Đại Kỷ Nguyên

5 cây cầu ‘vượt thời gian’ người cổ đại xây dựng vẫn còn sử dụng đến ngày nay

Khi nghĩ về những công trình đã “sống sót” qua thời gian cho tới ngày nay, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ tới những kiến trúc như Đấu trường La Mã, Tháp nghiêng Pisa hay các Kim Tự Tháp Ai Cập. Thế nhưng, có những công trình giản dị, mộc mạc khác vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như trong quá khứ mà chúng ta thường không để ý tới.

Trong khi hầu hết các công trình kiến trúc cổ đại đã và đang làm tốt công việc của mình dựa vào lượng khách du lịch đông đảo từ khắp nơi đổ về, thì những cây cầu lại tỏ ra nhún nhường hơn. Được xây dựng trong quá khứ, có nhiều chiếc cầu đã có hàng trăm năm tuổi trước thời đại của chúng ta và vẫn được sử dụng cho tới ngày nay. Trong khi các cây cầu cũ thường bị tàn phá bởi thiên tai, nổ tung trong chiến tranh, hay bị đốt cháy trong các vụ tai nạn thương tâm, thì những cây cầu trong danh sách dưới đây đã tồn tại qua hàng trăm năm và vẫn giữ được vẻ nguyên vẹn vốn có của nó. 

1. Cầu Pons Fabricius ở Rome, Ý

Đế chế La Mã đã xây dựng nhiều công trình bằng đá như để thách thức thời gian. Bằng kinh nghiệm và kỹ thuật xây dựng các công trình bền bỉ và hiệu quả, nhiều công trình của họ vẫn được sử dụng cho tới tận ngày nay. Cầu Pons Fabricius xây dựng vào năm 62 trước Công Nguyên, là cây cầu có tuổi đời già nhất thế giới, được thiết kế bởi Lucius Fabricus, mục đích nhằm để thay thế cho cây cầu bằng gỗ bị đốt trước đó. Cầu có chiều dài 62m và rộng 5,5m. Lucius Fabrius là người trực tiếp chỉ huy việc xây dựng cây cầu, do đó tên của ông đã được để lại trên cầu tại bốn điểm khác nhau.

Sau trận lụt vào năm 23 trước Công Nguyên, hai vị lãnh chúa là Marcus Lollius và Quintus Lepidus đã thêm vào một số quy định nhằm bảo tồn công trình này. Mặc dù không rõ các quy định đưa ra để cải thiện thêm những gì cho cầu, nhưng có thể nó đã được bổ sung thêm một số vòm uốn nhỏ nhằm gia cố cho chiếc cầu đủ sức chống chọi với sức mạnh của nước. Có lẽ điều đó đã giúp cây cầu tồn tại cho đến tận ngày nay.

2. Cầu Ponte Vecchio, Ý

Được xây dựng vào năm 1345, cầu Ponte Vecchio bắc qua sông Arno nằm tại Florence, Ý. Tương tự như cầu Pons Fabricius, cầu Ponte Vecchio thay thế cho cầu gỗ đã bị cuốn trôi trong trận lũ. Là công trình xây bằng đá toàn bộ lâu đời nhất ở Châu Âu, cầu có chiều rộng 32m và chỉ cho phép người đi bộ qua lại. Cầu nối giữa hội trường thành phố Palazzo Vecchio và Palazzo Pitti.

Điểm thú vị của cầu Ponte Vecchio (tiếng Ý nghĩa là “Cầu Cũ”) chính là có hệ thống các cửa tiệm nằm dọc hai bên. Chúng thậm chí vẫn còn được sử dụng cho tới tận ngày nay. Những người buôn thịt, cá thường lui tới đây vào những năm 1400, những tàu buôn của họ đã khiến cây cầu thường có mùi hôi tanh. Sau này, tại đây xuất hiện các cửa tiệm kim hoàn, nghệ thuật và lưu niệm.

Các du khách nước ngoài tới đây cũng thường bị thu hút và tò mò về những ổ khóa được móc nhiều nơi trên cầu. Một hình thức khá giống với Cầu Tình Yêu ở Pháp. Các cặp tình nhân tới đây ghi tên hai người vào khóa rồi treo lên cầu, và ném chìa xuống dòng sông. Họ tin rằng nếu làm thế, tình cảm sẽ được trường tồn vĩnh cửu.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi lính Đức chạy tới Florence, chúng đã cho nổ mọi cây cầu mà chúng đi qua để ngăn chặn quân địch. Cầu Ponte Vecchio là thứ duy nhất còn sót lại – lính Đức đã lựa chọn phá hủy lối vào của cây cầu thay vì cho nổ tung toàn bộ.

3. Cầu Ponte Di Rialto, Venezia, Ý

Có vẻ như nước Ý xinh đẹp đều có một kịch bản chung cho các cây cầu sững sững. Khi những cây cầu gỗ (xây dựng vào năm 1246) có dấu hiệu bị hư hại, xuống cấp nhanh chóng do hỏa hoạn, người ta đã mơ ước tới một chiếc cầu mới hoàn thiện và vững chắc hơn. Vì thế mà một cuộc chạy đua giữa các kiến trúc sư nổi tiếng trong đó có cả Michelangelo và Palladio đã nổi lên. Cuối cùng, bản phác thảo của kiến trúc sư Antonia da Ponte đã được lựa chọn. Cây cầu được khởi công xây dựng vào năm 1588 và hoàn thành vào năm 1591. Kết quả, cây cầu nhận được cả sự tán dương và chỉ trích về hình dáng từ công chúng. 

Là cây cầu lâu đời nhất ở thành phố này, Ponte Di Rialto bắc qua con kênh Grand với chiều dài 48m. Trải qua lịch sử dài đằng đẵng, nó vẫn gần như toàn vẹn kể từ khi xây dựng. Cầu có kết cấu khá vững chắc với vòng uốn cao 7m cho phép tàu thuyền qua lại. Sự vững chắc của nó thực tế đã được khẳng định trong cuộc bạo động năm 1797, khi kiên cường “sống sót” trước bom đạn từ các khẩu đại bác.

Ngoài ra, đây còn là điểm hẹn lý tưởng cho các cặp đôi thề nguyện, tỏ tình và đính ước. Nó còn góp mặt trong các tác phẩm nổi tiếng điện ảnh hay nghệ thuật. 

4. Cầu Khaju (Iran)

Cầu Khaju được xây dựng vào năm 1667 dựa trên nền tảng của một cây cầu trước đó, công trình được quốc vương Shah Abbas đệ nhị thông qua. Không chỉ đơn thuần là một cây cầu phục vụ cho mục đích lưu thông giữa hai khu phố Khaju và Zoroastrian qua sông Zayandeh, nó còn được sử dụng như một con đập, gồm những cổng thoát nước nhằm tránh lũ cho thành phố.

Cây cầu có tổng cộng 23 nhịp với chiều dài 105m và chiều rộng 14m. Dọc theo cầu có thể nhìn thấy một loạt các bức tranh và công trình ngói đầy ấn tượng. Ở khu vực trung tâm là một quán trà và phòng tranh nghệ thuật. Trước đó nơi đây từng là một gian hàng mà quốc vương Shah Abbas đệ nhị đã xây dựng phục vụ cho mục đích ngắm cảnh.

Ngày nay, cầu Khaju đã trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng, đặc biệt vào ban đêm, nơi đây toát lên một vẻ rất tao nhã và thanh lịch.

5. Cầu Shaharah

Còn được biết với cái tên khá đặc biệt: “Cầu than thở” (Bridge of Sighs), là một địa điểm không thể bỏ qua của du khách khi tới thành phố Yemen. Cầu được xây dựng vào thế kỷ 17 nằm trên một hẻm núi có độ cao khoảng 2.600m. Nó được xử lý thủ công bằng đá vôi với chiều dài khoảng 20m và rộng 3m.

Ở hai bên cầu có đường mòn bậc thang dẫn lên các ngọn núi lân cận. Cầu nhằm mục đích kết nối hai ngọn núi Jabal al Emir và Jabal al Faish. Việc xây dựng cây cầu đã tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho cư dân ở khu vực này.

Shaharah không chỉ từng là một điểm nóng giao thương, nó còn là lối đi chính để đến thị trấn Shaharah. Ngoài ra, nó cũng là một địa điểm quân sự quan trọng, nên nó phải đủ vững chắc để giúp chống lại quân xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người tin rằng người dân địa phương biết cách phá hủy chiếc cầu ngay lập tức, cách ly những người dân làng khỏi nguy hiểm.

Ngày nay, cầu Shaharah là một điểm thu hút khách tham quan du lịch, và nó vẫn còn được người bản địa sử dụng như một cây cầu chính.

Theo Listverse 

Hoàng Tuấn biên dịch 

Xem thêm:

Exit mobile version