Hẳn bạn đã từng nghe tới lời dạy của Phật “đời là bể khổ” và nhiều khi bạn cũng cảm thấy cuộc sống của mình đang bị bủa vây bởi những nỗi khổ ấy. Nếu bạn có cảm giác này, xin hãy ngồi lại ở một góc yên bình nào đó, pha cho mình một ly ca cao ấm nóng và nhìn ngắm những bức ảnh dưới đây. Bạn sẽ nhận ra cuộc sống vẫn ưu ái dành tặng bạn những chỉ dẫn để vượt qua tất cả.
Cuộc sống con người không thể tránh được cảnh sinh ly tử biệt, cảnh tượng ấy sẽ càng đau lòng hơn khi họ phải chia tay nhau quá sớm. Bức ảnh người phụ nữ ngồi bên nơi an nghỉ của chồng mình, cổ còn đeo chiếc dây chuyền với mặt dây là tấm khắc tên và hình ảnh của anh, một quân nhân… khiến chúng ta không khỏi nghẹn ngào.
Bàn tay đặt nhẹ lên mặt bia, cô tựa đầu vào tấm đá lạnh khắc ghi tên chồng như thể tựa đầu vào vai anh. Nhưng giờ đây, vòng tay cô lại phải tự ôm lấy mình. Vòng tay ấy như đã nói lên tất cả sự cô đơn vô bờ mà người phụ nữ đang phải trải qua.
Chiến tranh vẫn luôn mang một bộ mặt rất tàn khốc như thế, nó đem đến không chỉ máu mà còn nước mắt, không chỉ cái đau trên thân mà còn cả cái đau trong tâm hồn.
Nhưng trong bức ảnh tưởng chừng như chỉ có sự đau khổ này, có một điều gì đó đang sáng lên, lấp lánh thứ ánh sáng dịu nhẹ, đầy bình yên – lòng chung thủy của người phụ nữ. Anh đã xa rồi, nhưng tình yêu mà anh dành cho cô vẫn ở đây, nguyên vẹn trong trái tim cô và đang cùng với những giọt nước mắt hòa tan vào không trung.
Có lẽ trên Thiên đàng, chồng cô đang mỉm cười và rất muốn mượn cơn gió thổi bay những giọt nước mắt của cô, muốn mượn những ngọn cỏ đề vỗ về và khiến cô nguôi ngoai. Anh có lẽ rất muốn rằng, năm sau khi quay trở lại, cô sẽ ngồi bên anh, mỉm cười và nói với anh rằng: Cảm ơn anh, nhờ tình yêu ấy của anh, em đã biết mình còn phải sống, sống tốt để tiếp tục những yêu thương ấy.
Chiến tranh tàn ác không chỉ khiến con người ta học cách chấp nhận nỗi đau, tiếp tục cố gắng để nối dài sự yêu thương. Mà nó còn khiến chúng ta thực sự hiểu giá trị của những khoảnh khắc còn được sống.
Khi nhìn ngắm bức ảnh của người lính Mỹ được trở về, được ôm con gái bé nhỏ mới chào đời trong vòng tay này, bạn có cảm nhận được lòng biết ơn vô hạn của anh ấy khi được trở về: “Con cảm ơn Chúa vì đã cho con được ở đây, vào lúc này”?
Cuộc sống vốn được tạo nên từ những điều khác biệt, những điều không hoàn hảo, đôi khi là cả không trọn vẹn nữa. Nhưng bạn hãy nhìn ngắm bức ảnh hai em bé châu Phi dưới đây; một trong hai em bị căn bệnh bạch tạng khiến cho em trở nên hoàn toàn khác biệt. Nhưng với những đứa trẻ, sự khác biệt đó là không tồn tại.
Nếu người lớn cũng có thể nhìn sự vật, sự việc khác biệt với mình như những đứa trẻ thì chúng ta liệu sẽ có sự ghen tị, tật đố, để rồi đi tới những cuộc chiến thấm đẫm thù hằn, uất hận?
Khả năng nhìn những điều trong sáng, khác biệt như những đứa trẻ không phải là điều gì đó quá khó, không thể đạt tới, nó cũng không đơn thuần là một loại bản năng tự nhiên để bạn lập luận rằng, nó giống như tính cách, có người có, sẽ có người không có.
Đôi mắt nhìn cuộc sống của một đứa trẻ là một khả năng có thể rèn luyện mà thành, có thể tự mài giũa mình mà tìm lại được, bởi ông bà ta luôn dạy “nhân chi sơ tính bản thiện”. Nhưng làm thế nào để giữ được sự thuần thiện của trẻ thơ ngay cả khi bạn đã là người lớn và phải đối diện với bao sóng gió của cuộc đời?
Câu trả lời được hé lộ trong những bức ảnh dưới đây:
Khi chúng ta có thể nhìn mọi sự sống là trân quý, khi ta có thể cảm nhận được mỗi sinh mệnh đều khao khát được sống, được nhận sự yêu thương, khi ta nhận ra được niềm hạnh phúc trên khuôn mặt của người khác khi ta trao tặng họ một điều tốt đẹp, chúng ta sẽ nhìn thấy điều mình cần làm, điều mình có thể làm cho người khác.
Một điệu nhạc trong veo từ cây sáo trúc, một ánh nhìn ấm áp từ một người không phải là ruột thịt nhưng vẫn đủ khiến cậu bé có tâm hồn và thân hình khuyết tật cười lên hạnh phúc.
Hình ảnh những con thú hoang dã ngoan ngoan ở cạnh các nhà sư không phải là điều hiếm gặp. Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao? Phải chăng động vật cũng như những đứa trẻ, chúng không có những suy nghĩ phức tạp như con người, nên có thể trực tiếp cảm nhận được đâu là một trái tim thuần thiện, không sợ hãi, không đe dọa. Trái tim ấy chỉ muốn cùng chung sống một cách hòa bình và an ổn bên chúng, thậm chí có thể cùng chia sẻ với chúng phần ăn ít ỏi của mình.
Bức ảnh còn hàm chứa một thông điệp, để có thể bao dung với những sự sống khác, hãy bao dung với chính bản thân mình. Hãy cho mình không chỉ một cơ hội để làm lại từ đầu, như nhà sư với đầy những hình xăm trổ này. Chừng nào bạn còn cảm thấy trái tim mình muốn hướng về những điều thiện lành, những điều tốt đẹp, hãy dũng cảm bắt đầu lại dù bạn đã vấp ngã bao nhiêu lần đi nữa.
Trong cuộc sống, có một chìa khóa khác để bạn luôn có được hạnh phúc, luôn có được thế giới quan thơ ngây của một đứa trẻ, đó chính là sự đồng cảm. Bất cứ ai đến trong cuộc đời này, trong một gia đình giàu có, hay nghèo đói, thậm chí dù dưới hình dạng của một con vật nuôi, đều sẽ có những lúc phải trải qua sự đau khổ, những giây phút yếu đuối, đau lòng.
Khi nỗi đau hiện hữu, một hành động thể hiện sự cảm thông và sẻ chia nỗi đau dù là đơn sơ nhất cũng sẽ mang một ý nghĩa thật lớn, có thể xoa dịu tức khắc phần nào sự khó chịu và cảm giác bi thương. Chú chó trong bức hình tại sao lại đứng trong mưa buồn đến vậy? Có lẽ cô bé và em mình là người cảm thấy rõ nhất nỗi buồn ấy. Và bạn thấy đấy, trẻ em luôn muốn sẻ chia, dù là niềm vui hay nỗi buồn.
Cuộc sống là thế, luôn đầy tràn những khó khăn, vất vả. Nhưng dường như những thử thách ấy không phải là để dìm lấp con người và khiến chúng ta vùi trong đau khổ. Mà chúng chính là một món quà, giúp con người học cách trở về với bản tính thiện lương thuần thiện quý giá nhất của mình.
Hy Văn
Xem thêm: