Đại Kỷ Nguyên

2 làng nghề cổ gìn giữ tiếng trống ‘cắc tùng’, ánh đèn lồng lưu kí ức những mùa trăng

Trong những vội vã hối hả của cuộc sống, đâu đó giữa những thành phố lớn vẫn còn những làng nghề, nơi bao nghệ nhân đang miệt mài giữ lửa tâm hồn, giữ quá khứ và hoài niệm về kí ức tuổi thơ, những mùa trăng tròn đổ bóng trên mái hiên lợp ngói.

Những ngày tháng 8, không khí Trung thu đã ùa về khắp phố, nhưng không còn cái hương vị thân thiết như ngày nào nữa. Hình như công nghiệp phát triển thì theo đó tất cả mọi thứ của xã hội cũng phải theo trào lưu ấy, cả đồ chơi trẻ em cũng cần được tân tiến sao cho phù hợp với công nghệ mới của thời hiện đại. Khắp phố phường thấy người ta trưng đầy những đồ chơi điện tử, đèn điện tử, súng máy, những hình búp bê kì dị nhập nhòe xanh đỏ… Ta bần thần ngước lên và tự hỏi đâu rồi những mùa Trăng xưa?

Trăm năm giữ tiếng trống nơi làng quê Bắc bộ

Cách xa Hà Nội khoảng 100 km, tìm về vùng đất Hưng Yên, nơi vẫn còn lưu giữ nhiều làng nghề cổ. Con ngõ nhỏ ngày thu tháng 8, nắng cháy rám những quả bưởi trên cành khô, dàn gấc xanh hôm nào đã chuyển sắc đỏ tươi rói cho bát xôi nếp đêm rằm.

Chẳng biết tự bao giờ, người dân thuộc làng ông Hảo lại quen với nghề làm trống cho đám trẻ chơi Trung thu. Có người kể, cũng hàng trăm năm rồi, những nghệ nhân nơi đây vẫn miệt mài, cần mẫn với nghề, với nghiệp giữ truyền thống, và giữ “kí ức” cho đời.

Bước chân đến làng Hảo, người ta có thể cảm nhận được trọn vẹn tinh thần, giá trị và ý nghĩa của những món đồ chơi truyền thống mà người xưa từng dày công nghiên cứu. Mỗi một sản phẩm, mỗi một công đoạn là bao tâm huyết và sự tận tâm mà những người thợ nghề muốn gửi trọn vào từng sản phẩm.

Để tạo ra một chiếc trống cần trải qua rất nhiều công đoạn chọn tìm nguyên liệu và ra thành phẩm. Nguyên liệu quan trọng nhất để làm trống chính là da trâu và gỗ, có thể là gỗ cây bồ đề hoặc gỗ mỡ. Gỗ bồ đề sau khi mua về được cưa ra thành từng đoạn, sau đó cho vào máy tiện để tiện thành hình tròn, làm thân trống.

Da trâu được cạo lớp phôi thật mỏng rồi đem phơi khô. Trước khi được đưa vào tiện thành tang trống, những khoanh gỗ đều phải được căn tâm cho chính xác, những phần thừa, méo mó, sẽ được đẽo bớt đi.

Sau khi tiện, những tang trống được đem phơi dưới nắng cho thật khô. Tiếp theo, với những tang trống đã khô cong, nghệ nhân ở đây sẽ sơn một lớp sơn đỏ lên bề mặt. Rồi lại tiếp tục đem phơi dưới nắng.

Sau những công đoạn trên, bước cuối cùng là bưng trống. Đây cũng là một công đoạn đòi hỏi những đôi bàn tay cực khéo léo, vừa có sức mạnh, lại vừa uyển chuyển.

Để bưng trống, ngoài nguyên liệu là da trâu, người dân ở đây còn sử dụng những vật dụng chuyên biệt. Mỗi tấm da đều được căn chỉnh chuẩn từng milimet trước khi dùng móc xiên để cố định. Trong khi làm, các nghệ nhân phải thường xuyên kiểm tra để đảm bảo độ đàn hồi cần thiết.

Trống được bưng xong sẽ được sơn tiếp một lớp sơn bóng trên bề mặt. Sau đó, người ta đóng quai hai bên trước khi đem đóng bao bì và vận chuyển đi khắp mọi nơi.

Giữ hồn quê giữa lòng thành phố lớn

Tạm chia tay nơi ngõ quê yên ả, vượt nghìn cây số tìm đến giữa lòng thành phố nhộn nhịp những sắc hoa xen kẽ vệt nắng thu lung linh trước gió, nơi những người nghệ nhân đang bận vót tre, phết hồ làm đèn trung thu trong con hẻm nhỏ trên đường Lạc Long Quân, quận 11, Sài Gòn: Làng nghề làm đèn lồng Phú Bình.

Vào những năm 50 của thế kỷ trước, một vài nghệ nhân di cư từ làng nghề Bác Cổ, Nam Định vào miền Nam đến vùng xóm Đạo truyền nghề và duy trì đến mãi bây giờ.

Mỗi năm, cứ sau dịp Tết nguyên đán, mấy hộ làm đèn lồng đã rục rịch chuẩn bị các nguyên liệu như: Lồ ô, tre để chẻ nan tạo khung, kẽm, giấy kiếng, bột màu… và tiến hành làm ra các sản phẩm nhằm chuẩn bị cho dịp Tết trung thu rằm tháng 8.

Mặc dù, những nguyên vật liệu khá dễ tìm nhưng để cho ra một sản phẩm đèn lồng đẹp mắt là cả một quá trình dày công cố gắng của các nghệ nhân. Từ việc chẻ nan, tạo hình, kết kẽm, dán giấy, sơn phết, vẽ trang trí. Trong đó, việc tạo hình, trang trí hoạ tiết và kỹ thuật cắt giấy, bôi hồ, dán,… đòi hỏi người thợ phải sáng tạo, khéo léo trong từng chi tiết.

Trung bình một nghệ nhân nếu cố gắng hết sức có thể làm ra được khoảng 30-40 chiếc khung/ngày. Nhiều công đoạn như vậy nhưng công sức bán ra một chiếc đèn lồng chỉ dao động từ 12.000-60.000/chiếc.

Những chiếc đèn lồng giấy kiếng truyền thống thương hiệu Phú Bình đủ màu sắc, đủ hình dáng như: Ông sao, thiên nga, phượng hoàng, con gà, con cá, tàu thủy… đã cùng đồng hành với nhiều em nhỏ qua biết bao mùa trăng tháng 8.

Nốt thăng trầm đồng điệu

Vào những năm đầu thập niên 90 là thời hoàng kim của những làng nghề làm đồ chơi Trung thu như làng Hảo hay làng Phú Bình. Khi ấy, hàng sản xuất không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra các nước cũng có truyền thống đón Trung thu như: Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Như một dòng sông cũng có lúc vơi lúc cạn, khoảng mấy chục năm đổ lại đây, mặt hàng đồ chơi điện tử, búp bê mới nhập về được ưa chuộng nhiều hơn thì các làng nghề lại rơi vào tình trạng lao đao, rất nhiều hộ dân phải bỏ nghề đi tìm kế sinh nhai khác. Nhiều làng nghề truyền thống chỉ còn lác đác vài người thợ nghề vì còn đam mê vẫn cần mẫn nhen nhóm lên ngọn lửa hy vọng về một tương lai mới.

 

Đúng như người ta nói: “Còn tình thì ắt còn duyên nợ”. Vài năm trở lại đây, phong cách sống hoài cổ được nhiều người yêu thích. Lối sống hướng con người tìm về sự giản đơn, mộc mạc và xưa cũ. Cũng bởi thế, những trò chơi dân gian xưa, những món đồ truyền thống lại được người ta ưa chuộng trở lại. Những làng nghề truyền thống như tìm được cơ hội được tân sinh, những đôi bàn tay lại tất bất chẻ tre, chẻ gỗ, tiện gỗ, pha màu, quét sơn… Phải chăng, con người đã nhận ra điều gì là ý nghĩa nhất?

Nhiều người tập thói quen sống tối giản tưởng rằng khi sống theo trào lưu khiến họ vui vẻ, nhưng họ thật không biết giá trị ẩn sâu ở bên trong. Kỳ thực, chẳng phải khi tìm về với những cổ kính của thời gian, đồng thời họ cũng đã đắc được bình an trong lòng. Xã hội tất nhiên cần phát triển, đất nước cũng cần lớn mạnh; nhưng một điều thật sự cần hơn và quan trọng hơn, đó chính là sự hài hòa cân bằng giữa vật chất và tinh thần bên trong mỗi quốc gia. Truyền thống là những giá trị đạo đức nâng đỡ tâm hồn con người, là con đường dẫn lối ta tìm về cội nguồn xưa cũ để thấy được ý nghĩa chân thực của sinh mệnh.

Nguồn ảnh: Afamily, Phapluatplus, Placeinsaigon.

Hồng Tâm

Exit mobile version