37 tuổi đời chỉ nặng vỏn vẹn 10 kg, không thể ngồi, không thể đứng, đôi tay nhỏ mềm oặt cầm gì cũng khó. Đó là tất cả những khiếm khuyết mà chị Nguyễn Thị Hòa đang mang. Nhưng tất cả những thiệt thòi ấy không ngăn chị sáng tạo cho riêng mình một cuộc sống ý nghĩa, tự lập, rực rỡ những sắc màu.
Tật nguyền từ thủa còn thơ
Chị Hòa hiện đang sống tại thôn Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng, cùng với cha mẹ. Cuộc sống trong hình hài tật nguyền của chị không may lại bắt đầu từ rất sớm.
Ngay khi nhận thức được bản thân mình, từ khi còn rất nhỏ, chị đã hỏi mẹ rằng tại sao chị lại khác các bạn nhiều tới thế, chị không lớn được. Nhưng mẹ chỉ mắng “ăn nhiều thì sẽ lớn”. Nhưng rồi, thời gian trôi qua, chị hiểu, mẹ chỉ là vì thương mà mắng như vậy, còn chị sẽ mãi ở trong hình hài này.
Tuổi thơ của chị Hòa vì thế chỉ gói gọn trong chiếc giường và thỉnh thoảng là ở trên hiên nhà. Bạn bè cũng chẳng có ai ngoài những đứa em, người bạn thân nhất của chị lúc ấy là chú mèo mướp của nhà. Bởi chị Hòa không thể ngồi, càng không mơ ước đến việc bước đi. Cho tới mãi về sau, khung trời của chị tưởng chừng như chỉ có những xà, những cột, những tấm ngói mà ngày nào chị cũng nhìn lên đó.
Nhưng cô gái trẻ khi lớn lên lại phát hiện ra, cuộc sống không lấy đi của mình tất cả. Chị vẫn còn nguyên trong mình sự tinh anh và một mong muốn được sống cho ra sống rất mãnh liệt.
Những cánh hoa mang ước mơ “trở nên có ích”
Trong cuộc sống, có những cuộc gặp gỡ tưởng chừng sẽ đem lại cho bạn nhiều nỗi buồn. Nhưng nếu biết nhìn ở một góc độ khác, bạn hoàn toàn có thể học được những điều quý giá từ chính những gì không tốt đẹp ấy.
Một lần, một người bạn đã mang những giỏ hoa tự làm tới để nhờ chị đăng bán trên Facebook. Nhưng, chị biết mình không thể nhận lời. Nếu chị làm điều đó cũng đồng nghĩa với làm một điều không chân thật. Vậy là chị từ chối. Chị hiểu người ta muốn dùng lòng thương của người khác với hình hài của chị để kinh doanh, điều đó không khỏi khiến chị thêm chạnh lòng.
Nhưng cô gái nhỏ nhắn này lại nhìn thấy ở đó một cơ hội. Biết đâu, làm hoa giấy là một công việc không quá khó khăn và chị có thể học và tự mình làm được .
Nghĩ là làm, cô gái trẻ đã tự mày mò, học từ cách cầm kéo, tới cách cắt cánh hoa. Nhờ sự thông minh và kiên trì của bản thân, chị Hòa mất một tuần để thành thục những kĩ năng cần thiết. Tuy phải nằm một chỗ, nhưng chị lại có thể điều hành công việc của mình đâu ra đấy. Chị nhờ người thân mua giúp nào giấy màu, nào hạt cườm, rồi súng bắn keo. Tất cả những dụng cụ cần thiết để làm hoa giấy.
Chị tự mình thiết kế những giỏ hoa, phối màu, kết hạt. Rồi chị còn hướng dẫn cho cả em dâu cắt chai nhựa ra làm lọ cắm hoa. Từ đó, chị bắt đầu gắn mình với công việc làm đẹp thêm cho cuộc sống như vậy. Chị làm hoa xong, người nhà lại giúp mang ra sân, bày những giỏ hoa đủ màu dưới nắng để chụp ảnh, rồi đăng bán trên Facebook.
Góc nhà nhỏ nơi chị vẫn nằm giờ tràn ngập màu sắc. Khu vườn đôi lúc cũng trở nên lung linh hơn nhờ những bó hoa tươi thắm một mong ước được sống tự lâp, sống có ích của một cô gái thiệt thòi.
Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, khi chị đưa hoa lên bán, nhiều người ác ý lại nghĩ rằng chị đi mua hoa nơi khác về, rồi nói là tự mình làm, lợi dụng cái khổ của mình để buôn bán. Nhưng điều đó không làm chị Hòa nản chí. Người ta chưa tin, chị đã quay clip ghi hình mình làm hoa rồi chia sẻ trên mạng, như thế khách hàng sẽ hiểu và tin tưởng hơn. Chị Hòa khi ấy cũng hiểu ra, mình không cần sống với những suy nghĩ của người khác, đơn giản, chị cần phải sống và sống tốt vì chính bản thân mình. Bởi vì chỉ cần sống cho đúng đắn và chân thật, mọi người sẽ hiểu và sẽ thương.
Không phụ lại những cố gắng của chị, công việc kinh doanh hoa rất thuận lơi. Chị nhận được những đơn đặt hàng, nhiều khi làm không kịp. Những đơn hàng đến từ rất nhiều những tỉnh thành khác nhau, thâm chí còn có những đơn hàng tới từ các Việt kiều. Cánh hoa của chị cũng vì thế mà được theo cánh máy bay, đi tới những phương trời rất xa.
Những bông hoa của chị Hòa có thể chưa đẹp, cũng không tinh tế như những bông hoa khác được làm bởi những bàn tay khéo léo. Nhưng chúng vẫn được những khách hàng của chị nâng niu, trân trọng vì trong đó chứa đựng hy vọng và nghị lực sống của chị, chứa đựng cả công sức và những tìm tòi, học hỏi của một cô gái biết rõ chính mình.
Vượt lên trên “sự ngu dốt”, chạm tay vào những mẩu chuyện, những vần thơ
Năm 19 tuổi, sau một lần ốm thập tử nhất sinh, chị Hòa phát hiện, cuộc sống ban cho chị một món quà, chị biết đọc. Từ đó, bên cạnh chú mèo mướp, chị Hòa còn có người bạn là những trang sách. Chị không thể bước ra ngoài để nhìn ngắm thế giới, những trang sách sẽ mang thế giới về cho chị. Cô gái nhỏ này cho chúng ta hiểu, không có gì có thể nhốt được tình yêu với cuộc đời và mong muốn được nhìn ngắm, được hiểu về thế giới, thậm chí là cả thân hình của bạn.
Với “sự ngu dốt” cũng vậy, chị Hòa lại một lần nữa khiến những người biết chị cảm nhận rõ ràng và thực tâm tin tưởng rằng không có gì có thể ngăn cản ta phá vỡ giới hạn xấu xí ở chính mình. Khi chị 20 tuổi, một người bác già trong làng đã mang tới cho chị một cuốn tập viết và nói rằng, chị hãy lấy cảm hứng từ câu chuyện Tôn Ngộ Không đi tìm thầy xin học đạo làm động lực để tự mình phá vỡ cái “không thể” và “không biết” của chính mình.
Chị Hòa hiểu, chị đã làm theo. Trong một tuần vật lộn với những con chữ, vẽ từ chữ to tới chữ nhỏ, chị đã chiến thắng được chính mình. Dù mỗi lần viết phải tựa đầu lên chiếc hộp giấy, chị vẫn viết. Lên thăm Facebook của chị Hòa, không khó để tìm thấy những vần thơ, những mẩu chuyện ngắn chị sáng tác để chia sẻ với mọi người và cũng là để làm dịu những nỗi buồn, nỗi cô đơn trong cuộc sống.
Phải chăng, những lần phá vỡ giới hạn của bản thân như thế này đã tặng chị một niềm tin vững chắc vào bản thân mình.
“Đầu chị to là vì người chị quá nhỏ chứ chị thông minh cực!”
Đây là câu nói rất quen thuộc của chị Hòa. Trong những buổi được mời đi trò chuyện để truyền cảm hứng sống và vươn lên cho các bạn trẻ. Câu nói ấy thật lạ, nó không mang đến cho người nghe cảm giác kiêu căng. Ngược lại, nó có khả năng truyền cho người nghe, đặc biệt là các bạn trẻ một thông điệp: Bên trong mỗi người đều có một món quà của tạo hóa, vấn đề là bạn có nhận ra nó hay không. Còn chị Hòa, chị đã nhận ra món quà đó, nó là sự thông minh, lanh lợi của chị. Nhận ra rồi, chị hạnh phúc dùng nó để sống một cuộc đời đúng nghĩa.
Đó là lý do, những người trẻ khi tiếp xúc với chị đã cảm nhận được ý chí sống thật đáng quý của chị: “Chị ấy nói về khuyết tật như một trải nghiệm chứ không phải thứ ám ảnh. Đó là đỉnh cao của ý chí sống”.
Trang Tử từng có câu “người biết nuôi chí thì không nghĩ đến bản thân”. Chị Hòa phải chăng là một ví dụ thật đẹp cho câu nói ấy. Không đặt quá nhiều tâm sức vào việc xót thương cho những thiệt thòi của mình. Thay vào đó, chị kiên định hướng bản thân tới những điều mà mình muốn làm, cuộc sống mà mình muốn sống. Rồi hành động không chút chần chừ. Để rồi như bạn đã thấy, chị ấy đã làm được.
Vậy nên những người trẻ, xin hãy nhìn ngắm và học lấy ý chí này!
Hy Văn
Xem thêm: