Thịt luộc có lẽ là món ăn đơn giản nhất từ cách chế biến đến các nguyên liệu cần chuẩn bị. Nhưng để thịt không bị hôi, luôn trắng và không khô sau khi luộc cũng cần có bí quyết đấy các chị em ạ.
Dưới đây là 4 mẹo giúp bạn luộc thịt mềm, không hôi khi ăn giữ nguyên vẹn độ ngọt và thơm của thịt.
1. Thịt lợn luộc
Bước 1: Để loại bỏ được cặn bẩn và hạn chế chất tạo nạc đối với lợn nuôi tăng trọng. Luộc sơ thịt qua nước với chút dấm và muối tinh, đun trong vòng 2 phút thì vớt ra rửa sạch.
Bước 2: Thay 1 nồi nước mới, cho 1-2 củ hành tím đập dập vào nồi, thêm 1 ít bột canh và đường, đợi nước sôi, thả thịt lợn vào luộc. Đây là bí quyết giúp thịt lợn thơm ngon hơn, cách đơn giản để biết thịt chín là dùng đũa xiên qua thịt, nếu nước hồng thì tiếp tục đun. Ban đầu luộc lửa lo, sau đó để lửa liu riu cho nồi thịt sôi kĩ.
Bước 3: Sau khi thịt luộc xong ta vớt ngay vào bát đựng nước sôi để nguội để thịt không bị đổi màu và trắng giòn.
Thời gian luộc tùy thuộc vào miếng thịt của bạn mỏng hay dày. Vị trí luộc thịt ngon nhất là vùng chân giò, nạc vai, ba chỉ, thịt mông là vị trí khiến thịt khi luộc dễ bị khô nhất.
2. Thịt gà luộc
Bước 1: Cho gà vào nồi từ khi bắt đầu đun, gà đông lạnh thì cần giã đông trước khi luộc. Điều này giúp gà chín đều từ trong ra ngoài tránh tình trạng da nứt khi để nước sôi mới cho gà vào. Cho thêm chút bột canh, gừng và chút bột nghệ để thịt gà thêm đậm đà màu đẹp mắt hơn.
Bước 2: Để lửa nhỏ khi thấy nước luộc gà đã sôi, nếu để nước sôi quá nhiều phần thịt ở đùi sẽ co tụt lên, ra thành phẩm sẽ không đẹp mắt. Cùng giống như luộc thịt lợn, bạn có thể dùng đũa chọc vào gà để kiểm tra xem gà đã chín chưa.
Chú ý: Khi luộc gà chú ý để bụng gà hướng xuống dưới và đổ nước vào nồi sao cho vừa ngập cả con gà là được, chọn nồi vừa phải không to và không nhỏ quá khi luộc.
Luộc một con gà ngon và nhanh nhất khoảng 20 phút (thường là là 30 phút), nhưng để gà luộc chín đều, da vàng óng phải mất khoảng 45-60 phút (để lửa nhỏ).
3. Bắp bò luộc
Chọn thịt bò cũng như thịt heo, thịt có màu đỏ tươi, không phải đỏ sậm, còn ấm và không bị tái, có độ đàn hồi và chắc, không bị bỡ.
Bước 1: Rửa thịt thật kỹ với nước muối pha loãng (hoặc muối hột), không luộc sơ thịt bò vì sẽ làm mất một số lượng chất nhất định trong thịt.
Bước 2: Để làm mềm thịt khi luộc, cho một ít muối cùng một ít rượu trắng, có thể đập dập 1 cây sả và nhánh gừng, cắt ra thành từng lát mỏng cho vào nồi luộc.
Bước 3: Luộc thịt khoảng 7-10 phút rồi lấy ra ngay. Nếu ăn liền thì cắt ngay, nếu muốn cắt mỏng, đẹp thì cho vào ngăn đá từ 10-15 phút, lấy ra cắt sẽ dễ dàng hơn.
Chú ý: Đối với thịt dai như gân, bắp đùi, hoặc xương sườn, khi không có thời gian hầm lâu ( bình thường phải mất 2-3 tiếng), hãy cho vào nồi một miếng dứa, viên nước đá hoặc một cái thìa nhôm, như thế thịt sẽ mau mềm hơn.
4. Thịt vịt
Bước 1: Sơ chế rửa sạch vịt dưới nước lạnh, vặt hết những sợi lông còn sót lại, bóp vịt với chút muối, tiêu, gừng đập dập, có thể cả chút rượu trắng, để chừng 30 phút rồi rửa sạch, để ráo, đem luộc.
Bước 2: Khác với luộc gà, đun sôi nước rồi mới cho vịt vào nồi. Khi luộc vịt hãy thả vào 1 củ gừng đã được đập giập, hoặc 1 nhánh sả, hoặc là 1 củ hành khô nướng, 1 mẩu gừng nướng.
Bước 3: Luộc khoảng 20-25 phút, lấy đũa xiên vào thân vịt, nếu thấy còn đỏ thì đun thêm ít phút cho vịt chín. Lửa không nên quá to, sau khi nước sôi trở lại thì vặn nhỏ lửa.
Bước 4: Nếu chưa ăn ngay, có thể tắt bếp, để vịt om trong nồi, thịt vịt sẽ chín mềm và nóng. Còn nếu muốn ăn nguội, khi vịt chín, vớt vịt ra cho vào một bát nước mát (hoặc nước đá), da vịt sẽ giòn, thịt săn chắc.
Video xem thêm: Bỏ túi 10 mẹo bảo quản thức phẩm hữu ích giúp thực phẩm tươi lâu hơn