Nếu chỉ vừa tiếp xúc với vị bác sĩ chuyên khoa dưới đây thì không ai có thể biết được rằng cô đã sống 20 năm trời chỉ với một nửa bộ não, và đó là một câu chuyện đẹp…
20 năm trước, Christina Santhouse là một bé gái được yêu mến, rất hướng ngoại, thích chơi thể thao, và đặc biệt là bóng đá. Nhưng rồi những cơn động kinh bắt đầu xảy đến với em với cường độ tăng dần, cao nhất là 150 lần chỉ trong một ngày……
Các bác sĩ chẩn đoán rằng Christina bị mắc một chứng bệnh viêm não hiếm gặp, và nó sẽ dần dần khiến cô bé bị liệt để rồi giết chết em. Biện pháp duy nhất để cứu vãn tình thế là cắt bỏ một nửa bộ não của Christina.
Năm ngày trước khi các bác sĩ buộc phải loại bỏ một nửa bộ não của Christina, cô bé 8 tuổi vừa mới biểu diễn bài “It’s the Hard-Knock Life” (Tạm dịch: “Đó là một cuộc sống đầy khó khăn“) của vở nhạc kịch Annie trong buổi diễn tìm kiếm tài năng tổ chức tại trường tiểu học của mình ở vùng Levittown, New York, Mỹ.
“Tôi ở lại trường cho đến giờ phút cuối cùng“, Christina nhớ lại, “Tôi yêu thích được ở cạnh bạn bè. Mỗi lớp đã viết tặng tôi một tấm cạc và tổ chức một buổi tiệc ở nhà thờ. Tôi đã không cảm thấy sợ hãi“.
Ngày 13 tháng 2 năm 1996, trước khi được đẩy vào phòng phẫu thuật tại bệnh viện nhi Hopkins ở Baltimore, Christina đã mạnh mẽ nói với cha mẹ em: “Đừng lo, con sẽ ổn. Con sẽ mơ rằng mình đang đá bóng“. Đá bóng – một giấc mơ mà Christina sẽ không còn có thể thực hiện.
Đối với bà Lynne, mẹ Christina, và ông Albert Catarro, dượng của cô bé, thì đó là một sự lạc quan dũng cảm. Họ đã rất đỗi lo lắng vì ca phẫu thuật diễn ra những 14 tiếng đồng hồ, dài hơn nhiều so với dự kiến. Bước vào gặp Christina, nhìn những ống thở và dây cắm trên người con gái, bà Lynne đã ngất đi trong khi Christina đang nắm chặt lấy tay mình…
Sau ca phẫu thuật, Christina trở thành một đứa trẻ trầm lặng. Những bạn bè từng chơi thân với cô bé dần dần ít đến hơn. Nhưng ẩn sâu trong Christina vẫn là một sức sống mãnh liệt và bền bỉ: Christina muốn học – cô muốn vào đại học – cô muốn có một công việc của riêng mình.
Phải, Christina muốn sống – mặc cho việc giáo viên ở trường tỏ ý nghi ngờ và cho rằng việc lớn nhất cô bé sẽ có thể làm được là nhấc điện thoại lên để nghe máy – mặc cho các bác sĩ ở bệnh viện cho rằng cô bé sẽ không thể nào lái xe.
Nhưng, sống với một nửa bộ não không phải là điều gì đó dễ dàng.
Christina mất toàn bộ khả năng điều khiển một nửa cơ thể bên trái của mình. Cô bé phải sử dụng giá đỡ, và phải học làm quen với việc mình chỉ cử động được có một tay. Không chỉ có thể, Christina còn bị mất thị lực một bên mắt.
“Tôi đã không để ca phẫu thuật não dừng mình lại.”
Sau những đợt điều trị dai dẳng và khó khăn, Christina đã có thể đi lại – với một dáng vẻ gượng gạo. Cô bé tập làm mọi việc bằng cánh tay phải, và tập nhìn bằng một con mắt. Vào tháng 4, Christina mạnh mẽ trở về trường học…
Nhưng Christina còn phải làm quen với một kiểu học tập mới: nửa ngày ở lớp, và nửa ngày điều trị. Sau ca phẫu thuật, cô bé bị hồi hộp, bốc đồng… những biểu hiện mà cô bé chưa bao giờ có. Christina bắt đầu bằng một cây gậy chống có ba chân, rồi gậy đơn, rồi tự đi một mình. Cô bé phải nghiêng đầu để nhìn bảng và đi lại.
Christina vẫn là một học sinh xuất sắc… chỉ có điều cô bé phải thức đêm để làm bài tập. “Tôi đang tiến mạnh về phía trước“, Christina nói, nhớ lại khoảng thời gian cô lấy được tấm bằng lái xe ở tuổi 17, vững bước tiến vào trường cao đẳng, đó là chưa kể đến việc cô còn là một tay bowling cừ khôi.
Bowling – phải, Christina đã tìm ra cách để vẫn có thể chơi một môn thể thao nào đó – và chơi nó rất giỏi!
“Tôi không biết cách chơi bowling bằng một tay như thế nào“, Christina tâm sự, “Tôi chỉ là cầm trái bowling lên, đặt nó vào đùi, đi tới làn ném, đặt chân lên tấm ván đúng làn cần ném… Rồi tôi gập người xuống, quay cánh tay ba vòng để có đủ lực, rồi ném ở vòng thứ ba“. Christina có thể đạt tới 234 điểm nhờ kỹ thuật đó. Cô trở thành đội trưởng đội bowling, rồi cùng họ đi thi thố ở Anh và Úc.
Trong 5 năm, Christina lần lượt tốt nghiệp đại học, và rồi… thạc sĩ!
Cô nhận được công việc bác sĩ chuyên khoa về ngôn ngữ và chuyển hướng qua mục tiêu lớn tiếp theo: mua nhà. Tuy nhiên, Christina không thể ngờ rằng trong quá trình đó, cô lại tìm được cả “một gia đình“. Khi Christina chuyển tới căn nhà mới của mình ở Yardley, cô đã làm quen với Vince Paravecchia, một anh chàng trợ giảng kiêm viết báo thể thao. Vài tháng sau, cô mời Vince về nhà xem phim, và họ đã tâm sự suốt buổi tối hôm đó.
“Cô ấy nói về ‘tình trạng của em’, và tôi đã ngạc nhiên hỏi lại ‘Em đang nói gì vậy?’…“, Vince kể lại. Anh đã không hề để ý thấy việc Christina bị tàn tật. Với anh, cô thật “ngọt ngào, có trái tim rộng mở, và quá đáng yêu“.
Vào dịp 20 năm kỷ niệm ngày phẫu thuật cắt bỏ một nửa bộ não, Christina đứng trong tổ ấm của mình, ngắm nhìn tấm ảnh cưới của cô và Vince vào năm 2014, bên cạnh đó là bức ảnh ngôi nhà, tấm bằng thạc sĩ, tấm bằng lái xe ô tô, và cuối cùng là hình ảnh của một bé gái 8 tuổi đang hát “It’s the Hard-Knock Life” (Tạm dịch: “Đó là một cuộc sống đầy khó khăn“) vào tháng 2 năm 1996.
Christina Santhouse, cô gái đã vượt xa tất cả những định kiến và thành công ngoài sức tưởng tượng, chỉ với một nửa bộ não của mình.
Theo Kathy Boccella, Mobile.philly.com
Quang Minh
Xem thêm: