Đại Kỷ Nguyên

3 vật thể bí ẩn thách thức mọi nhà khoa học trên thế giới

Có những vật thể kỳ lạ đã được phát hiện tại nhiều nền văn minh tiền sử khác nhau. Tuy nhiên, sự tồn tại của chúng đôi khi khiến các nhà nghiên cứu không thể lý giải bằng khoa học hiện đại.

Oopart (out of place artifact) là thuật ngữ dùng để chỉ các vật thể thời tiền sử được phát hiện ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, và có trình độ kỹ thuật vượt xa thời đại tạo ra chúng. Oopart thường khiến các nhà khoa học phải đặt lại câu hỏi cho chính mình: Những nền văn minh tiền sử không sơ khai như chúng ta vẫn hình dung. Thậm chí họ sở hữu những hiểu biết về thế giới và trình độ kĩ thuật vượt trên con người hiện đại?

1. Bản thảo Voynich: Tư liệu bí ẩn và khó hiểu nhất trên thế giới

Một số trang trong bản thảo Voynich (Ảnh: Dẫn qua Tinh Hoa)

Trên thế giới có không ít các loại sách chưa thể giải mã, nhưng không có cuốn sách nào huyền bí hơn bản thảo Voynich. Phương pháp xác định tuổi bằng đồng vị Carbon cho thấy cuốn sách này được viết vào tầm đầu thế kỷ 15.

Một số trang trong đó đã bị xé rách và 240 trang còn lại chứa đầy các hình minh họa khó hiểu và nội dung viết tay của một hệ thống chữ viết chưa từng được biết đến.

Một trong những trang bản thảo bí ẩn (Ảnh: Wikipedia)

Tất cả các nỗ lực nhằm diễn giải nội dung cuốn sách này đều đi đến thất bại. Rất nhiều những người viết mật mã và chuyên gia giải mã đã nghiên cứu bản thảo này nhưng không có mấy kết quả tích cực. Không có bản thảo nào trên thế giới có thứ ngôn ngữ tương tự như trong bản thảo Voynich.

Cuốn sách này được miêu tả như là một tư liệu phép thuật hoặc tư liệu khoa học và hầu như mỗi trang trong đó đều chứa các bức vẽ và biểu đồ được đánh bóng bằng mực đỏ, xanh lục, nâu hoặc vàng. Có thể phân chia cuốn sách thành 6 mục riêng biệt là: Thảo mộc, Thảo dược, Sinh học, Công thức, Thiên văn học, Vũ trụ học…

Bản đồ cung Bạch Dương trong bản thảo (Ảnh: Wikipedia)

Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhưng dường như không có cái nào giải thích một cách đầy đủ về bản thảo, nội dung hay mục đích của nó. Có thể tương lai sẽ cung cấp lời giải đáp cho bí ẩn này. Cho tới khi đó, chúng ta chỉ có thể phỏng đoán mà thôi.

2. Những khối đá hình cầu khổng lồ không thể lý giải ở Costa Rica

Trong khi đang khai hoang rừng để làm trang trại chuối tại khu vực Diquis Delta ở Costa Rica vào năm 1940, các nhân viên của công ty United Fruit đã phát hiện được nhiều khối đá hình cầu khổng lồ được chôn một phần xuống đất.

Những hình ảnh đầu tiên ghi nhận lại sự phát hiện ra những khối đá kì lạ tại Costa Rica (Ảnh: thebiggestsecretsoftheworld)

Theo John Hoopes, phó giáo sư nhân chủng học và giám đốc Chương trình Nghiên cứu Các quốc gia Bản địa Toàn cầu, có khoảng 300 tảng đá như vậy đã được ghi nhận, với tảng lớn nhất nặng 16 tấn với đường kính 2,4m, và tảng nhỏ nhất không lớn hơn một quả bóng rổ. Hầu như tất cả chúng đều được chế tạo từ khoáng chất granodiorite, một loại đá lửa, khá cứng.

Những viên đá hình cầu có kích thước khổng lồ được cắt gọt một cách chính xác đáng ngạc nhiên (Ảnh: thebiggestsecretsoftheworld)

Các phương pháp khảo cứu chỉ cho biết lần cuối cùng những khối đá hình cầu được sử dụng là khi nào, chứ không phải tìm ra thời điểm mà những khối đá này được tạo ra.

Những khối đá có kích thước khác biệt (Ảnh: Tinh Hoa)

Từ khi được phát hiện, mục đích thực sự của những tảng đá này vẫn còn là một chủ đề được suy đoán, cũng có thể chúng là sản phẩm của một nền văn minh cổ đại chưa được biết đến hay là tàn tích sau các chuyến viếng thăm của người ngoài hành tinh.

Khá giống với các tảng đá Moai trên Đảo Phục Sinh, có một giả thuyết cho rằng những khối đá này chỉ đơn giản là các biểu tượng thể hiện địa vị.

Tuy nhiên, vì hầu hết các khối đá này đều đã được dịch chuyển khỏi vị trí đặt lúc ban đầu, nên các nhà nghiên cứu tỏ ra hoài nghi không biết liệu có thể khám phá được ý nghĩa chân thực của chúng hay không.

3. Máy tính Antikythera 2000 năm tuổi 

Các nhà khoa học phải tận mắt chứng kiến chiếc máy tính Antikythera mới tin rằng nó có thật. Khó có thể tin rằng người Hy Lạp cổ đại có thể tạo ra một thiết bị tiên tiến như vậy nếu không có hiện vật chứng minh.

Phần còn lại của chiếc máy tính đầu cách đây 2000 năm (Ảnh: Tinh Hoa)

Đây là một trong những cơ chế được tính toán lâu đời nhất từng được biết đến, hay có thể gọi là máy tính đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Nó được cấu tạo, thiết kế và vận hành với những quy tắc rất phức tạp.

Với kích cỡ của một chiếc laptop hiện đại, cỗ máy Antikythera được người Hy Lạp cổ đại tạo ra, mặc dù nó được tìm thấy trong một con thuyền La Mã. Nó có thể tính chính xác các biến đổi thiên văn.

Hình ảnh của chiếc máy tính được vẽ lại nhờ công nghê 3D (Ảnh: Courtesy Tony Freeth)

Mặc dù được phát hiện vào năm 1901, nhưng chỉ tới thế kỷ 21 các dụng cụ quét hiện đại mới cho phép các nhà nghiên cứu thâm nhập qua lớp ăn mòn.

Bằng cách nghiên cứu số lượng những chiếc răng trên bánh răng, cùng với các con số được liệt kê trên bản hướng dẫn sử dụng, và các chu kỳ thiên văn từ các cổ vật, các nhà khoa học đã xác nhận được rằng chiếc máy này có thể tính toán các biến đổi thiên văn.

Mô hình của máy tính do Antikythera  các nhà khoa học dựng lại (Ảnh: dailymotion)

Nhà nghiên cứu lịch sử khoa học Yanis Bitsakis nói rằng các chữ khắc trên đó trùng khớp với phong cách và ngôn ngữ vào thời đó, tức giai đoạn năm 150 TCN.

Tuy nhiên, sự tồn tại của nó trong các nền văn minh cổ đại thật sự là một vấn đề không tưởng, nó quá phức tạp để có thể tồn tại trong thời kỳ đó. Rất có thể nó được dư lưu từ một nền văn minh khác đã xuất hiện trên Trái Đất. Một số chuyên gia khẳng định rằng thiết kế của nó đã ảnh hưởng cho những thiết bị cơ khí ngày nay của chúng ta. 

Thanh Thanh (TH)

Xem thêm:

 

Exit mobile version