Mẹ tôi chỉ học đến lớp 3 tiểu học, bà cũng rất hiếm khi ra khỏi làng, hầu như mấy chục năm qua chỉ quanh quẩn trong luỹ tre làng, đầu tắt mặt tối với công việc. Tuy vậy, mẹ lại thường nói ra những câu rất đạo lý, trong đó có ba câu nói mà tôi luôn ghi lòng tạc dạ.
Chỉ cần nói “không lạnh, không lạnh”, thì sẽ không cảm thấy lạnh nữa
Lúc tôi còn nhỏ, mùa đông trời thường đổ tuyết lớn, tuyết trắng bao phủ cả một vùng. Vì để đàn heo nuôi trong chuồng bán được giá cao, mỗi ngày mẹ tôi đều phải cho chúng ăn no nê. Ngày nào mẹ cũng ra vườn rau sau núi nhổ một gánh cải trắng mang về.
Có một lần tôi cùng mẹ đến đó, gió không ngừng thổi về phía khu đất trống khiến tôi rét run lên. Chúng tôi bới lớp tuyết ra để tìm kiếm cải trắng bên dưới, chỉ trong chốc lát, cánh tay của tôi lạnh thấu tận xương. Tôi lén đưa mắt dõi theo mẹ, thấy bà không có vẻ lạnh chút nào. Mẹ vẫn cứ “sột soạt, sột soạt” bới ra lớp tuyết đã bị đóng băng, nhổ những cây cải trắng đã bị đông cứng rồi liệng lên trên lớp tuyết.
Tôi lại gắng sức bới vài lần nữa, nhưng quả thật không thể chịu đựng thêm. Tôi liền dừng tay đứng ở một bên, hỏi mẹ sao không cảm thấy lạnh? Mẹ cười nói không lạnh. Nhìn thấy vẻ mặt kinh ngạc của tôi, mẹ nói tiếp: “Chỉ cần nói với bản thân là ‘không lạnh không lạnh’, thì sẽ không cảm thấy lạnh nữa”.
Tôi tức khắc đứng ngây ra đó, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi hiểu được lời mẹ nói. Tôi bắt chước mẹ khom lưng xuống, một lần, hai lần, ba lần, bới ra lớp tuyết dày đặc, nhổ lên một cây rồi lại một cây cải trắng.
Khi mẹ và tôi chất đầy một gánh củ cải trắng, chúng tôi liên tục chà xát hai bàn tay giống như miếng băng vậy. Mẹ cho hai tay tôi vào trong chiếc áo lông của bà để lấy hơi ấm, khi đó không biết là nước mắt hay là hoa tuyết đã khiến hai mắt của tôi nhòa đi.
Từ đó về sau, mỗi khi gặp phải khó khăn, tôi đều sẽ nhẹ nhàng và kiên định nói với bản thân rằng: “Không lạnh, không lạnh”. Chính câu nói ấy đã cùng tôi vượt qua hết mùa đông này đến mùa đông khác của cuộc đời.
Dây thừng, đừng kéo quá căng
Vào một buổi xế chiều, tôi dắt con trâu từ làng kế bên đi bộ một quãng đường dài để về nhà. Khi đó tôi vẫn chưa học được cách cưỡi trên lưng trâu, chỉ biết đi đằng trước kéo sợi dây thừng dắt trâu đi. Nhưng con trâu lại cứ thích đối đầu với tôi: Tôi kéo căng quá, nó lại càng muốn đi chậm. Tôi gắng sức kéo, nó càng giở thói không chịu bước lên. Con trâu này đúng thật là đáng ghét mà!
Trời mỗi lúc một tối dần, dọc theo con đường làng từng ngọn đèn lờ mờ đã sáng lên. Lòng tôi vội vàng quýnh quáng, liền bẻ một cành cây bên đường, chạy đến quất mạnh vào mông nó một cái. Lần này xong rồi, con trâu giật nảy mình, giãy thoát khỏi sợi dây thừng trong tay tôi rồi chạy một mạch về phía trước.
Tôi phải dốc hết sức chạy theo hơn nửa tiếng đồng hồ, cuối cùng cũng đuổi kịp con trâu. Con trâu thong thả dừng ở bên đường làng gặm cỏ, mẹ cũng đang đứng đó đợi tôi. Tôi liền kể với mẹ việc dắt trâu khi nãy, mẹ trái lại cười với tôi rằng: “Tại con kéo dây thừng căng quá, khiến mũi nó đau. Mũi đau rồi, nó đương nhiên sẽ không đi theo con nữa!”. Tôi chợt hiểu ra…
Năm 18 tuổi, tôi vừa chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông lại vừa ôn thi đại học, lúc ấy áp lực tư tưởng trong tôi khá nặng nề. Nếu ngày thường thành tích của tôi luôn đứng đầu lớp thì nay lại thất bại thảm hại. Về sau mẹ nói với tôi: “Đừng xem việc thi đại học quan trọng như mạng sống vậy! Con có nhớ chuyện dắt trâu lúc nhỏ không? Dây cương mà kéo căng quá, con trâu trái lại sẽ không đi theo con nữa!”.
Mùa hè năm sau, cuối cùng tôi đã được tuyển vào một trường đại học danh tiếng với thành tích xuất sắc. Hôm tôi rời khỏi làng quê, mẹ tiễn tôi đến tận cổng làng. Hai mắt đỏ hoe mẹ nói với tôi: “Con bây giờ đã khôn lớn rồi, mẹ không thể giữ con mãi bên mình được nữa…”.
Nếu không có việc gì, con hãy khẽ cất tiếng hát
Sau khi tốt nghiệp và đi làm, tôi luôn cảm thấy rất tủi thân. Một ngày, ông chủ phê bình việc tôi cả ngày xịu mặt, lấy lý do ấy để khấu trừ tiền thưởng của tôi. Tôi nhất thời nổi nóng cãi lại mấy câu, khiến ông ta tức giận bỏ đi.
Vừa khéo hôm đó mẹ lên thành phố thăm tôi. Sau khi biết được chuyện này, bà nói: “Con trai, con trâu không thể cứ mãi buộc ở một cái cọc, con cũng sẽ không ở mãi một nơi được. Nhưng làm bất cứ việc gì thì con hãy cố gắng làm cho thật tốt. Con không hài lòng, mẹ biết, mẹ có thể chỉ cho con một biện pháp: cho dù có việc hay không, con hãy khẽ cất tiếng hát”.
Tôi nhớ lại lúc nhỏ theo mẹ đi làm ruộng, mẹ luôn vừa làm việc vừa cất khẽ tiếng hát. Trong tiếng hát của mẹ, những công việc đồng áng vừa nặng nhọc vừa đơn điệu đã được chúng tôi làm xong lúc nào không hay.
Về sau tôi đã dưỡng thành một thói quen như vậy, bất kể là chạy xe đi làm hay là những lúc nhàn rỗi nghỉ ngơi, tôi đều cất khẽ tiếng hát cho riêng mình. Tôi tin rằng những bài ca mẹ dạy tôi từ nhỏ, nhất định là những ca khúc mỹ diệu nhất trên thế gian này.
Một năm sau, tôi được ông chủ khen ngợi cất nhắc lên làm phó giám đốc của công ty. Ba năm sau, tôi từ bỏ công việc với đãi ngộ hậu hĩnh, chuyển đến một tòa soạn làm ký giả bình thường. Hiện giờ tôi đã xuất bản hai quyển sách, những người quen biết cũng thường trêu đùa, gọi tôi là “nhà văn”.
Nếu bạn đứng ở bên tôi, có lẽ bạn sẽ nghe thấy tôi thường cất khẽ tiếng hát — đây là một trong những món quà tuyệt vời mà mẹ đã dành cho tôi.
Vũ Dương
Theo Văn Chương Duyệt Độc
Bạn đang đọc bài viết: “3 câu nói của mẹ là hành trang theo tôi hơn nửa cuộc đời” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |