Đại Kỷ Nguyên

2016 đầy nước mắt: 4 mùa Hà Nội ‘khóc thương’ tiễn đưa 7 nghệ sỹ gạo cội trở về với đất mẹ

2016 là một năm khá buồn khi hàng loạt những nghệ sĩ Việt nam tài năng lần lượt ra đi, để lại những khoảng trống rất lớn không chỉ trên sân khấu mà còn trong lòng những người yêu mến tài năng và sự nghiệp của họ. Chúng ta hãy cùng điểm lại những gương mặt quen thuộc ấy. 

Mùa Xuân năm 2016

Ca Sĩ – Nhạc Sĩ Trần Lập – Một trái tim, một giọng ca truyền lửa

Trần Lập, ‘thủ lĩnh’ của ban nhạc Rock nổi tiếng một thời – Bức tường, đã nói lời từ biệt cuộc đời vào ngày 17 tháng 3 năm 2016, khi anh mới 42 tuổi.

Khi sinh thời, Trần Lập đã chọn dùng sự máu lửa của rock kết hợp với những nhiệt huyết và khát vọng sống hết mình của tuổi trẻ trong anh để truyền đi những thông điệp ý nghĩa về tuổi trẻ, về tình yêu. Mắt đen, Người đàn bà hóa đá, Những chuyến đi dài, Đường tới ngày vinh quang… là những bài hát nổi tiếng đem lại nguồn cảm hứng và động lực cho rất nhiều thế hệ Việt Nam.

Trước khi Trần Lập ra đi, anh đã một lần nữa truyền cảm hứng cho rất nhiều người, và lần này không chỉ là người yêu âm nhạc khi tinh thần chiến đấu, đối mặt với bệnh tật như một chiến binh của anh đã làm xúc động hàng triệu trái tim. Hình ảnh một Trần Lập vượt qua nỗi đau đớn của thể xác, để hát, để nở nụ cười, để truyền tới những người hâm mộ ý chí sống mãnh liệt như những bài hát của anh có lẽ sẽ ở lại rất lâu trong lòng những người yêu âm nhạc.

Nhạc sĩ Thanh Tùng – Người viết tình ca

Sinh ra tại thành phố biển Nha Trang nhưng lớn lên trong không gian cổ kính của Hà Nội. Nhạc sĩ Thanh Tùng đã chọn cho mình con đường âm nhạc ngay khi bước vào tuổi trưởng thành. Tư duy âm nhạc mới mẻ của Thanh Tùng đã đem nhạc Việt đến gần hơn với công chúng, biến âm nhạc trở thành một món ăn tinh thần quý giá của mọi người.

Song với những người yêu âm nhạc, có lẽ các bài tình ca mới là những món quà ý nghĩa nhất mà ông dành cho khán giả. Các sáng tác của Thanh Tùng về tình yêu, dù luôn có nét buồn, nhưng không bao giờ có những dằn vặt đau đớn. Mỗi bài hát đều như môt lời tự sự nhẹ nhàng. Có lẽ vì vậy, rất nhiều các thế hệ người Việt trẻ đã tìm thấy sự đồng cảm trong những sáng tác giàu chất thơ của ông: Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về…

Vào trung tuần tháng 3 (15/03) năm nay, sau khi chiến đấu với rất nhiều bệnh tật, ông đã phải nói lời chia tay với những người yêu âm nhạc. 

Mùa Hạ năm 2016

Nguyễn Ánh 9 – Nhạc sĩ của những người xa quê hương

Nguyễn Ánh 9 là là một cái tên rất quen thuộc với các ca sĩ Việt Nam tại nước ngoài cũng như các kiều bào xa xứ. Ông bắt đầu những sáng tác của mình từ những năm 70 của thế kỉ trước. Chất nhạc của Nguyễn Ánh có gì đó thơ mộng nhưng da diết. Cùng với các nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, âm nhạc của ông đã mang cái trữ tình đi vào lòng người hâm mộ, và lưu tại đó như một biểu tượng của thời gian.

Ông không chỉ là tác giả của những bản tình ca Ai đưa em về, Chia phôi, Lời cuối cho em, Cô Đơn,… cuộc đời âm nhạc của ông còn gắn liền với cây dương cầm. Nguyễn Ánh 9 đã từng đệm đàn cho những danh ca như Khánh Ly, Thái Thanh. 

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1940. Ông đã trở về bên Chúa vào ngày 14 tháng 04 năm 2016 do căn bệnh suy tim. Ngày ông mất, hàng trăm lời tiễn đưa, tâm sự của các anh chị em nghệ sĩ trong ngoài nước gửi tới ông, càng khiến người ta cảm nhận được tình thương yêu, sự kính trọng mà họ dành cho người nhạc sĩ tài hoa này.

Mùa thu năm 2016

Nghệ Sĩ Phạm Bằng – Cuộc đời và vai diễn hoàn toàn trái ngược

Nghệ sĩ Phạm Bằng khởi đầu con đường nghệ thuật rất gian nan. Ông đã rất vất vả trong nửa đầu sự nghiệp, trải qua nhiều vai diễn phản diện, nhiều sân khấu khác nhau. Chỉ đến khi tham gia Gala Gặp nhau cuối tuần ông mới thực sự được khán giả biết tới như một diễn viên hài. Nghệ sĩ Phạm Bằng luôn khiến khán giả cũng như đồng nghiệp hết sức quý trọng, khâm phục ông bởi tình yêu dành cho nghiệp diễn cũng như sự dẻo dai hiếm có của ông. Khi ở tuổi 85, người ta vẫn thấy một bác Bằng ‘hói’, chạy xe máy tới trường quay, miệt mài bên những trang kịch bản.

Nếu như trên sân khấu hài, Phạm Bằng thường vào vai “sếp đầu hói” ưa nịnh, hay ‘trêu chọc’ nhiều phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp thì ngoài đời, ông lại hướng tất cả tình yêu và sự trân trọng dành cho người vợ tảo hiền của mình. Qua những chia sẻ của những người sống trong khu hẻm, sự ra đi của vợ làm ông rất hụt hẫng, ông đi diễn nhiều hơn, không còn ở nhà, ở quán nhiều như trước nữa.

Ngày 31 tháng 10 năm 2016, ông qua đời ở tuổi 85 vì căn bệnh viêm gan.

Nghệ Sĩ Thanh Tòng – Ông vua Cải lương Tuồng cổ

Nghệ sĩ Thanh Tòng thuộc thế hệ thứ ba của đại gia đình cải lương hồ quảng Minh Tơ, rất nổi tiếng với người dân miền Nam. Ông tuy là con trai thứ trong gia đình, nhưng lại là người được ba ông, ông bầu Minh Tơ dạy dỗ và chỉ bảo nhiều nhất. Để các giai điệu hồ quảng gần với cổ nhạc Việt Nam, ông đã cùng anh em trong đoàn, cho thêm vũ đạo hát bội, các điệu lý, các bài vọng cổ, bản vắn của cải lương vào. Cải lương hồ quảng đã trở thành Tuồng cổ từ đó.

Những vở diễn được nghệ sĩ Thanh Tòng dày công suy nghĩ, dàn dựng, việt hóa đã trở thành một kho báu rất giá trị đối của nghệ thuật  truyền thống của dân tộc, và nhất là với những nghệ sĩ cải lương trẻ. Họ sẽ không chỉ học được những lối diễn, lối hát xưa, mà còn học được tinh thần của một nghệ sĩ chân chính: Không bao giờ từ bỏ niềm đam mê của mình, dùng chính trái tim yêu nghề cùng sự sáng tạo để cải biến những hoàn cảnh tưởng chừng không còn hi vọng.

Nghễ sĩ Thanh Tòng đã từ biệt cuộc sống nơi trần thế vào ngày 22 tháng 9 năm 2016 trong vòng tay yêu thương của gia đình và bè bạn .

Ca Sĩ Minh Thuận – Trầm lặng cống hiến

Ca sĩ – diễn viên Minh Thuận tên thật Nguyễn Minh Thuận, sinh ngày 12/9/1969 tại Sài Gòn. Anh là nghệ sĩ nổi tiếng cùng thời với Phương Thanh, Lam Trường, Cẩm Ly… Dù chỉ có mặt trên cuộc đời 47 năm ngắn ngủi nhưng những gì Minh Thuận để lại thật đáng quý.

Anh không để lại những bài ca, hay vai diễn vàng nức danh trong nghệ thuật, cái anh để lại trong lòng những người ở lại là cách sống đầy nghị lực và rất chân thật khi phải đối diện với cuộc đời đầy sóng gió. Khi không thể đi tiếp con đường ca hát, Minh Thuận đã cố gắng hết sức để làm quen với điện ảnh và kịch. Đáng quý nhất, dù đứng trên sân khấu với bất cứ tư cách nào, diễn viên hay ca sĩ, Minh Thuận cũng luôn dành hết tâm huyết của mình để diễn. Dù rất nhiều lần gặp phải những vẫn đề sức khỏe nghiêm trọng, Minh Thuận vẫn lặng lẽ vượt qua bệnh tật để tiếp tục cống hiến. Chỉ cho đến lần thứ ba, lần cuối cùng căn bệnh ung thư mới có thể khiến anh dừng bước.

Không ồn ào, không phô trương, Minh Thuận chọn con đường thầm lặng cố gắng. Hình ảnh của chàng ca sĩ nhỏ bé, tóc dài, đôi mắt buồn và khuôn mặt vô cùng thánh thiện của Minh Thuận hẳn sẽ luôn ở trong trái tim những người yêu thương và mến mộ anh.

Mùa Đông năm 2016

Nghệ Sĩ Út Bạch Lan – “Sầu nữ” của sân khấu cải lương, cuộc đời buồn và tấm lòng hướng Phật

Nghệ sĩ Út Bạch Lan rất nổi tiếng với những người mê cải lương. Bà tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935, tại Long An. Giọng hát trong trẻo mà ngọt ngào của bà đã làm nhiều người say mê ngay từ khi bà còn là một cô bé hát dạo nơi vỉa hè, góc chợ. Khi gặp danh ca lẫy lừng một thời cô Năm Cần Thơ, bà bắt đầu theo đuổi nghiệp hát cải lương. Không ngừng khổ luyện diễn xuất, trau chuốt kỹ thuật ca ngâm, sáng tạo nét mới, NS Út Bạch Lan đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả qua rất nhiều vở diễn đa dạng đa dạng từ xã hội, cổ tích, sử Việt Nam đến Trung Hoa, Tây, Nhật…

Khán giả có thể yêu mến vô cùng giọng ca buồn và những vai diễn buồn của Sầu Nữ Út Bạch Lan. Nhưng không phải ai cũng biết về cuộc đời nhiều đau khổ của bà. Út Bạch Lan kết duyên cùng một người không chung thủy. Trong suốt cuộc hôn nhân, đã hai lần, hai người phụ nữ khác đã bế con của chồng bà tới tìm bà. Út Bạch Lan đã nhận hai đứa trẻ về nuôi. Bà đối xử với hai con chồng như con của mình. Để rồi đến khi chúng lớn, những người mẹ đẻ quay về ngỏ ý muốn được đoàn tụ với con. Út Bạch Lan lại một lần nữa để những đứa con mà bà nuôi nấng bao năm về bên mẹ chúng. Không oán trách, không giận hờn, bà chọn cách bao dung nhất để đối đãi với những đau khổ đã đến với bà.

Sau những nỗi buồn của cuộc đời, Út Bạch Lan rất tin vào đạo Phật. Không xuống tóc quy y, đêm bà đọc kinh, ngày chọn sân chùa làm sân khấu, hát những bài ca, những vở tuồng về Phật để lấy tiền trùng tu, sửa chữa chùa chiền hoặc giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Bà đã trở về bên Phật vào một ngày đầu đông, 5 tháng 11, khi đã đi hết 81 năm cuộc đời.

Mỗi nghệ sĩ đã viết nên trọn vẹn câu chuyện cuộc đời họ. Câu chuyện về những cố gắng không mệt mỏi. Họ đã sống, đã diễn, đã hát, đã cống hiến hết mình trong sự nghiệp của mình. Với những gì họ để lại trong lòng khán giả và người hâm mộ của mình, có lẽ không ai trong số những người nổi tiếng đã ra đi này phải nuối tiếc vì những năm tháng mà họ đã sống trên đời. 

Ly Ly tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version