Nhiều tiếp viên hàng không khắp thế giới đã chia sẻ trên trang blog Flying Pinto những điều thú vị về nghề nghiệp của họ và những vấn đề trên máy bay mà không phải hành khách nào cũng biết.
Dưới đây là 10 chia sẻ thú vị nhất:
Các tiếp viên hàng không khắp thế giới có những chia sẻ thú vị về nghề của họ mà ít người biết đến.
1. Các quy định trên máy bay không phải do tiếp viên tự nghĩ ra
Đưa hành khách đến nơi an toàn là ưu tiên hàng đầu của các thành viên phi hành đoàn cũng như của hãng hàng không. Để đảm bảo điều đó, trên máy bay có những quy định được các hãng hàng không và cơ quan quản lý bay đặt ra.
“Hành khách thường cảm thấy khó chịu vì những quy định trên máy bay nhưng họ không hiểu các quy định đó để bảo đảm an toàn cho chính họ“, Sara Keagle, một tiếp viên hàng không có 18 năm kinh nghiệm, từng bay với hãng United Airlines cho biết.
Khi đi máy bay, hành khách buộc phải tuân theo những quy định như không sử dụng điện thoại.
2. Tiếp viên cũng không thích bị trễ chuyến bay
Cũng giống chúng ta, tiếp viên không hề thích bị trễ, hủy chuyến bay, vì vậy đừng đổ những bực tức đó lên đầu của họ. “Chúng tôi thường lên máy bay sớm khoảng một tiếng để chuẩn bị cho chuyến bay trước khi hành khách lên“, Fanny Delaunay, tiếp viên hàng không của Air France cho hay.
“Nếu bạn cảm thấy mệt sau chuyến bay, cứ thử nhân nó lên 3, 4 lần để thấy tiếp viên hàng không mệt như thế nào. Giống như đi công tác 3-4 ngày liên tục vậy. Chúng tôi cũng muốn sớm về nhà gặp gia đình của mình giống các bạn vậy“.
3. Chung tay sẽ giúp chuyến bay khởi hành nhanh hơn
Nếu hành khách hợp tác xếp gọn hành lý sẽ giúp chuyến bay cất canh sớm hơn.
Theo Teresa, cựu tiếp viên của Delta Air Lines, phần việc khó khăn nhất trên những chuyến bay là lúc chuẩn bị cho hành khách ổn định chỗ ngồi. Tiếp viên phải mất không ít thời gian để sắp xếp cho gọn những valy hành lý đặt lộn xộn trên ngăn đựng của khách để những người khách có chỗ đặt hành lý.
“Nếu tất cả hành khách hợp tác và dẹp bớt cái tôi của họ đi, sẽ dễ dàng cho chúng tôi hơn và chuyến bay cũng sớm cất cánh hơn“. Trên thực tế, khách phải ổn định chỗ ngồi trên máy bay xong xuôi thì tiếp viên trưởng mới thông báo cho cơ trưởng để bay.
4. Máy bay là phương tiện vận chuyển, không phải nhà hàng di động
Chức năng chính của máy bay là vận chuyển hành khách chứ không phải kinh doanh dịch vụ ăn uống. Cho dù chúng ta có đi chuyến bay chất lượng 5 sao thì cũng không thể đòi hỏi đầy đủ nhu cầu như ở một nhà hàng dưới đất được.
Ellen nói, “chúng tôi không thể đem hết 100% món ăn nào đó lên máy bay, do đó hành khách nên chuẩn bị tâm lý là có thể sẽ không gọi được món mình yêu cầu“.
Gary, một tiếp viên của United Airlines cho biết: “Chúng ta bay trên chiếc Boeing 747 chứ không phải vô cửa hàng tiện lợi 7-Eleven. Tiếp viên sẽ cố gắng đáp ứng các yêu cầu có thể của khách hàng, nhưng dĩ nhiên không thể chiều lòng được tất cả“.
5. Thích được nghe “cám ơn” và “hãy vui lòng”
Nhiều tiếp viên chia sẻ họ cảm thấy rất vui khi được hành khách nói cám ơn sau khi đáp ứng yêu cầu của họ. Có đôi khi, những vị khách hào phóng còn đem theo những món quà nhỏ để tặng cho các tiếp viên hàng không, hoặc đơn giản chỉ là tặng lại cuốn tạp chí khi họ đọc xong, điều này làm các tiếp viên cảm thấy rất vui và phấn khởi trong mỗi chuyến bay.
Việc tặng lại cuốn tạp chí vừa đọc xong cũng có thể khiến tiếp viên vui vẻ.
6. Ở độ cao hơn 10km, uống rượu sẽ dễ say hơn
Máy bay thương mại sẽ bay ở độ cao trung bình 10km, ở độ cao này rượu sẽ có tác động lên cơ thể chúng ta mạnh hơn nhiều so với ở dưới đất, uống rượu cũng dễ say hơn. Do đó, nếu cảm thấy tình hình không ổn, tiếp viên thường từ chối phục vụ thêm rượu cho khách.
Uống rượu ở độ cao hơn 10km sẽ dễ say hơn.
7. Nhiệm vụ ưu tiên của tiếp viên là đảm bảo an toàn chứ không phải phục vụ
Nhiệm vụ ưu tiên của tiếp viên hàng không là đảm bảo an toàn cho hành khách chứ không phải phục vụ mọi yêu cầu được đưa ra. Họ có thể xử lý những tình huống khẩn cấp, biết hô hấp nhân tạo, sơ tán khi máy bay gặp nạn, sơ cứu các vết thương nhỏ. Nhưng hầu hết các chuyến bay đều được diễn ra an toàn nên tâm lý của hành khách thường cho rằng tiếp viên chỉ để “làm cảnh” hoặc là sai vặt, xếp hành lý, phục vụ đồ ăn, nước uống.
Ngoài ra, phi công chỉ có thể quan sát được trước mũi máy bay nên tiếp viên còn làm nhiệm vụ là đôi mắt của phi công, để ý tới những sự việc xảy ra sau lưng họ để thông báo những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Nhiệm vụ ưu tiên của tiếp viên là đảm bảo an toàn chứ không phải phục vụ mọi yêu cầu của hành khách.
8. Tuy xa lạ nhưng các tiếp viên rất dễ thân nhau
Dù có thể chỉ mới gặp nhau vài phút trước chuyến bay, nhưng sau vài câu trò chuyện, các tiếp viên có thể trở nên thân mật và gần gũi đến nỗi tưởng chừng như đã biết nhau cả năm, vì họ có suy nghĩ rằng bên cạnh mình có một đồng đội sẵn sàng tiếp ứng khi có sự việc xảy ra. Họ thường tranh thủ trò chuyện khi máy bay lăn bánh trên đường ra đường băng, lúc chuẩn bị cất/hạ cánh.
9. Hành khách nên biết chọn thời điểm đi vệ sinh hợp lý
Tiếp viên tên Sara cho hay, khi máy bay ra đường băng cũng cần phải xếp hàng chờ cất cánh, nếu trong lúc này có một vị khách nào đó tranh thủ sử dụng nhà vệ sinh thì tiếp viên phải lập tức báo cho cơ trưởng, và dĩ nhiên phi công phải chờ khách trở về chỗ ngồi rồi mới cất cánh để đảm bảo an toàn, nhưng điều này có thể làm mất vị trí chờ và hậu quả là chuyến bay bị trễ vài phút.
Chưa kể, nếu vị khách rời khỏi chỗ ngay lúc tiếp viên đang đẩy tủ phục vụ đồ ăn, nước uống đi qua, thị họ phải kéo tủ lui lại để nhường đường đi cho khách, mà không phải cái tủ nào cũng nhẹ và dễ đẩy.
Không phải tủ phục vụ nào cũng nhẹ và dễ đẩy.
10. Được trò chuyện với những vị khách là điều thú vị của nghề tiếp viên
Theo tiếp viên Fanny Delaunay, có những cuộc trò chuyện ngắn nhưng thú vị với các vị khách là một trong những điều họ thích nhất. Có thể là để che giấu sự sợ hãi khi đi máy bay, một số người sẽ nói nhiều hơn, qua những cuộc nói chuyện này, chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều hay.
Theo Tinhte
Xem thêm: