Amy Morin tác giả cuốn sách “13 điều người có tâm lý mạnh mẽ không làm”, lan truyền nhanh chóng và được cả triệu người đọc trong vòng hai tuần lễ cuối tháng 11 năm 2015, đã đưa ra chỉ dẫn quan trọng nhằm vượt qua được những rào cản trên con đường tiến tới một cuộc sống hạnh phúc và tròn đầy hơn.
Morin là một nhà tâm lý và trị liệu, khi cô mới 26 tuổi thì chồng cô đột ngột qua đời. Trong tâm trạng quay cuồng, cô nhận ra những hố sâu cảm xúc mà bản thân không muốn bị gục ngã: sự than vãn oán trách, lòng tự cao tự đại, và sự phẫn uất. Từ đó trong suốt 10 năm, cô đã chắt lọc ra những nguyên lý này và ứng dụng nó trên vô số những bệnh nhân. Kết quả sau đó quả thực rất ấn tượng.
Qua cuốn sách này, chúng ta sẽ nhận biết 13 thói quen phổ biến ngăn trở chúng ta tận hưởng một cuộc sống trọn vẹn, và làm sao để tránh xa chúng. Chúng ta đến phòng tập thể hình để tập luyện cơ bắp, nhưng chúng ta vẫn chưa bao giờ nghĩ đến sức mạnh tinh thần: nhân tố chủ chốt để có được một cuộc sống hữu ích và ý nghĩa hơn. Cuốn sách mang tính cách mạng này sẽ mang đến cho chúng ta câu trả lời.
1. Họ không phí thời gian tự thương hại bản thân
Morin viết: “Thương hại bản thân là tự huỷ hoại chính mình. Oán trách sẽ cản trở việc sống một cuộc đời trọn vẹn.”
Điều đó gây lãng phí thời gian, tạo ra những cảm xúc tiêu cực và làm tổn thương các mối quan hệ của bạn.
Điểm chủ chốt là ở chỗ: “Tin vào cái thiện trên thế giới này và bạn sẽ biết cách trân trọng những thứ bạn có.” Mục tiêu là cải biến sự oán hận thành lòng biết ơn.
2. Họ không để mất sức mạnh của mình
Morin viết, con người đánh mất sức mạnh của mình khi không có những giới hạn về tinh thần và thể chất. Đôi khi, bạn cần phải tự đứng lên và vạch ra giới hạn cho mình.
Nếu người khác kiểm soát hành động của bạn, họ sẽ quyết định thành công và giá trị của bạn. Điều quan trọng là bạn phải giữ vững các mục tiêu và hành động hướng tới các mục tiêu đó.
Morin đã lấy trường hợp của Ophrah Winfrey làm ví dụ về người hiểu rõ sức mạnh của bản thân. Winfrey lớn lên trong nghèo đói và bị lạm dụng tình dục, nhưng “bà đã xác định sẽ không để mất đi giá trị của mình trong cuộc sống.”
3. Họ không né tránh sự thay đổi
Morin xác định có năm cấp độ cho sự thay đổi: giai đoạn trước suy ngẫm, suy ngẫm, chuẩn bị, hành động và duy trì ổn định.
Đi xuyên suốt từng cấp độ và thực hành chúng một cách cẩn thận là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta có thể ngại thay đổi, nhưng lảng tránh chúng sẽ ngăn cản quá trình phát triển của chúng ta. “Càng chờ đợi lâu bạn sẽ càng gặp nhiều khó khăn”, cô nói, và “Những người khác sẽ phát triển nhanh hơn bạn”.
4. Họ không để tâm vào những điều họ không thể kiểm soát
“Bạn sẽ cảm thấy an toàn nếu kiểm soát được mọi thứ, nhưng sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng ta có khả năng đưa mọi thứ vào khuôn khổ và trật tự.”
Cố gắng kiểm soát mọi thứ thường là biểu hiện của sự lo lắng trong tâm. “Thay vì tập trung vào chế ngự nỗi lo của bản thân, bạn lại gắng sức kiểm soát môi trường xung quanh.”
Việc không để tâm đến những điều bạn không thể kiểm soát sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn, không còn căng thẳng, tạo ra nhiều mối quan hệ tốt cùng những cơ hội mới và đạt được nhiều thành công.
5. Họ không quan tâm đến việc làm hài lòng tất cả mọi người
Thông thường ta đánh giá bản thân bằng cách xem xét những suy nghĩ của người khác về mình, trái ngược với bản chất dẻo dai và sự mạnh mẽ của tinh thần con người.
Morin liệt kê bốn thực tế của việc cố gắng không ngừng để làm vừa lòng tất cả mọi người, đó là: phí phạm thời gian; dễ bị lôi kéo; đánh mất chính kiến của bản thân; và bạn không thể làm hài lòng tất cả.
Vứt bỏ ý định làm hài lòng tất cả mọi người đi sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn và tự tin hơn.
6. Họ không ngại chấp nhận những rủi ro có thể đoán trước
Con người thường sợ rủi ro, dù là về tài chính, thể chất, tình cảm, xã hội hay những vấn đề kinh doanh. Và dần dần nỗi sợ này biến thành nhận thức và quan niệm.
“Việc thiếu kiến thức để dự tính rủi ro sẽ làm gia tăng nỗi sợ,” Morin viết.
Để phân tích rủi ro tốt hơn, hãy đặt cho bản thân những câu hỏi sau:
– Chi phí tiềm năng sẽ ra sao?
– Lợi nhuận tiềm năng thế nào?
– Điều này có giúp ta đạt tới mục tiêu không?
– Các phương án thay thế là gì?
– Kết quả sẽ thế nào nếu viễn cảnh tốt nhất trở thành hiện thực?
– Điều tồi tệ nhất nào có thể xảy ra? Và chúng ta có thể làm gì để làm giảm khả năng điều này xảy ra?
– Điều gì có thể xảy ta nếu tình huống xấu nhất trở thành hiện thực?
– Quyết định này còn quan trọng trong 5 năm tới hay không?
7. Họ không nghĩ mãi về quá khứ
Quá khứ là quá khứ. Không có cách nào để thay đổi điều đã xảy ra, và việc “níu kéo có thể là tự huỷ diệt, ngăn cản bạn tận hưởng hiện tại và lên kế hoạch cho tương lai.” Đắm chìm trong quá khứ không giải quyết được gì và có thể khiến bạn trầm cảm.
Tuy vậy, suy ngẫm về những bài học đã học được, cân nhắc các thực tế hơn là cảm xúc, và nhìn vào tình huống từ một khía cạnh mới có thể rất hữu ích.
8. Họ không mãi mắc cùng một lỗi lầm
Việc chiêm nghiệm có thể bảo đảm bạn không lặp lại những sai sót nữa. Hãy phân tích xem mình đã sai lầm ở đâu, có thể làm gì tốt hơn và lần tới sẽ khác biệt ra sao, Morin viết.
Những người có tinh thần mạnh mẽ chấp nhận gánh chịu trách nhiệm từ những sai lầm và tạo ra một kế hoạch thấu đáo bài bản để tránh lặp lại sai lầm tương tự trong tương lai.
9. Họ không ghen tức với thành công của người khác
Morin viết, sự oán hận giống như một cơn giận còn ẩn giấu rất sâu trong tâm trí.
Quá bận tâm tới thành công của người khác sẽ khiến bạn không tìm được con đường tới thành công của chính bạn, vì nó làm bạn sao nhãng mục tiêu của mình.
Thậm chí nếu bạn thành công, bạn có thể không khi nào cảm thấy thoả mãn vì bạn còn mải soi mói người khác. Bạn có thể đánh giá quá cao tài năng của mình và đánh mất giá trị bản thân cũng như các mối quan hệ của bạn.
10. Họ không đầu hàng sau thất bại đầu tiên
Thành công không đến ngay lập tức, và thất bại luôn là một rào cản bạn phải vượt qua. “Hãy lấy trường hợp Theodor Giesel – còn gọi là Tiến sĩ Seuss – làm ví dụ. Quyển sách đầu tiên của ông bị hơn 20 nhà xuất bản từ chối.” Và hiện nay Tiến sĩ Seuss đã là một cái tên quen thuộc.
Lối nghĩ rằng thất bại là điều không thể chấp nhận được hoặc điều đó có nghĩa là bạn chưa đủ tốt, không phản ánh sức mạnh tinh thần. Thực tế, “bật dậy sau thất bại sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn”, Morin viết.
11. Họ không sợ cô đơn
“Việc tạo khoảng thời gian một mình đối diện với những suy nghĩ của bản thân có thể là một trải nghiệm đáng giá, là phương tiện để giúp bạn đạt tới mục tiêu.” Để có tinh thần mạnh mẽ “đòi hỏi bạn phải có lúc tạm xa công việc bận rộn hàng ngày để tập trung cho sự phát triển của bản thân.”
Morin liệt kê ra một vài lợi ích của tình trạng cô độc:
– Sự yên tĩnh nơi công sở có thể làm tăng năng suất.
– Cô đơn có thể làm bạn trở nên đồng cảm hơn với người khác.
– Quãng thời gian cô đơn sẽ khơi gợi tính sáng tạo.
– Kĩ năng có thể đơn độc tốt cho sức khoẻ tâm thần.
– Cô đơn tạo điều kiện cho sự phục hồi.
12. Họ không cho rằng thế giới nợ họ điều gì
Thật dễ trở nên tức giận với cả thế giới vì những thất bại của bạn, nhưng sự thực là không một ai được sở hữu bất cứ điều gì một cách vô điều kiện. Chúng ta phải đổ mồ hôi nước mắt mới có được nó.
“Cuộc sống không luôn công bằng” nếu ai đó sung sướng hơn hay thành công hơn người khác, “đó là cuộc sống – nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ được ban cho cái gì đấy nếu bạn bị đối xử tàn ác.”
Bí quyết là tập trung vào những nỗ lực của bạn, chấp nhận những chỉ trích, nhận rõ những sai lầm của mình, và không ôm giữ những điều vô lý. So sánh với người khác sẽ chỉ khiến bạn buồn phiền thất vọng nếu bạn không nhận được điều bạn nghĩ là của bạn.
13. Họ không trông đợi thành quả tức thời
“Việc quyết tâm biến những kỳ vọng trở thành hiện thực và hiểu rõ rằng thành công không chỉ đến sau một đêm sẽ rất cần thiết nếu bạn muốn phát huy tối đa khả năng của mình.”
Những người yếu đuối về tinh thần thường là những người thiếu kiên nhẫn. Họ đánh giá quá cao khả năng của mình và không đánh giá đúng sự thay đổi sẽ diễn ra trong bao lâu, vì thế họ trông đợi một kết quả tức thì.
Điều quan trọng là “giữ vững mục tiêu” và hành động không mệt mỏi hướng đến cái đích của bạn. Trên con đường đó sẽ có nhiều thất bại nhưng nếu bạn chú tâm vào hành trình và những gì bạn học được cũng như nhìn vào bức tranh toàn cảnh, bạn sẽ có được thành công.
Xuân Dung biên dịch
Xem thêm: