Một người phụ nữ bất hạnh tìm đến lão Thiền sư mong được Ngài chỉ dạy cho bí quyết nhân sinh hạnh phúc.
Lão thiền sư trang nghiêm trong tư thế kiết già, khung cảnh tĩnh lặng chỉ còn nghe tiếng suối chảy róc rách và tiếng lá khô xào xạc.
Thiền sư hỏi: “Xin hỏi nữ thí chủ, điều mà thí chủ đang bảo vệ là gì?”.
Người phụ nữ chau mày suy nghĩ, rồi chắp tay đáp: “Bạch thiền sư, con u mê không hiểu Ngài đang muốn hỏi điều gì”.
Thiền sư mỉm cười, ôn tồn giảng giải:
“Ta hỏi nữ thí chủ về điều mà thí chủ đang bảo vệ, vì điều đó quyết định thí chủ có được nhân sinh hạnh phúc hay không.
Người bảo vệ danh tiếng, thể diện, sĩ diện của bản thân, thì sẽ bực tức, oán hận khi có ai đó hạ nhục, coi thường mình.
Người bảo vệ gia tài, lợi lộc, thì khi bị mất mát tiền của sẽ đau như cắt từng khúc ruột, tranh đấu mãi khiến thân thể hao mòn.
Người bảo vệ sắc đẹp, thì ắt sinh lo buồn ủ rũ khi nhan sắc tàn phai theo năm tháng.
Người bảo vệ tình cảm nam nữ, thì không tránh khỏi thất tình khi bị hờ hững, phản bội.
Người bảo vệ tình cảm thân quyến, thì như ngọn cỏ trước gió, hễ người thân gặp phải chuyện gì thì chính mình cũng không gượng dậy được.
Không biết là, nữ thí chủ đang bảo vệ điều gì trong số đó đây?”.
Người phụ nữ như bừng tỉnh ngộ. Cô nhận ra mình đang bảo vệ và ôm giữ tất cả những điều thiền sư nói. Thì ra, đấy chính là nguyên nhân cho nỗi bất hạnh đeo đẳng suốt cuộc đời cô.
“Bạch thiền sư, cảm tạ ngài khai thị. Vậy con phải bảo vệ điều gì thì mới có nhân sinh hạnh phúc đây?”
Thiền sư mỉm cười, nhẹ nhàng đáp:
“Thứ duy nhất mà thí chủ nên bảo vệ trên đời này chính là đạo đức. Người bảo vệ đạo đức thì không lo sợ khi mất tiền của, vì tiền của mất đi không hao tổn đến đức hạnh của anh ta. Người đó cũng không bực tức khi bị sỉ nhục, không thất vọng khi bị lạnh nhạt, không bất an khi gia đình có chuyện chẳng hay, không lo buồn theo năm tháng, vì sỉ nhục, lạnh nhạt, hoạn nạn và tuổi già cũng không động đến được đạo đức của anh ta. Anh ta sẽ vui vẻ khi được người chỉ ra lỗi lầm, cảm ơn khi bị người bôi nhọ, vì đó là cơ hội tốt để tu dưỡng đức hạnh. Người như vậy chẳng phải là nhân sinh hạnh phúc lắm ư”.
…
Thanh Ngọc