Đại Kỷ Nguyên

10 bí ẩn ai cũng thắc mắc nhưng khoa học vẫn chưa có lời giải

Những điều bí ẩn vẫn luôn là một phần thú vị nhất của cuộc sống. Phải chăng vì vậy, con người từ khi xuất hiện trên trái đất này đã không ngừng khám phá, không ngừng đi tìm lời giải cho những bí ẩn này. Dường như, tìm kiếm chính là bản năng của giống loài. Nhưng thế giới bên ngoài vẫn còn quá nhiều bí ẩn mà con người chưa thể hiểu hết.

1. Tiếng rên “grừ grừ” của mèo có tác dụng giảm căng thẳng và giảm đau?

Nếu bạn nuôi mèo, và rất thích vuốt ve chúng mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, tiếng rên “grừ grừ” của chúng có lẽ sẽ không hề xa lạ. Những chú mèo thường phát ra những âm thanh đặc trưng này khi có cảm thấy rất hài lòng hoặc khi cảm thấy căng thẳng, đau đớn. Có rất nhiều giả thuyết cho rằng, tần số của những tiếng rên này rất thích hợp để giải tỏa căng thẳng và làm giảm đau cho chú mèo, và thậm chí cho cả bạn nữa. Cho tới hiện nay, chưa có một nghiên cứu chính thức nào về tác dụng thật sự của loại tần số trị liệu này lên sức khỏe tinh thần của con người, nhưng chúng ta đã bắt đầu nhận thấy được tác dụng của nó thông qua những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống.

Hiện nay, ở châu Âu, khi chung sống với vật nuôi, đặc biệt là mèo đã thành một tập quán, những chuyên gia về chăm sóc sức khỏe còn giới thiệu tới bệnh nhân liệu pháp giảm đau bằng tiếng rên “grừ grừ” của những chú mèo.

2. Các loài sinh vật đến từ đâu?

Đây chính là câu hỏi lớn nhất đối với con người nói chung và giới khoa học nói riêng. Những nhà khoa học đã tiến hành rất nhiều những nghiên cứu và đưa ra nhiều giả thuyết để trả lời cho câu hỏi này. Nhưng mọi giả thuyết ấy vẫn còn rất nhiều lỗ hổng. Đặc biệt khi so sánh chúng với các bằng chứng của khảo cổ học, chúng ta sẽ nhận thấy có những chỗ không khớp và không thể giải thích.

Rất nhiều loài sinh vật đã được phát hiện là không có tổ tiên. Người ta dường như không thể tìm ra bất kì mối liên hệ giữa những động vật khổng lồ thời tiền sử với những động vật có vú nhỏ bé của thời hiện tại. Lý thuyết về nguồn gốc của sự sống của Darwin cũng không thể đưa ra gợi ý nào cho sự đứt đoạn của khái niệm “tiến hóa” trong trường hợp này.

3. Bò có thể có “la bàn sinh học”?

Khi quan sát các chú bò đang nhởn nhơ gặm cỏ trên những cánh đồng bát ngát, chúng ta không thấy có một trật tự nào, mỗi chú bò sẽ tìm cho mình một góc riêng và vô tư thưởng thức bữa ăn của mình. Nhưng khi sử dụng công cụ Google Earth, các nhà khoa học đã quan sát được một quy luật khác thường trong thói quen của những chú bò.

Bất chấp sự khác nhau về địa hình, khí hậu và những yếu tố khác, 70% các chú bò được công cụ này ghi lại đều quay đầu về hướng Bắc hoặc Nam trong lúc ăn cỏ. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa hoc Mỹ trên tạp chí khoa học Pnas, khi họ quan sát 8.510 con bò, ở 308 địa điểm khác nhau thì hiện tượng này được thể hiện rất rõ. Nhưng các nhà khoa học cũng chỉ rõ, hướng Bắc mà các chú bò hướng theo không phải hướng bắc theo địa lý, đó là hướng theo từ trường trái đất.

4. “Mưa gelatin” là cái gì?

Một hiện tượng kì lạ đã xảy ra tại Oakville, Washington (Mỹ) vào một ngày mưa tháng 8/1994. Ban đầu, những người dân trong thành phố không hề để ý tới cơn mưa. Cho tới khi họ phát hiện rằng từ trên trời rơi xuống không phải là những hạt nước mà là những chất nhầy có phần giống gelatin. Ngay ngày hôm sau, trong toàn thành phố, người ta ghi nhận có hàng chục người đã mắc những triệu chứng của bệnh cúm và có rất nhiều chó mèo đã chết sau khi tiếp xúc với “nước mưa”.

Mẫu vật của thứ chất lỏng đã rơi xuống Oakville đã được đem đi xét nghiệm. Theo kết quả được công bố: “Mưa gelatin có chứa một số loại khuẩn, được tìm thấy nhiều trong hệ tiêu hóa của con người”, và những vi khuẩn này đã gây ra bệnh cho người dân nơi đây. Nhưng cơn mưa này có nguồn gốc từ đâu vẫn mãi là một ẩn số đối với người dân Oakville.

5. “Vật chất tối” là gì?

Năm 1933, nhà thiên văn học Fritz Zwicky đã chứng minh được sự tồn tại của một loại vật chất mà con người không thể quan sát được trong vũ trụ. Ông đã tính toán khối lượng của thiên hà Coma theo hai cách hoàn toàn khác nhau, và nhận ra có một sai số về khối lượng rất lớn giữa hai cách tính. Dựa vào bản chất của hai phương thức tính toán này, giả thuyết đầu tiên về vật chất tối đã được hình thành.

Đúng như tên của nó, vật chất tối không phát ra các bức xạ điện tử, nên cho tới ngày nay, loại vật chất này cũng vẫn chỉ được quan sát một cách gián tiếp và vẫn là một bí ẩn làm đau đầu các nhà thiên văn học.

6. Tại sao lại có người thuận tay trái có người thuận tay phải?

Tỉ lệ người thuận tay trái sẽ biến đổi theo từng quốc gia, nhưng cũng chỉ chiếm không quá 20% dân số của quốc gia. Thuận tay trái là biểu hiện của sự hoạt động không cân đối của hai bán cầu não. Nói cách khác, những người thuận tay trái thường có bán cầu não phải hoạt động mạnh mẽ hơn và ngược lại.

Để giải thích cho hiện tượng này, nguyên nhân đầu tiên người ta nghĩ tới chính là di truyền. Hầu hết số trẻ em sinh ra  thuận tay trái đều có bố hoặc mẹ là người thuận tay trái. Nhưng cho tới nay, các nhà khoa học chưa thể tìm ra gen nào quyết định việc thuận tay trái hay tay phải.

7. Tại sao động vật lớn thời tiền sử lại tuyệt chủng?

Từ thời kì Kỉ Đệ Tứ trở về trước, có tồn tại rất nhiều những sinh vật khổng lồ như voi ma mút, hổ răng kiếm, và rất nhiều sinh vật có vú khổng lồ khác. Nhưng tại sao chúng lại hoàn toàn biến mất trên trái đất cách đây khoảng trên dưới 10000 năm.

Giả thuyết chính mà các nhà khoa học đưa ra, là sự biến đổi khí hậu đột ngột (những trận cháy rừng đặc biết lớn đã phá hủy một lượng lớn rừng cũng như đầu độc nguồn nước) đã dẫn tới sự tuyệt chủng của các sinh vật này. Nhưng cho đến nay, các bằng chứng để chứng minh giả thuyết này vẫn chưa đầy đủ và thuyết phục.

Một giả thuyết khác, đó là thời kì đó đã xảy ra sự quá tải các sinh vật cỡ lớn dẫn tới các loài sinh vật này bị chết do không đủ thức ăn. Nhưng các nhà khoa học đã phát hiện ra một xác ướp voi ma mút được bảo quản trong băng với một dạ dày có chứa đầy lá xanh. Vậy nên, giả thuyết này cũng chưa thật sự thỏa đáng.

8. Tại sao chúng ta lại mơ?

Giấc mơ dường như là một trong những câu hỏi bí ẩn nhất không chỉ với giới khoa học mà còn với tất cả những người tò mò muốn lý giải chúng. Một phần vì ai cũng sẽ trải qua những giấc mơ hoặc gặp ác mộng khi ngủ, một phần vì có những giấc mơ có tính chất tiên tri, báo hiệu một điều gì đó.

Ngành khoa học giải mãi các giấc mơ, có tên tiếng anh là oneirology tập trung chủ yếu vào nghiên cứu não bộ của con người trong quá trình ngủ, để hiểu thông điệp của những giấc mơ. Họ phát hiện ra rằng, người ta thường mơ khi bước vào giai đoạn thứ hai của giấc ngủ (giấc ngủ REM: mắt co người sẽ hoạt động rất nhanh trong giai đoạn này). Thời điểm này, điện não đồ ghi lại được các hoạt động rất mạnh của vỏ não. Các nhà nghiên cứu đã lập ra rất nhiều giả thuyết, trong đó, nổi bất nhất vẫn là giấc mơ biểu lộ một phần kí ức tiềm ẩn của bộ não người.

Có những giả thuyết khác: giấc mơ phản ánh những khao khát thầm kín của con người, những điều mà con người chưa thực hiện được trong cuộc sống hiện thực. Nhưng tất cả những giả thuyết này chỉ đến từ những suy luận và còn quá nhiều những câu hỏi và bí ẩn về trạng thái kì lạ này của con người mà giới khoa học vẫn chưa giải thích được.

9. “Tiếng gầm không gian” là gì?

Trong khi nghiên cứu các hành tinh trẻ vào năm 2006, các nhà khoa học ở NASA đã tình cờ phát hiện được những tiếng ầm ầm bí ẩn. Trong không gian dường như không có một vật chất nào tồn tại (hoặc hầu như không có: chỉ có 1 nguyên tử trên diện tích một m2) thì âm thanh sẽ không thể truyền trong môi trường này. Tuy nhiên, những âm thanh mà các nhà khoa học thu được từ vũ trụ là thông qua sóng điện từ. Nhưng người ta vẫn chưa tìm ra câu trả lời những tiếng động này phát ra từ đâu? Do các hành tinh khác, hay những hiện tượng vũ trụ nào mà con người chưa biết trong vũ trụ? Đến giờ điều đó vẫn còn là một ẩn số.

10. Tại sao chúng ta có nhiều nhóm máu khác nhau?

Con người có những nhóm máu khác nhau, là bởi tế bào hồng cầu trong cơ thể người có thể chứa các kháng nguyên khác nhau. Người ta đã phát hiện ra 46 loại nhóm máu nhưng trong đó nhóm ABO và Rh là quan trọng nhất.

Các nhà khoa học đã đưa ra tin rằng các nhóm máu khác nhau bắt nguồn từ việc tổ tiên con người phải thích nghi với các bệnh truyền nhiễm. Ví dụ, trên thực tế, nhóm máu O phổ biến hơn ở châu Phi và các khu vực của thế giới từng phải chịu gánh nặng bệnh sốt rét, và người ta cho rằng bệnh sốt rét có thể là nguyên nhân chính tạo ra nhóm máu O. Trong nhiều trường hợp, các tế bào nhiễm bệnh sốt rét không thể tấn công vào các tế bào của nhóm máu O hoặc các tế bào nhóm máu B. Kết quả là những người có nhóm máu O có sức đề kháng tốt hơn với bệnh sốt rét. Nhưng điều này vẫn chỉ dừng lại ở mức độ giả thuyết.

Tham khảo Brightside
Ly Ly tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version