Đại Kỷ Nguyên

5 kỳ quan kiến trúc đẹp ngỡ ngàng, trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng ít người biết đến

Trên thế giới, qua nhiều biến cố thăng trầm của các triều đại, các chế độ, các giai đoạn lịch sử khác nhau, nhiều công trình kiến trúc nguy nga, kỳ vỹ và hoàng tráng đã được xây dựng. Mỗi công trình vĩ đại đó như một kiệt tác của nhân loại, là thứ ngôn ngữ của kiến trúc, là thành tựu kết tinh trí tuệ và văn hóa của loài người. 5 công trình dưới đây được miêu tả là kỳ quan kiến trúc nhưng lại ít xuất hiện trên bản đồ du lịch thế giới.

1. Alexander I – Pháo đài lẻ loi giữa biển

Pháo đài do Hoàng đế Nikolay I dựng nên và đặt theo tên anh trai của ông, Hoàng đến Alexander I. Nó được xây dựng vào khoảng năm 1838 – 1845.

Alexander mang vẻ đẹp của một thành lũy kiên cố, còn được gọi là “Pháo đài lẻ loi giữa biển”.

Giống nhiều pháo đài khác trên vịnh Phần Lan, Alexander cũng nằm trên nền móng của một hòn đảo nhân tạo. Phần móng chắc chắn gồm hơn 5.500 trụ chống dài 12m, cắm sâu xuống lòng biển. Về sau, nơi này được phủ thêm các lớp cát, bê tông và đá granite.

Mọc lên hòn đảo nhân tạo đó, pháo đài Alexander mang vẻ đẹp của một thành lũy kiên cố và kiến trúc hình oval độc đáo. Pháo đài dài 90m, rộng 60m, có 3 tầng và căn phòng bên trong chứa được tới 1.000 người. Ngoài ra, nơi đây trang bị 103 khẩu súng thần công cùng 34 vị trí đặt súng khác trên mái.

Cấu trúc hình oval của công trình kiến trúc độc đáo này

Mặc dù pháo đài này chưa từng tham gia vào bất kỳ hoạt động quân sự nào, nó vẫn đóng một vai trò mật thiết trong chiến tranh Crimea khi bảo vệ hải quân Nga ở Kronstadt khỏi lực lượng hải quân Hoàng gia và các hạm đội Pháp.

Cuối thập niên 90, pháo đài Alexander I trở thành một điểm đến văn hóa khi được dùng làm nơi tổ chức các bữa tiệc riêng tư, câu lạc bộ khiêu vũ và bình phẩm văn thơ.

Pháo đài Alexander I sau trở thành một địa điểm văn hóa

Ngày nay, nơi đây được gìn giữ và phát triển thành một điểm du lịch hấp dẫn. Du khách có thể đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp, tìm hiểu lịch sử của pháo đài bằng cách đặt các tour du thuyền

Các tour du lịch bằng thuyền tới tham quan pháo đài

2. Nhà thờ làm bằng bùn Great Mosque: Tuyệt tác của thế giới

Đó là nhà thờ Hồi giáo lớn ở Mali, một di sản văn hóa thế giới độc nhất vô nhị.

Thuở xa xưa, khi con người chưa thực sự phát triển, bùn và đất được coi là hai loại vật liệu chính dùng trong xây dựng, đặc biệt ở thế giới cổ đại phương Đông. Không ít những công trình tráng lệ đã ra đời từ những loại vật liệu này. Một trong những số đó chính là Nhà thờ Lớn (Great Mosque) ở Mali – công trình được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1988.

Được xây dựng từ năm 800, Djenne là một trong những thành phố cổ xưa nhất bên sa mạc Sahara. Hàng ngàn năm nay, Djenne là trung tâm văn hóa, buôn bán giao thương và cũng là trung tâm Hồi giáo lớn ở khu vực.

Nhà thờ Lớn, còn gọi là Great Mosque, tọa lạc tại thị trấn Djenne miền Trung đất nước Mali. Nó được xây dựng năm 1907 bởi bàn tay, khối óc của rất nhiều kiến trúc sư chịu ảnh hưởng đậm nét từ phong cách Sudano – Sahel.

Great Mosque là công trình lớn nhất trên thế giới được xây dựng hoàn toàn từ bùn và đất với diện tích bề mặt lên đến 5.625km vuông. Công trình này có nguồn gốc vào thế kỷ 13, nhưng diện mạo hiện tại chỉ được hình thành từ đầu thế kỷ 20.

Tường nhà thờ dày từ 41 – 61cm, được làm từ những viên gạch bùn phơi khô dưới ánh nắng Mặt trời, gọi là “ferey”. Trong quá trình xây dựng, người ta sử dụng loại gạch trên với vữa nhão và thạch cao bùn để tạo cho bức tường một cảm giác nhẵn, mịn.

Điều đặc biệt trong thiết kế Great Mosque nằm ở thành phần gạch bùn. Ngoài bùn, đất là hai nguyên liệu chính không thể thiếu thì người xưa còn cho rễ cây cỏ vào trong gạch. Tác dụng của việc làm đó là giúp công trình có thêm độ bền vững, chống chọi tốt nhất với điều kiện khí hậu, độ ẩm thay đổi liên tục.

Do bùn và đất hấp thụ cũng như bức xạ nhiệt kém nên Great Mosque có một khả năng kỳ diệu: ban ngày, bên trong nhà thờ rất mát song ban đêm lại vô cùng ấm áp. Ngoài ra, toàn bộ nhà thờ cũng được xây trên nền đất cao hơn 3m nhằm phòng tránh thiệt hại do lũ lụt từ con sông Bani gây ra.

Nằm ở phía Đông nhà thờ là những bức tường cầu nguyện, còn gọi là Qibla. Sâu bên trong khuôn viên ngoài là sảnh cầu nguyện chính với 6 hệ thống bậc thang dẫn lên ở các góc khác nhau. Chỉ riêng ở sảnh, các kiến trúc sư đã phải cho xây dựng 90 cột lớn hình chữ nhật khác nhau để chống đỡ cho công trình.

Hàng năm, có rất nhiều người dân, chủ yếu là các tín đồ Hồi giáo địa phương tiến hành tu sửa lại nhà thờ. Đối với họ, đó không đơn thuần là thể hiện sự tôn kính và niềm tin mà còn mang lại không khí như một lễ hội hấp dẫn với những trò chơi liên quan đến xây dựng.

3. Derawar – Pháo đài khổng lồ giữa sa mạc Pakistan 

Nằm giữa sa mạc Cholistan của Pakistan, pháo đài Derawar được coi là một kỳ quan quân sự của nền văn minh Ấn Độ thời Trung cổ. Pháo đài gồm 40 tháp canh khổng lồ được kết nối bằng các đoạn tường thành, tạo nên tuyến phòng thủ dài 1.500m và cao tới 30m.

Công trình này được xây dựng khi vương triều Rajput Bhutta của người Ấn Giáo cai trị khu vực.

Từ thế kỷ 18, pháo đài đã nhiều lần thay đổi chủ, cho đến khi bị tiểu vương Hồi giáo Nawab Mubarak Khan chiếm vào năm 1804.

Kể từ đó cho đến nay, nhiều công trình Hồi giáo đã xuất hiện quanh pháo đài. Ngày nay, pháo đài Derawar vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Điều ngạc nhiên là rất ít người, kể cả ở Pakistan biết đến sự tồn tại của công trình kỳ vĩ này.

Do đó, du khách phải thuê người dẫn đường băng qua một vùng sa mạc hẻo lánh mới có thể đến được pháo đài Derawar.

Ngoài ra, du khách phải được sự cho phép của tiểu vương mới được vào tham quan công trình này.

4. Kumbhagarh – “Vạn Lý Trường Thành” của Ấn Độ

Nằm ở phía Tây Ấn Độ, pháo đài Kumbhagarh là thành trì quan trọng thứ hai dưới triều đại Mewar, được xây dựng từ thế kỷ 15 và mất cả trăm năm để hoàn thành.

Nằm gọn trong phạm vi vùng núi Aravali và bao quanh bởi 13 đỉnh núi cao, công trình này được xây dựng từ thế kỷ 15 bởi Maharana Kumbha và là một trong 32 pháo đài do hoàng tộc Rajput của vương quốc Mewar xây dựng. Nó nằm cách thành phố Udaipur 84km về phía Bắc, ở bang Rajasthan.

Các pháo đài được bao quanh bởi một bức tường có chu vi dài 36km, và chiều rộng thay đổi từ 4,5m đến 7,6m. Tài liệu cổ ghi rằng 8 con ngựa là vừa đủ để có thể đi cạnh nhau trên tường thành.

Những bức tường khổng lồ tại Kumbhalgarh mất gần một thế kỷ để xây dựng, rất kiên cố và bất khả xâm phạm. Nhiều người gọi Kumbhalgarh với cái tên trìu mến như Vạn Lý Trường Thành của Ấn Độ.

Khu thành trì này tự hào có 7 cổng lớn và 7 thành lũy kéo dài thẳng tắp, được bao quanh bởi các pháo đài và tòa tháp canh vĩ đại. Bên trong các bức tường thành lớn ấy là 360 đền thờ và cung điện tráng lệ thờ các vị thần Hindu và Phật được đặt trên đỉnh cao mang tên “Badal Mahal” hay “Cung điện trên mây”.

Đứng trên đỉnh, bạn dễ dàng phóng tầm mắt ra hàng cây số ngắm nhìn dãy núi Aravvalli uốn lượn ngoạn mục và các cồn cát cao của sa mạc Thar.

Truyền thuyết kể rằng Maharana Kumbha phải đối mặt với nhiều khó khăn khi xây dựng các pháo đài. Lúc đó, một vị pháp sư đã phán rằng chỉ khi có sự hy sinh tự nguyện của con người thì việc xây dựng mới diễn ra thuận lợi. Cuối cùng, có một người tình nguyện và ngôi đền được xây dựng ở nơi đầu và máu người ấy đã rơi. Ngày nay, ngôi đền thờ của người tình nguyện viên vô danh có thể tìm thấy ở gần cổng chính của tường thành.

Theo những câu chuyện dân gian kể lại, Maharana Kumbha từng thắp những ngọn đèn lớn có sức tiêu thụ 50kg bơ sữa trâu lỏng và hàng trăm bông, đủ cung cấp ánh sáng cho những người nông dân làm việc suốt đêm trên thung lũng.

Vào những thời khắc nguy hiểm, khu thành trì này trở thành nơi trú ẩn cho các đế chế cai trị của vương triều Mewar.

Đây cũng là nơi người chiến binh vĩ đại Maharana Pratap được sinh ra và đào tạo. Các pháo đài là nơi chỉ đạo các cuộc tấn công và trong lịch sử nó từng bị thất bại một lần khi kẻ phản bội đầu độc nguồn nước bên trong thành, để vua Mughal Akbar và các lực lượng từ Delhi, Amer, Gujarat và Marwar dễ dàng thâm nhập, phá vỡ tuyến phòng ngự kiên cố của vương triều Mewar.

5. Tòa nhà quốc hội của Rumani – Ngôi nhà của nhân dân

Tòa nhà được khởi công xây dựng vào năm 1984 và hoàn thành vào năm 1989 với tổng diện tích khuôn viên 365.000 m2 . Chiều dài của tòa nhà là 270m, chiều rộng là 240m, chiều cao trên mặt đất là 86m và chiều sâu dưới mặt đất là 92m.

Tòa nhà có 12 tầng nổi và 8 tầng chìm, trong 8 tầng chìm có hầm xây để chống bom nguyên tử.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo đánh giá có khoảng 100.000 công nhân phải làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, trong vòng gần 6 năm dưới sự hướng dẫn của 700 kiến trúc sư và điều khiển của nữ tổng công trình sư Anca Petrescu 28 tuổi.

Công trình đồ sộ này đã sử dụng 1 triệu mét khối đá cẩm thạch, 55.000 tấn xi măng mác cao, 7.000 tấn thép chuyên dụng, 20.000 tấn cát, 1.000 tấn đá bazan, 90.000 m2 gỗ quý, 3.500 tấn thủy tinh và pha lê cao cấp, 220.000 m2 thảm các loại và 3.500m2 da thú hiếm.

Theo ước tính, công trình này được hoàn tất với kinh phí khoảng hơn 3 tỉ đô la.

Tòa nhà được mệnh danh là “Ngôi nhà của nhân dân” hoàn thành với đúng 1.000 căn phòng gồm 440 phòng làm việc, 30 cung hội nghị. 4 nhà hàng, 3 thư viện, cung hòa nhạc.

Hiện tại, tòa nhà Quốc hội của Rumani hàng ngày có khoảng 3.000 người làm việc trong đó khoảng 800 công nhân chăm lo việc bảo dưỡng và bảo trì với mức chi phí hàng tháng khoảng 60.000 euro.

Thiên Thủy

Exit mobile version