Ông Đặng Văn Mỹ 66 tuổi, có nước da đen giòn đặc trưng của một người Nam Bộ, vầng trán cao rộng – điển hình của những con người quyết đoán và cương trực. Ánh mắt ông vẫn còn nguyên sự bồi hồi khi nhắc về kỷ niệm khi ấy: Hai ông bà lấy nhau phải gần hai chục năm mới sinh được đứa con trai, khi cả hai đã ngoài 40. Cái tên của con dường như diễn tả trọn vẹn nỗi niềm của cha mẹ khi được đón em vào lòng.
Nhưng niềm vui chẳng bao lâu, ngay sau khi Mừng lọt lòng, hai ông bà biết được con trai mình mắc hội chứng Down – nhiễm sắc thể thứ 21 trong các tế bào bị thừa ra khiến hình hài và cuộc sống của Mừng trở nên khác biệt. Em sẽ không có một dáng vẻ bình thường, đầu óc cũng không tinh nhanh và cũng sẽ không thể đi học giống như các bạn. Hiểu được tương lai của con, trong những ngày đầu tiên ấy, nỗi buồn lo như phủ lấy trái tim của hai ông bà.
“Chúng tôi sinh con ra nên phải có trách nhiệm nuôi dạy con” là lời tâm sự giản dị nhưng chứa đầy tình yêu thương con của ông bà Mỹ. Con không lành lặn là số phận của con không được trọn vẹn, vậy ông bà sẽ là những người bù đắp cho con bằng tình thương, bằng niềm tin dù ban đầu còn rất mong manh: Mừng có thể lớn lên, trưởng thành và có một cuộc sống ít nhiều giống như những bè bạn cùng trang lứa. Với thiện niệm ấy trong tâm, ông bà Mỹ đã dành tất cả thời gian, công sức của mình để sát cánh cùng đứa con bé nhỏ thiếu may mắn.
Mừng chậm đi, chậm nói. Đến năm 7 tuổi, cách di chuyển duy nhất của em vẫn là lết trên sàn. Nhưng ngày nào ông Mỹ cũng dìu em, tập đi từng bước. Sự nhẫn nại của người cha ấy dường như đã được con trai ông cảm nhận theo một cách nào đó, để rồi đến một ngày, em có thể lần tường, tự bước từng bước. Chỉ hai, ba buổi tập bám tường mà bước ấy, Mừng tự đi những bước đầu tiên bằng đôi chân của mình. Không nói ra, nhưng chắc hẳn trong thâm tâm, cha mẹ em cảm nhận được sự nỗ lực, cố gắng của con trai mình. Nỗ lực chỉ có thể nhìn thấy bằng trái tim của cha mẹ ấy đã trở thành động lực lớn nhất để ông bà Mỹ tiếp tục bước tiếp cùng con.
Người xưa vẫn có câu: “Ở hiền ắt sẽ gặp được điều lành”. Luôn mang trong tâm mong ước đầy thiện lương: Giúp cho con có thể hồi phục phần nào đó những chức năng căn bản, để con có thể sống tự lập, biết tự chăm sóc được cho mình, ông bà Mỹ đã được cuộc sống trao cho những chiếc chìa khóa, giúp mở từng phần khả năng bị khóa kín của Mừng.
Người đầu tiên trao chiếc chìa khóa ấy cho ông Mỹ là bác sĩ của con trai ông. Người đã chỉ cho ông một phương cách giúp Mừng vừa luyện tập được các cử động ngón tay, vừa đánh thức được một phần não bộ và cả một phần tâm hồn của em nữa. Ông Mỹ hiểu lời khuyên của bác sĩ nên đã bàn với vợ, dồn hết tiền của trong nhà mua cho Mừng một chiếc đàn organ. Âm nhạc từ ấy giúp Mừng chạm vào một trong những phần đẹp đẽ nhất của cuộc sống.
Chiếc chìa khóa thứ hai đến từ một võ sư Aikido – Bà giáo Nguyễn Thị Thanh Loan. Người phụ nữ mạnh mẽ nhưng có trái tim của một thiên thần ấy, đã dùng thứ võ đạo của hòa bình để giúp những trẻ em khuyết tật như Mừng có thêm năng lượng, thêm tự tin để đứng vững trong cuộc sống đầy khó khăn và không nhiều sự cảm thông này. Ở lớp học của bà giáo Loan, Mừng được học võ Aikido. Quá trình rèn luyện thân thể ấy đã giúp em vượt qua được những yếu đuối trong cơ thể, để cuối cùng em có thể vững đi trên đôi chân của chính mình.
Một điều tuyệt vời khác mà Mừng nhận được từ lớp học này, chính là những người bạn, những người có thể trao cho Mừng ánh nhìn đồng cảm và chấp nhận. Nơi đây, tâm hồn em được kết nối với những tâm hồn khác bằng tiếng hát và bằng tinh thần hòa ái, xuất phát từ nội tâm mạnh mẽ mà môn võ Akido mang lại.
Chiếc chìa khóa thứ ba là do ba mẹ em tự tìm thấy được từ trong chính trái tim thương con của mình. Hằng ngày, trước khi Mừng chìm vào giấc ngủ, em có một may mắn mà rất nhiều trẻ nhỏ thời hiện đại này sẽ phải ghen tị, em được mẹ đọc cho nghe các câu chuyện cổ tích Việt Nam. Theo em vào giấc ngủ là sự thiện lương, là lòng tốt, là những đức tính quý báu nhất của con người được ca ngợi trong những câu chuyện kể ấy.
Mẹ cho Mừng tiếp xúc với văn hóa của dân tộc, thì ông Mỹ cha em, muốn nuôi dưỡng con trai bằng những điều mà Chúa lòng lành căn dặn các con chiên của Ngài. Ông đưa Mừng theo đến những buổi lễ Ngày Chủ Nhật để em được nghe mọi người đọc Kinh Thánh và đắm mình trong những bài thánh ca trong trẻo. Có người sẽ nghĩ rằng, làm sao mà Mừng hiểu được những điều này, cũng sẽ không ít người nghi ngại, liệu những gì cha mẹ em đang làm có là “nước đổ lá khoai”, là vô ích. Không ai có thể ngăn cản những nghi ngờ ấy, thì cũng sẽ không có ai có thể cướp đi quyền được tin tưởng của ông bà Mỹ rằng: Phần Biết trong tâm hồn ngây thơ của Mừng sẽ cảm nhận được tất cả những điều thiện lành và đẹp đẽ này.
Yêu con, đi tìm những phương thức chạy chữa để con khỏe lại chưa phải là tất cả những gì mà ông bà Mỹ dành tặng cho con trai. Một trong những món quà lớn nhất mà họ dành cho em chính là sự nhẫn nại mà có lẽ chỉ có bậc làm cha mẹ mới có thể trao đi. Mừng không như những đứa trẻ bình thường khác, nên khi có tiếp xúc với một hoạt động mới mẻ nào, sự phản kháng trong em luôn rất lớn. Khi mới mua đàn, Mừng nhất quyết không chơi, nhưng ông Mỹ đã buộc đàn vào chân con, để con kéo đàn đi khắp nơi.
Người cha ấy đã tìm đến lớp dạy đàn của nhà thờ để học mót những ngón đàn đầu tiên mong về dạy cho con trai, bởi ông biết người bên ngoài sẽ không ai tin rằng bé Mừng có thể học đánh đàn, có thể cảm thụ được những nốt nhạc. Với những gì mình học được, ông đã kiên trì nhấn từng phím đàn, nhắc lại nhiều lần “đây là nốt Đô con nhé” cho tới khi Mừng thích thú và bắt đầu làm bạn với cây đàn. Không vội vàng, không sốt ruột, “cứ mưa dầm thấm lâu” là cách mà ông đã dạy Mừng.
Tới tuổi Mừng đi học, ông Mỹ ngày mưa cũng như ngày nắng đèo con đến lớp. Ông xin được nghe giảng cùng con. Trong các lớp học người ta không còn lạ lẫm với hình ảnh hai cha con là đôi bạn thân thiết, cùng nhau chinh phục từng con chữ, từng phép nhân chia. Cho tới khi Mừng hoàn thành chương trình học lớp 9 ở một trường học dành cho trẻ khuyết tật, rồi khi Mừng may mắn được nhận vào lớp dạy nghề “Đồ họa”, cha em vẫn vừa là người đưa em tới lớp, vừa là bạn học, lại vừa là thầy giáo của em.
Một ngày của Mừng có lẽ ít có giây phút nào thiếu đi sự động viên của cha. Và lúc nào ông Mừng cũng không ngừng tìm kiếm những sáng kiến mới để có thể đồng hành cùng con, để có thể thật sự trở thành bạn con.
Thương con là thế, dành tất cả thời giờ của mình cho con, nhưng ông bà Mỹ có một quan niệm nuôi dạy con rất đáng học hỏi. Họ đặt niềm tin nơi con trai, và dạy cho con cách tự lập, tự làm những công việc hằng ngày để chăm sóc bản thân mình. Ông bà đã cho Mừng hiểu, em có khả năng trở thành một người trưởng thành thực thụ. Mừng vẫn tự đi bộ về nhà sau mỗi giờ học, khi có thời gian, em lại ở cạnh mẹ, giúp mẹ công việc nhà.
Nếu dừng lại một chút, mỗi chúng ta đều cảm nhận rất rõ, những điều mà ông bà Mỹ đã dành cho con trai gói gọn trong ba chữ đơn sơ nhưng nói lên được tất cả: Chân – với sự chân thành, bố mẹ đã giúp em gặp được những người thầy – những người trao cho gia đình em phương cách để giúp Mừng thoát khỏi sự u mê, mà bấy lâu nay không ai dám tin là có con đường thoát. Thiện – Cha mẹ chưa khi nào thôi dành cho em tình thương, chưa lúc nào thôi tin tưởng vào sự nỗ lực của em. Nhẫn – với sự kiên trì, bền bỉ, đây là món quà cuối cùng và cũng là món quà làm trọn vẹn những nỗ lực của cha mẹ để bù đắp những thiệt thòi cho Mừng.
Chân – Thiện – Nhẫn xuất phát từ trái tim của mẹ cha đã biến Mừng – một câu bé không có một tia hy vọng nào trong quan niệm của người những khác, trở thành một người trưởng thành thực thụ. Một cậu bé có trí tuệ không phát triển đầy đủ ngày nào bây giờ có thể chơi đàn, có thể đọc và hiểu những bài tiếng Anh cơ bản, có thể làm đồ họa.
Chân – Thiện – Nhẫn mà bố mẹ trao cho em đã tạo nên điều kỳ diệu. Từ một cậu bé 7 tuổi mới bước những bước đầu tiên, nay em dành được rất huy chương trong rất nhiều môn thể thao (bóng rổ, bóng đá…). Nhưng có lẽ, món quà tạ ơn cha mẹ lớn nhất mà Mừng mang tới cho những người sinh thành và đồng hành cùng em đến chặng này của cuộc đời, chính là ao ước mà em chia sẻ:
“Em mong có thể tự đi làm để phụ thêm cho cha mẹ”.
Một cậu bé bị cho là “không có tương lai” ngày nào, nay nhờ cha mẹ, không chỉ đang bước gần hơn đến cuộc sống tự lập, mà còn nuôi cho mình một ước mơ thật đẹp, “trở thành võ sư Akido”.
Ly Ly (TH)
Video xem thêm: Cá vượt ngược dòng là cá sống, người vượt nghịch cảnh người thành công