Uống nhiều nước, hạn chế ra đường, mặc áo chống nắng… là những cách giúp bạn bảo vệ cơ thể trong mùa nắng nóng.
Tránh tập thể dục khi trời nóng và ẩm
Để bảo vệ sức khỏe và tránh bị kiệt sức, bạn cần điều chỉnh thời gian tập luyện sớm hoặc muộn hơn trong ngày.
Uống nhiều nước
Nhiệt độ cao khiến các tế bào dễ mất nước, cơ thể cảm thấy khó chịu, thâm chí suy nhược, chóng mặt, đánh trống ngực và ngất xỉu. Kiệt sức xảy ra khi cơ thể bị mất nước và các chất điện giải qua đường bài tiết mồ hôi mà không kịp bồi phụ nước.
Hạn chế uống rượu, cà phê, hút thuốc lá
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, bạn nên tránh ăn đồ cay nóng và khó tiêu. Các loại thức ăn mát như salad, trái cây mọng nước là ưu tiên hàng đầu. Bạn có thể chọn hoa quả có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc như bí đao, mướp đắng, dưa chuột, táo… Ngoài ra, nên bổ sung hoa quả chứa nhiều vitamin C như cam, bưởi… để tăng sức đề kháng cho cơ thể trong mùa nắng nóng.
Đội mũ nón khi đi ra ngoài
Các mạch máu ở đầu và cổ nằm gần da, vì vậy cơ thể dễ bị nóng hoặc mất nhiệt nhanh. Do đó, bạn cần bảo vệ đầu, cổ bằng cách đội mũ, mặc áo chống nắng..
Hạn chế ra ngoài vào lúc nắng cao điểm
Thời gian nắng nóng kéo dài từ 10h-17h, cao điểm nhất vào khoảng 13h-16h. Vì thế, người dân nên hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian này hoặc sắp xếp công việc, điều chỉnh nhịp độ hoạt động khi làm việc, tập luyện, vui chơi ngoài trời nắng.
Mặc áo chống nắng khi ra đường
Đeo khẩu trang và mặc quần áo chống nắng có độ dày thích hợp là biện pháp đơn giản bảo vệ da trước tia cực tím. Bạn nên chọn những chất liệu vải thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi, vừa bảo vệ được da từ tia cực tím mà không ngăn cản việc hấp thụ vitamin D từ trong ánh mặt trời.
Ngoài ra, đôi mắt có thể bị ảnh hưởng bởi ánh nắng mặt trời, gây nên tình trạng khô, nhức mỏi, đỏ mắt. Bởi vậy, bạn nên đeo kính râm có khả năng chống tia UV khi ra ngoài trời nắng để bảo vệ mắt trước tác động của ánh nắng mặt trời.
Hoài Phương