Đại Kỷ Nguyên

10 nhà hàng đặc biệt của Mỹ thuê nhân viên là người khuyết tật

Có nhiều cách để giúp đỡ người khác, chẳng hạn bạn có thể nấu đồ ăn và mang đến cho những người cần giúp đỡ, hoặc bạn có thể hỗ trợ người khác bằng cách…đi ăn, và nhận sự phục vụ từ những nhà hàng thuê người khiếm khuyết làm việc.

Những tiệm bánh, quán cà phê và nhà hàng dưới đây sẽ để lại trong chúng ta một câu chuyện tuyệt vời và ấm lòng, khi đây là những nơi dành cho những người kém may mắn để họ có thể giúp ích cho người khác, phục vụ xã hội cũng như thể hiện sự độc lập của bản thân mình. 

Quán Cafe Hugs 

Quán cà phê Hugs – Những cái ôm ở thành phố McKinney, bang Texas, Mỹ là một quán cà phê phi lợi nhuận, được vận hành chủ yếu bởi những người trưởng thành có “nhu cầu đặc biệt” (những người khiếm khuyết về giác quan, vận động,…). 

Chủ quán, bà Ruth Thompson cho biết đến hôm nay, Hugs đã góp phần nâng cao đời sống của những người có “nhu cầu đặc biệt” thông qua việc đào tạo và cung cấp việc làm cho họ tại đây.

(Ảnh: HUGS CAFE)

Trước khi thành lập quán Hugs, bà Thompson đã làm việc trong cộng đồng người có nhu cầu đặc biệt, bà kể lại: “Vào năm 2012, khi chuẩn bị nghỉ hưu, tôi đã có cùng một giấc mơ trong hai đêm liên tiếp về một nhà hàng dành cho những người trưởng thành có nhu cầu đặc biệt làm mọi công việc ở đó”.

Với sự chăm chỉ, niềm đam mê mãnh liệt và một đội ngũ tuyệt vời, Café Hugs đã mở cửa vào năm 2015. Bà Thompson tự hào cho biết: “Hiện tại, Café Hugs không chỉ là nơi làm việc của 23 “thành viên” chúng tôi, chúng tôi còn tạo ra việc làm có ý nghĩa và khơi dậy ý thức cộng đồng đáng kinh ngạc đối với những người có nhu cầu đặc biệt”.

Nhà hàng Chez Mélange

Nhà hàng Chez Mélange thuộc bãi biển Redondo, bang California, Mỹ có đủ các loại nguyên liệu tươi nhờ vào một khu vườn rau sạch “bền vững” Seed to Plate, nơi các sinh viên có “nhu cầu đặc biệt” trồng trọt và thu hoạch cho nhà hàng. 

Các sinh viên tại vườn Seed to Plate làm công việc cấy ghép, xây dựng những nhà kính và bán rau tại chợ nông dân hàng tháng (khu vực nằm trong Học viện giáo dục sớm Valmonte ở bán đảo Palos Verdes, bang California, Mỹ).

(Ảnh: SEED TO PLATE)

Bà Nancy Lemargie, một người làm vườn chuyên nghiệp kiêm người quản lý khu vườn, và là giáo viên ở đây cho biết: Làm việc trong vườn đã giúp các sinh viên “đặc biệt” này trở nên ôn hòa hơn, đồng thời họ cũng học được việc chăm sóc một cái gì đó”. 

Công việc làm vườn là một hoạt động tuyệt vời cho những sinh viên kém phát triển, bà Lemargie nói thêm: “Ý tưởng của việc này là để học sinh của chúng tôi ra ngoài và làm việc bằng đôi tay của mình”.

Cửa hàng Howdy Homemade

Cửa hàng Howdy ở thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ không chỉ là cửa hàng bán kem tự làm hạng trung bình, nó tốt hơn thế nhiều. Không chỉ được xếp hạng năm sao trên diễn đàn đánh giá doanh nghiệp Yelp, điều khiến cửa hàng Howdy Homemade trở nên đặc biệt là vì đây là nơi làm việc của những người mắc hội chứng Down và tự kỷ. 

Anh Tom Landis, người sáng lập Howdy Homemade, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng nêu gương về việc thuê những người có nhu cầu đặc biệt làm việc”.

(Ảnh: HOWDY HOMEMADE)

Landis cho rằng thuê những người bình thường làm việc cho cửa hàng sẽ khiến tỷ lệ thay đổi nhân viên cao hơn và chất lượng dịch vụ khách hàng thấp hơn, trong khi đó “đào tạo những người khuyết tật có thể mất nhiều thời gian hơn, nhưng bạn có họ trong một thời gian dài”.

Anh Landis tin rằng một cửa hàng kem là nơi hoàn hảo để những người khuyết tật học hỏi và phát triển vì nơi đây không đòi hỏi tốc độ làm việc, mà là sự thân thiện. 

Anh vui vẻ cho biết: “Tôi hy vọng là mọi người sẽ đánh cắp ý tưởng kinh doanh này của tôi”.

Cửa hàng Bánh và Cafe Puzzles

Cửa hàng Puzzle ở thành phố Schenectady, tiểu bang New York, Mỹ thuộc sở hữu của cô Sara Mae Pratt. Cô Patt chỉ có duy nhất một người em gái mắc chứng tự kỷ. Khi Pratt nhận ra không có công việc nào phù hợp cho em gái mình, cô đã thực hiện sứ mệnh là tìm ra một phương án cho những người có nhu cầu đặc biệt tìm việc làm.

(Ảnh: PUZZLES BAKERY AND CAFÉ/INSTAGRAM) 

Đó là nơi khai trương của tiệm Bánh và Café Puzzles. Trên thực tế, cái tên Puzzles cũng là một biểu tượng cho sự bí ẩn, phức tạp của chứng tự kỷ.

Cửa hàng Puzzles phục vụ nhiều loại thức ăn khác nhau, từ các món nướng cho đến súp và bánh sandwich. Cô Patt cho biết: “Thức ăn có một điều rất tuyệt vì chúng dễ “tha thứ”, bạn luôn có thể bỏ qua và thử làm lại lần nữa, điều này thật tuyệt vời đối với người khiếm khuyết”. 

Nhà hàng Sample

Nhà hàng Sample ở thành phố Longmont, bang Colorado, Mỹ là một nơi cung cấp kinh nghiệm làm việc và môi trường làm việc ổn định cho những người khuyết tật. Chủ sở hữu nhà hàng là ông Carmen và ông Mark tin rằng tất cả mọi người trên thế giới này xứng đáng có cơ hội để làm điều gì đó mà họ đam mê. 

(Ảnh: PUZZLES BAKERY AND CAFÉ/INSTAGRAM)

Tất cả nhân viên ở nhà hàng SAMPLES đều được trả lương bằng nhau, dù họ có khuyết tật hay không. Quản lý trưởng Rachel Reese cho biết: “Tôi yêu việc trả lương bình đẳng cho những công việc ngang nhau này. Chúng tôi có những nhân viên tuyệt vời, chúng tôi cung cấp cho tất cả họ những cơ hội ổn định như nhau”.

Các nhân viên tại SAMPLES đã tác động tích cực đến mọi trải nghiệm của khách hàng.

Quán ăn và Cà phê Vinny & Bay

Chủ quán là cô Kara Rigby cho biết Quán ăn và Cà phê Vinny & Bay ở thành phố Panama, bang Florida, Mỹ này là nơi được nhiều người lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của họ. 

Mục đích ban đầu của việc thành lập quán Vinny & Bay là để “Baylee có một nơi để làm việc”. Baylee là người bạn bị khuyết tật của con gái cô Rigby. Từ đó, mục tiêu của quán là trở thành một điểm đào tạo cho các cá nhân khiếm khuyết như Baylee. 

(Ảnh: Facebook/Vinny & Bay’s Coffee and Eatery)

Một số nhân viên bắt đầu làm việc tại Vinny & Bay thậm chí đã có thể chuyển sang những nơi làm việc bình thường khác. Cô Rigby nhận thấy những thay đổi diễn ra ở đây không chỉ với mỗi nhân viên mà còn với khách hàng. 

Rigby cho biết các nhân viên của cô “có nhiều khả năng hơn là việc bị khuyết tật. Họ yêu thương vô điều kiện, điều đó làm thay đổi toàn bộ việc kinh doanh cũng như môi trường xung quanh”. 

Cô Rigby tin rằng việc kết hợp các nhân viên khuyết tật vào một doanh nghiệp, thậm chí chỉ một hoặc hai cá nhân thôi cũng có thể góp phần làm thay đổi toàn bộ bầu không khí trở nên tốt đẹp hơn.

Tiệm bánh pizza Mozzeria

Tiệm bánh pizza Mozzeria ở thành phố San Francisco, bang California, Mỹ không chỉ cam kết làm ra các loại bánh pizza truyền thống chất lượng, mà còn cam kết thuê những người khiếm thính làm việc.

Melody Stein, người đồng sáng lập tiệm bánh tin tưởng rằng việc thuê một đội ngũ toàn những người khiếm thính là một trong những quyết định tốt nhất mà nhà hàng đưa ra. Cô cho biết: “Chúng tôi hiểu người khiếm thính gặp khó khăn thế nào khi tìm việc làm, vì tôi ở trong trường hợp đó”.

(Ảnh: CLARE CASSIDY)

Khi Melody nộp đơn vào một trường dạy nấu ăn, cô đã bị từ chối đơn giản vì cô bị khiếm thính. Cô kể lại: “Tôi cảm thấy rất thất vọng vì họ đã không cho tôi một cơ hội. Mặc dù vậy, tôi đã không từ bỏ, tôi tự học cách nấu ăn tại nhà và tham gia các lớp học làm pizza và mì ống ở Ý”.

Melody và Ruth, chồng cô đều là những người khiếm thính. Họ đã cùng nhau xây dựng quán Mozzeria. Những nhân viên khiếm thính của quán Mozzeria đảm nhận mọi việc từ nhận đơn đặt hàng, làm các loại pizza hảo hạng, thậm chí tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trên tường.

Quán ăn Bloom

Quán ăn Bloom ở thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ đã giúp giải quyết một trong những rào cản lớn nhất đối với sự độc lập của người khuyết tật, đó là cung cấp cơ hội việc làm cho họ. 

(Ảnh: Facebook/Bloom Café)

Quán Bloom cung cấp một chương trình giảng dạy ba bước cho những người khuyết tật: 

Anh Joe Wilson, quản lý ẩm thực cho biết: “Đây thực sự là nơi dành cho tất cả mọi người trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống”. 

Hãy lấy một món salad, món cuốn, hoặc món nhẹ tại Quán Bloom, bạn sẽ phải ngưỡng mộ các nhân viên khi họ làm tốt công việc của mình với tất cả niềm tự hào nghề nghiệp.

Quán cà phê Bitty & Beau’s

Quán cà phê Bitty & Beau’s ở thành phố Wilmington, phía Bắc Carolina và ở thành phố Charleston, Nam Carolina, nước Mỹ thuộc sở hữu của cô Amy Wright. Hai trong số bốn đứa con của cô Wright là Bitty và Beau mắc hội chứng Down. 

Cô Wright cho biết cô cảm thấy mình là người may mắn nhất hành tinh khi có những đứa con đáng yêu. Vào tháng 1 năm 2016, cô quyết định tiếp tục vận động nâng cao việc chấp nhận những người khuyết tật trí tuệ và kém phát triển bằng cách mở một quán cà phê.

(Ảnh: Facebook/BITTY AND BEAU’S COFFEE)

Ban đầu quán có tên là Beau’s, với địa điểm đầu tiên tại thành phố Wilmington, Bắc Carolina, và được điều hành bởi 19 nhân viên khuyết tật. Cuối năm đó, theo điều ước sinh nhật của Beau là đưa tên em gái của mình vào quán, từ đó quán cà phê có tên là Bitty & Beau’s. 

Quán cà phê Bitty & Beau’s trở nên nổi tiếng đến mức đã được mở thêm cửa hàng thứ hai ở thành phố Charleston, Nam Carolina. Hiện nay, đang có khoảng 60 người khuyết tật trí tuệ và kém phát triển làm việc tại đây.

Tiệm bánh Sugar Plum 

Tiệm bánh Sugar Plum ở Bãi biển Virginia, bang Virginia, Mỹ là nơi bạn có thể tìm cho mình một chiếc bánh cà rốt ngon lành và chứng kiến những người khuyết tật làm việc hòa hợp cùng với những người lao động bình thường khác.

(Ảnh: Faceook/Sugar Plum Bakery)

 Các nhân viên của Sugar Plum làm cả bánh quy hay bánh nướng. Tiệm bánh đã thúc đẩy sự hòa nhập cho những người khuyết tật bằng cách cung cấp các cơ hội đào tạo và việc làm tại đây từ năm 1987. 

 Kể từ khi chỉ có khoảng 4 nhân viên vào năm 1987, đến nay tiệm bánh đã cung cấp đào tạo và việc làm cho hơn 1.000 người khuyết tật.

Exit mobile version