Đứa trẻ 10 tuổi mồ côi với cái tên Lê Thị Bé năm nào giờ đã trở thành một chàng trai trưởng thành. 27 tuổi với một cơ thể vạm vỡ cùng những suy nghĩ chín chắn, nhưng ước mơ thời niên thiếu của anh chẳng khi nào nguôi ngoai…
Phía sau một đứa trẻ bụi đời
Lê Thị Bé đã từng có một cuộc sống không nhà không cửa đầy gian khổ và khó khăn. 17 năm lang bạt, trộm cắp, móc túi, bới rác nhặt đồ ăn, lượm ve chai, đánh giày… đủ mọi thứ nghề đã khiến cậu bé 10 tuổi ngày nào trở nên chai sạn và nhem nhuốc. Cậu cũng thú nhận với chúng tôi rằng mình đã từng làm nhiều điều sai trái, có lúc bị bắt đến đồn công an, nhưng rồi… cuối cùng Bé đã rút khỏi băng nhóm giang hồ và tìm cách sống lương thiện.
Thế nhưng, cuộc sống của một kẻ vô gia cư khắc nghiệt quá, tất cả những gì Bé có chỉ là hai bàn tay trắng. Không có giấy tờ tùy thân nên cậu chẳng thể xin nổi được một công việc, ngày qua ngày sống lay lắt trong các gầm cầu, có lúc phải đi lượm đồ ăn thối trong thùng rác để bỏ vào miệng sống qua bữa. Có lúc, cậu phải nghe cả những lời mời cám dỗ quay lại làm dân giang hồ, đi đưa thuốc phiện… để có tiền, nhưng Bé lắc đầu từ chối, bởi trong đầu cậu vẫn luôn văng vẳng bên tai câu nói của mẹ: “Hãy sống lương thiện con nhé.”
Hồi tưởng lại câu chuyện 17 năm trước, khi người mẹ gạt nước mắt ôm đứa em bỏ đi nơi khác kiếm sống, để lại mình cậu ở lại bơ vơ không nhà không người thân, cậu nói:
“Lúc nước mắt mẹ nhạt nhòa ôm con và nói: Mẹ bỏ con lại cũng như mẹ để lại khúc ruột của mình nơi này. Mẹ mong trái đất tròn mẹ con mình còn gặp lại nhau. Hãy sống lương thiện con nhé. Con không trách mẹ đã bỏ đi, con hiểu mẹ không còn cách nào khác khi mà cả nhà chỉ còn 4kg gạo. Bước ra khỏi tòa án lúc cầm quyết định ly hôn, bố đã được người khác đón đi, còn mẹ loay hoay với 2 đứa con vì bố không muốn nuôi dưỡng đứa nào cả. Mẹ phải đi tha hương tìm cơm nuôi con, nhưng mà…”. Cậu tức tưởi không nói tiếp được nữa.
Cái tên Lê Thị Bé là ký ức đẹp nhất về một tuổi thơ êm đềm còn sót lại trong cậu, khi đó gia đình cậu vẫn còn hạnh phúc lắm. Bởi cha mẹ mong có con gái đầu lòng nên mới đặt cho cậu cái tên dễ thương đó, và nó vẫn theo cậu đến tận bây giờ. “Cô nhớ nhé, nói tên con là Lê Thị Bé, lỡ mẹ con thấy còn biết đường tìm…”, giọng nói nghẹn ngào và những giọt nước mắt loang lổ trên gương mặt bụi đời…
Anh chàng ấy to xác tưởng mạnh mẽ nhưng tâm hồn vẫn thật nhạy cảm và yếu đuối. Ai cậu cũng gọi là cô, chú xưng con vì dường như cậu vẫn muốn là cậu bé 10 tuổi… Khao khát gặp lại mẹ của cậu cũng chưa bao giờ vơi bớt…
Mong ước duy nhất trong đời
27 tuổi, không mong ước có một người vợ hiền và những đứa con, Bé vẫn tưởng mình là cậu bé 10 tuổi năm nào vẫn chỉ mong được một lần được ôm lại mẹ bằng xương, bằng thịt. Ký ức của cậu hẳn đã dừng lại từ lúc ấy, khi vẫn có mẹ kề bên…
Trong những giấc ngủ chập chờn với tiếng muỗi vo ve và tiếng xe chạy ồn ã, Bé vẫn mơ thấy mẹ, thấy vòng tay êm ái và ngôi nhà ấm áp, để rồi lúc choàng tỉnh lại quay trở lại hiện thực nghiệt ngã vẫn là chiếc gầm cầu và những chiếc xe tải rung lắc đang chạy trên đầu.
Cậu bộc bạch: “Đôi lúc con cũng sợ, mẹ bây giờ chỉ còn là nắm xương khô. Sức con đàn ông con trai còn chịu được sương gió, còn mẹ là đàn bà con gái. Đôi lúc con cũng nghĩ nếu còn sống có lẽ mẹ đã đăng tin tìm con rồi…”, cậu lấy tay gạt vội những giọt nước mắt, đôi tay đầy những vết muỗi đốt do ngủ gầm cầu…
Chúng tôi cũng được nghe cô chủ quán café kể lại, có lần Bé đánh giày cho một người phụ nữ trung niên, khi trả lại đôi giày vừa đánh, cậu nhất quyết không lấy tiền, chỉ khóc ròng ròng như một đứa trẻ con rồi bỏ đi. Mọi người không ai hiểu chuyện gì nhưng trong lòng đều cảm thấy thương xót khôn nguôi. Mãi đến sau này Bé mới thủ thỉ tâm sự “cô ấy giống mẹ con quá”, rồi lại khóc.
Cũng có lúc gom góp được một số tiền không hề nhỏ để chuẩn bị cho chuyến hành trình tìm mẹ, nhưng cuộc sống nay đây mai đó, lấy gầm cầu làm nhà nên tiền bị móc mất lúc nào không hay. Đến ngay cả bức ảnh cuối cùng của mẹ và em mà cậu mang theo bên mình như báu vật đã hoen ố màu cũng bị trộm mất. Thế là, chàng trai Bé tội nghiệp phải di chuyển từ miền Trung vào miền Nam, rồi ra Bắc bằng cách trốn tàu, đi tứ xứ thập phương chỉ với ý nghĩ “biết đâu gặp lại mẹ”. Giờ nghề nghiệp gắn với Bé là đánh giày, chỗ trú thân hiện tại của cậu là khu vực Linh Đàm (Hà Nội). Bé ban ngày đi đánh giày quanh các quán café, nhà hàng hay chung cư, đêm xuống ngủ gầm cầu, tắm hồ.
“Tại sao em chỉ tìm mẹ mà không đi tìm bố?” – Chúng tôi hỏi Bé.
Cậu chầm chậm lắc đầu:
“Lúc con ăn hết 4 kg gạo còn lại cuối cùng trong nhà. Con đi tìm mẹ thì gặp cha, nhưng ông đã chối bỏ con… Có những câu chuyện mà sống để bụng, chết mang theo con không muốn kể. Nhưng ông ấy không nhận con là con thì cũng coi như cha con đã chết rồi”.
Bé kể rằng có lúc cậu đã định tự tử vì không biết đi đâu về đâu, vì nghĩ mẹ và em chắc cũng đã xanh cỏ rồi, và cả vì quá đói… nhưng lúc treo cổ thì dây đứt. Cậu lại tin ông trời thương không để cậu chết mà muốn cậu sống để gặp lại mẹ và em nên không chết nữa. Cũng từ sau ngày đó, Bé không bao giờ có ý định tự tử.
Đến giờ, 27 tuổi, vẫn kiếm sống qua ngày, ước mơ duy nhất giúp cậu sống sót vẫn là được gặp lại mẹ, gặp lại em. Bé không mong gặp lại mẹ giàu có để có người bao bọc, cậu bảo: “Nếu được sống cùng mẹ thì không gì bằng. Nhưng nếu chỉ một lần thôi được ôm lấy mẹ, được ngủ cạnh mẹ một đêm thì con cũng thỏa lòng rồi. Còn cả em là máu mủ với con nữa, con cũng rất mong được gặp”.
Cậu khóc, rồi tiếp tục nghẹn ngào:
“Mẹ con tên đầy đủ là Trần Thị Mậu Lệ, sinh năm 1970, sinh ra ở Quảng Ninh, lớn lên ở Huế, lấy chồng ở Quảng Ngãi, cô hãy viết thế nhé, để mẹ có thể tìm thấy con”.
Và cậu gửi cho chúng tôi một bài thơ chắp vá viết cho mẹ:
“Mẹ ơi bánh xe lăn tròn
Cuộc đời con đã tan nát từ đây
Bánh xe lăn đã đưa mẹ tới nơi nào
Bến xe miền Đông đưa mẹ đến đâu?
Xin hãy nối lại tình mẹ con
Con sẽ mài thanh sắt này thành cây kim
Để mẹ may lại tấm lòng con…
Không còn xa xôi…”
Dù cuộc sống khắc nghiệt và bon chen có tàn phá thân thể hay khắc lên trái tim Bé những vết sẹo qua năm tháng, thì tình yêu mẹ trong cậu vẫn không bao giờ thay đổi. Hoàn cảnh có thể khiến người ta thêm trưởng thành và dạn dày sương gió, nhưng không thể lấy đi sự lương thiện sâu thẳm trong tâm hồn, xóa nhòa đi bản chất nguyên sơ tốt đẹp vốn có trong mỗi con người…
Ảnh: Lê Đức
Dương Dương tổng hợp
Xem thêm: