Đại Kỷ Nguyên

15 bức ảnh ấn tượng nhất mọi thời đại của Times

Thế giới của chúng ta quả thực rất rộng lớn. Dòng đời luôn chảy trôi không ngừng. Chính con người chúng ta cũng bị cuốn vào dòng chảy này, để khi dừng lại sẽ thấy mình ngơ ngác không còn biết thế giới xung quanh đã xảy ra những gì. Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, nhiếp ảnh ra đời. 

Tạp chí Times của Hoa Kì đã bình chọn ra 100 bức ảnh có “sức ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại” từ hàng ngàn những tác phẩm do các nhà lưu trữ, các nhà sử học và các nhà xuất bản ảnh đề cử.

100 bức ảnh là 100 mảnh ghép nhiều màu sắc. Mỗi mảnh ghép đều chứa đựng một câu chuyện: Có những câu chuyện vui, nhưng lại có những câu chuyện thấm đẫm máu và nước mắt. Nếu bạn đã cảm thấy những bức ảnh “Nụ hôn ở quảng trường Thời đại”, “Cột khói hình nấm khổng lồ ở Nagashaki ” hay “Quái vật hồ Lockness” đã rất quen thuộc, hãy cùng khám phá thêm những mảnh ghép thú vị khác trong bộ sưu tầm công phu và đầy ý nghĩa này. Biết đâu bạn sẽ có cho mình một góc nhìn mới để trả lời cho câu hỏi:

Cuộc sống là gì? 

Cuộc sống phải chăng là Nỗ lực khám phá những bí ẩn? 

Con người dường như là loài sinh vật hiếu kỳ nhất trên hành tinh. Tìm hiểu những bí ẩn của vũ trụ, thời gian, không gian cũng như những bí ẩn về thân thể người dường như là nguồn cảm hứng bất tận giúp con người cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa.

Bàn tay của bà Wilhelm Röntgen, chụp bởi Wilhelm Conrad Röntgen (1895)

Đây là bức ảnh chụp lại hình ảnh chụp X-quang (được áp dụng trong y học) đầu tiên trên thế giới vào năm 1985. Bàn tay này thuộc về bà Anna Bertha Röntgen, vợ của nhà vật lý học Wilhelm Conrad Röntgen, người đã tìm ra ra tia X. Phát hiện đặc biệt của ông đã đưa giúp cho việc chẩn đoán và phát hiện bệnh của con người tiến thêm một bước lớn. 

Giọt sữa rơi, chụp bởi Harold Edgerton (1957)

Giáo sư kĩ thuật điện Harold Edgerton đã tìm ra một kĩ thuật mới cho phép chụp được những khoảnh khắc mà mắt thường không thể nhìn thấy. Edgerton đã chớp được khoảnh khắc khi một giọt sữa rơi xuống mặt bàn. Một vương miện bằng sữa được hình thành, nhưng nó chỉ tồn tại trong vòng vài phần nghìn của giây (milliseconds). Phương pháp mà Edgerton đã sử dụng chính là tiền thân công nghệ Flash trong nhiếp ảnh, và nó mở ra một hi vọng mới để con người khám phá phần thế giới vẫn là bí ẩn đối với đôi mắt người. 

Bào thai, 18 tuần tuổi, chụp bởi Lennart Nilsson (1965)

Bức ảnh này được trích từ seri ảnh mang tên “Những thước phim về cuộc sống trước khi được sinh ra” (“Drama of life before birth”), được tạp chí LIFE, Hoa Kì đang tải vào năm 1965. Đây là seri ảnh đầu tiên trên thế giới vén lộ bức màn bí ẩn của sự phát triển của con người khi còn là một thai nhi trong bụng mẹ. 

Nhưng cuộc sống dường như cũng là đau thương nối tiếp đau thương 

Đức Phật đã từng chỉ cho con người một sự thực mà dường như không một ai muốn chấp nhận: “Đời là bể khổ”. Nhưng nếu một lần ngồi xuống, cầm trên tay những bức ảnh này, đặt mình vào những câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh, có lẽ bạn sẽ cảm nhận được phần nào đó những khổ đau mà con người đã đi qua, để thấy rằng những khổ đau này dường như chưa bao giờ kết thúc.

Cậu bé Do Thái đầu hàng ở Vascsava (Ba Lan), tác giả khuyết danh (1943) 

Bức ảnh cậu bé Do Thái này được chụp tại một khu biệt cư (ghetto) của người Do Thái, tại Vacsava, Ba Lan. Chỉ có duy nhất trong những khu phố này người Do Thái mới có quyền sống theo những phong tục, những luật lệ của riêng họ. Nhưng từ năm 1942, quân đội Phát- xít đã biến những khu biệt cư này thành nỗi kinh hoàng của cái đói và cái chết. Khuôn mặt thất thần vì sợ hãi của cậu bé Do Thái, cùng bàn tay giơ cao đã trở thành biểu tượng đại diện cho số phận đau thương của 6 triệu người Do Thái vô tội đã bị Phát-xit Đức sát hại. 

Nỗi kinh hoàng của chiến tranh, chụp bởi Nick Ut (1972)

Nếu những người trẻ tuổi nói với bạn rằng họ không biết chiến tranh là như thế nào, họ không thể hình dung ra được sự tàn khốc của bom đạn, súng ống và sự băng giá của lòng người, xin hãy cho họ xem bức hình này. Nó được ghi lại bởi phóng viên gốc Việt Nick Ut, tại Tràng Bảng, cách Sài Gòn 25 cây số, trong một trận bom napalm. Sự đau đớn, kinh hãi hằn trên khuôn mặt của những đứa trẻ đủ để chúng ta có thể “nghe thấy” bên tai mình văng vẳng những tiếng gào khóc đang bị tiếng đạn bom nhấn chìm. 

 Người đàn ông và những chiếc xe tăng, chụp bởi Jeff Widener (1989)

Bức ảnh được chụp vào buổi sáng ngày 5 tháng 6 năm 1989, tại quảng trường Thiên An Môn, một ngày sau vụ thảm sát những người biểu tình ủng hộ dân chủ, ngay trên chính quảng trường này. Người đàn ông trong ảnh đã một mình chặn đường tiến của đoàn xe tăng, cố gắng tiếp cận và bày tỏ sự phản đối của mình với những người ngồi trong cỗ máy chiến tranh. 

Bức ảnh này đã được kênh thông tin AP  đăng tải trên khắp các báo chí quốc tế thời điểm đó. Và nó nhanh chóng trở thành biểu tượng cho sự phản kháng, chống lại những chế độ không công bằng. 

Khuôn mặt của bệnh AIDS , chụp bởi Therese Frare (1990)

Ngoài chiến tranh, điều đáng sợ tiếp theo mà con người phải đối mặt, có lẽ là những căn bệnh mà không thuốc nào chữa được, những căn bệnh gặm nhấm thân xác và linh hồn của người ta cho tới hơi thở cuối cùng.

Bức ảnh này ghi lại khoảnh khắc David Kirby từ giã cõi đời trong vòng tay yêu thương của cha mẹ anh. Kirby là nạn nhân của căn bệnh thế kỉ HIV-AIDS, vốn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của cả thế giới thời kì đó. Những sự đối lập về hình thể nhưng tương đồng về cảm xúc trong bức ảnh có lẽ đã đủ để nói lên thông điệp: căn bệnh đáng sợ này không chỉ phá hủy cuộc đời của Kirby, mà nó sẽ để lại nỗi ám ảnh sâu sắc cho của tất cả những người còn lại. 

Bé gái Iraq tại , chụp bởi Chris Hondros (2005)

Tấm ảnh chụp lại cô bé Samar, người Iraq tại một điểm kiểm soát quân sự. Em đã phải chứng kiến cảnh cả cha và mẹ bị lính Mỹ bắn chết trên đường chở về nhà, vì nghi ngờ chiếc xe của gia đình em có chứa bom, hoặc những kẻ nổi dậy. Chiến tranh đã cướp đi của các em tất cả: gia đình, tình thương và tất cả tương lai và sẽ chỉ để lại cho các em những vết thương lòng còn đỏ nguyên máu cho tới tận sau này.

Alan Kurdi , chụp bởi Nilüfer Demir (2015)

Hình ảnh này chụp lại một cậu bé Syria, đã chết trên hành trình tới tị nạn ở Hy Lạp, trốn khỏi cuộc chiến đang ngày càng khốc liệt tại quê hương. Gia đình em có bố mẹ và anh trai. Mẹ và anh của em đã chết vì lật thuyền, giờ chỉ còn duy nhất bố em còn sống. Thân hình nhỏ bé im lìm như say ngủ của em, như gói trọn trong đó một tiếng thét của đau thương và bất lực khi nỗi đau bị đẩy đến tận cùng. 

Gorilla ở Congo, chụp bởi Brent Stirton (2007)

Đây là hình ảnh chú khỉ đột núi Senkwekwe được người dân và những người gác rừng tại công viên quốc gia Virunga, Congo đưa ra khỏi công viên sau khi bị bắn chết một cách bí ẩn, cùng với một vài cá thể cùng loài khác. Thời điểm bức ảnh được ghi lại, công viên quốc gia Virunga đang bị bao vây bởi những kẻ khai thác gỗ trái phép để sử dụng cho ngành công nghiệp than. Hình dáng đồ sộ nhưng rất gần với con người của Senkwekwe như mang đến một thông điệp, những xung đột đẫm máu ở Trung Phi không chỉ tàn phá cuộc sống của con người mà cả của các loài động và môi trường. 

Cuộc sống là nỗ lực khâu lành những vết thương

Cuộc sống không hề dễ dàng, mọi nơi đều có những đau thương, nhưng con người vì có những khó khăn ấy mới có thể từ đó mà nhận ra đâu là điều Chân, đâu là điều Thiện, và bắt đầu đặt cấu hỏi “làm thế nào để có thể khiến thế giới này trở nên tốt đẹp hơn?”. Với ý nghĩ và mong muốn ngây thơ và tốt đẹp ấy, con người đã bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm câu trả lời cho mình. 

Gandhi bên khung quay sợi , chụp bởi Margaret Bourke-White (1946)

Bức ảnh chụp Mahatma Gandhi, người anh hùng của dân tộc Ấn Độ ngồi đọc tin tức bên khung se sợi đã giúp ông tự dệt vải may quần áo cho mình trong thời kì phản kháng thực dân Anh). Trong suốt cuộc đời mình, ông đã phản đối tất cả các hình thức đấu tranh bạo lực. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Anh của nhân dân Ấn Độ đã thành công nhờ nguyên lý đấu tranh Bất bạo lực (Chấp Trì Chân Lý) do Gandhi khởi xướng, cốt lõi của nó nằm ở việc áp dụng những nguyên tắc đạo đức tối cao. Ông được người dân Ấn Độ coi là Quốc Phụ, người dân thế giới kính trọng gọi ông là một vị Thánh nhân của Hòa Bình. 

Bác sĩ miền thôn dã, chụp bởi W. Eugene Smith (1948)

Bức ảnh này được trích trong seri ảnh cùng tên của W. Eugene Smith được đăng trên tạp chí LIFE (1948). Eugene Smith đã đồng hành cùng bác sĩ Ernest Ceriani tới một khu dân cư  thiểu số (2000 người) ở chân núi Rocky, Colorado trong suốt 23 ngày để thực hiện bộ ảnh này. Những khoảnh khắc được Eugene Smith chụp đã khắc họa rất thành công những khó khăn của vị bác sĩ miền thôn dã khiêm nhường và tận tụy phải đối mặt, mà nó còn hé lộ qua từng tấm ảnh thế giới nội tâm của nhân vật chính. Lòng tận tâm, nghĩ tới người khác, khiêm nhường dường như là những điều làm nên vẻ đep của một con người. 

Đêm Noel (CLB Hạnh Phúc), chụp bởi Malick Sidibè (1963)

Bức ảnh được nhiếp ảnh gia người Mali Malick Sidibè chụp lại tại một câu lạc bộ mang tên Hạnh phúc, sau khi sự đô hộ của người Pháp kết thúc tại nước này. Những bức ảnh của Malick Sidibè diễn tả một cách duyên dáng sự thân mật kín đáo của hai bạn trẻ trong một điệu nhảy. Âm nhạc vẫn luôn là điều kì diệu khiến con người có thêm năng lượng tích cực để đối mặt với những khó khăn của cuộc sống. 

Hi vọng của con người thật sự nằm ở đâu?

Con người với trí tuệ và những nỗ lực của mình đã có thể bay ra ngoài Trái Đất, bắt đầu hành trình khám phá vũ trụ bao la. Nhưng càng được nhận thức được không gian vũ trụ bên ngoài Trái Đất, con người càng cảm thấy sự nhỏ bé của mình. Câu hỏi về giới hạn của vũ trụ, về Tạo hóa, về ý nghĩa của sự sống trên hành tinh nhỏ bé này càng khiến con người thêm trăn trở. 

“Bình minh trên mặt trăng” (Earthrise), chụp bởi William Anders, NASA (1968)

Bức ảnh này được chụp bởi hai nhà du hành vũ trụ Astronauts Frank Borman, Jim Lovell và Bill Anders khi họ thực hiện chuyến bay xung quanh mặt trăng trên tàu vũ trụ Apollo 8. Trong khi bay vòng thứ 10 quanh mặt trăng, họ đã phát hiện ra cảnh tượng đặc biệt này. Bức ảnh trái đất nhìn từ mặt trăng lần đầu tiên cho con người thấy được trái đất từ  không gian bên ngoài và cảm nhận về sự rộng lớn vô tận của vũ trụ.

Những cột trụ của tạo hóa (Pillars of Creation), chụp bởi NASA (1995)

Bức ảnh được kinh thiên văn Hubble chụp được vào năm 1995. Lần đầu tiên chiếc kính thiên văn lớn nhất trên trái đất chụp được bức ảnh về vũ trụ sâu và vô cùng rõ nét. Ảnh chụp được là ngôi sao được đặt tên Eagle Nebula, cách trái đất 6500 năm ánh sáng. Những chiếc cột kì vĩ xung quanh ngôi sao chính là những đám mây bụi được hình thành do những dòng năng lượng mạnh mẽ từ các hành tinh khác thổi tới. 

Ly Ly (tổng hợp)
Tham khảo:Times 100 photos,  Daily Mail
Nguồn ảnh: Times 100 photos

Xem thêm:

 

Exit mobile version