Đại Kỷ Nguyên

5 điều nên biết để tự thoát khỏi sự lo lắng

Lo lắng là một phần của cuộc sống mà không ai mong muốn. Nếu bạn hiểu được bản chất của sự lo âu thì sẽ dễ dàng vượt qua và cân bằng cuộc sống hơn…

Lo lắng giống như một bản năng được “cài” vào não bộ. Nó chính là tiếng chuông cảnh báo trước những nguy hiểm, khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chìm quá sâu vào cơn âu lo, tâm trí bạn sẽ luôn ngập tràn sự lo lắng, bạn mất nhiều thời gian để ngẫm nghĩ, sợ hãi và điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống. Đó là lý do chúng ta cần phải kiểm soát bộ não, không để nó “đi du lịch” quá xa.

Chúng ta thường lo lắng về tương lai

Rất nhiều nỗi lo của con người được hình thành dựa trên sự dự đoán. Và suy nghĩ về những điều chưa xảy ra đó chính là nguyên liệu hình thành nên lo âu và căng thẳng.

Biết lo lắng giúp con người cẩn thận hơn trước các yếu tố bất thường của cuộc sống, nó cũng là động lực khiến chúng ta cố gắng nhiều hơn. Ví dụ như nhờ có cảm giác sợ thi trượt mà các thí sinh ép mình ôn bài cẩn thận. Ở một mức độ nào đó, khả năng dự đoán những kết quả xấu có lợi cho cuộc sống. Vì biết lo sợ nên chúng ta sẽ tìm cách để kiểm soát tình hình, không để tương lai xảy ra điều chúng ta sợ hãi.

Thế nhưng, nếu để tâm trí thường xuyên vẽ nên những bi kịch chưa xảy đến, thậm chí không có cơ sở thì bạn sẽ luôn làm tâm trạng phát điên vì âu lo.

Lo âu có thể bắt nguồn từ quá khứ

Thường xuyên “phát lại” các ký ức đau buồn trong não bộ có thể là lý do khiến bạn cảm thấy căng thẳng hoặc hối hận. Một số người thậm chí để mình mặc kẹt trong quá khứ.

Quá khứ tích luỹ nên kinh nghiệm sống, đặc biệt sự thất bại, buồn khổ thường đem lại nhiều bài học được ghi nhớ sâu sắc hơn. Có thể xem đây là “công cụ” góp phần giúp bạn tránh lặp lại những điều không hay tại hiện tại. Tuy nhiên, luôn nhớ về mọi thứ tệ hại đã kết thúc trong quá khứ cũng có thể là vật cản khiến bạn không thể hạnh phúc.

Những điều tệ hại từng xảy ra, không có nghĩa nó sẽ lặp lại, và bạn chính là người quyết định điều đó.

Những lời tự chỉ trích tạo ra lo lắng

“Mình là kẻ vô dụng, “Mình đã từng thất bại”, “Mình kém cỏi”… đó là điều nhiều người vẫn thường tự nhủ và chúng trở thành nguyên liệu tạo ra lo âu.

Những tiếng nói trong vô thức sẽ ảnh hưởng đến công việc của chúng ta, khiến chúng ta tưởng tượng ra nhiều viễn cảnh xấu, ví dụ như “Mình không thể nhận được dự án này, mình giao tiếp không tốt, mọi người sẽ coi thường và không hợp tác với mình”. Nó cũng có thể ảnh hưởng tới các mối quan hệ tình cảm khi bạn buồn nghĩ: “Mình đã làm sai, anh ấy sẽ không yêu mình nữa, sẽ bỏ mình”, trong khi thực tế người yêu vẫn đang ở bên bạn.

Chúng ta tự trở thành những nhà phê bình, luôn chỉ trích bản thân, tự biến cuộc sống trở nên tồi tệ và luôn đầy âu lo. Hãy tự tạo nên những lời nhận xét tích cực trong tâm trí, chỉ khi bạn tin rằng bạn có năng lực và xứng đáng được hạnh phúc thì bạn mới có động lực để hành động cho niềm vui của chính mình.

Lo lắng bị ảnh hưởng bởi các phương tiện truyền thông

Cuộc sống hiện đại ngày càng gây ra nhiều lo lắng hơn cho con người. Ngược về quá khứ, con người sống trong những bộ lạc chỉ khoảng 50-60 người. Cuộc đời của họ gói gọn trong đó, và họ học cách quan tâm, yêu thương lẫn nhau. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, chúng ta có thể kết nối được với con người ở bất kỳ đâu trên thế giới, đồng nghĩa, chúng ta cũng phải tiếp nhận nguồn thông tin khổng lồ hơn.

Chúng ta thấy thiên tai, bão lũ, đọc những tin giết người, cướp của, phản bội, đánh ghen… tiếp cận nhiều thông tin giúp mở mang nhận thức, nhưng cũng có thể khiến chúng ta có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống.

Bên cạnh đó, việc sử dụng những phương tiện công nghệ để giao tiếp thay vì tương tác trực tiếp cũng khiến con người trở nên xa lánh, ít chia sẻ, tâm sự với nhau hơn, điều đó làm cảm giác lo âu không được giải toả.

Sự lo lắng có thể được khắc phục

Khi đã nhìn thấy được những nguồn gốc của âu lo, thì chúng ta nên tìm cách để đối diện với chúng. Quá khứ là những điều đã kết thúc, tương lai là những chuyện chưa xảy đến, nếu cứ bận lòng với lo âu bạn sẽ mãi không thể sống trọn vẹn trong thực tế.

Cho phép bản thân được xả hơi để lấy lại năng lượng, học cách tự động viên chính mình, tự xây dựng niềm tin vào bản thân, rằng bạn có khả năng, bạn đủ mạnh mẽ vượt qua mọi thứ. Chính những tiếng nói từ bên trong sẽ tiếp cho bạn năng lượng sống để thoát khỏi âu lo.

Amit Ray, một giáo viên dạy chánh niệm đã nói: “Nếu bạn muốn chinh phục được nỗi lo âu trong cuộc sống, hãy học cách sống trong từng khoảnh khắc, sống với từng hơi thở”. Người biết trân trọng cuộc sống sẽ dùng thời gian để trải nghiệm cuộc sống thay vì chết chìm trong âu lo.

Night-fly

Exit mobile version