Đại Kỷ Nguyên

3 câu hỏi cần trả lời nếu bạn nghĩ đến cái chết

Khi gặp bế tắc, dường như rất ít người trong chúng ta mở lòng mình với người khác, thay vì chọn lấy sự tuyệt vọng câm nín. Có những vấn đề không thể nào có ai hiểu hơn mình. Có những nỗi đau không có ai chia sẻ nổi đâu. Đó là sự đứt kết nối. Bây giờ, nếu như bạn – hay ai đó mà bạn quen biết – đang mất kết nối với cuộc sống, đang mệt mỏi, thất vọng, kiệt quệ, thậm chí muốn rời bỏ đời này. Tôi không dám đưa ra bất cứ lời khuyên nào. Chỉ xin hỏi 3 câu…

Mỗi năm có 800.000 người tự tử trên toàn thế giới. Đây là nói những vụ tự tử thành công và được ghi nhận bởi cái chết, còn tự tử bất thành thì không thể đếm xuể. Nghĩa là tính trung bình, cứ 40 giây lại có 1 người ra đi vì tự tử. Đó là cách kết thúc cuộc sống mà Chúa lẫn Phật đều không tha thứ, người cũng không, và chính bản thân người chọn tự tử có lẽ cũng không tự tha thứ được cho mình. Thế nhưng, khi bạn đọc đến đây, thì lại vừa có một người tự tử thành công đâu đó trên thế giới này rồi.

Dẫu sao, những gì bạn đọc dưới đây, hoàn toàn không phải là kết quả của việc tìm kiếm những con số hay giải pháp cho hành vi tự tử vốn đầy rẫy trên mạng. Thực tế là nếu những giải pháp ấy có hiệu quả, thì chúng đã không cần phải đưa ra nhiều đến thế.

Cách đây 7 năm, tôi ngồi nhìn vào mắt thần chết. Đấy là một đêm mùa đông cực kỳ lạnh, ngồi trong căn buồng ngập vỏ mỳ gói và đầu mẩu thuốc lá, chăn đắp thế nào cũng vẫn run lên cầm cập, còn tôi thì không có một hy vọng nào ở tương lai. Tôi cầm con dao rọc giấy, biết rõ rằng chỉ cần rạch dứt khoát một đường ở động mạch phồng lên nơi cổ tay, nhói lên một cái, thì máu sẽ chảy ra, người lạnh dần, rồi chết được. Cho cẩn thận, tôi đã chuẩn bị vỉ Rotunda, uống vào đợi ngấm rồi mới cắt tay. Như thế sẽ không đau đớn gì, mà cũng chẳng đổi ý được nữa.

Ảnh minh họa: Beautifulmindvn.

Thần Chết ngồi ở đấy, tôi cảm thấy thế, không đáng sợ. Giống như cái hình minh họa bìa cuốn “Kẻ trộm sách” – chỉ là một gã khoác áo choàng đen, không rõ mặt, cũng chẳng tỏ ra một vẻ đe dọa nào. Chỉ là mọi thứ cô đặc lại, và phóng đại lên. Tôi nhớ rằng mình nhìn từng thứ một trong phòng đều rõ, rất rõ. Hàng chữ nhỏ li li trên bìa sách, cho đến cái kim băng ở góc tường. Rõ mồn một. Mắt tôi như một cái kính hiển vi, như một cái camera có chức năng zoom cực tốt. Cứ thế, tôi ngồi lặng lẽ nhìn mọi thứ.

Cuộc sống đôi khi như vậy, không ai dám chắc mình luôn mạnh mẽ. Tôi đã nghe một người tự tử không thành kể về cái đêm định mệnh của anh ấy. Bị trầm cảm kéo dài, hôm ấy, sau một tuần liên tục không thể ngủ được, anh vốc một nắm thuốc ngủ và bắt đầu thấy mình lịm đi. Lúc ấy thế nào mà bản năng sống trỗi dậy, anh ta cố kêu cứu. Nhưng lưỡi cứng lại. Anh tiếp tục bò lên cầu thang, lên tầng hai, để gọi cửa phòng bố. Chưa bao giờ thấy cái cầu thang nào dài bất tận như thế – anh kể. Cuối cùng thì cũng lết đến nơi, đập cửa, ông bố ra mở, anh nói: “Bố ơi cứu con với!”.

Tôi đã chưa một lần nào nói với mẹ mình rằng: “Mẹ ơi cứu con!”.

Ngay cả khi tôi tuyệt vọng nhất.

Ngay cả khi thậm chí tôi đã nghĩ đến cái chết.

Dĩ nhiên, tôi nghĩ đến mẹ nhiều, cũng như nghĩ đến những người thân của tôi. Nhưng chưa bao giờ tôi cầu cứu họ theo nghĩa đen.

Dường như rất ít người trong chúng ta đã làm điều đó, tức là mở lòng mình với người khác, thay vì chọn lấy sự tuyệt vọng câm nín. Tôi hiểu chứ. Có những vấn đề không thể nào có ai hiểu hơn mình. Có những nỗi đau không có ai chia sẻ nổi đâu. Đó là sự đứt kết nối.

Ảnh minh họa: VOA.

Một người bạn khác của tôi kể. Khi anh ở Mỹ, có một giai đoạn bị đứt kết nối. Mấy tuần lễ liền, anh chỉ ngồi trong buồng, không ra ngoài, không liên lạc với ai. Cho đến một hôm, anh xách giá vẽ ra cầu cảng cho thoáng đãng. Đang vẽ, thì một chiếc tàu lớn tiến vào cảng, ngay sau lưng anh.

– Khi đó thậm chí tôi chưa nhìn thấy nó – anh kể – Nhưng nó rúc lên một tiếng còi lớn, và tôi thấy mình bay lên. Trong một lúc, tôi bay lên khỏi thân xác mình, lượn như một con hải âu dọc theo thân tàu, rồi lướt qua từng quán rượu bên bến cảng, luồn dưới từng gác mái, nhìn rõ từng khuôn mặt trong những ngôi nhà. Thế rồi tôi trở lại. Kỳ lạ, tôi thấy mọi vấn đề thấu suốt. Tôi nhận ra mọi bế tắc của mình thực ra là ngộ nhận. Tôi sẵn sàng kết nối lại với con người.

Sau này bạn tôi về nước, tin rằng khoảnh khắc giác ngộ mà anh có cơ duyên gặp được trên cầu cảng xa xôi nước Mỹ có thể lan tỏa tới nhiều người khác. Anh lập ra một lớp, nơi mà mọi người có thể học thêm nhiều cách để giải phóng mình và kết nối với mọi người. Lớp học ấy tên là Toa Tàu.

Bây giờ, nếu như bạn – hay ai đó mà bạn quen biết – đang mất kết nối với cuộc sống, đang mệt mỏi, thất vọng, kiệt quệ, thậm chí muốn rời bỏ đời này. Tôi không dám đưa ra bất cứ lời khuyên nào. Chỉ xin hỏi 3 câu:

1. Bạn đã thử mọi cách để kết nối với mọi người chưa?

Chỉ cần một cuộc trò chuyện thôi. Với bố cũng được. Với mẹ cũng được. Với bạn bè cũng được. Với một bà bán bún, một anh xe ôm, một cô hàng nước cũng được. Mà thậm chí với một đứa bé chưa biết nói cũng được nữa. Bạn đã thử chưa?

2. Bạn đã hiểu rõ về nỗi buồn. Đồng ý, chắc chắn là như vậy. Nhưng bạn đã hiểu rõ về niềm vui chưa?

Ở đáy nước là sự tuyệt vọng. Nhưng ở trên nó là mây.

Ở cuối giấc ngủ là đêm đen. Nhưng mở mắt ra thì là ánh sáng.

Gieo mình xuống thì là xi măng. Nhưng ngửa đầu lên thì đón gió.

Ảnh minh họa: 2sao.

Niềm vui, nó nằm ở ngay cuối nỗi buồn, chỉ cách có một cái nhún vai thôi. Bạn nhún vai, thì khoảnh khắc tồi tệ này rồi sẽ qua. Bởi vì…

3. Bởi vì, cho đến lúc này, bạn đã bao giờ có một quyết định gì mà không hề mảy may nuối tiếc?

Bạn hãy nghĩ đi. Và tôi chắc chắn là không có đâu.

Bởi vì ngay cả những quyết định trọng đại nhất, được bạn làm với tất cả nhiệt tâm, thì nó vẫn không thể nào hoàn hảo.

Mặc dù bạn có một tình yêu đẹp, bạn vẫn sẽ ước gì quay lại lúc tỏ tình, để làm cho khoảnh khắc ấy lãng mạn hơn nữa.

Mặc dù bạn có một công việc rất ưng ý, thì bạn vẫn sẽ có lúc nghĩ đến một cơ hội khác, mà nếu chọn, thì có thể bây giờ bạn đã có một vị trí tốt hơn.

Mặc dù bạn đã đỗ đại học trường tốt nhất, nhưng hẳn vẫn có lúc bạn nghĩ, không hiểu mình cần học đại học để làm gì.

Không có một quyết định nào trong đời, mà chúng ta không xét lại, không nghĩ “Giá như làm lại, tôi sẽ làm tốt hơn, tốt hơn nữa”.

Thế đấy, và nếu chọn cái chết là quyết định Lúc Này của bạn, thì nó sẽ là một quyết định bạn Không Bao Giờ có thể làm lại được. Đó sẽ là quyết định Cuối Cùng.

Tôi không tự tử vào cái đêm lạnh lẽo 7 năm trước, tất nhiên, thì bây giờ tôi mới viết những dòng này. Nói thì nói thế thôi, lúc đấy chết thì to chuyện một tí. Còn không sao, thì giờ thản nhiên kể ra như một phút yếu lòng. Cuộc sống nó chỉ thế thôi bạn ạ. Bạn còn sống thì còn nhiều thứ. Chứ chết rồi, thì chấm một cái, là xong.

Cuối cùng, dù bạn chết theo cách nào, bệnh tật, tuổi già, tai nạn hay tự tử, thì tôi nghĩ rằng Thần Chết chỉ mang một gương mặt thôi – gương mặt của chính bạn.

Phạm Gia Hiền

Tiêu đề do ĐKN đặt. Vui lòng đọc bài viết gốc tại đây.

Video xem thêm: Trải nghiệm cận tử và sự hồi sinh kỳ diệu của vị Bác sĩ, Tiến sĩ Trưởng Khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy

Exit mobile version