Đại Kỷ Nguyên

30 năm Hà Nội ‘thay áo’ dưới ống kính nhiếp ảnh gia người Mỹ

Là nhiếp ảnh gia người Mỹ đầu tiên đến Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc, ông William E.Crawford đã nhiều lần trở lại để lưu giữ những dấu ấn thay đổi của Hà Nội trong suốt 30 năm. 

Năm 1985, với tư cách nhiếp ảnh cho một tờ báo địa phương đi theo phái đoàn Mỹ tham gia một hoạt động do chính phủ Việt Nam và Mỹ tổ chức, ông E.Crawford đã gặp gỡ và có mối quan hệ thân thiết với vài phiên dịch người Việt. Đó là lý do thôi thúc ông trở lại Việt Nam những năm sau đó.

Khi nói về nguồn cảm hứng lưu lại những bức ảnh về sự thay đổi của Hà Nội trong suốt ba thập kỷ, E.Crawford chia sẻ: “Quá trình hiện đại hóa đang diễn ra từng ngày. Là một nhiếp ảnh, tôi không thể làm ngơ với điều đó. Sau mỗi lần chụp ảnh, tôi thích đem so sánh với những bức ảnh cũ để nhận ra sự thay đổi sâu sắc của Hà Nội”.

Mới đây, ông vừa xuất bản cuốn sách “Hanoi Streets 1985-2015” tổng hợp những đổi thay của Hà Nội suốt 30 năm kể từ thời kỳ đổi mới.

174 Hàng Bông, 1986: Các biển hiệu quảng cáo thời kỳ này thường được vẽ tay bởi các họa sĩ. (Ảnh: Culturetrip)
Một khu tập thể, ảnh chụp năm 1988: Những khu tập thể sơn vàng cũ kỹ là một trong những hình ảnh đặc trưng khi nhớ về Hà Nội xưa. Trải qua 30 năm, các khu cư xá xuống cấp bị giải thể gần hết, chỉ còn sót lại ở vài con phố như Giảng Võ, Nguyễn Trãi, Thành Công… (Ảnh: Kienviet)
Giao lộ phố Hàng Gai năm 1988. (Ảnh: Kienviet)
Cuối những năm 80, xe đạp là phương tiện phổ biến ở Việt Nam, nhất là ở thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Culturetrip)
Khu nhà 72 Mã Mây, 1988. (Ảnh: Culturetrip)
Ngôi nhà số 19 Nguyễn Quang Bích, 1991: Những ngôi nhà dần khoác lên hình ảnh hiện đại. (Ảnh: Kienviet)
Phố Hàng Gai, 1994: Hình ảnh cột điện chằng chịt dây đã trở nên quen thuộc không chỉ với người Việt mà với cả du khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam. (Ảnh: Culturetrip)
Ngôi nhà cổ số 54 Hàng Gà, 1994: Khu phố đơn sơ một thời đang dần lột xác. (Ảnh: Culturetrip)
Tiệm may 35 Hàng Trống (Drums Street), 1995: Nơi đây chuyên sản xuất những bộ Âu phục nổi tiếng của thủ đô. (Ảnh: Culturetrip)
Cửa hàng điện tử 154 Hàng Bông, 2000: Đây là thời điểm đánh dấu bước chuyển mình của Hà Nội sang thiên niên kỷ mới. (Ảnh: Zing)
Cửa hàng tạp hóa trên phố Thuốc Bắc, 2015: Hà Nội ngày hiện đại vẫn còn in dấu nhiều nét cổ kính. Những mảng tường có tuổi đời nửa thế kỷ nay đã bám rêu, xen lẫn những dấu quảng cáo khoan cắt bê tông đặc trưng chỉ có ở Việt Nam.

Trong bài viết cuối cùng của cuốn sách “Hanoi Streets 1985-2015” tạm dịch là “Đường phố Hà Nội giai đoạn 1985-2015″, Crawford viết: “Hà Nội thay đổi một cách tự nhiên sau 30 năm. Sự biến chuyển ấy kết hợp giữa phong cách phương Đông và phương Tây”

Hoài Phương 

Exit mobile version