Sau 12 năm miệt mài đèn sách, 5 môn thi là thử thách cuối cùng mà các sĩ tử phải vượt qua. Dưới đây là 7 bước giúp các em học sinh phục hồi tinh thần và thể chất nhanh chóng, hoàn thành tốt kỳ thi THPT quốc gia 2018. 

Môn đã thi xong, nghĩa là… xong

Một trong những thói quen của học sinh sau thi chính là đi so đáp án. Trên thực tế, bài đã nộp thì không thể thay đổi được kết quả, việc các em lo lắng, dằn vặt mình về đáp số không giúp cho điểm bài thi cao hơn, thậm chí gây căng thẳng, ảnh hưởng đến môn thi sau. Đặc biệt, nếu các em thấy bạn bè có xu hướng điểm cao, làm bài tốt hơn thì tâm trạng bản thân sẽ xấu hơn.

Gia đình cũng không nên hỏi quá nhiều đến môn thi con em đã hoàn thành để các em bớt áp lực căng thẳng. Nếu làm tốt, thông thường các em sẽ chủ động khoe với mọi người. Nếu bài thi không như kỳ vọng, hãy để các em chọn lựa quyền chia sẻ khi muốn.

Gạt môn đã hoàn thành sang một bên, đó là cách để các em giải toả bớt tâm lý để tập trung thi tốt các môn còn lại.

Không cố ghi nhớ quá nhiều

Ôn thi là một quá trình kéo dài trong nhiều ngày tháng, vài giờ để đọc nhồi nhét không giúp tăng được kiến thức mà chỉ làm các thông tin trong não trở nên lộn xộn và tâm trạng căng thẳng hơn. Lo lắng là yếu tố làm giảm khả năng ghi nhớ.

7 bước phục hồi tinh thần cho sĩ tử trong mùa "vượt vũ môn"
(Ảnh: Ione)

Bộ nhớ ngắn hạn của con người chỉ có thể chứa được tối đa từ 7-9 ký tự cùng một lúc. Nếu muốn tranh thủ thời gian giữa các buổi thi để học thêm kiến thức, các em nên học cách đọc lại các đề mục và từ khoá để hệ thống kiến thức một cách logic. Tránh đọc tràn lan nội dung chi tiết khiến não bộ bị quá tải, vừa mất thời gian, vừa không thể ghi nhớ thông tin.

Viết hết lo âu ra giấy và quẳng chúng đi

Sian Beilock, giáo sư tâm lý tại trường đại học Chicago đã nghiên cứu, tại sao học sinh nóng nảy đến độ không thể làm bài đúng như sức của mình. Bà nói: “Các em hay lo âu về những hậu quả, ví dụ như kết quả kỳ thi có giúp họ được nhận vào trường mà họ muốn hay không. Càng lo lắng, trí nhớ càng giảm đi; trong khi đáng nhẽ ta phải tập trung hướng chú ý vào cuộc thi.”

7 bước phục hồi tinh thần cho sĩ tử trong mùa "vượt vũ môn"
(Ảnh: Zing)

Viết lo âu ra giấy chính là cách để giải quyết căng thẳng hiệu quả. Hãy liệt kê tất cả mọi điều không hài lòng với bài thi trước và những lo lắng với môn thi sắp tới, rồi vò nát và vứt chúng đi. Đó là cách “xả” bớt cảm xúc xấu và tăng sức mạnh đương đầu cho bản thân, chuẩn bị tâm lý cho những điều tệ hại nhất có thể xảy ra. Cách làm này giúp các thí sinh không rơi vào thế bị động và tự tin hơn.

Ăn uống đủ chất nạp đủ năng lượng

Sức khoẻ thể chất có ảnh hưởng tới tâm trạng, cảm xúc. Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giữ gìn sức khỏe và kiểm soát căng thẳng, lo âu. Sự bình tĩnh trong kỳ thi xây dựng dựa trên lối sống bình tĩnh trước kỳ thi.

7 bước phục hồi tinh thần cho sĩ tử trong mùa "vượt vũ môn"

Nhu cầu năng lượng của các sĩ tử mùa thi cao gấp nhiều lần so với người lớn bởi các em cần năng lượng để phát triển thể chất và trí não. Uống đủ nước, ăn các thực phẩm như cá, trứng, các loại hạt, sữa chua, trái cây… giúp tăng cường thể chất và cải thiện trí nhớ.

Cần tránh đồ uống có ga hoặc đồ uống có chứa cafein vì các chất kích thích này có thể làm tăng kích động, căng thẳng.

Tìm phương pháp thư giãn nhanh

Lo lắng tiềm ẩn của người là điều tự nhiên. Do đó, “tìm việc” cho tâm trí làm là cách tốt nhất giảm lo âu. Nghe nhạc, đọc vài mẩu chuyện ngắn, tập vài động tác thể dục… giúp bộ não bị đánh lạc hướng, dừng nghĩ đến việc thi cử.

7 bước phục hồi tinh thần cho sĩ tử trong mùa "vượt vũ môn"

Đảm bảo ngủ đủ giấc

Thay vì tranh thủ tận dụng từng phút giữa các buổi thi để nhồi nhét kiến thức, hãy thả lỏng để bản thân được nghỉ ngơi bằng giấc ngủ. Thiếu ngủ làm giảm khả năng chịu đựng, gây ra vấn đề suy giảm trí nhớ.

Đảm bảo buổi trưa được ngủ 20-30 phút, tối đi ngủ sớm… sẽ giúp các em tỉnh táo, tinh thần thoải mái trong suốt kỳ thi.

7 bước phục hồi tinh thần cho sĩ tử trong mùa "vượt vũ môn"

Học cách yêu thương, an ủi bản thân

Cuối cùng, nếu ôn tập và cố gắng hết mình mà không đạt kết quả như mong muốn, các em hãy nhắm mắt lại, tự trao cho mình những lời an ủi, thay vì dằn vặt, trách móc bản thân là kém cỏi. Các em xứng đáng được động viên vì đã cố gắng hết sức.

Các nhà khoa học tâm lý gọi lo lắng, sợ hãy là cảm xúc của tương lai, khi con người nghĩ về những điều chưa xảy ra. Vậy nên, thay vì suy nghĩ quá nhiều về những gì sắp xảy ra, các em hãy củng cố niềm tin vào bản thân để tăng năng lượng tích cực và hoàn thành kỳ thi tốt nhất.

7 bước phục hồi tinh thần cho sĩ tử trong mùa "vượt vũ môn"

Night-fly