Đại Kỷ Nguyên

10 truyện ngắn nổi tiếng có thể thay đổi cách nhìn của bạn

Dưới đây là 10 truyện ngắn nhưng hàm chứa bài học nhân sinh sâu sắc:

1. Chó và chuột

Một đàn chuột trèo lên bàn và chuẩn bị ăn đĩa thịt ở trên đó, điều này làm chú chó đang ngủ chợt tỉnh giấc. Đám chuột đàm phán với chú chó, nói:

“Nếu như anh không phát ra tiếng động, chúng em có thể cho anh một vài miếng thịt chúng em lấy được. Chúng ta cùng nhau hưởng thụ. Thật tốt biết mấy!”

Chú chó đáp: “Lũ chuột các ngươi lấy hết đồ, nếu như chủ nhân phát hiện thì chẳng phải sẽ tưởng là ta ăn hết chỗ này hay sao? Lúc đó không biết chừng ta lại biến thành đĩa thịt cho các ngươi xơi vụng không chừng!”

Bài học rút ra: Trong cuộc sống, nếu tham cái lợi trước mắt thì sau đó chúng ta sẽ mất đi tất cả.

2. Ếch và chuột

Ếch xanh luôn thấy người hàng xóm chuột nhắt của mình chẳng vừa mắt, vì thế nó muốn tìm cơ hội để cho chuột một bài học. Một hôm, ếch xanh rủ chuột xuống nước chơi, thấy chuột không dám, ếch dỗ dành rằng sẽ có cách đảm bảo an toàn cho chuột, rằng sẽ lấy sợi dây buộc giữa hai người. Chuột cuối cùng cũng đồng ý.

Khi xuống nước rồi, ếch xanh bắt đầu thi triển “uy phong”, nó bơi thật nhanh thật nhanh, thỉnh thoảng còn lặn xuống vùng nước sâu. Trên trời có một bác điều hâu bay qua, nhìn thấy kẻ ngộp nước sống dở chết dở là chú chuột, liền chao cánh xuống mổ ếch xanh một cái rồi cắp chuột ta lên. Chuột lên đến bờ liền thở dốc rồi bảo: “Ôi chao, suýt nữa thì mất mạng rồi!”

Bài học rút ra: Nếu sử dụng thủ đoạn không đứng đắn với đối thủ của mình thì ta mới là người gánh chịu tác hại cuối cùng.

3. Chim nhạn sa lưới

Cả bầy chim nhạn thường dạo chơi bên hồ, chúng cùng nhau chao lượn vui vẻ trên trời rồi sà xuống bờ hồ nghỉ ngơi. Con chim nhạn đầu đàn sắp xếp một con chim đi canh gác để nếu có người tới thì sẽ báo động cho cả đàn. Nhóm thợ săn ở khu hồ đó biết được thói quen của đàn chim nhạn, họ vui mừng nghĩ mình sẽ có một bữa tối thật ngon miệng.

Con chim nhận nhiệm vụ canh gác nhìn thấy đốm lửa từ xa, nó liền gọi cả đàn lại cảnh báo rằng kẻ xấu đã bắt đầu nhóm lửa rồi. Cả đàn chim kinh hãi bay toán loạn, đám thợ săn cũng chẳng thể hiện động tĩnh gì. Đàn chim nhạn nghĩ rằng con chim canh gác đã lừa mình, liền xúm vào mổ nó. Đến lần tới khi thấy đám thợ săn, con chim kia cũng không dám đi báo nữa. Đến lúc đàn chim bay mệt, sà xuống bên hồ, thì một chiếc lưới vung ra và bắt hết cả đàn, chỉ có một con bay thoát được.

Bài học rút ra: Khi gặp phải khảo nghiệm của cuộc sống, nếu ta vẫn có thể thống nhất được phương châm cũ là “nếu có người đến thì cảnh báo cho cả đàn”, thì ta luôn có được sự cảnh giác cao độ và kịp thời đối phó khi bất trắc xảy ra.

4. Con vật kéo xe

Cá nhồng, cóc và thiên nga là 3 người bạn thân thiết của nhau, cũng không biết tình bạn đó bắt nguồn từ khi nào. Một ngày, chúng phát hiện ra một chiếc xe chứa đầy thức ăn ngon. Chúng đành họp nhau nghĩ cách kéo xe xuống để ăn. Mỗi con đục một cái lỗ trên xe rồi ra sức kéo. Chúng dồn hết sức lực mà chiếc xe cũng chẳng nhúc nhích được thêm phân nào. Hoá ra, thiên nga thì kéo về hướng lên trời, ếch thì cứ kéo ra sau, cá nhồng thì lại đẩy tới trước. Cuối cùng chúng cũng kiệt sức mà chẳng ra công cán gì.

Bài học rút ra: Nếu sử dụng không đúng người đúng việc thì vừa làm tổn hao tinh thần, sức lực, mà kết quả thu được chẳng bù được công sức mình bỏ ra. Đây là khuyết điểm rất phổ biến ngày nay.

5. Ra mệnh lệnh cho hổ

Trên núi nọ có một con hổ chuyên bắt người về hang ăn thịt. Dân chúng cầu quan huyện đi trừ hổ ác. Vị quan này bèn hạ một mệnh lệnh yêu cầu hổ phải rời đi. Ông sai người khắc mệnh lệnh trên chóp hang, may sao đúng lúc đó con hổ bỏ đi, ông ta lại tưởng rằng mệnh lệnh của mình đã có hiệu lực. Chẳng lâu sau, ông ta bị thuyên chuyển sang huyện khác làm quan. Chỗ này người dân rất cứng đầu, khó mà quản lý cho thấu. Ông ta nhớ đến mệnh lệnh trước đây của mình với con hổ, liền sai người khắc mệnh lệnh lên đá. Kết quả, không những người dân không nghe lời mà lại còn biểu tình bãi chức vị quan huyện do làm điều không thoả đáng.

Bài học rút ra: Mỗi người có một cách làm riêng nhưng phải biết linh hoạt theo sự biến đổi của cuộc sống bên ngoài. Nếu cứng nhắc, hậu quả tất yếu là thất bại.

6. Con hổ mưu sinh

Có người thợ săn trên núi làm một cái bẫy hổ rất lợi hại. Nếu dã thú nào chẳng may giẫm phải bẫy thì chắc chắn sẽ rơi xuống đó. Một lần nọ, có một con hổ xui xẻo mắc bẫy, làm cách nào cũng không ra được. Hổ biết nếu thợ săn về thì mình sẽ toi mạng. Làm sao đây? Lẽ nào hổ oai phong như nó lại bại dưới cái bẫy gồm mấy thanh ngang thanh dọc này sao? Càng nghĩ nó càng tức giận, nó gồng mình gắng sức vùng ra thật mạnh, cuối cùng lại thoát được khỏi bẫy.

Bài học rút ra: Khi “sập bẫy” trên đường đời, nếu chúng ta có thể nhận thức được thế mạnh của mình thì sẽ giống như con hổ kia vậy, có thể từ nguy hiểm mà thoát thân, bảo toàn tính mạng.

7. Mô phỏng

Có một người muốn làm vài vật dụng trong nhà, ông tới vườn cây rồi trèo lên một cái cây ăn quả, và bắt đầu cưa từng cành to lấy về. Con khỉ ngồi trên cây, quan sát một lúc liền nghĩ: hoá ra lấy gỗ dễ như vậy. Đợi người đàn ông mệt rồi ngủ dưới gốc cây, con khỉ cũng leo xuống bắt chước ông ta, đứng trên cây cưa cành. Cưa chạy tự động nên nó thấy rất nhanh đã sắp được một khúc gỗ rồi, nào ngờ cành rơi, con khỉ đang đứng trên đó cũng rơi xuống theo. Người đàn ông bị tiếng động làm tỉnh giấc, cuối cùng lại được thêm một khúc gỗ mang về.

Bài học rút ra: Các doanh nghiệp Nhật Bản trước đây mô phỏng theo cách của các doanh nghiệp Âu Mỹ, nhưng họ có cải biến và sáng tạo thêm cho phù hợp với đất nước họ. Kết quả giúp cho nền kinh tế Nhật Bản phồn vinh 30 năm. Nếu chúng ta mô phỏng những người thành công đi trước mà không có sự sáng tạo thêm, thì hiệu quả sẽ không thể lâu bền.

8. Chữa u lạc đà

Trên trang quảng cáo có đăng bản tin: “Bác sĩ chuyên chữa u lạc đà: bảo đảm sau đợt chữa trị, lạc đà sẽ có một tấm lưng phẳng đẹp giống hệt như ngựa hoặc trâu, bò.”

Có một chú lạc đà đọc được tin, từ trước tới nay nó đều tự ti với cái u to tướng trên lưng mình, nên quyết định nhờ đến vị bác sĩ này. Tìm đến nơi, vị bác sĩ đó đúng thật đã cắt bỏ cục u rất nhanh và chuyên nghiệp. Thế nhưng sau khi không còn cục u đó, tính mạng lạc đà cũng rơi vào nguy hiểm. Khi người nhà của lạc đà đến tìm vị bác sĩ, thì ông ta trả lời thản nhiên:”Tôi chỉ hứa sẽ làm cục u đó biến mất và cho nó một cái lưng phẳng, còn tính mạng của nó tôi đâu có đảm bảo gì!”

Bài học rút ra: Chiếc bướu có thể là “cục u” của trâu bò nhưng lại là một phần cơ thể của lạc đà. Chúng ta cũng vậy, không nên nhìn người khác mà hãy nhìn vào chính bản thân mình, có như vậy bạn mới tìm ra đâu là khuyết điểm, đâu là thế mạnh của bản thân.

9. Phê bình một cách khéo léo

Calvin Coolidge là vị tổng thống nổi tiếng là ít nói của Hoa Kỳ, thường bị người dân gọi là “Calvin trầm mặc”. Nhưng ông cũng có những lúc khiến người khác phải kinh ngạc.

Calvin có một nữ trợ lý, người này tướng mạo không tệ, nhưng làm việc thường xuyên xảy ra sai sót. Có lần có người bạn của Calvin tới văn phòng tổng thống thăm ông, nhìn thấy cô trợ lý liền khen: “Hôm nay cô ăn mặc thật là đẹp, đúng là rất hợp với người phụ nữ trẻ như cô.” Calvin nghe thấy vậy liền nói thêm: “Đúng vậy, nhưng không chỉ có thế, tôi muốn những văn kiện cô xử lý cho tôi cũng phải ‘đẹp’ như vẻ ngoài của cô vậy”. Từ ngày hôm đó, cô trợ lý trở nên cẩn thận hơn rất nhiều. Sau đó, người bạn này lại đến thăm, thấy sự tình thay đổi rõ rệt liền hỏi tổng thống: “Làm thế nào mà anh lại nghĩ ra cách phê bình đó vậy?”. Calvin trả lời: “Anh có biết tại sao người ta trước khi cao râu phải bôi thêm lớp kem không? Vì bản năng của con người là sợ tổn thương.”

Bài học rút ra: Cho dù là lời khen ngợi hay phê bình, chỉ cần được đặt đúng lúc đúng chỗ sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ.

10. Âm mưu “lột da hổ”

Có một người giàu có rất thích những thứ tinh mỹ và thích mặc đồ da. Một lần, ông ta nghĩ rằng với địa vị của mình, ông ta phải mặc một chiếc áo da đáng giá hàng nghìn lượng bạc. Nhưng kiếm đâu ra da đây? Ông ta liền tính đến việc tìm hổ thương lượng, nếu hổ cho ông ta bộ da, ông ta sẽ cho con hổ rất nhiều tiền. Nhưng ông ta còn chưa nói xong ý định thì con hổ đã chạy vào rừng sâu. Ông ta lại tìm dê thương lượng, cũng chưa nói xong, đàn dê đã chạy mất dạng. Cứ như vậy, qua không biết bao lâu, ông ta vẫn chẳng có tấm da hổ hay da dê nào cả.

Bài học rút ra: Nguyên tắc cơ bản nhất của hợp tác là không được đem “lợi ích bất ly thân” của đối phương ra để làm điều kiện đổi chác.

Biên dịch Minh Xuân

Xem thêm:

Exit mobile version