Hà Nội đang vào những ngày hè nắng như đổ lửa, ở trong những tòa nhà cao rộng mà người ta còn thấy mồ hôi vã ra như tắm. Ở một khoảnh đất nhỏ có tên An Dương của Hà Nội, cái nóng còn thấm vào không khí, vào những túi rác chất cao và gợi dậy ở đó một thứ mùi xú uế nặng nề.
Đó là nơi ba anh em An, Công, Tình (tên nhân vật đã được thay đổi) đang trải qua những tháng ngày tuổi thơ quý giá của chúng. Theo Tri thức trẻ, tối nào ba đứa trẻ cũng ra bãi rác này để phụ mẹ tìm ve chai để bán. Công việc của các em bắt đầu từ 7 giờ tối và kết thúc vào 10 rưỡi đêm hàng ngày. Hè cũng vừa đến, ba anh em lại dành nhiều thời gian hơn ở nơi hôi hám, bẩn thỉu này.
Tuổi thơ trong trẻo nơi bãi rác
Ngày nay, khi cuộc sống càng hiện đại, con người càng sợ sự vất vả, sợ phải chịu đựng. Vậy nên các bậc làm cha mẹ đều có xu hướng cố gắng làm việc để cho con cái mình những điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, gia đình ba cậu trai nhỏ này không có được điều kiện dư dả ấy. Cha chúng đã mất sức lao động, chỉ có thể nằm yên ở nhà với nỗi thương vợ, thương con nặng trĩu trong tâm. Còn mẹ chúng ngày nào cũng đi khắp các nẻo đường của thành phố, bất kể nắng mưa để thu gom những thứ người ta đã không còn dùng đến.
Nhọc nhằn, vất vả là thế, nhưng mẹ tụi trẻ vẫn cần mẫn làm việc, để tụi nó có cơm ăn và còn được đến trường. Hay như cách nói của cô Sáu, người đồng nghiệp thân thiết của ba đứa trẻ nơi bãi rác, vì cái nghèo, cái khổ nên họ mới phải làm nghề vất vả, nhem nhuốc này.
Tuy nhiên, với ba anh em An, Công và Tình, công việc nơi bãi rác dường như không đáng sợ như người ta vẫn nghĩ. Khi được hỏi về sự có mặt của các em ở đây, chúng có thể hồn nhiên trả lời, không một chút ngại ngần, giấu diếm. Với những đứa trẻ, nhặt rác để phụ giúp cha mẹ không có gì đáng xấu hổ.
Ngày trước, cả xóm nhỏ đã quen mặt ba đứa trẻ, chúng lém lỉnh nhưng chăm chỉ nên ai cũng quý, cũng thương. Giờ, đi nhặt rác ban đêm phụ mẹ chỉ còn mỗi hai anh em Công và Tình. Còn An đã chuyển đi làm nghề khác, sau 4 đến 5 năm gắn bó với nghề này.
Qua những bức ảnh, người ta vẫn có thể trông thấy sự ngây thơ và trong sáng của những đứa trẻ nghèo, ngay giữa nơi tập kết những phế liệu của cuộc sống. Ăn cơm tối no, hai anh em lại yên tâm bắt đầu công việc quen thuộc của mình. Không găng tay bảo hộ, không mũ nón khẩu trang, hai đứa trẻ cùng nhau bới trong đống rác, thu lượm về từng cái vỏ lon, từng chiếc chai nhựa. Khi ai đó vứt vào bãi phế liệu một cái bọc mới, hai đứa lại hăng hái khám phá, để xem trong những gì người ta mang đến có thêm chút cơ hội nào cho chúng, cho gia đình bé nhỏ với người cha bệnh và người mẹ tảo tần.
Cái nghèo, cái xấu xí của bãi phế liệu này dường như cũng không thể lấy đi của những đứa trẻ niềm vui sống. Tình, cậu em út trong ba anh em vẫn ở độ tuổi mải chơi. Với cậu bé, và có lẽ với anh trai cậu cũng vậy, bãi phế liệu không đơn thuần chỉ là nơi làm việc, càng không phải là nơi để buồn phiền. Chiếc kệ sắt đựng thùng rác cũng có thể trở thành nơi để cậu út nhảy lên nhảy xuống chơi đùa. Và nhiều thứ nằm ẩn mình trong những đồ bỏ đi ấy lại đều mới lạ với hai anh em.
Bãi rác trong đôi mắt lũ trẻ dường như là sân chơi riêng của hai đứa. Đó là một thế giới hoàn toàn khác, nơi không có những cái nhìn, cái nhăn mày định kiến hay dò xét, cũng không có nỗi tủi hờn khi phải làm cái nghề “chẳng có gì đáng tự hào” như chị Sáu, người bạn đồng nghiệp của chúng đã chia sẻ.
Tình thương giữa cái nghèo
Chị Sáu quen hai đứa trẻ này từ lâu, vì chị cũng là người làm việc nơi bãi phế liệu này. Bình thường, Công và Tình vẫn thường luôn tay luôn chân phụ chị và những anh chị lao công khác phân loại rác. Chị Sáu kể, mấy đứa trẻ này ngoan lắm. Chúng sống cùng bố mẹ trong căn nhà người ta thương mà cho thuê với giá rẻ. Vì nhà nghèo, chúng ngày nào cũng kiếm rác nơi này. Có lẽ vì cái tính chịu thương, chịu khó, lại tốt bụng nên bà con quanh đó ai cũng yêu quý hai đứa nhỏ.
Rồi có hôm chị đi qua hàng thịt xiên nướng, định bụng mua ít thôi, nhưng người bán cũng sắp hết hàng, cứ nhờ chị mua cho cả chục xiên cuối cùng. Cũng cùng cảnh khó, chị lại bấm bụng mua. Biết một mình không thể dùng hết số thịt này, thế là chị lại mang đến cho hai đứa trẻ để chúng cùng được ăn. Có lẽ, tối đó, Công và Tình vui lắm, vui vì không phải chỉ vì được ăn món khoái khẩu, mà vì được cô Sáu san sẻ niềm vui.
Cứ tầm 8 giờ tối, mẹ hai đứa trẻ lại qua bãi rác thăm hai cậu con nhỏ. Vừa thấy bóng dáng mẹ trên chiếc xe đạp cũ kỹ, chất đầy những chai lọ, giấy bìa, Tình đã chạy vụt ra. Không như những đứa trẻ khác trông mẹ đi chợ về để đón niềm vui có quà, Tình và Công trông mẹ là để có được cảm giác mẹ ở bên.
Một chai nước mỗi mẹ con chia nhau một ngụm để xua bớt phần nào cái nóng nực của mùa, cái mệt mỏi của thân. Để rồi cùng nhau ngồi nghỉ, lấy sức hoàn thành phần còn lại của một ngày.
Vất vả, khó khăn, nhưng có lẽ với người mẹ ấy, có được những đứa con biết thương, biết nghĩ cho mẹ như vậy đã là một món quà quý giá.
Chung lòng, vất vả sẽ qua đi
Trong đôi mắt của Tình, những người xung quanh vẫn nhận thấy thứ ánh sáng lấp lánh mà con người ta có được chỉ khi họ đang hạnh phúc. Trên môi em cũng là nụ cười tươi rói và hồn nhiên. Tình và Công, hai đứa trẻ nơi bãi rác nhỏ phải chăng đang gợi nhắc cho chúng ta rất nhiều điều.
Mẹ của hai anh em luôn thầm ước, giá như có một phép màu để chồng chị khỏi bệnh, để hai con có điều kiện chỉ tập trung vào việc học. Đó là mong ước chính đáng của một người vợ, một người mẹ.
Nhưng nếu có thể lắng lòng lại một chút, hẳn mẹ của hai đứa nhỏ sẽ nhận ra rằng, bên cạnh những thiệt thòi về vật chất, những đứa trẻ của chị lại đang có những món quà mà không nhiều trẻ em hiện đại có được. Đó là một hoàn cảnh để thấu hiểu giá trị của lao động, một hoàn cảnh để biết được niềm hạnh phúc của việc giúp đỡ, san sẻ gánh nặng với mẹ cha.
Hy vọng rằng, đến một ngày, hai đứa trẻ, mẹ và gia đình nhỏ của chúng có thể mỉm cười. Không chỉ vì họ thoát được cái khổ, mà còn vì họ nhận ra rằng, trong hoàn cảnh khó khăn nhất, họ đã ở đó, cố gắng sống và sống tốt vì nhau.
Nguồn ảnh: Tri thức Trẻ
Hy Văn