Đại Kỷ Nguyên

Đội quân ‘bất khả chiến bại’, hùng mạnh bậc nhất lịch sử của người Hy Lạp

Những chiến binh Hy Lạp thiện chiến nổi danh trong lịch sử với võ công và ý chí phi thường. Xoay quanh cuộc đời binh lửa của họ quả thực có rất nhiều chuyện thú vị.

Chiến binh hạng nặng Hoplite

Cùng với sự tăng trưởng dân số, phục hồi kinh tế, từ khoảng năm 750 TCN, người Hy Lạp cổ bắt đầu mở rộng, thiết lập thuộc địa về mọi hướng. Tới thế kỷ thứ 6 TCN, người Hy Lạp đã liên tục mở mang cương vực, tạo nên một cộng đồng có chung văn hóa và ngôn ngữ rộng lớn, trải dài từ châu Âu, châu Á tới châu Phi, bao bọc Địa Trung Hải.

Trong quá trình mở rộng và bảo vệ lãnh thổ, người Hy Lạp cổ đã sáng tạo ra chiến thuật Phalanx (còn gọi là “Phương trận”) với cốt tủy là những chiến binh mang giáp “Hoplite”. Họ là những dân binh thuộc tầng lớp trung, thượng lưu, sẵn sàng tham chiến khi cần thiết. Hầu hết những nhân vật nổi tiếng ở Hy Lạp cổ đều từng tham chiến trong vai trò một chiến binh Hoplite. Do đó, chiến binh Hoplite trở thành biểu tượng của sức mạnh và quyền lực của người Hy Lạp cổ. 

Vũ khí quan trọng nhất của chiến binh Hoplite là cây giáo dài khoảng 1,8 – 3m. Để tăng hiệu quả áp chế, có lúc người ta còn dùng giáo dài tới 5,5m. Cùng với mũi giáo thép là 1 lưỡi qua bằng đồng gắn ở cán giáo, được dùng như vũ khí thứ cấp khi mũi giáo bị gẫy và gia cường dàn giáo chống đất khi bị kỵ binh tấn công.

Chiến binh Hoplite trở thành biểu tượng của sức mạnh và quyền lực của người Hy Lạp cổ. Ảnh: emaze.com

Khi tấn công, chiến binh tay phải cầm giáo trên vai, tay trái cầm khiên. Khiên tròn làm bằng gỗ được bọc đồng thau sáng loáng và gia cố thêm bằng da với đường kính đủ để che kín nửa dưới mặt tới đầu gối, trọng lượng khoảng 6kg. Trong trường hợp thua trận, để tiện bề tháo chạy, tấm khiên sẽ bị vứt bỏ đầu tiên. Cũng bởi thế, nỗi ô nhục lớn nhất của chiến binh Hy Lạp cổ là để mất tấm khiên.

Ngoài tấm khiên chắn cầm trên tay, các chiến binh còn được trang bị giáp che ngực bằng đồng, một trụ (mũ) đồng có tấm che má, cũng như giáp che ống chân và những trang bị bảo vệ khác. Họ còn có thêm một đoản kiếm sử dụng như vũ khí dự bị, dùng khi vỡ trận và phải đánh giáp lá cà. Tổng trọng lượng của tất cả các trang thiết bị lên tới 23 – 27 kg đem lại uy thế vượt trội cho các chiến binh trước các địch thủ trang bị thô sơ tự phát. 

“Phương trận” Phalanx của giáp binh hạng nặng

Phương trận giáp binh nặng (Hoplite Phalanx) rất hữu hiệu trong khi phòng thủ hoặc đàn áp, tấn công những địch thủ ô hợp, trang bị thô sơ. Phương trận là dạng đội ngũ hình chữ nhật. Những binh sĩ đi hàng đầu sẽ giương cao ngọn giáo sắc bén tạo nên bức tường giáo mác tua tủa không thể thâm nhập. Chiến binh cầm khiên tay trái che chắn quả tim mình, đồng thời có thể che phần bên phải của đồng đội.

Địch thủ không thể tấn công họ trực tiếp cũng như không thể phóng lao từ xa. Họ giống như một bức tường đồng kiên cố. Yếu điểm lớn nhất không được “bọc đồng” của phương trận là cánh phải và phía sau đội hình.  Những chiến binh kinh nghiệm nhất thường được xếp bên cánh phải để khắc phục yếu điểm này. Nếu những điểm yếu này trụ vững thì phương trận như “thành đồng bất hoại”. Các chiến binh phải học cách chiến đấu cùng nhau, tin tưởng nhau bằng mạng sống của mình. 

Chiến thuật hiệu quả của người Hy Lạp đã được nhiều quốc gia học hỏi, đem vào ứng dụng ở những mức độ khác nhau với những cải tiến ngày càng hoàn thiện hơn. Quân Macedoniaquân La Mã, những đạo quân hùng mạnh bậc nhất lịch sử đều xây dựng lực lượng dựa vào đội hình Phalanx của Hy Lạp. 

Người Macedonia thậm chí còn tăng gấp đôi độ dài của giáo, tạo nên những mũi nhọn tua tủa như gai nhím. Vào những năm 300 TCN, chính hoàng đế Alexander của Macedonia đã dùng đội hình này để chinh phục cả thế giới. Còn người La Mã thì cải tiến đội hình Phalanx thành đội quên Lê dương (Legion) hùng mạnh, chiếm cả vùng Địa Trung Hải, mở mang ra cả 3 châu Âu, Á, Phi.

Chiến công hiển hách

Chiến công oai hùng nhất của các chiến binh Hoplite là trận Marathon. Mùa thu năm 490 TCN, đế chế Ba Tư tiến hành cuộc xâm lược Hy Lạp lần thứ nhất. Đây là trận chiến không cân sức giữa 11.000 quân Hy lạp mang tôn chỉ “chết tự do hơn sống nô lệ” với 72.000 quân Ba Tư thiện chiến.

Quân Hy Lạp lập phương trận với mặt cắt chính diện khoảng 1200m, sâu khoảng 8 hàng quân, bố trí dày ở 2 cánh. Quân Ba Tư ỷ mạnh đánh tràn. Khi còn cách nhau khoảng một tầm tên, quân Hy Lạp nghe tiếng kèn xung trận rùng rùng chuyển động, cả một khối “thành đồng” với rừng giáo mác tua tủa xông thẳng vào đối phương.

Trận chiến không cân sức giữa 11.000 quân Hy lạp mang tôn chỉ “chết tự do hơn sống nô lệ” với 72.000 quân Ba Tư thiện chiến. Ảnh: history.com

Sau cú va chạm tóe lửa là cảnh chiến trường đầy sát khí, tiếng la hét vang trời dậy đất. Có lúc tưởng như trận tiền của phương trận Hy Lạp không trụ nổi trước sự công phá như sóng vỡ bờ của đội quân thiện chiến Ba Tư. Hàng ngũ quân Hy Lạp trở nên rối loạn, trận tiền bị chọc thủng. Quân Ba Tư theo đó tràn vào cắt phương trận làm đôi.

Đúng lúc ấy, một hồi kèn trận vang lên, trung quân Hy Lạp chỉnh đốn hàng ngũ, khiên kề khiên, giáo sát giáo thành một bức tường đồng chặn đứng làn sóng tấn công. Đồng thời quân 2 bên cánh chuyển hướng như 2 tấm “thành đồng” ép lại. Quân Ba Tư dưới quyền chỉ huy của Datis và Artaphernes trong “chiếc máy ép thịt” vẫn chiến đấu rất dũng mãnh. Những hàng quân ở phía sau vẫn tiếp tục bắn từng loạt tên qua đầu đồng đội để yểm hộ cho phía trước phản kích.

Quân Ba Tư gan dạ lao vào giữa rừng giáo nhọn của đối phương đánh giáp lá cà, cố phát huy lối đánh sở trường của mình. Nhưng mọi cố gắng đều thất bại, quân Ba Tư bị ép từ 3 phía, thương vong mỗi lúc một tăng. Hàng ngũ rối loạn, họ bắt đầu hoang mang dao động, cuối cùng tan vỡ. Trước thất bại không sao cứu vãn nổi, Datis và Artaphernes cho quân rút chạy về phía biển.

Quân Hy Lạp đuổi theo truy kích nhưng trang bị quá nặng khiến họ không thể vận động linh hoạt được. Đuổi theo quân Ba Tư được khoảng 1500m thì Miltiades buộc phải cho quân dừng lại để chỉnh đốn đội ngũ. Quân Ba Tư (phần lớn là bộ binh nhẹ và kỵ binh) đã kịp xuống thuyền và tẩu thoát. 

Phương trận với giáp binh nặng là nòng cốt của quân Hy Lạp. Mặc dù vẫn còn những nhược điểm và hạn chế nhưng nhờ áp dụng chiến thuật và địa hình khéo léo, người Hy Lạp đã chiến thắng vang dội. Họ chỉ tổn thất 200 quân và tướng chỉ huy cánh hữu Callimachus, trong khi đó quân Ba Tư tháo chạy để lại 6400 tử sĩ và 7 tàu chiến. 

Kể từ sau trận Marathon, mô hình phương trận với giáp binh nặng nhanh chóng được nhân rộng ra toàn cõi Hy lạp. Các chiến binh Hoplite dần dần trở thành một giai tầng thống trị mới của xã hội cổ Hy Lạp, đặt nền tảng cho một kỷ nguyên mới. 

Quá trình nổi lên nắm quyền lực của tầng lớp chiến binh Hoplite

Sau khi phương trận với giáp binh nặng trở nên phổ biến ở các thành bang Hy Lạp cổ, các chiến binh dần dần trở thành giai cấp lãnh đạo mới của xã hội. Rõ nét nhất là ở thành bang Sparta. Ở đây, giai tầng mới này trở thành quân nhân chuyên nghiệp và xã hội được điều hành bởi lưỡng Vương cùng hội đồng 28 thành viên tướng lĩnh thông qua bỏ phiếu biểu quyết.

Những thành tích trong quân ngũ chính là vinh dự của đàn ông Sparta. Các chú bé 6 tuổi bắt đầu chương trình huấn luyện thiếu sinh quân, chủ yếu tập trung vào đội hình, thế trận, chiến thuật. Xuyên suốt tới năm 13 tuổi là các bài tập, huấn luyện, giáo dục lòng trung thành với quê hương. Tới năm 18 tuổi, họ tham gia quá trình huấn luyện dưới vai trò giáo viên, trợ giáo. Tới năm 20 tuổi, họ được điều đến các đơn vị và trở thành một phần của cỗ máy chiến tranh.

Được hướng nghiệp từ nhỏ nên các chú “gà nòi” Sparta chính là những chiến binh xuất sắc nhất trong lịch sử. Tuổi trung niên, từ 30 đến 60, trách nhiệm của quý ông Sparta là lập gia đình và duy trì giống nòi. Ngoài 60 tuổi, bạn có thể từ giã chiến trường, yên hưởng hạnh phúc hoặc tiếp tục tranh giành một trong 28 ghế của hội đồng bang.

Với sự gia tăng quyền lực của giai cấp Hoplite, họ dần dần trở thành một thế lực chính trị bất chấp sự không “bằng lòng” của tầng lớp quý tộc. Sức mạnh nơi chiến trường cũng phát huy nơi chính trường. Tầng lớp Hoplite tiến hành thao túng việc bố trí các vị trí quyền lực mà từ đó thay đổi văn hóa, xã hội của toàn Hy Lạp cổ. Thời kỳ đó ngoài tính cá nhân và sự bất đồng, các thành bang Hy Lạp đều nhất trí duy trì sức mạnh của các quân đoàn Hoplite như một sự đảm bảo sinh tồn của mình. 

Với sự gia tăng quyền lực của giai cấp Hoplite, họ dần dần trở thành một thế lực chính trị bất chấp sự không “bằng lòng” của tầng lớp quý tộc. Ảnh: kul.vn

Tư tưởng chủ đạo của người Hy lạp cổ là thuyết nguyên tử “atomos”. Từ này cũng vừa có nghĩa là tự do, cá nhân. Vì vậy dù là một khu vực rộng lớn bao bọc Địa Trung Hải, trải dài cả 3 châu lục Âu, Á, Phi cùng văn hóa, cùng ngôn ngữ nhưng Hy Lạp không thống nhất thành một đế chế. Với phương trận giáp binh Hoplite, người Hy Lạp cổ đã học được cách phát huy sức mạnh tập thể, tạo thành một mối liên kết khăng khít “thành đồng bất hoại” của các atomos, mở đường cho việc thực hiện an bài của Tạo hóa hủy diệt đế chế Ba Tư. 

Thời thái cổ, Hy lạp là một nền văn minh Thần truyền. Sinh hoạt của Thần, Á Thần, Nhân Thần và thường dân hòa quyện, kết tinh thành những thiên anh hùng ca bất hủ. Tới thời kỳ chiến tranh thành Troy, đạo đức tinh thần của xã hội đổ dốc, vì lợi ích cá nhân người ta bất chấp luân thường đạo lý. Rất nhanh sau đó, nền văn minh rực rỡ Mycenaean, Hy Lạp đột ngột biến mất để lại bao nghi vấn cho hậu thế.

Khi kiếp nạn giáng xuống, phần lớn dân số bị đào thải, thiểu số sống sót tản mát ở đồi núi sau gần 400 năm mới phục hồi trở lại. Trong thời kỳ tăm tối này, cư dân Hy Lạp thường phải đối chọi với các cuộc cướp bóc của các bộ tộc thù địch. Khi giặc đến sẽ luôn có những anh hùng dân tộc đứng lên lãnh đạo quần chúng chống lại ngoại xâm.

Dần dần những chiến binh tự phát này học cách phối hợp tác chiến, trở nên chuyên nghiệp hơn, trang thiết bị chuẩn mực hơn, khả năng sinh tồn cao hơn. Họ đã hình thành một giai tầng mới của xã hội đồng thời với sự hưng thịnh của các thành bang Hy Lạp cổ. Đó có thể coi là những trang sử đầu tiên về những chiến binh Hoplite nổi danh sử sách.

Nguyễn Tuấn Dũng
Nguyên Cơ trưởng hãng hàng không quốc tế Qatar Airways

Exit mobile version