Khiêm tốn trong đối nhân xử thế là một loại tu dưỡng, nhìn ngoài tưởng người yếu đuối nhưng kỳ thực nội tâm lại vô cùng mạnh mẽ.
Hai câu chuyện nhỏ dưới đây cho thấy rằng, “Cao nhân bất lộ tướng”, người có bề ngoài khiêm tốn lại thường là bậc cao minh hơn người.
Câu chuyện 1: Con trai nhỏ trong hồ nước
Con trai nhỏ sống trong hồ nước thường mở miệng ra rồi lại đóng vào để khoe hai viên ngọc của nó. Một ngày, trai nhỏ nhìn thấy con trai lớn nằm im bên bãi cỏ nước. Nó bước tới rồi mở miệng khoe: “Anh nhìn một chút nhìn một chút đi, em có thể tạo được 2 viên ngọc đẹp chưa này. Anh có ngọc bên trong không? Cho em xem một chút”.
Sau nhiều lần thấy con trai nhỏ khoe hai viên ngọc, con trai lớn vẫn nằm im lặng lẽ bên bãi cỏ không nói gì.
Thế rồi một hôm con trai nhỏ không nhịn được đã nói: “Anh không chịu mở miệng cho xem ngọc, chẳng lẽ trong thân thể anh không có viên ngọc nào sao? Hẳn là vì thế mới không dám cho em xem, ha ha, thật không có tương lai chút nào!”.
Thấy vậy, con trai lớn không nói lời nào, nó từ từ mở miệng và để lộ những hàng ngọc trai lớn sáng lóng lánh chiếu sáng cả bãi cỏ và vùng nước xung quanh.
Vừa nhìn thấy, con trai nhỏ liền sững sờ, nó nhìn hai viên ngọc trai của bản thân mà thấy thật không đáng nhắc đến. Lúc này, nó cảm thấy vô cùng xấu hổ và ngại ngùng bò đi.
Câu chuyện 2: Sư tử già
Người đàn ông to khỏe vạm vỡ dắt theo con chó ngao Tây Tạng thuần chủng đi trên phố để khoe với mọi người. Người trên phố nhìn thấy đều xuýt xoa khen ngợi. Nếu không phải là người cao to khỏe mạnh thì không dắt nổi chú chó này. Tuy nhiên, ở ven đường có một ông lão ngồi cạnh một con chó bị rụng sạch lông. Chó ngao nhìn thấy con chó già của ông lão liền chu miệng cắn nhưng con chó già không tỏ ra sợ hãi, cũng không thèm để ý.
Người đàn ông tỏ ra không vui, nói: “Ông lão, con chó già của ông thuộc giống chó gì vậy? Hãy cho chó của chúng ta tỉ thí một chút? Nếu chó của ông thua thì ông đưa cho cháu 500 tệ, nếu chó của cháu thua thì cháu sẽ đưa ông 2000 tệ”.
Ông lão thấy vậy liền nói: “Tôi đang lo về bữa ăn cho bạn già này vào tháng tới. Vậy nên hãy đặt cược lớn hơn chút đi. Nếu chó của ta thua, ta đưa ngươi 50 ngàn tệ, nếu chó của cậu thua, cậu đưa ta 30 ngàn tệ”.
Vừa nghe xong, người đàn ông liền nóng mặt nói: “Chó của cháu là chó ngao Tây Tạng thuần chủng đó. Đừng trách cháu không nói trước với ông. Cháu chấp nhận đặt cược”.
Vừa thi đấu trong 2 phút thì chó ngao Tây Tạng đã không dám cắn nữa và nguyện thua cuộc. Trước sự chứng kiến của mọi người, chàng trai lấy ra 30 ngàn tệ đưa cho ông lão. Vẻ mặt anh vô cùng thất vọng, anh hỏi: “Ông lão ơi, chó của ông là giống gì vậy? Làm sao lại có thể hung dữ như vậy?”.
Ông lão cầm lấy tiền rồi nói: “Tôi không biết bây giờ nó là giống chó gì. Trước khi bị rụng lông, nó là một con sư tử”.
***
Thế mới nói, đời người không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Không vì có thành tựu bèn huênh hoang khắp nơi, dương dương đắc ý. Đừng xem thường người khác, cũng đừng tự cao tự đại, bởi khoe khoang không phải là tài năng, khiêm tốn im lặng mới là chỗ cao minh khi làm người. Học cách ít nói và làm việc hiệu quả thì người khác mới công nhận. Hiểu được tự giác kỷ luật, mới có thể sống cuộc đời ý nghĩa.
Khiêm tốn mới có thể sống cuộc đời bình yên ít sóng gió. Khiêm tốn trong đối nhân xử thế cũng là một loại tu dưỡng, nhìn ngoài tưởng người yếu đuối nhưng kỳ thực nội tâm lại vô cùng mạnh mẽ. Người biết khiêm tốn mới có thể đi được đến đích thành công.
Học được cách đối đãi khiêm tốn với mọi người chính là bạn không tỏ vẻ bản thân ta đây tài giỏi, không ưỡn ngực khoe khoang, không nóng giận, không cố tình chứng tỏ đúng sai, không nghi ngờ ghen ghét với tài năng của người khác. Ngay cả khi là người có tài năng xuất chúng thì đứng trước mọi người, người khiêm tốn sẽ chọn cách bình lặng làm những việc cần làm.
Có câu: “Biển lớn ở chỗ thấp mới có thể dung nạp được trăm sông”. Người càng khiêm tốn càng nhận được nhiều hơn và khả năng bao dung người khác cũng lớn hơn. Khiêm tốn là một mỹ đức, đồng thời cũng là thể hiện cảnh giới cao trong đối nhân xử thế.
San San
Theo Secret China
Video xem thêm: Bạn lựa chọn cúi đầu làm bông lúa hay ngẩng đầu làm cỏ dại?