Đôi khi, con của bạn có những biểu hiện quá lo lắng về một vấn đề nào đó mà bạn không biết phải làm gì để giúp bé. Dưới đây là 13 cách xoa dịu nỗi lo sợ của bé và giúp bạn hiểu bé hơn.
Đã đến giờ đi học, xe buýt sắp đến đón bé tới trường rồi! Và bạn lại nghe thấy bé nói: “Mẹ ơi, con không muốn đi học đâu”. Hẳn tim bạn sẽ chùng xuống khi nghe câu nói này. Mỗi ngày, bạn phải đối mặt với chuyện này và nó thường kéo dài khiến cho những câu thoại cứ lặp đi lặp lại. Cuối cùng, ngày nào câu chuyện cũng chỉ có một kết thúc: bé khóc, nhỡ chuyến xe buýt, và rồi lại tới trường muộn.
Tuy nhiên, chuyện hôm nay có thể sẽ không giống như mọi hôm.
“Con giỏi lắm!” bạn nói với bé một cách vui vẻ, “Sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu!”
Nhưng những câu nói này cũng như gió thoảng qua tai. Bé vẫn sợ đến trường, và bé vẫn cho rằng ở trường sẽ có rất nhiều chuyện xấu xảy ra với mình. Bạn cũng chỉ có thể ngồi đấy vắt óc tìm cách nói chuyện với con mình mà thôi.
Khi con bạn tỏ ra lo lắng sợ hãi, bạn biết việc tìm đúng cách để nói chuyện với bé thực sự không dễ dàng vì phải nói làm sao để khuyến khích, động viên, làm đứa trẻ bình tĩnh lại thay vì làm mọi sự tệ hơn.
Bạn có muốn biết phương pháp để làm dịu đi nỗi lo sợ của bé không? Thay vì nói với bé “Con sẽ ổn thôi” hoặc “Con đừng lo nghĩ về chuyện đó làm gì”, bạn có thể sử dụng một trong những câu nói sau:
Nói gì để làm dịu nỗi lo sợ của bé
- “Mẹ ở đây, con ổn mà”. Nỗi lo sợ của bé thường khiến mọi thứ trông có vẻ tồi tệ hơn bình thường. Câu nói này có thể làm bé thấy an tâm hơn và an toàn hơn lúc bé cảm thấy bị mất kiểm soát, đặc biệt là khi bé lo lắng nhất. Khi bạn không biết nói gì thì đây là một câu nói lý tưởng!
- “Con kể cho mẹ nghe là con sợ gì nào”. Hãy lắng nghe bé kể về nỗi sợ hãi của mình và không ngắt lời bé. Một số trẻ cần có thời gian để suy nghĩ làm sao để nói ra và lúc này cũng đừng đưa ra giải pháp cho bé ngay. Trẻ em đôi khi có thể khá hơn nếu bạn cho bé một mốc thời gian: “Hãy nói về những gì con đang lo sợ trong vòng 10 phút nhé”.
- “Con sợ đến chừng nào nào?” Hãy giúp bé nói ra mức độ lo lắng và giúp bạn xác định được bé lo lắng như thế nào. Bé có thể diễn tả nỗi lo lắng của mình bằng các cử chỉ. Bạn cũng có thể giúp bé vẽ ba vòng tròn trên giấy (lớn, vừa, nhỏ) và để bé chọn vòng tròn nào diễn tả nỗi lo sợ của bé.
- “Con muốn nói gì với con bọ lo lắng của mình nào?” Hãy giải thích cho trẻ rằng nỗi lo lắng giống như một “con bọ lo lắng” cứ bay vo ve quanh bé, nói rằng bé phải lo lắng. Hãy bày cho bé một số câu nói để bé ra lệnh cho những “con bọ lo lắng” này kiểu như: “Mày đi đi”; “Tao không nghe mày nói nữa đâu”. Bạn có thể vừa nói vừa diễn sao cho bé cảm thấy thoải mái.
- “Con có thể vẽ nó ra được không?” Một số trẻ không giỏi diễn đạt cảm xúc của mình bằng lời nói. Hãy khuyến khích bé vẽ, thể hiện nỗi lo lắng của bé trên giấy. Khi bé vẽ xong, hãy quan sát và để bé giải thích ý nghĩa của bức tranh đó.
- “Hãy thay đổi câu chuyện này một chút nhé”. Những đứa trẻ bị lo lắng thường đi theo một lối mòn suy nghĩ và không thể giải quyết được vấn đề của chúng. Hãy giúp bé đưa ra các giải pháp khác nhau bằng cách giữ nguyên câu chuyện của bé và thay đổi cái kết của chuyện, tạo ra những cách kết thúc mới. Một số kết thúc có thể nghe hơi trẻ con, nhưng bé vẫn có thể tin được. Hãy tập trung vào các kiểu kết thúc có thể giúp bé tự tin vượt qua được nỗi sợ hãi của mình!
- “Con biết những gì về ____ nào?” Một số trẻ cảm thấy tự tin hơn khi mà chúng có nhiều thông tin về nỗi sợ hãi này hơn (đặc biệt những thứ như là sấm chớp, ong, cầu thang máy….). Hãy cùng bé đến thư viện hoặc lên mạng tìm kiếm những quyển sách, những thông tin khoa học và làm các thí nghiệm nhỏ.
- “Con muốn sử dụng cách nào trong danh sách này?” Chủ động cùng bé tạo ra một danh sách các cách giải quyết nỗi sợ hãi mà bé thích. Thực hành các cách này hàng ngày, tại thời điểm bất kì khi mà bé đang bình thường. Khi bé cảm thấy lo lắng, hãy khuyến khích bé chọn một cách từ trong danh sách các cách giải quyết này.
- “Mình sẽ hít một hơi thở sâu nhé”. Đôi khi, bọn trẻ lo lắng tới mức chống lại những lời động viên của bố mẹ. Trong trường hợp này, phụ huynh cần dùng chính bản thân mình để bé cảm thấy bình tĩnh hơn. Hãy miêu tả bằng lời những gì bạn đang làm và cảm giác của bạn lúc đó với bé. Một số người có thể ôm bé để bé cảm nhận được mình đang hít thở sâu.
- “Sợ thật đấy VÀ….”.Thừa nhận nỗi sợ của bé mà không làm cho nó sợ hơn bằng cách sử dụng từ “VÀ”. Sau từ “và” bạn có thể thêm vào các câu kiểu như “con vẫn an toàn” hoặc “con đã vượt qua nỗi sợ này trước đây rồi mà” hoặc “con có cách mà”. Phương pháp này có thể định hướng cách suy nghĩ của bé để lần sau nó sẽ áp dụng mỗi khi cảm thấy sợ hãi.
- “Mẹ mong được nghe con kể về…”. Một điều khó khăn mà các phụ huynh gặp phải là nhìn thấy con mình lo lắng. Nhiều phụ huynh đã vội vàng nhảy vào giải cứu con mình khỏi tình huống gây ra lo sợ này. Hãy động viên bé rằng bé sẽ vượt qua được những khó khăn này bằng cách nói về những chủ đề khi bé đi học ở trường, như: con làm gì trong giờ ra chơi, con ngồi cạnh bạn nào vào bữa trưa …
- “Con muốn mẹ làm gì nào?” Thay vì cứ cho rằng mình biết bé muốn gì, hãy cho bé cơ hội để nói ra bé muốn bạn giúp gì. Những đứa trẻ lớn hơn có thể diễn đạt được nếu chúng muốn được lắng nghe, được ôm hoặc cần bạn tìm một giải pháp nào đó. Nếu bạn không thể đáp ứng được mong muốn của bé, hãy nói điều này dưới dạng một điều ước, ví dụ: “Mẹ ước gì người lớn cũng được đi mẫu giáo!”.
- “Cảm giác này rồi sẽ qua thôi”. Câu nói này cũng có thể sử dụng khi trẻ hoảng loạn. Mọi cảm giác rồi cũng sẽ qua thôi. Nhiều khi cảm giác này dường như cứ kéo dài mãi, mình sẽ không vượt qua được. Nhưng không sao cả. Đừng để đầu óc bị kẹt lại trong trạng thái đó mà hãy tập trung vào những cảm giác dễ chịu sau đó.
Mỗi đứa trẻ thể hiện nỗi sợ hãi của mình một kiểu khác nhau. Không phải cách nào trên đây cũng có thể giúp bé của bạn. Bạn là người hiểu con mình nhất. Hãy chọn cách cách phù hợp nhất với con bạn. Cuối cùng thì bạn cũng sẽ tìm được cách động viên và khuyến khích bé vượt qua nỗi sợ của mình.
Quốc Trung
Xem thêm: