Sau chuỗi ngày giảm thê thảm, giá thanh long chong đèn bắt đầu nhích lên, dao động từ 5.000 – 8.000 đồng/kg.
Ngày 12/10, tại vùng trồng thanh long ở Bình Thuận, nhiều người dân vẫn dang tiếp tục chặt bỏ hàng chục tấn thanh long quá lứa.
Chia sẻ trên VOV, chị Nguyễn Thị Hiền (ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) vừa chặt hơn 20 tấn quả chín quá lứa cho hay: “Giờ này, chờ thương lái tới mua, chờ không nổi nữa. Trái hư hết nên phải chặt bỏ xuống, mất trắng không có đồng nào. Giờ phải làm lại, mà làm lại cũng bếp bênh, phập phồng”.
Không riêng gì chị Hiền, hầu hết các nhà vườn đầu tư cho lứa cuối vụ này đều chung hoàn cảnh như vậy. Trong vòng nửa tháng qua, giá thanh long giảm thê thảm xuống còn 500 đồng/kg. Giá xuống quá thấp, nhiều thương lái cũng phải bỏ cọc để giảm thua lỗ.
Chị Tạ Thị Bích Loan, chủ vựa thu mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết báo SGGP, giá trái thanh long bắt đầu sụt giảm từ sau ngày rằm tháng tám năm 2018 cho đến nay. Mỗi ngày thanh long rớt hai giá, có lúc chỉ còn 500 đồng/kg nhưng cũng không thể mua vì hàng quá nhiều.
Tại vườn thanh long nhà ông Trần Ngọc Chưởng ở thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp, toàn bộ 3 tấn thanh long chín đã bị xả sạch xuống đất.
Sau khi xả sạch lứa hàng mùa cuối vụ, trên các cánh đồng thanh long chỉ còn nguồn hàng của lứa chạy điện nghịch vụ sớm. Do vậy, giá thanh long bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ.
Hàng điện mẫu mã đẹp xuất khẩu, còn gọi là hàng VIP, có giá thu mua 8.000 đồng. Còn lại hàng điện bình thường cũng nhích lên được mức từ 5.000-6.000 đồng/kg.
Các chủ vựa dự đoán trong những ngày tới, giá thanh long sẽ tăng trở lại theo quy luật cung cầu. Hễ nguồn hàng khan hiếm, thị trường sẽ tự điều chỉnh giá tăng.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân khiến giá thanh long rớt giá thê thảm trong thời gian qua là do sản lượng thanh long quá cao, thu hoạch cùng thời điểm, vượt khả năng thu mua của các doanh nghiệp. Mặt khác, các đối tác Trung Quốc thu mua thanh long cũng chững lại là nguyên nhân chính dẫn đến giá thanh long giảm mạnh.
(Tổng hợp)