Mỗi nền văn hóa trên thế giới mang theo những điểm độc đáo và đặc trưng riêng, luôn hấp dẫn những tâm hồn ưa khám phá. Trải qua chiều dài lịch sử từ xa xưa cho tới xã hội hiện đại, những nét văn hóa truyền thống đã có rất nhiều thay đổi, đặc biệt là những nghi thức, nghi lễ cưới hỏi. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu 10 điều kỳ lạ mà những cô dâu trong lịch sử đã phải trải qua.
Kết hôn là việc trọng đại trong cuộc đời của mỗi người, và giờ phút thiêng liêng nhất chính là khi chú rể nắm tay cô dâu trong lễ đường và trao nhau lời nguyện ước sẽ yêu thương nhau, bên nhau cả lúc hạnh phúc lẫn khi khổ đau. Trên thực tế, cụm từ “kết hôn”, “làm đám cưới” bắt nguồn từ một nghi thức văn hóa truyền thống có từ thời La Mã cổ đại, muốn gắn kết cô dâu và chú rể trong suốt cuộc đời.
Tuy nhiên, việc kết hôn không phải lúc nào cũng ngọt ngào, lãng mạn như chúng ta nghĩ. Trong những giai đoạn lịch sử trước, đặc biệt vào thời cổ đại, cô dâu trong ngày hạnh phúc của họ lại phải trải qua nhiều điều kỳ quặc, có khi rất khủng khiếp. Một buổi lễ hân hoan vì thế có thể trở thành nghi thức man rợn ghê người.
1. Chạy trốn khỏi những cuộc tấn công
Trên con đường chinh phục xứ Wales, người La Mã cổ đại đã mang theo tất cả những gì cần thiết cho hành trình của họ, từ lương thực, vũ khí cho đến những nét văn hóa truyền thống. Tục lệ cưới xin có phần tàn bạo cũng là một trong những “vật bất ly thân” của người La Mã. Sau buổi lễ khá yên bình, người ta sẽ giấu cô dâu trong nhà của chính cô ấy cho tới khi những người bạn của chú rể lẻn vào bắt cóc cô dâu. Đó là một màn kịch do chính chú rể dựng lên như một món quà bất ngờ tặng cho người vợ vừa mới cưới của họ!
2. Tắm trong những mẩu vụn bánh
Sau khi những người bạn của chú rể giành chiến thắng trong màn kịch chú rể dựng lên, những người La Mã cổ đại sẽ tiếp tục buổi lễ bằng cách bẻ vụn một ổ bánh mỳ trên đầu cô dâu, vì họ tin điều này sẽ giúp cô gái sinh được nhiều đứa con khỏe mạnh.
Qua thời gian, nghi thức này đã phát triển thành việc cô dâu và chú rể cùng ăn một miếng bánh.
3. Mặc rất nhiều lớp váy áo
Vào thời đó, những người Kamchadal đến từ Đông Bắc nước Nga đã tiến hành một nghi lễ cưới, theo đó chú rể sẽ cởi bỏ quần áo của cô dâu. Họ chính thức được xem là vợ chồng khi cô dâu không còn một mảnh vải trên người.
Tuy nhiên, những người phụ nữ khác trong vùng sẽ dành thời gian giúp cô thiếu nữ khoác lên người thật nhiều quần áo trước ngày cưới để làm sao cô ấy trông giống y như 1 bà mẹ. Chính vì vậy, việc cởi bỏ quần áo của cô dâu trở nên khó khăn hơn nhiều.
4. Xé rách bộ đồ cưới của cô dâu
Tại Trung Đông, họ không áp dụng phong tục mặc nhiều lớp váy áo như vậy. Sau khi buổi lễ kết thúc, những khách mời có mặt trong lễ cưới của người Anh sẽ xé rách quần áo của cô dâu như một lời chúc mừng và lời cầu mong may mắn sẽ đến với cuộc hôn nhân và cuộc sống của họ.
Chính tập tục này đã dẫn đến sự ra đời của nghi thức tung bó hoa truyền thống: cô dâu sẽ cố sức ném bó hoa đánh lạc hướng khách mời để cô có thể trốn thoát một cách dễ dàng.
5. Bị kiểm tra kỹ lưỡng
Ở nhiều vùng khác nhau của nước Nga trong suốt những năm đầu thế kỷ 19, những cô gái sắp trở thành cô dâu được đưa đến gặp những cô bạn nữ của chú rể. Những cô bạn gái này được yêu cầu cởi bỏ tất cả quần áo của cô dâu, nhờ vậy họ có thể đánh giá xem liệu cô gái có khuyết điểm nào trên thân thể hay không.
Lời xác nhận của họ sẽ được đưa ra trong buổi lễ. Nếu cô dâu được cho là phù hợp, họ sẽ ném cây hoa bia vào cô trong buổi lễ với niềm tin rằng cô ấy sẽ sinh nhiều con như những cây hoa bia phủ đầy trên mặt đất.
6. Khẳng định sự thống trị của cô dâu
Thụy Điển quan niệm về hôn nhân hoàn toàn trái ngược với tư tưởng của người xưa rằng người đàn ông giữ vai trò thống trị gia đình. Vào những năm 1800, cô dâu được giáo dục để chứng tỏ cho chú rể thấy ai sẽ thật sự là người chủ.
Cô dâu sẽ chủ động tìm chú rể trước lễ cưới, bắt lấy anh ta trước lúc anh ta nhận ra cô. Cô dâu sẽ đi trước chú rể một bước và là người đầu tiên ngồi vào chiếc ghế dành cho hai người trong nhà thờ. Cô cũng vờ như đánh rơi cái gì đó để anh ấy nhặt – tất cả để chứng minh rằng anh ta sẽ vui vẻ tuân lệnh cô sau khi kết hôn.
7. Tráo đổi quần áo với chú rể
Với một số nền văn hóa xuyên suốt chiều dài lịch sử (bao gồm các cộng đồng người Ai Cập, Nga và Đan Mạch), việc khẳng định môt cô gái đã hứa hôn có nhiều cách thể hiện. Họ có thể giữ váy của cô hoặc để cô ấy hóa trang thành một chiến binh, trong khi chú rể khoác lên mình bộ lễ phục cưới. Có rất nhiều lý do giải thích cho nghi lễ kỳ lạ này, nhưng chủ yếu nhất vẫn là làm lạc hướng “những thế lực tàn ác”.
8. Ném đá như mưa
Vào thời xưa, người ta để những cô dâu mới cưới từ Trung Ma-rốc lên lưng một con ngựa và họ được chỉ dạy cách giữ chặt một cây mía giữa không trung. Công việc của phù rể là ném đá hoặc bất cứ gì thuận tiện vào cây mía để phá hủy nó một cách không thương xót tựa như tượng trưng cho hình ảnh cô dâu đã đánh mất trinh tiết của mình.
Mặc dù cô ấy không phải là mục tiêu của họ, nhưng sự việc thường kết thúc với quang cảnh khắp nơi đẫm máu và cô dâu đầy vết tím bầm cùng sự kinh hoàng của người chồng.
9. Đeo một lá bùa may mắn
Truyền thống Xen-tơ có nguồn gốc từ Cộng hòa Ireland buộc cô dâu kéo lê một cái móng ngựa bằng sắt nặng nề xuống giáo đường như một lời chúc phúc may mắn cho cô ấy trên con đường hôn nhân. Mặc dù vậy, chính những cô dâu thời nay đã chỉnh sửa lại tập quán đó thành những lá bùa bằng bạc hay những chuỗi hạt bằng vàng nhẹ nhàng.
10. Phù dâu, phù rể
Các phù dâu, phù rể ngày xưa sẽ mặc những chiếc váy trắng giống nhau. Nếu có bất cứ ai cố ý bắt cóc cô dâu, họ sẽ bị đánh lừa và phù dâu, phù rể là người giúp cô dâu đánh lạc hướng những kẻ đó. Trò lừa bịp cũng được cho là để cản trở những nhân tố tà ác quấy nhiễu.
Theo Littlethings
Phương Lâm biên dịch
Xem thêm:
- Váy cưới cháy rụi, cô gái buồn bã, đúng ngày hôn lễ hành động của cư dân mạng khiến cô nhòa lệ
- Lễ cưới trở nên ấn tượng nhờ màn biểu diễn của cặp cá heo thân thiện
- Doanh nhân xuất sắc nhận giải thưởng từ Quốc vương Thụy Điển: Thành công nhờ thực hành “Chân-Thiện-Nhẫn”