Đại Kỷ Nguyên

3 cửa ải đặc biệt của Vạn Lý Trường Thành, nơi truyền thuyết vẫn còn là bí ẩn theo thời gian

Đi qua những năm tháng dài đằng đẵng cùng bao thăng trầm, thịnh suy của xã hội, Vạn Lý Trường Thành giống như một chứng nhân lịch sử bền bỉ, kiêu hãnh. Xung quanh con đường hùng vĩ này còn ẩn chứa rất nhiều điều ly kỳ mà con người nhiều thế hệ qua chưa một lần khám phá.

Để chống lại sự xâm lược của các bộ lạc du mục, người Trung Hoa cổ đại đã xây dựng công trình vĩ đại mang tên Vạn Lý Trường Thành. Cho đến nay, kiến trúc hùng vĩ này vẫn khiến mọi người ca ngợi không thôi. Vạn Lý Trường Thành đi qua 15 tỉnh, là con đường mà tới nay có những đoạn đường vẫn chưa một ai từng đặt chân đến.

Người ta vẫn thường nói: “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (chưa đến Trường Thành không phải là hảo hán).

Với lịch sử hơn 2.500 năm, Vạn Lý Trường Thành đã chứng kiến sự thịnh suy, thăng trầm của biết bao triều đại Trung Hoa. Những vương triều hùng mạnh rồi suy tàn, những anh hùng xuất sinh rồi ra đi, thế gian luân hồi bao nhiêu đời, sương sa gió táp bấy nhiêu năm, bức trường thành vẫn uy nghi, sừng sững ở đó như một người cận vệ trung thành, chứng kiến thế cuộc, lịch sử xoay vần.

Làm nên sự kiên cố không thể phá của Vạn Lý Trường Thành, “Bức tường mười ngàn dặm” này không thể không kể đến những cửa ải hùng vĩ và vô số câu chuyện, truyền thuyết ly kỳ.

Sơn Hải Quan – Cánh cổng mở ra Triều đại nhà Thanh

Sơn Hải Quan được mệnh danh là cửa ải đầu tiên của Trường Thành. Cửa ải này nằm ở cực Đông của Vạn Lý Trường Thành, nằm ở nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Bắc và Liêu Ninh. Tại vị trí này, nhìn về phía Bắc là dãy núi Yên Sơn, phía Nam là biển Bột Hải, non xanh nước biếc, phong cảnh tuyệt đẹp nên cửa ải có tên gọi là Sơn Hải Quan.

Đây từng là một cửa ải biên giới phòng thủ Trung Quốc bản thổ trước các dân tộc du mục tại Đông Bắc như Khiết Đan, Nữ Chân và Mãn Châu.

Cửa ải tại vùng đất này đã từng được xây từ thời Bắc Tề (550 – 577) và thời Đường (618 – 907) nhưng phải đến thời nhà Minh (1368 – 1644), Sơn Hải Quan mới chính thức được xây dựng toàn vẹn. Tướng Thích Kế Quang nhà Minh đã cho xây dựng tường thành và pháo đài ở phía Đông, Nam và Bắc của cửa ải. Sơn Hải Quan là một trong những cửa ải được củng cố rất vững chắc tại Trung Quốc và đến hiện nay là một trong những cửa ải được bảo quản tốt nhất của Vạn Lý Trường Thành.

Cổng thành Trấn Đông Môn của Sơn Hải Quan
Bức hoành phi “Thiên hạ đệ nhất quan”

Cửa ải Sơn Hải Quan có dạng hình vuông, với chu vi khoảng 4km cùng các bức tường cao 14m, dày 7m. Các mặt phía Đông, Nam và Bắc có hào sâu và rộng bao quanh, ở phía trung tâm cửa ải có một tháp chuông cao.

Tất cả bốn mặt thành đều có cổng nhưng Trấn Đông Môn ở phía Đông là cổng quan trọng nhất và vẫn còn tồn tại đến ngày nay do vị trí đối mặt với phía ngoài cửa ải. Trên cổng thành có treo một bức hoành phi thể hiện một tên gọi khác của Sơn Hải Quan là “Thiên hạ đệ nhất quan”.

Sơn Hải Quan có một đoạn trường thành lấn ra tới biển Bột Hải – nơi bức tường thành giáp biển trông như hình dáng một con rồng đang chúc đầu xuống nước nên được đặt biệt danh “Lão Long Đầu”.

Bức hoành phi “Thiên hạ đệ nhất quan”

Xung quanh Sơn Hải Quan có nhiều câu chuyện nổi tiếng nhưng được biết đến nhiều nhất là tích Ngô Tam Quế mở Sơn Hải Quan để hàng quân Mãn Châu. Sử liệu ghi chép rằng thời nhà Minh, tướng Ngô Tam Quế đã gần như chấp thuận đầu hàng và tham gia quân nổi dậy của Lý Tự Thành.

Tuy nhiên, sau khi nghe tin người thiếp yêu quý của mình đã rơi vào tay họ Lý, Ngô Tam Quế đã nổi giận và liên lạc với Đa Nhĩ Cổn của Mãn Châu, dẫn đến việc mở Sơn Hải Quan cho quân Mãn Châu. Liên quân Ngô Tam Quế và Mãn Châu đã chiến thắng trong trận Sơn Hải Quan chống lại Lý Tự Thành.

Tuy nhiên, chiến thắng của quân Mãn Châu không chỉ tiêu diệt quân nổi dậy của Lý Tự Thành mà còn chấm dứt cả nhà Minh, thiết lập một triều đại cai trị mới của người Mãn trên đất Trung Quốc, triều đại nhà Thanh.

Gia Dục Quan – Pháo đài đồ sộ xây từ 99.999 + 1 viên gạch

Trái ngược với Sơn Hải Quan, Gia Dục Quan là cửa ải nằm ở cực Tây của Vạn Lý Trường Thành. Nếu Sơn Hải Quan xây dựng lấn biển thì Gia Dục Quan lại được xây dựng tại vùng biên giới giáp sa mạc Gobi.

Gia Dục Quan – Pháo đài đồ sộ với truyền thuyết 99.999 viên gạch

Cửa ải này nằm ở điểm hẹp nhất ở phần phía Tây của hành lang Hà Tây về phía Tây Nam thành phố Gia Dục Quan tại Cam Túc. Công trình nằm giữa hai ngọn đồi, trong đó một ngọn đồi mang tên Gia Dục Quan.

Gia Dục Quan được xây dựng vào đầu thời nhà Minh, khoảng năm 1372. Cửa ải này có cấu trúc hình thang với chu vi 733m và diện tích trên 33.500m vuông. Tổng chiều dài tường thành là 733m và chiều cao tường thành là 11m.

Cửa ải có hai cổng: một cổng ở phía Đông và một ở phía Tây. Một dòng chữ “Gia Dục Quan” bằng Hán tự được viết trên một tấm bảng tại cửa phía Tây. Mặt phía Nam và Bắc của cửa ải kết nối với Vạn Lý Trường Thành. Tại mỗi góc của cửa ải sẽ có một tháp canh. Gia Dục Quan bao gồm ba tuyến phòng thủ: thành nội, thành ngoại và các hào nước.

Gia Dục Quan – Pháo đài đồ sộ với truyền thuyết 99.999 viên gạch

Do được xây dựng trên sa mạc Gobi và là cực Tây của lãnh thổ Trung Quốc khi xưa nên ngoài tác dụng phòng thủ, cửa ải này còn là một trạm dừng quan trọng của Con đường Tơ lụa huyền thoại kết nối Trung Quốc với các nước Tây và Trung Á.

Một truyền thuyết nổi tiếng đã kể lại chi tiết kế hoạch xây dựng cửa ải. Theo đó, khi Gia Dục Quan được lên kế hoạch, quan phụ trách đã yêu cầu Dịch Khai Chiêm – một nhà toán học lỗi lạc thời Minh đảm trách nhiệm vụ thiết kế cửa ải, ước lượng chính xác số gạch cần thiết.

Gia Dục Quan – Pháo đài đồ sộ với truyền thuyết 99.999 viên gạch

Dịch Khai Chiêm đưa ra con số 99.999 viên gạch, tuy nhiên, vị quan phụ trách lại nghi ngờ ước tính của ông và hỏi liệu như vậy có đủ. Chiều ý quan, Dịch Khai Chiêm đã thêm vào một viên gạch. Khi Gia Dục Quan hoàn thành, chính xác còn một viên gạch sót lại, viên gạch thừa này được đặt trên một cổng thành và hiện vẫn còn cho đến ngày nay.

Lại có truyền thuyết khác kể rằng sau khi xây xong, có một viên gạch còn sót lại và viên quan phụ trách định phạt tất cả những người thi công. Nhưng Dịch Khai Chiêm nói rằng viên gạch này là do thần tiên đặt, chỉ cần di chuyển là thành sẽ đổ. Cho tới nay, vì lo sợ lời của Dịch Khai Chiêm, viên gạch vẫn còn được giữ nguyên vị trí ở Gia Dục Quan.

Nhạn Môn Quan – Cửa ải chim én bay

Nhạn Môn Quan là cửa ải phòng thủ quan trọng của Vạn Lý Trường Thành, nay thuộc địa phận huyện Đải, tỉnh Sơn Tây.

Nhạn Môn Quan là cái tên xuất hiện nhiều trong lịch sử và văn chương Trung Hoa. Nơi đây gắn với câu chuyện “Chiêu Quân cống Hồ” nổi tiếng, cũng là nơi Dương Nghiệp đánh lui 10 vạn quân Liêu, mở đầu cho truyền thống anh hùng của “Dương gia tướng”. Cửa ải này cũng nổi tiếng trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung với sự kiện nhân vật Kiều Phong trong truyện Thiên Long bát bộ đã tự sát tại đây.

Cái tên Nhạn Môn Quan gắn liền với các tác phẩm văn chương của Trung Quốc

Thế nhưng không nhiều người biết được cái tên Nhạn Môn Quan ấy có xuất xứ thế nào. Trước đây, cửa ải này vốn có tên là Tây Kinh. Việc đổi tên thành Nhạn Môn Quan bắt nguồn từ một sự tích đặc biệt.

Chuyện kể rằng, có một nhà sư nọ trên đường vân du thiên hạ, tới ải này đói bụng mà lại không thấy nhà dân để vào xin cơm chay. Ngẩng đầu lên chợt thấy rất nhiều chim nhạn bay lượn qua lại. Trong đầu ông thoáng nghĩ đến món thịt chim. Điều đó đã phạm vào giới cấm của những nhà tu hành nên nhà sư đã nhanh chóng gạt bỏ suy nghĩ đó. Nhưng có một con chim nhạn biết được ý nghĩ ấy của ông, nó đã thả mình rơi xuống và chết trước mặt nhà sư để làm thức ăn cho ông.

Cảm động thấu tâm can với hành động hy sinh cao cả của chú chim nhỏ bé, nhà sư đã chôn cất chú chim nhạn và dựng một ngôi chùa nhỏ bên cạnh mộ của nó. Từ đó, cửa ải này mang tên Nhạn Môn Quan.

Lại có những người có lý giải khác về cái tên Nhạn Môn Quan. Nhạn Môn Quan cao sừng sững với những vách núi dựng đứng, chim nhạn, chim én không sao bay qua được mà chỉ có thể bay dọc theo thung lũng qua phía trước cửa ải. Bởi vậy, Nhạn Môn quan giống như một quan, một cửa ải dành cho loài chim nhạn.

Cổ nhân nói “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (Chưa đến Trường Thành không phải là hảo hán). Suốt chiều dài hơn 8.800 km của bức tường vĩ đại ấy quả đã có biết bao câu chuyện, truyền thuyết kỳ ảo diễn ra.

Mời độc giả chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Vạn Lý Trường Thành xoay vần qua 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Ảnh dẫn qua: Wallpaper-Gallery

Thiên Thủy

Exit mobile version