Câu chuyện của một cô bé 13 tuổi và những bức ảnh của em có lẽ sẽ khiến nhiều người đã làm cha, làm mẹ cảm thấy đau nhói trong tâm, để rồi tự hỏi liệu chúng ta đã biết trân trọng những mối nhân duyên của mình?

Na Na – nhân vật chính trong những bức ảnh đứng đằng sau khung cửa sổ với đôi mắt ướt, mãi trông ra phía con đường trước ngõ, như thể chờ đợi một ai đó, một người bạn nào đó sẽ đi qua và cười với em, chào hỏi em hay tốt bụng hơn sẽ hỏi thăm em.

Nhưng không một ai dừng lại.

Em cứ nhìn ra ngoài và chờ đợi (ảnh: Daily Mail).

Đứa trẻ ấy mới 13 tuổi, thay vì được nô đùa với chúng bạn, được hạnh phúc trong vòng tay của cha, được nhận những ánh mắt và quan tâm ấm áp của mẹ, giờ lại chỉ biết đứng bên khung cửa nhôm lạnh ngắt nhìn ra bên ngoài và lặng lẽ khóc.

Tới khi lại gần, người ta mới ngỡ ngàng nhận ra, cô bé đang bị xích vào khung cửa sổ bằng một chiếc xích sắt. Nếu ai đó chưa biết câu chuyện của em hẳn sẽ rất lo lắng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cô bé có đang bị ngược đãi không, em đang ở với ai và vì sao người lớn lại xích em ở đây?

Em bị xích trong ngôi nhà của chính mình (ảnh: Daily Mail).

Được biết, Na Na hiện đang sống cùng với bà nội nuôi tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Cha mẹ đã nhận em về nuôi vào năm 2014, khi ấy cô bé đã tròn 10 tuổi.

Thời gian đầu, Na Na được bố mẹ và bà nội hết sức yêu thương, họ chăm sóc em và cho em một mái ấm thực sự. Những tưởng cuộc sống đã đổi khác, chuỗi ngày lủi thủi, đơn độc của em đã lùi vào quá khứ, nhưng mọi chuyện dường như lại một lần nữa thay đổi. Một năm sau khi đón Na Na về, mẹ nuôi của em liên tục có thai và sinh được hai người con. Từ khi các em chào đời, Na Na thấy mình như rơi trở lại những ngày trước đây, em lại có cảm giác mình bị bỏ quên, sự quan tâm mà cha mẹ và bà nội dành cho em nay đã chuyển sang cho hai em bé mới chào đời.

Cho tới một ngày, bố mẹ nuôi của Na Na chuyển lên thành phố để làm việc. Họ mang hai em của cô bé theo và để em ở lại với bà.

Từ lúc cha mẹ nuôi chuyển đi, cô bé Na Na học hành sa sút, thường hay cáu kỉnh và bị bạn bè trêu chọc vì em lại giống trẻ mồ côi. Vì thế, Na Na cứ lủi thủi, một mình chống đỡ lại sự cô đơn. Tuy vậy, tâm hồn trẻ nhỏ mong manh của em không chỉ cần thức ăn mà còn cần tình thương, cần sự quan tâm để có thể sống và lớn lên.

Na Na tìm nhiều cách để tháo tay khỏi xích (ảnh: Daily Mail).

Na Na thường xuyên bỏ trốn khỏi nhà. Cảnh sát địa phương cho biết, trong hai năm qua họ đã phải tìm và đưa em về với bà 7 lần. Gần đây nhất, Na Na cố gắng bỏ trốn hai lần trong cùng một ngày. Tối hôm đó, khi phát hiện ra cô bé không còn ở trong nhà, bà nội phải báo cảnh sát để mọi người tìm kiếm em. Cảnh sát khu vực đã thấy Na Na trong một ngôi chùa gần đó và đưa em về nhà lúc 1 giờ sáng, trong sự chờ đợi của bà. Nhưng chỉ một vài giờ sau, em lại tiếp tục trốn đi.

Bà nội nuôi buộc phải xích em vào mỗi sáng trước khi đi làm (ảnh: Daily Mail).

Trước sự chạy trốn thường xuyên của cô bé, bà nội phải xích Na Na lại trong nhà mỗi ngày trước khi đi làm. Bà không biết tại sao và cũng không biết phải làm gì để giữ em ở lại nhà. Xích em là vậy, nhưng không bao giờ bà quên đặt thức ăn và nước uống bên cạnh em. Bà không muốn cô bé bị đói, cũng không muốn em bị đau.

Tuy nhiên, sợi xích sắt ấy đã vô tình càng làm cô gái nhỏ tổn thương. Trong những tấm ảnh được ghi lại, Na Na đã cố gắng rất nhiều để thoát khỏi xích trói. Những cố gắng ấy vì thế để lại trên cánh tay gầy gò, nhỏ bé của em những vết bầm tím hằn sâu. 

Sau đó, bà nội đã đồng ý không xích cô bé nữa khi em đã hứa với bà với các nhân viên cảnh sát rằng em sẽ không bỏ đi nữa.

Những vết thâm tím trên cổ tay Na Na (ảnh: Daily Mail).

Cảm thấy kì lạ trước việc Na Na thường xuyên bỏ trốn, cảnh sát đã hỏi nguyên nhân vì sao cô bé không muốn ở nhà tới vậy. Câu trả lời của cô bé khiến họ cảm thấy yên tâm vì em không bị ngược đãi, nhưng lý do bỏ trốn của em cũng khiến người lớn lặng đi trong giây lát:

“Bà cháu phải làm việc để kiếm tiền và không có ai chơi với cháu cả. Ở nhà một mình, cháu cảm thấy rất cô đơn. Thực sự, cháu chỉ muốn được ra ngoài và tìm một số người bạn để chơi với cháu. Cháu cũng muốn tìm mẹ đẻ của mình nữa”.

Không biết đã bao lâu rồi mới có người quan tâm, và muốn lắng nghe những cảm nhận của em.

Câu trả lời ngây ngô của Na Na mở ra thế giới bên trong của em, nó không đầy màu sắc, thanh âm, nhộn nhịp và ấm áp như tuổi thơ của những đứa trẻ khác. 

***

Có rất nhiều trường hợp như cha mẹ nuôi của Na Na. Họ đã làm mọi cách, thử đủ loại phương pháp trị liệu nhưng vẫn không thể có con. Tuy nhiên sau khi làm một việc thiện lớn – nhận con nuôi, họ lại có thể sinh được những đứa trẻ của chính mình. Nhưng có một câu hỏi luôn khiến nhiều người trăn trở: Có bao nhiêu trong số những cặp vợ chồng ấy, sau khi có những đứa con của riêng mình vẫn thương và chăm sóc con nuôi, dành cho chúng sự quan tâm nguyên vẹn như lúc ban đầu?

Khi những đứa trẻ của họ chào đời, cha mẹ có khi nào đặt bản thân vào vị trí của những đứa trẻ họ đã nhận nuôi và cố gắng cảm nhận những gì chúng đang trải qua. Bao nhiêu người sẽ dành thời gian để tự hỏi, liệu đứa con nuôi bé bỏng của họ có đang nghĩ: “Con không phải là con của cha mẹ, nên có các em rồi, cha mẹ sẽ không còn thương con nữa?”.

Và, sẽ có bao nhiêu người có thể giúp đứa trẻ mà họ nhận nuôi hiểu rằng: “Con tuy không phải là do cha mẹ sinh ra, nhưng con đã ở đây vậy nhất định chúng ta đã được gắn kết bằng một mối nhân duyên. Hơn thế nữa, con còn gọi chúng ta là ‘cha’, là ‘mẹ’, có nghĩa là con đã đặt trọn vẹn niềm tin của mình nơi chúng ta. Con tin cha mẹ sẽ thương con, sẽ cho con một sự bảo vệ, một tổ ấm, cho con một nơi để an toàn lớn lên.

Nhân duyên ấy quý giá là thế, đáng trân trọng là thế, làm sao cha mẹ có thể quên, càng không thể dễ dàng cắt đứt chỉ vì cha mẹ có những người con của riêng mình. Chúng ta không phải là người cho con thân thể, nhưng có thể cho con tình thương. Cha mẹ không phải là những người đưa con đến với cuộc đời này nhưng sẽ là những người đi bên con cho tới khi con trưởng thành. Nhất định là như vậy, bởi giữa chúng ta là một mối nhân duyên”.

Vì con đã gọi chúng ta là cha mẹ … nên giữa chúng ta chắc chắn là một mối nhân duyên (ảnh: Huffingtonpost.fr).

Trong cuộc sống hiện đại này, đôi khi những người làm cha mẹ nuôi lại bị sự vị tư che đôi mắt lại. Nó khiến họ chỉ nhìn thấy được những gì thuộc về mình, là của mình, chứ không thể nhìn được nỗi lòng của những đứa trẻ. Như bố mẹ nuôi của Na Na, cuộc sống mới đã khiến họ quên mất rằng, Na Na bé bỏng đã một lần bị bỏ rơi. Và họ cũng không nhớ được mối nhân duyên đã có với em.

Nếu cha mẹ không quên, hẳn Na Na đã không phải chạy trốn, không phải khao khát đến thế việc đi tìm một ai đó có thể cho em một chút tình thương. 

Ai đến với cuộc sống này cũng cần có tình thương (ảnh: Paris.catholique.fr).

Phật gia luôn căn dặn con người: Trong cuộc sống này không có gì là ngẫu nhiên. Vậy nên, ai bước vào cuộc đời của bạn đều là vì một mối nhân duyên. Đó có thể là thiện duyên, có thể là nghiệt duyên, bạn không thể lựa chọn. Nhưng bạn có quyền lựa chọn cách ứng xử của mình với những mối nhân duyên ấy. Vậy nên, xin hãy chọn một tấm lòng thuần thiện, sự chân thành và thái độ trân quý để đối đãi với những người đang ở bên bạn, để cuộc sống bớt đi những những vết thâm tím như trên cổ tay của cô gái nhỏ đã chịu quá nhiều đau thương.

Hải Lam (TH)

Video xem thêm: Do đâu mà người phụ nữ có thể nhận được phúc báo?

videoinfo__video3.dkn.tv||eeb690234__