Đại Kỷ Nguyên

Về “Mặt trời xa lắc” của Hồng Oanh: Vì đâu có những áng thơ sâu thẳm và sắc sảo đến thế?

Vài nét sơ lược về tác giả: Nhà văn, nhà thơ Bùi Thị Biên Linh (bút danh Bùi Thị Sóng Biển khi còn nhỏ) sáng tác văn thơ từ khi còn nhỏ, chị là thành viên nhóm “Búp trên cành” –nhóm những thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học nghệ thuật trong hệ đào tạo đầu tiên của cả nước từ năm 1976-1980. Từ năm 11 tuổi chị đã có các tác phẩm đăng trên các báo dành cho thiếu niên và báo Văn nghệ của hội nhà văn Việt Nam. Truyện thơ của chị được đọc trên đài phát thanh, chương trình thiếu nhi của đài tiếng nói Việt Nam từ thời ấy.

Chị làm thơ, viết văn, viết tiểu luận phê bình văn học, tập thơ ‘Ý nghĩ ban mai’ của chị được nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam xuất bản. Các tác phẩm của chị cũng được giới thiệu nhiều trên các báo: Người Hà Nội, Sinh viên Việt Nam, được in trong tuyển tập “Bạn thơ quê hương”… Chị cũng nhận vô số giải thưởng thơ và truyện trong suốt cuộc đời văn chương của mình

Văn thơ của chị hiền dịu, nữ tính, hết sức dung dị, đúng chất quê hương mộc mạc sâu lắng. Sau đây là bài bình thơ của chị dành cho tập thơ “Mặt Trời Xa Lắc” của nhà thơ Hồng Oanh.

Về “Mặt trời xa lắc” của Hồng Oanh

Tôi nhận được tập thơ “Mặt trời xa lắc” của Phạm Hồng Oanh gửi tặng vào ngày cuối tuần. Thật may! Vì thế, tôi có thời gian để chuyên tâm thưởng thức. Có lẽ đã rất lâu rồi mới có một tập thơ khiến tôi say mê đến thế. Cuốn thơ gồm 40 bài, vừa phải, xinh xắn. Mỗi bài một vẻ riêng nhưng bài nào cũng là sự hòa quyện của chất trí tuệ và chất trữ tình lãng mạn bay bổng tạo ra sức lôi cuốn độc đáo của từng tác phẩm.

Chất lắng sâu trong thơ Phạm Hồng Oanh, trước hết là bởi những câu thơ luôn được ngân lên từ cội nguồn của những cảm xúc chân thành da diết.

“Anh mặt trời xa lắc
Hoàng hôn lặn vào em”.

Anh mặt trời xa lắc. Hoàng hôn lặn vào em. (Ảnh: YouTube)

Tiếng thơ Oanh là tiếng thơ của nỗi lòng người con gái đã yêu đã tin, lỡ tin bằng tất cả trái tim mãnh liệt trong ngần nhưng lại nhận về cõi lòng tan nát. Những chát chua, cay đắng ấy đã bao người từng viết, nhưng viết nhiều, viết sâu, viết hay như Phạm Hồng Oanh thì thật hiếm. Bởi cùng nỗi niềm ấy, Hồng Oanh luôn sáng tạo với cách diễn đạt, với những ảnh hình thật mới mẻ, khác lạ, thú vị. Ví như:

“Lời cho không thật ngọt ngào
Nên câu nói dối lúc nào cũng xanh”

Những câu nói dối “xanh” và “ngọt ngào” đã từng làm tan nát bao trái tim vì nó “chẳng mất tiền mua”. Cũng nỗi lòng này khi Oanh viết bài thơ “Muối dưa” thì quả thật nỗi niềm ấy trở nên đặc biệt vô cùng. Hình ảnh thơ độc đáo, cách liên tưởng sáng tạo, ý thơ mới, nên câu thơ đọc lên cứ găm vào trí nhớ. Cái tươi cái héo của rau, cái váng chua của món ăn dân dã đã trở thành một tứ thơ tuyệt hay.

“Tươi cái mất, héo cái còn
Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa.
Tưởng vừa chớm độ đến chua
Lại ra vị đắng chẳng ngờ vì đâu”

Cây cải tươi ngon, đem phơi cho héo để khi muối dưa sẽ giòn, ngon. Cái tươi của rau mất đi, cái héo thì còn lại. Nhưng ý thơ gợi ra cả một nỗi da diết: Những dấu yêu trong ta một thuở, dẫu mất đi rồi vẫn cứ vẹn nguyên một khoảng tươi ngời trong đáy con tim, cái còn lại đã héo hon cằn cỗi.

Tôi được biết, sau bài thơ nổi tiếng này, những người biết đến Hồng Oanh ít gọi cô bằng cái tên đẹp đẽ kia mà gọi bằng cái tên thân thiết đầy cảm mến “Muối dưa” hoặc mộc mạc hơn là “Muối”. Tác phẩm tuyệt vời này cùng nhiều tác phẩm hay khác đã đóng đinh tên tuổi của Hồng Oanh trong nền văn học Thái Bình và trong lòng độc giả.

Nỗi buồn thường là ngọn nguồn của những vần thơ làm “tan chảy” hồn người. Sau nỗi buồn là những trăn trở, thao thức và thức tỉnh. Rất nhiều bài trong “mặt trời xa lắc”, mỗi bài mang một dáng vẻ nhưng hầu như nỗi chênh chao, da diết cứ tự nó hiển hiện trong từng con chữ.

Ví như:

“Ta thành ngọn gió ham chơi
Nửa giông tố, nửa đơn côi trước mùa”

Hay:

“Héo vàng lắm mảnh trăng non
Gió lê những bước chân mòn vào đêm”

Hoặc:

“Tìm người như thể tìm ma
Áo ai bằng giấy cho ta lỡ lầm”

Đọc nhiều bài thơ Oanh, tôi cứ thấy thương: Thương người phụ nữ yếu mềm phải đối diện giữa mênh mông với trái tim vụn vỡ. Có những câu thơ chạm vào trái tim làm run lên những xa xót nghẹn ngào.

“Phút trốn chạy cho một đời nuối tiếc
Lá thu nào xao xác cả mênh mông”

Vấn đề đặt ra trong thơ, nỗi buổn trong thơ là những vấn đề không mới, nỗi buồn, nỗi cô đơn cũng vốn là đề tài muôn thuở nhưng Phạm Hồng Oanh luôn biết cách làm mới những gì đã cũ bằng cách diễn đạt mới, bằng những từ ngữ mới, cảm nhận mới. Thơ Oanh là thơ của Nhìn, Cảm và Suy Ngẫm nên rất nhiều bài vừa lạ, vừa quen, lạ trong ngôn từ, lạ trong suy nghiệm, quen trong cảm xúc. Đã từng có ai thấy mình trong khoảnh khắc ngước lên cao xanh vời vợi và nghe

“Bầu trời cứ cao xanh và rộng
Nên kiếp người cứ mãi chênh chao”

Không chỉ dừng ở việc tìm tòi khám phá trong cảm nhận, trong ngôn từ, nữ thi sĩ còn tạo ra cái mới cho thơ bằng cách ngắt nhịp gieo vần khiến cho tiết tấu, âm điệu thơ trở nên khác biệt thích thú. Ví như là thơ lục bát.

“Năm thì ít, tháng thì nhiều
Cuộc đời dồn lại một chiều hoàng hôn”

Năm thì ít, tháng thì nhiều. Cuộc đời dồn lại một chiều hoàng hôn. (Ảnh: Blogspot.com)

Hay: “Nửa hao khuyết. Nửa chùng chình. Tháng năm”

Những vần thơ lục bát truyền thống vốn rất uyển chuyển nhẹ nhàng. Cách ngắt nhịp mới của Oanh phù hợp với việc diễn tả nỗi niềm dằn vặt day dứt, xót xa buồn tủi.

“Tươi cái mất, héo cái còn
Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa”

Nhiều người nhận xét “Thơ Phạm Hồng Oanh sâu thẳm và “tinh quái”. Sâu thẳm trong suy tư xúc cảm, tinh quái trong phát hiện sắc sảo, đa chiều. Ứng với mỗi cung bậc cảm xúc, mỗi vấn đề, tác giả lại biết chọn một thể thơ phù hợp. Có những bài lục bát thật nồng nàn tha thiết, có những bài thơ tự do với cách gieo vần, ngẫu hứng. Tôi chú ý đến cách tổ chức dòng thơ rất lạ: có câu 2 tiếng phối hợp với những câu 3 tiếng 4 tiếng khiến cho bài thơ khi đọc lên như tiếng nghẹn ngào ẩn ức như nỗi ám hờn trời cao nỡ đành để người yêu người mà đành phải ly tan trong bài “Mưa ngâu”.

“Chắc là
Uẩn ức gì đây
Một năm
Chỉ có vài ngày gần nhau”

Bởi vì:

“Trời còn giữ thói
Hiểu lầm
Làm sao hết chuyện
Vợ chồng ly tan”

Mặt trời xa lắc không chỉ có nỗi buồn, nỗi xót xa cô đơn, tác phẩm khép lại với những bài thơ ấm áp niềm vui, niềm hạnh phúc bình dị.
Oanh viết những bài thơ thơ cho con gái, con trai với tất cả yêu thương, mong đợi. Những thiên thần nhỏ chính là “Mặt trời” rạng rỡ cho mỗi dòng thơ của người mẹ trẻ.

“Những ngôi sao trên bầu trời xanh kia
Không lung linh bằng sao con giữa bầu trời của mẹ
Những náo nức, hào quang mẹ đam mê một thuở
Giờ nhạt nhòa trước thánh thiện con”.

Bởi vì

“Ngôi nhà mình chợt thiên đường đến thế
Khi chiều về khanh khách tiếng cười con”.

Viết cho con gái, Oanh có những câu thơ tuyệt hay.

“Con gái ơi! con là trang sách mở
Dắt mẹ đi qua những khát vọng cầm chừng”

Những bài thơ viết cho con ngoài tình yêu thương vô bờ còn là cả nỗi lo toan cùng bao ước mong của lòng mẹ.

“Còn chuyện này nhớ nhé con yêu
Có con dã tràng chết trên bờ cát,
Chắc ngày xưa nó cũng từng khao khát
Đâu biết rằng sông bể lắm phù du”.

Có con dã tràng chết trên bờ cát. (Ảnh: dkn.tv)

Có rất nhiều bài thơ xúc động, lắng sâu trong “Mặt trời xa lắc”. Cái lắng của ý tưởng, cái sâu của tiếng lòng và được diễn đạt bằng những ảnh hình ngôn ngữ giàu tính khái quát.

Nếu một tác phẩm thơ hay cần những yếu tố quan trọng của hiện thực cuộc sống, sự rung động mãnh liệt của tâm hồn và tài năng tổ chức ngôn ngữ thi ca – thì “Mặt trời xa lắc” của Phạm Hồng Oanh đã hội tụ nhuần nhuyễn cả ba yếu tố trên.

Người ta bảo: Văn học là một tấm gương phản ánh hiện thực cuộc sống mà ai soi vào cũng thấy có mình trong đó. Soi vào “Mặt trời xa lắc”của Phạm Hồng Oanh có lẽ rất nhiều người sẽ thấy có mình trong những vần thơ trữ tình, trí tuệ vừa sâu lắng vừa bay bổng ấy!

Bùi Thị Biên Linh

Exit mobile version