Nhật Bản luôn ẩn chứa nhiều điều thú vị khiến cả thế giới khâm phục. Dù nhiều lần bị thiên tai tàn phá nghiêm trọng nhưng đất nước mặt trời mọc luôn có trong danh sách những quốc gia sạch nhất thế giới.
Nếu bạn có dịp ghé thăm Nhật Bản, chắc chắn bạn sẽ không khỏi bất ngờ trước sự sạch sẽ của đất nước này: đường phố không một cọng rác, các công trường thi công luôn được bao lại hoàn toàn và cách âm, công nhân ra vào công trường phải thay giày để không mang đất cát ra ngoài… Từ khu vực công cộng, cơ quan làm việc đến từng hộ gia đình và nhà vệ sinh, tất cả đều sáng bóng và sạch sẽ một cách hoàn hảo. Đối với người dân Nhật Bản, sự sạch sẽ và vệ sinh là yếu tố tối quan trọng trong đời sống hàng ngày.
Có trách nhiệm với rác thải
Thùng rác là vật dụng thường thấy trên các đường phố ở khắp nơi trên thế giới nhằm nhắc nhở người dân giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác ra đường. Tuy nhiên, Nhật Bản có rất ít thùng rác công cộng. Người dân Nhật từ nhỏ đã được giáo dục rằng, cần phải có trách nhiệm đối với tất cả những việc mình làm, kể cả rác thải. Do đó, họ sẵn sàng đem rác về nhà. Ngoài ra, họ cũng luôn chủ động chuẩn bị một chiếc túi nilong mỗi khi ra ngoài để đựng rác vào đó thay vì vứt một cách bừa bãi. Đối với người Nhật, việc mang theo túi rác trong cả chuyến đi dài không có gì bất tiện, đó là thể hiện của trách nhiệm và cần thiết.
Ở Nhật, rác thải cần phải được phân loại trước khi đem đi vứt. Để vứt được một chiếc vỏ bình nước không phải là một việc đơn giản: người ta phân loại thùng rác chuyên đựng các loại bình khác nhau, thậm chí có nơi còn yêu cầu vứt bình và nắp vào hai nơi khác nhau để tiện thu gom. Nếu bạn vứt nhầm một chiếc bình còn chất lỏng vào thùng rác dành cho bình không, bạn sẽ phải nhận lại và mang về.
Đầu năm, các trạm trung chuyển rác sẽ phát cho mỗi gia đình mà họ phụ trách vệ sinh một tờ lịch treo tường. Trong tờ lịch này ghi rõ, mỗi ngày gom và vận chuyển loại rác nào, tuần nào chỉ thu giấy, tuần nào thu rác có thể đốt… Các hộ dân cần theo đúng tờ lịch này để vứt rác.
Các chương trình dọn dẹp công cộng
Nếu sống ở Nhật Bản, thỉnh thoảng bạn sẽ được mời tham gia các buổi dọn dẹp, vệ sinh khu dân cư định kỳ. Đa phần mọi người sẽ bắt đầu công việc quét dọn vào lúc 7 giờ sáng cùng nhau trước khi đi làm. Người dân sẽ cùng nhau dọn sạch cống rãnh, cắt tỉa cành cây, cỏ dại và quét dọn đường phố, các khu vực công viên hay nhà vệ sinh công cộng. Đây cũng là một trong những hoạt động giúp nâng cao tinh thần cộng đồng của dân địa phương.
Ở Nhật có tổ chức mang tên Greenbird hoạt động ở hầu hết các tỉnh thành với mục đính kêu gọi người dân có ý thức trong việc làm vệ sinh các khu công cộng đông dân cư như nhà ga xe lửa. Họ cần mẫn đi nhặt từng mẩu giấy nhỏ hay những tàn thuốc ở bụi cây, đó là những loại rác rất khó nhìn thấy nếu không quan sát kỹ, mục tiêu chính là làm sạch từng mẩu rác nhỏ trước khi chúng chất thành đống to ai cũng có thể chú ý. Tổ chức này còn sang tận Paris để dọn dẹp cho tháp Eiffel. Người Nhật luôn như vậy, sạch sẽ một cách tuyệt đối.
Giám đốc cũng xắn tay vào cọ toilet
Giữ gìn vệ sinh toilet là một trong những điều mọi công dân Nhật Bản đã được phổ cập ngay từ khi còn nhỏ. Đặc biệt, công việc dọn dẹp toilet cũng nằm trong chương trình giảng dạy ở các nhà trường. Khi đến phiên trực nhật, ngoài việc quét dọn lớp học và lau chùi bàn ghế, các em sẽ vệ sinh cả toilet.
Trong một học kỳ sẽ có buổi Tổng vệ sinh chung và tất cả thầy cô cùng tham gia những công việc này. Trẻ em luôn được giáo dục rằng: “Cọ rửa toilet không phải là một công việc thấp hèn, và đó cũng không phải công việc của riêng cá nhân nào”. Đó chính là lý do vì sao việc giám đốc đi cọ rửa toilet đã trở nên quá đỗi quen thuộc ở Nhật.
Văn hóa “Nghĩ cho người khác”
Một trong những nét đẹp văn hóa trong cách cư xử của người Nhật chính là ý thức “nghĩ cho người khác”. Người Nhật không có suy nghĩ “chỉ cần tốt cho mình”, vậy nên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ luôn cố gắng giữ sạch sẽ để người khác cảm thấy dễ chịu và thuận tiện nhất.
Đặc biệt, ở Nhật, rất ít khi thấy hình ảnh “chị lao công đêm đông quét rác”, bởi mỗi người đều ý thức về trách nhiệm của mình về viêc giữ gìn vệ sinh chung. Thậm chí, có nhiều người còn tình nguyện đi dọn rác ở các khu công cộng và đường phố hằng ngày mà không có thù lao.
Người Nhật tin rằng: mình vì mọi người, mọi người vì mình, cả xã hội sẽ tốt đẹp.
Hiểu Minh
Xem thêm: