Đại Kỷ Nguyên

4 điều chỉ ‘đàn ông đích thực’ mới nói được

Giữa một đàn ông trưởng thành và cậu con trai mới lớn luôn có sự khác biệt rõ ràng. Thế nhưng, sự khác nhau giữa họ không đến từ tuổi tác và những năm tháng sống trên đời mà chủ yếu nằm ở cách đối nhân xử thế của mỗi người. Dưới đây là những đặc điểm mà một người đàn ông trưởng thành cần có.

“Người khôn ngoan mang tất cả tài sản vào trong đầu”

Chúng ta thường nghe câu “lời nói chính là con dao hai lưỡi”, tức là, nếu dùng không cẩn thận, lời nói của bạn có thể sẽ làm hại những người xung quanh và hại luôn chính mình. Con dao này nếu dùng không đúng cách sẽ gây ra những hậu quả tai hại, còn nếu bạn cứ cất nguyên nó trong bao thì khó mà hỏng được.

Vậy nên, khi không biết cần phải làm gì, hãy làm thinh. Cách tốt nhất để đối mặt với sự mơ hồ là im lặng quan sát những người khôn ngoan làm gì trong hoàn cảnh tương tự. Bạn biết đấy, những người trưởng thành (thậm chí là trẻ con) đều biết rằng, mở mồm ra nói cần phải đúng người, đúng thời điểm. Và khi lời nói trở nên vô ích, im lặng là cách hành xử thông minh nhất, khôn ngoan nhất mà cánh đàn ông có thể làm.

“Người khôn ngoan mang tất cả tài sản vào trong đầu” (Ảnh: We25)

Có một sự thực rằng, tại mỗi buổi hội họp hay trong bất cứ đám đông nào, trừ khi bạn là diễn giả, còn những anh chàng nói liên tục, nói hết cả phần người khác chưa bao giờ được đánh giá cao. Vậy nên, hãy chỉ nói về những điều mà ta biết rõ với một thái độ khiêm tốn, còn nếu cứ huyên thuyên, thao thao bất tuyệt thì có nghĩa là bạn đang làm “lố” chính mình. Hãy nhớ rằng: “Người khôn ngoan mang tất cả tài sản vào đầu”

Lời nói ra cần nhất là đúng thời điểm

Khổng Tử từng giảng: “Là người quân tử thì có 3 điều hổ thẹn. Chưa đến lượt nói mà đã nói là nôn nóng, hấp tấp. Đến lúc nói mà lại không nói là che giấu, lấp liếm. Chưa nhìn thấy sắc mặt người nghe mà đã nói là mù quáng“.

Chưa đến lượt đã cất lời nói chính là hành động của người nóng vội, thích thể hiện mình, nông cạn và xốc nổi. Nói như tranh cướp hết phần người khác, nói quá nhanh, quá nhiều, chính là biểu hiện của sự kém tu dưỡng, ít giáo dục. Những người đàn ông trưởng thành đều hiểu được điều này, trước khi nói họ thường lắng nghe kỹ, đến lượt mình thì suy nghĩ mấy lần mới cất lời, lời tuy ít nhưng giá trị.

Lời nói ra cần nhất là đúng thời điểm (Ảnh: Man of Many)

Còn nếu như đến lượt mình nói nhưng không cất lời cũng là cực đoan. Đặc biệt, lúc cần phải lên tiếng mà bạn lại thể hiện lúng túng, băn khoăn, người ta có thể sẽ nghĩ rằng bạn đang nói dối hoặc muốn che giấu điều gì mờ ám nên không dám bộc lộ công khai.

Chưa thấy sắc mặt người nghe mà đã nói cũng là một điều nguy hiểm. Trước khi phát ra lời nói, cần phải luôn lịch sự và biết kiềm chế bản thân. Nếu nói ra những lời thị phi, gây thương tổn, nói ra những lời kiêng kỵ thì có thể khiến người nghe khó chịu, buồn bực, thậm chí tức giận.

Nói mà không nghĩ cho người khác, không để ý đến cảm xúc người nghe chính là biểu hiện của sự ích kỷ và tùy tiện. Những người ấy chỉ quan tâm sự thoải mái nhất thời cho bản thân chứ không hề tôn trọng người đối diện. Những người đàn ông trưởng thành luôn biết tôn trọng cảm xúc của người nghe và luôn khiến người khác dễ chịu khi nói chuyện cùng họ. Do đó, có một câu nói rằng: “Con trai chỉ quan tâm đến người mà họ thích, còn đàn ông biết cách đối xử tốt với cả những người dưng.”

Tranh cãi là một trò vô ích

Một điều hết sức hiển nhiên là những người có năng lực thực sự thường không tranh biện với người khác bởi họ còn đang phải… miệt mài làm việc. Ngược lại, những kẻ làm ít, rảnh rỗi nói nhiều, thích tranh luận hơn thua về bản chất thực sự không hề có năng lực. Người trưởng thành thực sự rất biết trân quý thời gian nên họ luôn dốc lòng toàn tâm toàn trí vào công việc, không muốn phí tiếc cho việc tranh cãi đúng sai. Tâm tranh đấu hơn thua cao thấp chỉ dành những kẻ xốc nổi, bốc đồng.

Tranh cãi là một trò vô ích (Ảnh: Stephanie May Wilson)

Hơn nữa, những kẻ thường dùng khoa ngôn xảo ngữ để hùng biện thực chất mọi việc đều để người khác làm. Như vậy, tranh cãi với họ chỉ làm bạn phí thời giờ vô ích. Có câu: “Người tốt không tranh biện, người tranh biện không tốt.” Những người đàn ông thực sự đã đủ trưởng thành để hiểu rằng im lặng là một loại trí huệ, một loại trí huệ đỉnh cao. Vậy nên, họ sẽ không vì bất cứ lý do gì mà phí thời gian tranh cãi với những người không cùng cảnh giới với mình.

Im lặng là một thứ ngôn ngữ tuyệt vời

Khoa học đã chứng minh, nam giới thường thiên về hành động lý tính hơn so với phụ nữ. Đa số đàn ông trưởng thành có xu hướng thể hiện bản thân bằng hành động chứ không phải lời nói.

Một điểm nữa, không phải cứ mang câu chuyện của mình đi chia sẻ với người khác là chuyện tốt. Khi ai đó sẵn sàng lắng nghe những vấn đề của bạn, nghĩa là họ đã chịu “thiệt hại” về thời gian trong ngày. Sẽ rất tốt nếu việc chia sẻ đem lại kết quả, ngược lại, đừng “hành hạ” người khác bằng những câu chuyện lan man, dài dòng, không đâu với đâu.

Im lặng là một thứ ngôn ngữ tuyệt vời (Ảnh: Pinterest)

Con người của xã hội hiện tại có một sự “cả nể” nhất định, bạn có làm ai đó khó chịu, người đó chưa chắc đã nói với bạn. Vậy nên, là đàn ông nên biết thế nào là đủ, biết điểm dừng đúng lúc – nhất là với lời ăn tiếng nói.

Người ta vẫn thường đùa vui rằng, có một cách rất đơn giản mà những anh chàng mới lớn cần học để tránh bị chê là vô duyên, đó là: Hãy vui cùng với người đang vui, buồn cùng với người đang buồn và hãy tránh thật xa những người đang bất ổn về tâm lý nếu bạn không biết nên làm gì với họ. Quả đúng như vậy, chắc chắn sẽ không có người đàn ông trưởng thành nào cười nói hềnh hệch trước mặt một người đang đau khổ.

Cũng có người từng nói, trên đời này, có một món quà vô giá mang tên “im lặng” trao tặng cho người khác. Đó là khi bạn phạm lỗi và biết im lặng nghe khiển trách từ xung quanh, là khi bạn biết im lặng trước những lời chế giễu của người khác, là khi bạn biết im lặng để âm thầm nhường cho người kia phần đúng, và là khi bạn biết im lặng rồi lắng nghe…

Linh An

Xem thêm:

 

Exit mobile version