Ăn đêm, uống cà phê, lười vận động, sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ… là những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe và cân nặng của bạn.
Ăn đêm
Các nghiên cứu đã chứng minh, ăn muộn (sau 19h) dễ dẫn đến tình trạng tăng cân, béo phì. Ngoài ra, ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ có thể làm tăng cholesterol, insulin, ảnh hưởng tiêu cực đến nội tiết tố, gây bệnh tiểu đường, tim mạch…
Uống cà phê vào ban đêm
Caffeine có tác dụng ức chế dây thần kinh, làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Các nhà khoa học cũng tìm ra axit chlorogenic (thành phần có trong cà phê) khiến cân nặng tăng vọt. Trước khi đi ngủ, bạn có thể uống trà thảo dược hoặc nước ấm, giúp giấc ngủ sâu hơn mà không lo về trọng lượng cơ thể.
Ngủ không đủ giấc
Giấc ngủ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tinh thần của chúng ta. Tình trạng mất ngủ, ngủ không đủ giấc kéo dài, khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn, stress. Đặc biệt, người bị thiếu ngủ thường dễ tăng cân hơn người có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý.
Các chuyên gia khuyến cáo, ngủ đủ 7-8 tiếng/ ngày, sẽ giúp tinh thần thoải mái, làm việc tập trung và hiệu quả hơn. Từ đó, thể chất và tinh thần ổn định, cân năng cũng được kiểm soát tốt.
Lười vận động
Khi bạn lười vận động, cơ thể dễ mắc rối loạn tuần hoàn máu, huyết áp tăng cao, giảm quá trình trao đổi chất… Ngoài ra, lười vận động là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tăng cân, do lượng calo dư thừa trong cơ thể không được đốt cháy và ngày càng tích tụ nhiều hơn.
Chỉ cần đi bộ khoảng 15 phút mỗi ngày sẽ giúp đốt cháy 100 calo, hoặc tập các động tác nhẹ nhàng, giúp cải thiện sức khỏe, duy trì cân nặng.
Sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ
Thiết bị công nghệ làm chậm quá trình sản xuất melatonin, hormone chịu trách nhiệm điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ. Thay vì lên mạng xã hội trước khi đi ngủ, bạn hãy chọn đọc một cuốn sách hoặc nghe nhạc thư giãn.
Ngủ dậy muộn
Việc ngủ dậy muộn khiến cơ bắp không được thư giãn, lưu thông máu, chân tay tê nhức khó chịu. Chính vì thế, bạn sẽ lười hoạt động, cả ngày cứ ở trong trạng thái mệt mỏi. Tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là sự phát triển hệ xương và hệ cơ của trẻ em.
Hoài Phương