừ vàng bạc châu báu, nổi bật nhất phải kể đến điểm thúy. Nếu như công nghệ chế tạo trang sức truyền thông là dùng vàng bạc chế thành thì điểm thúy lại lấy nguyên liệu từ lông chim trả. Công nghệ kim loại quý kết hợp với lông chim từ thiên nhiên càng tăng thêm sức mạnh. Điểm thúy lấy lông của chim phỉ thúy (chim trả) làm nguyên liệu thô, cùng với việc sử dụng kim loại bằng vàng, bao quanh bởi mã não, ngọc bích v.v. trang trí đi kèm.
Mặc dù không có độ sáng như các đồ trang sức từ ngọc thạch hay vàng bạc, nhưng điểm thúy lại hàm chứa một ý vị thiên nhiên, là một công nghệ vô cùng tinh xảo, thể hiện một vẻ đẹp kín đáo cùng màu xanh lam đặc biệt. Vì nguyên liệu lông chim phỉ thúy rất phức tạp khi chế tạo, nên trang sức điểm thúy rất quý giá.
Những bộ phim truyền hình dài tập về cung đình với trang phục như vậy đã tỏa ra một tia sáng, tạo cho khán giả một ấn tượng thị giác sâu sắc. Mặc dù vẫn còn một số chi tiết bị thay đổi so với các sự kiện lịch sử, khán giả vẫn có thể cảm thấy được khía cạnh văn hóa cùng nghệ thuật truyền thống thanh lịch từ cổ xưa ở một mức độ nhất định. Đem mỹ học chân chính triều Thanh dung nhập với tình tiết trong phim, từ đó khiến người xem có thể cảm nhận được một phần nền văn minh 5.000 năm của đại quốc Trung Hoa.
Theo sohu.com
Uyển Vân biên dịch