Khi nói đến “tự tin” chúng ta thường liên tưởng đến cảm giác về khả năng kiểm soát bản thân và tầm hiểu biết rộng trong một lĩnh vực nào đó. Sự tự tin giúp chúng ta thể hiện bản lĩnh và năng lực, khiến người khác phải ngưỡng mộ.
Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều người nhút nhát, e dè khi trình bày các quan điểm hay phát biểu ý kiến trước đám đông. Đơn giản bởi vì họ không đủ tự tin hay đúng hơn là họ sợ “sai”, sợ người khác đánh giá về mình và rồi các loại trạng thái xuất hiện hồi hộp, lo lắng, mất bình tĩnh,…
Có lẽ, nhiều người trong số chúng ta muốn thoát khỏi tình trạng này và bước ra khỏi cái “vỏ bọc” của sự yếu đuối và thiếu tự tin. Vạn vật đều có sự thay đổi, việc biến mình trở nên dạn dĩ và đầy sự tự tin là điều hoàn toàn có thể làm được qua việc luyện tập và nhẫn nại. Các cách xây dựng lòng tự tin sau có thể giúp bạn trở nên tự tin ở bản thân:
1. Thiền định
Trạng thái tinh thần của mỗi chúng ta có thể ví như một hồ nước. Khi mặt hồ yên tĩnh, chúng ta tìm thấy sự bình an và vô tư, còn ngược lại, khi mặt hồ gợn sóng thì cảm xúc cũng dâng trào. Thiền được xem là một trong các phương pháp tập luyện hiệu quả làm cân bằng các cảm xúc. Khoa học đã chứng minh, ngồi thiền mỗi ngày giúp giảm căng thẳng và lo âu. Và thực tế rằng, nếu cảm xúc không thể kiểm soát, bạn không thể truyền đạt thông tin một cách suôn sẻ.
2. Đọc sách
Đọc sách cũng được đánh giá là một trong những thể loại thiền định, bởi nó không những giúp chúng ta thoát khỏi những suy nghĩ vẩn vơ, lo âu, phiền muộn mà còn đem lại kiến thức và nguồn cảm hứng vô giá. Vòng xoáy của cuộc đời khiến chúng ta không thể thoát khỏi suy nghĩ của những lo toan, tranh đấu, sống còn,…. Đọc sách hoặc thiền định giúp bạn đẩy lùi những điều không cần thiết trong tâm tưởng và bắt đầu nhận thức vạn sự vạn vật xung quanh chúng ta. Mỗi ngày như thế sẽ bồi đắp những lỗ hổng, những chỗ thiếu sót và dần dần bạn sẽ nhận ra mình thay đổi.
Hãy chọn những loại sách có ích cho sự phát triển tư duy và kiến thức của bạn cả về đời sống và xã hội. Có thể bạn sẽ tìm thấy sự tương đồng giữa cuộc sống của tác giả và chính bạn. Những điểm tương đồng thường dẫn bạn đến việc tạo ra sự cải thiện và thay đổi cuộc sống của riêng bạn.
3. Chấp nhận thực tế
Hầu như mỗi người chúng ta đều mong muốn, hy vọng, mơ ước điều này điều khác và không mấy ai dám đối mặt với thực tại. Mọi thứ cứ luẩn quẩn và không “bứt phá” được các tâm tư, nguyện vọng: Muốn kiếm được một công việc phù hợp mà luôn bị từ chối nhận, muốn mua một chiếc áo khoác hàng hiệu mà không có đủ tiền, muốn bạn trai hay bạn gái biểu hiện giống diễn viên trong bộ phim nào đó, v.v… Và cái “muốn” này không bao giờ kết thúc trọn vẹn, chỉ khiến chúng ta thêm lo lắng và đau khổ.
Bạn nên chấp nhận thực tế dù là ở hoàn cảnh nào, nghiệt ngã hay ảm đạm, chỉ khi bạn chấp nhận như vậy, bạn mới có thể nhận ra các hành động để thay đổi, mới thấy con đường trước mặt hoàn toàn khác.
4. Lập trình những suy nghĩ tích cực
Bạn có nhận thấy trong dòng suy nghĩ của chúng ta đều có hai mặt “tốt” và “xấu”? Khi những điều xấu xảy đến, thì trong đầu luôn xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực, giống như có tiếng nói bên trong phát ra: “Mình thật kém cỏi, thật tệ, không đủ khả năng để làm điều gì cả. Mình không thể làm được. Mọi chuyện thật rắc rối”…. Làm sao để loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực này xâm nhập vào chúng ta, thay vào đó là những điều tích cực?
Hãy bắt đầu từ từ và nghĩ đến 3 điều tốt đẹp về mình ở trong gương vào mỗi buổi sáng. Khi đã trở thành một thói quen, não của bạn sẽ được lập trình tính khẳng định ở bản thân trong tâm trí bạn. Nếu lúc đầu bạn không cảm thấy sự tiến bộ, cứ tiếp tục duy trì cách thức này vì luyện tập là để thay đổi và dần hoàn thiện.
5. Cải thiện từng bước nhỏ
Bạn nên dành thời gian để hướng nội, nhìn vào bên trong chính mình và đánh giá những gì đã vượt qua cũng như những gì có thể thay đổi. Hãy viết ba điều mà bạn muốn cải thiện và viết một vài điểm nhấn làm thế nào để thay đổi dưới mỗi điều ấy. Bạn hẳn chưa quen với việc “viết”, nhưng thật sự rất quan trọng bởi vì viết giúp bạn hình dung các nhiệm vụ cần làm và cần đạt được cho chính mình.
Mặc khác, hãy bắt đầu với công việc rất nhỏ từ cách biểu hiện hàng ngày của bạn, chẳng hạn như trung thực trong công việc, sẵn sàng hỗ trợ dự án của đồng nghiệp, nấu ăn và làm việc nhà cho gia đình,… Tất cả mọi người sẽ thừa nhận những thành tựu của bạn dù chỉ là những hành động thay đổi “rất nhỏ”. Bạn có thể liệt kê những thành tựu này và đặt nó ở đâu đó dễ dàng để xem, mục đích chỉ là giúp bạn gợi nhớ lại và có lòng tin ở bản thân “Không việc nào là không thể!”
Cuối cùng, nếu bạn sẵn lòng đối mặt với nỗi sợ của mình, bạn sẽ có lòng tin vào bất cứ việc gì bạn làm. Thay vì lo lắng về những khuyết điểm của mình, bạn hãy tập trung trong từng suy nghĩ, từng hành động thể hiện những phẩm chất tốt đẹp ở bản thân và đối với mọi người!
Hahna Nguyễn
Theo lifehack
Xem thêm: