Người phụ nữ vốn đã có thiên chức làm mẹ, ai cũng cần làm người mẹ tốt, vậy mà có người vẫn vì mình mà phá thai, cũng không suy nghĩ sâu xa về việc ấy. Có người thậm chí vì giữ thể diện, vì hạnh phúc của mình, vì sợ ảnh hưởng đến người khác… mà còn cổ súy cho việc phá thai. Thực ra người mẹ thì tuyệt đối không nên làm việc thất đức ấy…

Na đang ngồi đan phên nứa bên bờ sông, mặc dù đôi tay vẫn đan thoăn thoắt nhưng trong tâm cô lại đang dậy sóng, đau đớn vô cùng.

Na vừa mới chịu hai cái tang lớn của chị gái và của người yêu, cả hai đều đã xa rời cô mãi mãi trong một tai nạn chìm đò thảm khốc trên khúc sông này! Chưa hết, Na còn đang phải đối mặt với một vấn đề sinh tử trọng đại! Chỉ một phút mềm lòng mà cô đã trót mang thai trước, cái thai đang lớn dần lên từng ngày từng ngày. Mấy hôm trước anh trai của cô biết chuyện, vì muốn để giữ thể diện gia đình, vì muốn cho tương lai em mình về danh nghĩa là trong sạch để còn dễ lấy chồng nên đã kiên quyết bắt cô phải phá bỏ.

Cô vật lộn trong đau khổ xót xa, lòng dạ rối bời, những đau khổ cô gánh chịu lớn quá mức, không thể tưởng tượng nổi đối với một cô gái thôn quê. Phải phá thai! Những câu từ ấy như mũi dao đâm vào trái tim cô, không biết phải làm thế nào!

“Nó có tội tình gì đâu mà phải phá nó? Hủy hoại nó giống như tự mình quyết định giết con vậy, ôi tội nghiệp một sinh linh bé bỏng! Còn giữ lại thì thành gái chửa hoang, con mình sẽ thành con hoang, liệu rồi có thể sống được với đe búa dư luận của người ta nơi thôn quê này không? Nếu giữ lại thì cuộc đời mình rồi không biết sẽ ra sao, nhà nghèo kiếm không đủ miếng ăn, không biết lấy gì nuôi con? Mà bản thân mình liệu có thể biết cách làm mẹ tốt không? Giữ lại cũng có nghĩa là mình rất khó có thể lấy chồng nữa rồi, cuộc đời coi như chấm hết rồi sao?”

Cô tự trách mắng mình thậm tệ, nếu tự đánh được mình thì cô đã đánh rồi. Một cuộc phán xét giằng co quyết liệt trong nội tâm. Một bên là tự bào chữa cho mình, một bên khách quan phán xét.

Cô vật lộn trong đau khổ xót xa, lòng dạ rối bời, những đau khổ cô gánh chịu lớn quá mức, không thể tưởng tượng nổi đối với một cô gái thôn quê.(Ảnh minh họa: sendscraps.com)

Quyết định phải thoát ra khỏi mớ bòng bong của đám tâm tư rối loạn, khi bình tâm xuống và suy xét kĩ hơn về vấn đề mình đang gặp phải, Na ân hận nghĩ:

“Tai họa này do mình tuổi trẻ nông nổi, không nghĩ thấu đáo, mà cũng tại lúc ấy mình coi nhẹ luân thường đạo lý, coi nhẹ việc nam nữ thụ thụ bất thân. Xã hội cũng cổ súy cho việc ấy, kiểu như tình yêu hết mình là phải có tình dục, phóng túng tình dục, tranh ảnh, phim truyện đều phải gắn với cảnh tình yêu có chăn gối. Hậu quả này do chính mình buông thả dục vọng, lại bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những phim ảnh văn hóa phóng khoáng ấy.”

Khi yêu Na thấy không có tội lỗi gì, nghĩ là thật lòng yêu thì phải dâng hiến cho nhau, giờ mới thấy hối tiếc. Than ôi, hối hận cũng đã muộn, cái giá phải trả với mình quá sức chịu đựng, Na tưởng tim mình sắp vỡ ra đến nơi rồi.

***

Nhà Na ngay sát sông Hồng ngoại thành Hà Nội, quê ấy đất chật người đông, nhà nông thôn nhưng rất chật không có vườn như các quê khác. Nhìn bề ngoài thì có vẻ là ngôi làng giàu có, nhưng thực ra hầu hết là nhà nghèo. Cả cái thôn hơn trăm hộ dân này số nhà giàu chỉ đếm trên đầu ngón tay, đó là mấy nhà buôn gỗ, làm đồ mộc hoặc nhà có người đi lao động nước ngoài. Còn lại những người nghèo thì cũng cố tích cóp rồi vay mượn thêm để làm cái nhà xây, lợp ngói cho bằng anh bằng em. Na cũng có một cái gọi là nhà, nhờ anh trai và chị gái chia đất và góp sức xây cho, vừa bé vừa đơn sơ nhưng cũng đủ để che mưa che nắng.

Nhà Na nghèo lắm. Bố mẹ mất sớm, để lại ba anh em mồi côi mồ cút rau cháo nuôi nhau cho qua ngày, cậu anh lớn cô khi ấy còn chưa đến 10 tuổi. Ngay từ những ngày còn nhỏ, ba anh em cô đã phải làm đủ các việc lao động chân tay cực nhọc để tự kiếm sống trên đê. Họ làm bốc vác tre nứa từ bè lên đê, hoặc từ bãi chứa lên xe ô tô để chở đi các nơi, khi thì chẻ nứa đan phên, làm mành tre mành nứa, không thì lại chẻ lạt, làm chổi tre… chăm chỉ lao động quần quật từ sáng sớm đến tối mịt, đầu tắt mặt tối mà không lo nổi cái ăn cái mặc.  

Cuộc sống của Na cũng giống như hầu hết người dân nơi đây, mọi sinh hoạt đều diễn ra ở bên sông Hồng. Mỗi tối Na phải gánh mấy chục gánh nước sông đổ vào cái chum sành to tướng chứa nước ăn cho cả nhà, từ dưới lòng sông đi chân đất leo dốc mấy chục mét vượt lên đê rồi lại xuống đê, những hôm trời mưa đường trơn trượt lắm, có lần Na ngã lăn, trôi dốc cả người cả thùng nước xuống sông.

Na nhớ, ngày ấy mỗi khi đi làm về, ba anh em lại chia nhau mỗi đứa mỗi việc. Chị gái đi nhặt lá bàng, vỏ cây, cành cây, đầu mẩu gỗ thừa về nấu cơm – vì nhà không có rơm để đun bếp. Na thì ra bãi ven sông hái rau dền dại, rau sam, rau tàu bay, rau má… về nấu canh. Anh cả thì thường đi câu cá, kéo vó, đặt hom bắt tôm cá ven sông. Hôm nào bắt được tôm cá thì có cái ăn, hôm nào động trời không có cá thì chỉ có cơm với canh rau dại nấu muối trắng.

Tuổi thơ cô gắn với con sông Hồng – mạch nguồn cung cấp cho người dân làng cô nào rau, nào cá tôm, nước sinh hoạt… Đó còn là công viên giải trí, là nơi hội tụ chuyện trò buổi tối của cả xóm.

Sông Hồng cũng cung cấp nguồn sống chủ yếu cho họ từ rau, tôm cá, nước ăn. Đê sông Hồng còn là công viên giải trí, là nơi tụ hội chuyện trò buổi tối của cả xóm. (Ảnh minh họa: wikimapia.org)

Những tối sáng trăng cô ngồi trên đê với ước mơ về tương lai vươn lên bầu trời cao vời vợi nơi có các vị Tiên, các vị Thần Phật, Bồ Tát có thể thấu hiểu những nỗi khổ và mong muốn của chúng sinh. Đó cũng là nơi mà cô nghĩ rằng cha mẹ đang luôn dõi theo các con mình.

Ước mơ của cô xuôi theo dòng nước chảy về với Hà Nội rực rỡ ánh đèn lung linh của phồn hoa đô hội. Bến sông ấy đầy ắp bao kỷ niệm, tạo ra nhân cách của những người dân quê; cô tự hào về nó.

Cô không xinh nghiêng nước nghiêng thành nhưng có duyên đằm thắm, lại là người hiền lành, thật thà, chất phác. Cô hiền lành đến nỗi không dám làm hại đến một con kiến, không dám làm việc xấu, thương người và hay giúp đỡ người khác. Cả làng ai cũng yêu quý, thương cô.

Na nhớ lại mối tình đầu, có một anh ở xóm trên đã đem lòng yêu mến, tỏ tình với cô. Cô hạnh phúc, sung sướng dành hết trái tim trân quý của mình cho tình yêu. Ở bên sông Hồng này tình yêu không phân biệt tuổi tác, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, không phân biệt hình thức đẹp xấu. Yêu là không bị chi phối bởi bất cứ điều kiện gì. Thậm chí cô còn nghĩ người nghèo chỉ cần có trái tim đẹp thì sẽ có một tình yêu lãng mạn.

Anh mê mẩn vì cô nói chuyện hay, lôi cuốn, thu hút. Lúc đầu anh không để ý đến cô, nhưng qua một đôi lần nói chuyện trên đê, anh bắt đầu tò mò. Anh chưa từng gặp ai như thế, có vẻ như mọi chuyện trên đời này Na đều biết. Thậm chí Na còn có khả năng tả phố cổ Hà Nội hay hơn người ở phố cổ, tả về Moscow hay hơn người đi Nga về. Nói về chuyện gì Na cũng như người trong cuộc. Giọng nói hấp dẫn, gương mặt thật thà dễ mến càng làm hấp dẫn người nghe.

Cuối cùng thì tình yêu sâu đậm đã có kết quả. Anh nhà cũng nghèo không còn cha mẹ, hai bên anh chị thay mặt cha mẹ nói chuyện với nhau, hẹn ngày lành tháng tốt sẽ có cơi trầu sang đặt lễ ban thờ để cấn cáo thần linh và họ tộc hai bên. Các anh chị hai bên cũng thống nhất do không có điều kiện tổ chức hôn lễ trang trọng, nên chỉ có mâm cơm thắp hương và gặp gỡ thân mật giữa hai nhà để chúc mừng hạnh phúc hai em.

Ngày về ở với nhau sắp đến, cả hai hạnh phúc ngất ngây dù họ không có điều kiện chuẩn bị về vật chất, không dự định mua thuê váy cưới, không mua quần áo mới, không mua nhẫn, không thuê chụp ảnh… Nhưng trong tưởng tượng họ đã nghĩ ra đủ thứ, đủ mọi nghi lễ cho hôn lễ trong mơ.

Quả là hai người tâm đầu ý hợp, một cặp đôi trời se duyên, họ có thật nhiều dự định chung lớn lao. Họ mơ ước đi vào lập nghiệp ở đất rừng phương Nam, nơi thiên nhiên ưu đãi rất dễ sống. Họ cũng đặt nhiều kỳ vọng cho đứa con đang lớn dần trong bụng của họ và quyết sẽ lao động hết sức mình để có thể nuôi con khôn lớn, được ăn học đàng hoàng. Anh hạnh phúc dự định đặt tên tục dễ nuôi cho con là Bống. Hai vợ chồng háo hức với những dự định, đếm ngược từng ngày, chỉ chờ đến ngày lành đã hẹn ước của hai nhà.

Nhưng mọi chuyện diễn ra đều không như con người ta kỳ vọng…

Hôm ấy, cô đang ngồi đan phên ở rệ đê, nhưng trái tim thì đang ở bên bãi bồi giữa sông Hồng nơi anh đang gieo đỗ.

Chợt nghe thấy tiếng kêu to thất thanh: “Ới bà con, chìm đò rồi, cứu cứu!” Ngay tức thì cô cùng những người làm ở đó quăng đồ, lao xuống bờ sông. Na nhìn thấy ở giữa dòng nước xiết là con thuyền chị gái cô chèo đưa người đi làm về từ bên bãi bồi. Nó đang chìm dần, hàng chục người đang chới với, giơ tay cầu cứu. Vì thuyền ở giữa sông, lại đang mùa nước lũ, nước chảy cuồn cuộn rất hung dữ. Một vài người nhảy xuống nhưng nước mạnh quá phải quay lại, vài người bình tĩnh hơn thì vội chặt neo con thuyền đậu gần đấy, kêu gọi những người biết bơi khỏe mạnh lên thuyền lao ra giữa dòng nước cứu người.

Nhưng than ôi, thuyền cứu nạn chưa ra đến nơi thì dòng nước đỏ nặng phù sa ấy đã nuốt chửng cả chiếc thuyền và mấy chục nông dân nghèo vào lòng nó. Mọi nỗ lực cứu hộ đều không thành… Tai nạn sông nước ở đây xảy ra thường xuyên, nhưng đây là vụ lớn nhất từ xưa đến nay, toàn là lao động chính của các gia đình nghèo khó… Hôm ấy đau thương tang tóc bao trùm cả cái làng nghèo, người ta thắp đuốc sáng rực cả quãng sông, dùng lưới quét để rà tìm các nạn nhân.  

Cô ngất xỉu ngay tại chỗ khi thấy chị gái và chồng sắp cưới của mình được vớt lên. Người chị gái xấu số giống như mẹ đã chăm sóc chị từ thuở nhỏ, hai chị em thân thiết đến nỗi có thể linh cảm biết người kia đang nghĩ gì, cần gì. Kể từ khi mẹ mất, thì đây là đau khổ lớn lao mà chị khó có thể vượt qua được.

Còn anh, chỉ còn ít ngày nữa thì họ sẽ chính thức là vợ chồng, một con người tốt hiền lành khỏe mạnh vừa sáng nay còn nói lời chào chị và con để đi sang bãi bồi gieo đỗ… thế mà bây giờ anh đã đi rồi. Thật là không thể hình dung nổi có cái đau thương tang tóc khổ ải nào trên thế gian này lớn thế đến… Dù có là nhà văn thấu hiểu lòng người cũng khó mà tả hết nỗi đau, sự thử thách quá lớn này.

Thật là không thể hình dung nổi có cái đau thương tang tóc khổ ải nào trên thế gian này lớn thế đến… (Ảnh minh họa: eva.vn)

Với những đau thương mất mát lớn thế cô tưởng mình chẳng thể sống nổi, vài ngày sau khi tang lễ chu đáo cho chị gái và anh, cô đã nói sự thật với anh trai về giọt máu của cô và chồng sắp cưới đang lớn dần. Anh trai tá hỏa la lối om sòm. Từ ngày bố mẹ mất đi, anh đóng vai trò như là bố mẹ, anh lo lắng cho tương lai của đứa em mình. “Nó sẽ làm gì với đứa con khi mà chính nó còn chưa lo nổi cho mình, rồi còn tương lai thì coi như đặt dấu chấm hết rồi! Na ơi là Na ơi, sao em dại thế.”

Thế rồi anh kiên quyết bắt cô đi phá thai

Còn Na thì băn khoăn trăn trở lo lắng suy tư đến mất ngủ, người gầy rộc đi. Cô nén đau thương, âm thầm chịu đựng mọi nỗi đau, chỉ còn một mình với hình bóng anh trong tưởng tượng, không còn người nói chuyện chia sẻ. Cô dần dần như một người câm điếc, tự mình xa lánh mọi người. Tối tối cô lại lên đê ngồi một mình, cô nghĩ ngoài chị gái và chồng đã ra đi rồi thì không ai có thể hiểu mình, cô thấy mình quá cô đơn.

“Bỏ đi hay không bỏ, bỏ hay không bỏ, bỏ không bỏ?” Có lúc cô còn nghĩ quẩn, hai mẹ con nhảy xuống dòng nước ra đi cùng anh, thế là nhẹ nhàng, thế là xong hết, chả có gì phải nghĩ nữa!

Tối mịt cô vẫn ngồi trên đê mà không thể đưa ra lời giải đáp, cô đi vào chùa làng, quỳ trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, xin ngài giúp cho. Sư chùa là chỗ cô tin tưởng nhất, coi như người mẹ, mỗi khi có vấn đề không tự mình giải được thì cô đều vào tâm sự, thỉnh xin ý kiến của sư thầy, nhưng lần này ngại quá không dám nói ra. Nhìn cô, sư thầy cũng hiểu nội tâm, cô đành phải kể lại câu chuyện của mình.

Nghe xong sư thở dài não nuột: “Khổ cho con thế, thôi cái số kiếp nó thế, cũng là nghiệp do tự con tạo ra thôi, đã sai rồi lại còn định sát sinh nữa, thế thì nghiệp chồng lên nghiệp, việc phá thai này đối với nhà Phật là sát sinh, tạo nghiệp rất lớn cần phải tránh, sống ở đời phải giữ chữ Thiện ở trong tâm con nhé!”

Những lời ấy cứ như tiếng búa vàng gõ vào tận nơi sâu thẳm trái tim cô, rồi đột nhiên thật thần kỳ một năng lượng Thánh Thiện dâng trào tràn ngập trong tâm cô, một tình thương, một tình mẫu tử trỗi dậy thức tỉnh lương tâm cô.

Nhà sư lại chậm rãi nói tiếp: “Nhà tâm linh Bích Hằng đã nhìn thấy khi một sinh linh bé bỏng bị phá hủy thì chỉ là ở không gian vật chất này của con người thôi, còn sinh linh ấy tại các không gian khác vẫn tồn tại, nó rất khổ không có nhà, không được ăn uống, cô Bích Hằng còn thấy những đứa bé không nơi tá túc ấy tụ tập ở các bệnh viện nơi phá thai rất nhiều, nó khổ lắm. Có khi nó cũng về nhà thấy bố mẹ chăm sóc những người con khác thì nó rất tủi thân, nó không hiểu sao mà nó lại bị đối xử như thế?”

Nghe đến đấy Na bật khóc nức nở, cô như giải thoát được khỏi vòng xoay nghiệt ngã đó, Na đã quyết định sẽ làm người mẹ tốt, làm một con người tốt. Bản tính thiện lương, tình mẫu tử, tình người trỗi dậy mãnh liệt. Cô mặc kệ tất cả những lo toan tính toán, con cô là trên hết, cô quyết giữ nó lại, đó là một quyết định sáng suốt đầy tình người. Vì tình mẫu tử, cô quyết không thể sát sinh.

Mấy tháng sau Bống – con gái cô ra đời mà không có cha, chỉ có mình anh trai cô biết họ đã hẹn ước, còn người ngoài thì nghĩ rằng Bống là con hoang. Người quê vẫn hay có thói quen đem chuyện người khác ra để nói lúc nhàn rỗi. Một đồn mười, mười đồn trăm, không thể đi đến từng nhà, gặp từng người để giải thích được. Thôi thì cũng lại thêm một thử thách để cô trả nghiệp nợ trên cõi đời khổ ải này. Cô nhẫn nhịn chịu được, chỉ khổ con bé, trẻ con ngây thơ, nào có tội tình gì mà phải chịu khổ thế.

Hai mẹ con nhẫn chịu nương tựa nhau sống, chỉ khổ con bé, trẻ con ngây thơ, nào có tội tình gì mà phải chịu khổ thế.. (Ảnh minh họa: haikudeck.com)

Cô đi làm về thấy con gái đang ngồi ở bậc thềm khóc thút thít, vừa bước vào sân nó ào ra ôm lấy chân mẹ, khóc nức nở rồi nũng nịu mách: “Các bạn không chơi với con vì là con hoang, các bạn đang chơi kia kìa mẹ”. Bống chỉ tay về phía mấy em bé đang thả diều trên đê.

Cô cúi xuống lau nước mắt và bụi đất lem luốc trên mặt con. Ôm chặt nó vào lòng, mắt cay xè nói: “Anh Tý hư quá, để mẹ bảo anh Tý và các bạn cho con chơi cùng nhé”. Cô dắt con lên đê, Tý con nhà bác đang chạy theo cái diều, nhìn thấy Bống lên đê nó dừng lại để Bống chạy theo cùng với lũ trẻ con trong xóm. Cô nhìn theo con bé chạy lon ton mà thương, tội nghiệp nó từ lúc sinh ra đã không có cha, cũng không biết mặt cha.

Lớn lên, khi vào học lớp một, một đêm khi đang ngủ nó bỗng ngồi dậy, nước mắt tràn khuôn mặt thơ ngây, nó hỏi:

“Mẹ ơi con hoang là gì? Sao các bạn lại gọi con là con hoang, các bạn cứ xa lánh con thế nào ấy như thể xa lánh con mèo hoang, tủi lắm mẹ ạ!”

“Ngủ đi, con có bố, bố con mất rồi, tất cả mọi người đều biết mà, con không phải con hoang đâu.”

Trẻ con dễ ngủ, nó lại rúc đầu vào nách mẹ ngủ khì luôn. Chị thì mãi không ngủ lại được. Nỗi đau trong trái tim chị lại hiện hữu lên rõ mồn một, nghĩ thương con, nuôi con, lo cái ăn cái mặc cho nó đã khó, còn chuyện nỗi buồn cô đơn, thiếu thốn tình cảm của người cha thì khó mà bù đắp được.

Nhưng đấy chưa phải hết khổ, một mình nghèo đói nuôi con mới là khổ ải, chỉ những bậc cha mẹ rất nghèo ở quê mới có thể thấu hiểu nổi. Cô nghĩ khổ hay sướng rồi cuộc đời cũng trôi qua, trời sinh voi trời sinh cỏ mà, con bé cứ khỏe mạnh ngoan ngoãn là được. Chị sẽ dành hết cả cuộc đời này cho nó, cô sẽ quyết chăm chỉ lao động sớm tối để lo cho con đủ cái ăn, cái mặc, được học hành và sẽ dạy bảo nó thành người có trái tim lương thiện.

Chị sẽ dành hết cả cuộc đời này cho nó, cô sẽ quyết chăm chỉ lao động sớm tối để lo cho con đủ cái ăn, cái mặc, được học hành và sẽ dạy bảo nó thành người có trái tim lương thiện. (Ảnh minh họa: tinmoi.vn)

Nhìn nó lon ton theo các bạn trên đê mà lòng cô phấn chấn, cô đã lựa chọn sáng suốt khi giữ lại đứa con, cô đã và sẽ làm người tốt, làm người mẹ tốt. Một quyết định tưởng như giản đơn nhưng nó đã thể hiện sức mạnh diệu kỳ của tình mẫu tử, cuộc đời vất vả của cô đã chứng minh điều đó. Người tốt, có lòng trắc ẩn thì mới có tình mẫu tử đẹp thế, cô đã diễn trọn vai diễn về tình mẹ ấy ở đời này, đó là điều hạnh phúc nhất trong đời cô có được!

Nắng Mới