Nếu như nước Pháp nổi tiếng lịch lãm, nước Ý nhiệt tình, Hà Lan cởi mở… thì nước Đức thường khiến người ta “chột dạ” bởi tính cách lạnh lùng và “kỷ luật thép”. Tuy nhiên, nếu từng sống ở Đức, chắc chắn bạn sẽ nhận ra rất nhiều điều thú vị ở đất nước này. Bài viết sau đây sẽ bàn về vấn đề dạy con của người Đức và lý do họ khiến cả thế giới ngưỡng mộ.
Mọi đứa trẻ đều hoàn hảo theo cách riêng
Người Đức quan niệm, mỗi đứa trẻ đều có ưu-nhược điểm khác nhau và hoàn hảo theo cách riêng của chúng. Bởi thế, nếu con có chậm phát triển hơn so với bạn bè đồng lứa về một hành vi nào đó, cha mẹ cũng không bao giờ so sánh và khiến con cảm thấy nhụt chí, tự ti.
Ngay từ khi mới chào đời cho đến suốt cuộc sống sau này của trẻ, cha mẹ Đức sẽ luôn để con hiểu rằng: Dù con thông minh hay chậm chạp, xinh xắn hay xấu xí… con vẫn là người đặc biệt và cha mẹ luôn yêu thương con. Họ dạy con rằng, mỗi người đều đặc biệt theo cách riêng và con không cần so sánh bản thân mình với ai cả.
Có một điều đáng buồn, tại một số nước Châu Á, ngay từ bé, trẻ em thường bị cha mẹ so sánh về cân nặng, chiều cao với các bạn cùng trang lứa, lớn lên thì bị áp lực bởi điểm số, bằng cấp. Thậm chí, ở Việt Nam, đôi khi, các bậc phụ huynh còn cố tình chê bai con cái với suy nghĩ như vậy sẽ khiến chúng cảm thấy cần cố gắng hơn. Tuy nhiên, cách làm này thường đem lại những kết quả không mấy tích cực. Tâm lý trẻ nhỏ rất non nớt, vậy nên, khi bạn chê bai con cái tức là bạn đang khiến chúng đánh mất đi sự tự tin và dạn dĩ.
Dạy con tự lập từ những việc nhỏ nhất
Cha mẹ Đức dạy con tính tự lập từ những việc nhỏ nhất và từ rất sớm. Nếu như các bà mẹ Việt thường cảm thấy đau đầu, phiền não khi đứa con đang độ tuổi mẫu giáo quẩn quanh mình suốt ngày, léo nhéo đòi giúp mẹ cái này cái kia…, thậm chí, họ còn nạt đứa trẻ: “Con làm mẹ vướng víu quá” hoặc “Con lên nhà chơi với bố để mẹ nấu ăn”… thì mẹ Đức lại không bao giờ từ chối cơ hội ‘huấn luyện’ con tính tự lập tốt như thế.
Ví dụ, khi mẹ Đức làm bánh, trẻ sẽ được đứng bên cạnh xem. Sau một vài lần, mẹ Đức sẽ hướng dẫn và dỗ dành trẻ làm bánh cùng. Họ không bao giờ nói “Con đừng đụng vào, để yên mẹ làm cho nhanh”, bởi họ hiểu, mẹ làm thì nhanh hơn nhưng bé sẽ không học được gì nếu cha mẹ cứ làm hộ mãi.
Tiếp theo, khi mẹ giặt đồ, bé sẽ tự cho quần áo của mình vào máy giặt. Khi dọn nhà, mẹ cũng sẽ khoanh vùng, đưa cho bé một cái khăn và nói ‘Đây là việc con cần hoàn thành’… Trẻ nhỏ học rất nhanh và nhớ cũng rất lâu, chỉ cần hướng dẫn một vài lần, sau đó trẻ sẽ biết tự giác làm việc.
Đặc biệt, ở Đức cũng không có cảnh cha mẹ lỉnh kỉnh xách bao nhiêu đồ còn trẻ thì đủng đỉnh khi đi ra ngoài chơi. Trẻ Đức 2-3 tuổi đi đâu cũng phải tự xách đồ của mình, cha mẹ không ai xách hộ (trừ trường hợp trẻ mệt, ốm). Nếu đứa trẻ chẳng may bị ngã, trừ trường hợp quá nghiêm trọng, cha mẹ sẽ không tới giúp mà sẽ để chúng tự đứng lên.
Dạy trẻ tuân thủ kỷ luật
Phụ huynh Đức không nói những lời sáo rỗng như: “Con phải tuân thủ kỷ luật của cha/mẹ” hay “Con phải nghe lời”… nhưng những nếp sống hàng ngày trong gia đình sẽ giúp trẻ buộc phải học cách kiên nhẫn và kỷ luật.
Ví dụ: Một người mẹ Đức sẵn sàng mua kẹo cho cô con gái đang độ tuổi mẫu giáo, nhưng cô bé sẽ không được phép ăn cho tới giờ ăn vặt dù có phải đợi nhiều tiếng đồng hồ.
Hoặc, khi trẻ tìm cách xen vào câu chuyện của cha mẹ, cha/mẹ sẽ nói “chờ 2 phút con nhé, cha/mẹ đang nói chuyện chưa xong.” Cách nói của cha/mẹ vừa tế nhị, vừa cứng rắn sẽ giúp trẻ hiểu rằng chúng phải đợi tới lượt mình.
Walter Mischel – Giáo sư ngành tâm lý học, Đại học Columbia, Mỹ – Chuyên gia hàng đầu thế giới về phương pháp dạy trẻ biết kỷ luật và trì hoãn hưởng thụ – đã chứng minh rằng, những trẻ sống kỷ luật, kiên nhẫn và trì hoãn hưởng thụ khi lớn sẽ trở thành người có khả năng tập trung, suy luận tốt hơn và không bị suy sụp khi gặp phải áp lực.
Cha mẹ là một tấm gương
Người Đức dạy con khá nghiêm khắc nhưng không buộc đứa trẻ làm theo ý muốn của cha mẹ. Họ không dạy con giống như robot được lập trình, không có tuổi thơ, cảm xúc, hay áp đặt con cái phải thành công. Trước khi cha mẹ đặt ra những nguyên tắc mà con phải tuân theo, họ luôn gương mẫu thực hiên trước.
Ví dụ, để dạy con sự lễ phép, cha mẹ Đức mỗi khi muốn nhờ con cái giúp đỡ điều gì sẽ nói “bitte” (làm ơn), sau đó nói “danke” (cảm ơn).
Để trẻ học được cách giữ chữ tín, các bậc cha mẹ Đức luôn biết giữ lời hứa và không bao giờ nuốt lời với con cái. Họ cũng cố gắng hoàn thành công việc đúng theo thời gian đã hứa trước đó, còn nếu như cha mẹ không thể đúng hẹn vì một lý do nào đó, họ sẽ thẳng thắn xin lỗi và đưa ra lịch hẹn mới với con.
Tự mình làm gương cũng là cách dạy con hiệu quả được Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng. Vì để các con thực hiện đúng nguyên tắc 3 không (không ma túy, không rượu, không thuốc) do mình đề ra, ông Trump cũng không có thói quen nhậu nhẹt hay hút thuốc. Nhờ vậy, các con ông không ai sa đà vào thói hư tật xấu nào. Ngoài ra ông cũng làm việc rất chăm chỉ để các con noi theo.
“Tôi là tấm gương cho bọn trẻ nhà tôi. Tôi luôn làm gương cho các con và công ty. Các con tôi chứng kiến hằng ngày tôi đã làm việc vất vả như thế nào và cách làm việc đó thể hiện ngay từ những năm đầu đời của các con tôi. May mắn cho tôi là bọn trẻ đều yêu công việc của chúng và rất có kỷ luật. Tôi chắc chắn là chúng lựa chọn được làm việc cùng tôi – tôi không muốn chúng làm như thế nếu chúng không say mê những gì chúng đang làm” – Tân Tổng thống của Nhà Trắng cho biết.
Khen là một nghệ thuật
Mẹ Đức cũng không bao giờ khen “Con mẹ tuyệt nhất”, “Con mẹ là số 1”… Khi muốn tán dương thành tích mà trẻ đã làm được, mẹ Đức khen rất cụ thể – đề cập tới những thành tích của bé, ưu điểm tính cách của bé hay tinh thần hợp tác của bé…
Ví dụ: Khi bé hoàn thành việc dọn gọn đồ chơi mà mẹ đã giao, để khích lệ tinh thần bé thì mẹ Đức sẽ khen “Con dọn gọn đồ chơi, mẹ rất vui”…
Đặc biệt, cho dù chỉ là một chút tiến bộ nhỏ, họ cũng sẽ cổ vũ và tán thưởng con. Tất nhiên, đó hoàn toàn không phải là những lời lẽ khoa trương mà là sự động viên và khích lệ con cái đúng lúc.
Cha mẹ Đức hiểu rằng, mọi đứa trẻ đều có ưu điểm riêng. Họ sẽ tuyệt đối không vì thành tích tốt xấu của con mà phủ nhận sự ưu tú về một phương diện nào đó của trẻ. Đối với họ, đó là một sự đánh giá công bằng mà đứa trẻ xứng đáng nhận được.
Hiểu Minh
Xem thêm: