Dân gian có câu: “Cái răng, cái tóc là góc con người”, ý muốn nói đến vai trò quan trọng của răng và tóc đối với sức khỏe và vẻ đẹp. Trong những năm gần đây, tình trạng rụng tóc có xu hướng gia tăng và trở thành nỗi lo của không ít người, kể cả thanh thiếu niên.
Y học cổ truyền quan niệm, rụng tóc thuộc phạm vi các chứng lạc phát, du phong, ban thốc… và được trị liệu bằng nhiều biện pháp khác nhau. Bài viết này xin được giới thiệu một số bài thuốc điển hình để bạn đọc có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.
Quan điểm về chứng rụng tóc trong Đông Y
Theo Đông Y, đây là phần dư ra của huyết, tóc dễ bị rụng thường do khí huyết không đủ hoặc có liên quan đến tạng Thận (Thận tàng tinh, tinh sinh tủy, tủy sinh huyết do đó thận là căn nguyên sinh ra tóc) và tạng Phế (Phế chủ bì mao – da lông), hoặc cũng có thể do khả năng hấp thu tiêu hóa của Tỳ Vị kém. Đông Y cũng coi trạng thái của tóc là một trong những biểu hiện để đánh giá sức khỏe của con người.
Theo bác sỹ Đông y Trần Hiểu Sang tới từ khoa Đông y bệnh viện Trường Canh Đài Loan, khi cơ thể bị hư nhược, tinh huyết hư thì lông, tóc bị suy dẫn đến tóc khô và rụng. Trên lâm sàng, ghi nhận nhiều trường hợp tóc bị rụng thành từng mảng, từng bộ phận hay rụng toàn bộ. Chứng rụng tóc trong Đông y được mô tả bằng những cái tên như Ban Thốc, Mai Y Thốc, Du Phong, Du Phong Độc, Mao Bạt, Phát Lạc, Phát Đọa, Thoát Phát, Bạch Phát…Thông thường mỗi ngày tóc rụng khoảng 100 sợi, nếu vượt quá số lượng trên là biểu thị tạng phủ có vấn đề.
Chứng rụng tóc được Đông Y quy về các nguyên nhân
Do thận hư: Khi thận bị hư dẫn đến tinh hư, không hóa sinh được thành âm huyết khiến cho tóc không được nuôi dưỡng. Kết quả gây nên chứng tóc bạc, khô yếu và rụng tóc.
Do tạng phế bị tổn hại: Phế chủ khí, phế vượng giúp tân dịch và khí huyết lưu chuyển, nuôi dưỡng các cơ quan, phủ tạng trong đó có tóc. Do đó, nếu phế bị tổn hại thì tóc sẽ khô yếu và gãy rụng.
Do huyết ứ: Khí huyết bị ứ trệ thì không vào được để nuôi dưỡng chân tóc dẫn đến tóc gãy rụng.
Do huyết nhiệt: Do ăn thức ăn cay nóng hoặc tinh thần uất ức (stress) hóa hỏa, dẫn đến khí huyết bị tổn hao hoặc can mộc hóa hỏa gây tổn hại âm huyết hoặc huyết nhiệt sinh phong đều làm chân tóc không được huyết nuôi dưỡng.
Do huyết hư: Tóc được huyết nuôi dưỡng. Vì vậy, nếu khí huyết suy yếu thì tóc sẽ không được nuôi dưỡng, tóc sẽ rụng.
Do thất tinh: Tinh sinh tủy, tủy sinh huyết. Do đó nếu thất tinh quá nhiều thì sẽ làm hao tổn đến âm huyết, dẫn đến tóc bị gãy rụng
Vậy có những bí quyết nào để hỗ trợ giảm tóc rụng?
Bài thuốc điều trị rụng tóc bí truyền trong hoàng cung từ thời nhà Thanh
Trước tiên là bí quyết trong hoang cung của các hoàng hậu công chúa thời xưa. Từ Hy thái hậu là một người ưa thích làm đẹp, chăm sóc da và tóc. Bởi vậy các ngự y trong triều đình đã đặc biệt chuẩn bị cho bà ba bài thuốc kỳ diệu có thể hỗ trợ điều tiết ngăn ngừa rụng tóc.
* Cúc hoa tán
Đây là bài thuốc có xuất xứ trong Y dược điển tịch ‘ngự dược viện phương’, chuyên áp dụng cho các loại chất tóc nhiều dầu, dễ gãy rụng.
Nguyên liệu: Cúc hoa khô, Man kinh tử, Trắc bá diệp, Xuyên khung, Tang bạch bì, Bạch chỉ, Tế tân, Hán liên thảo.
Cách làm: Sắc nước, lọc bỏ bã để gội đầu
Trong bài thuốc này, Cúc hoa có thể khu phong nhiệt, hỗ trợ loại bỏ một số chứng nhiệt ở đầu, mặt, tóc hiệu quả. Tế tân vào Thận kinh, Trắc bách diệp, Hán liên thảo có tác dụng bổ huyết. Đồng thời Cúc hoa tán còn có thể hỗ trợ giúp tóc trở nên đen bóng.
* Mân đầu phương
Thích hợp cho mọi loại tóc.
Nguyên liệu: Cúc hoa, Nha tạo, Bạc hà, Kinh giới tuệ, Hương bạch chỉ, Bạch cương tằm, Hoắc hương diệp, Linh lăng hương.
Cách làm: Đun sôi các vị thuốc trên rồi để nguội, cho thêm băng phiến làm thành nước chải tóc. Khi xoa vào đầu có thể dùng lược nhúng vào nước và chải đầu.
Trong bài thuốc này, Nha tạo* là vị thuốc đặc biệt nhất. Thời xưa, đây là dược liệu được dùng làm xà bông, bởi khi đun trong nước có xuất hiện bong bóng và có tác dụng làm sạch. Nói một cách tổng thể, bài thuốc có cả dược liệu phong hàn, phong nhiệt nên thích hợp với mọi chất tóc.
* Bài thuốc ngăn rụng tóc
Tác dụng: Hỗ trợ giúp tóc bóng mượt và không bị gãy rụng.
Nguyên liệu: Phỉ tử 3 quả, Hồ đào (hay quả Óc chó) 2 quả, Trắc bách diệp 30g
Cách làm: Ba vị thuốc giã nát, ngâm nước để chải đầu
Bài thuốc phù hợp nhất với người thể chất táo nhiệt, da đầu nhiều dầu nên thường dễ rụng tóc vào mùa hè và mùa thu. Ngoài ra Hồ đào có thể bổ Thận, bổ huyết, Trắc bách diệp bổ huyết, Phỉ tử có thể kiện Tỳ. Nếu không có Phỉ tử có thể dùng Nam qua tử thay thế.
* 2 bài thuốc gội đầu ngăn ngừa tóc rung
Những bài thuốc bí truyền trong hoàng cung thường rườm rà phức tạp và khó thực hiện. Trong dân gian có những cách ngăn rụng tóc vừa đơn giản lại dễ thực hiện, dưới đây là hai bài thuốc chỉ cần dùng 1 loại dược liệu cũng có thể hỗ trợ răn rụng tóc hiệu quả:
1. Dùng bột trà xanh thay thế dầu gội đầu
Trước đây khi chưa có nước rửa chén, người xưa thường xuyên dùng bột trà bởi nó có công dụng loại bỏ dầu tương đối mạnh. Dùng bột trà gội đầu có thể cải thiện tình trạng rụng tóc, còn hỗ trợ làm tóc trơn bóng khỏe mạnh. Bài thuốc thích hợp với những người tóc nhiều dầu đặc biệt là chất tóc nhiều dầu ở nam giới.
2. Nước Trắc bách diệp
Lấy 30g Trắc bách diệp khô ngâm nước và đun 30 phút rồi để nguội rồi gội đầu, có thể điều trị vấn đề rụng tóc hiệu quả. Ngoài ra, uống nước của loại dược liệu này cũng có thể giảm tóc rụng hiệu quả. Trắc bách diệp tính hàn, có thể bổ huyết, thanh nhiệt. Nếu ngứa da dầu, hoặc bị rụng tóc do viêm da tính dầu cũng có thể dùng bài thuốc này.
Dùng gừng tươi sát vào đầu có thể mọc tóc không?
Dân gian thường lưu truyền phương pháp: “Dùng lát gừng tươi chà sát vào nơi bị hói nhiều lần có thể ngăn rụng tóc và hỗ trợ mọc tóc”. Đây là phương pháp có thể hỗ trợ mọc tóc hiệu quả bởi gừng tươi có tác dụng kích thích lông tóc mọc hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến nghị sử dụng phương pháp này, bởi áp dụng cách kích thích này tóc thường rất yếu; hơn nữa gừng có tính kích thích mạnh, gây tổn thương da đầu ở một số người. Bởi vậy, nên tự căn cứ vào tình hình bản thân để sử dụng hai phương pháp nêu trên.
Theo Epochtimes tiếng Trung
Kiên Định
Chú thích: (*) Tại Việt Nam, vị thuốc Nha tạo có thể thay thế bằng Bồ kết có tác dụng tương đương.