Giữa một rừng những sách kỹ năng trong hiệu sách, bạn sẽ phải bắt đầu từ đâu để có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình? Dưới đây là 8 gợi ý nhỏ giúp bạn có những ý tưởng để thực hiện được mục tiêu “nói chuyện thu hút”.
Hãy luyện tập giọng nói của bạn
Bạn muốn trở thành một người nói chuyện thu hút, yếu tố đầu tiên có thể gây ấn tượng với người đối diện chính là giọng nói của bạn. Có thể bạn không có được giọng nói nhỏ nhẹ dịu hiền của con gái Huế hay nét dễ thương của phụ nữ Sài Thành. Nhưng bạn vẫn sẽ có được sự thiện cảm của người đối thoại, nhờ những thủ thuật nhỏ sau.
Hãy chú ý đến tốc độ, nhịp điệu và cách nhả chữ của mình. Không khác gì một ca sĩ, nếu bạn muốn mọi người lắng nghe mình, trước hết hãy đảm bảo rằng, đối phương có thể nghe rõ những điều bạn muốn truyền tải.
Khi nói chuyện, hãy chọn một tốc độ phù hợp, đừng quá nhanh, nhưng đừng ề à, nó giúp người nghe theo kịp và nắm bắt trọn vẹn ý tưởng của bạn. Để tạo được ấn tượng “rõ ràng”, bạn cũng có thể luyện tập cách phát âm tròn vành rõ chữ và lên xuống giọng đúng với 6 thanh điệu của tiếng Việt.
Tập sử dụng ánh mắt, nụ cười
Tiếng nói là yếu tố quan trọng nhất nhưng không phải là yếu tố duy nhất giúp bạn thành công trong giao tiếp. Hãy học cách sử dụng ánh mắt và nụ cười của mình, bạn sẽ tạo được những “điểm nhấn” cho cuộc đối thoại.
Hãy luôn nhìn vào mắt người đang nói chuyện với bạn. Điều ấy khiến đối phương hiểu rõ, bạn đang dành toàn bộ tâm trí của mình cho họ. Thông điệp tôn trọng sẽ được truyền đi. Ánh mắt là một sứ giả tuyệt đối trung thực và rất có sức mạnh.
Một nụ cười sẽ luôn khiến khuôn mặt bạn thư giãn và thân thiện hơn. Việc trao đổi sẽ trở nên dễ dàng và dễ chịu hơn rất nhiều khi cả hai có thể chào nhau bằng một nụ cười. Diện mạo an hòa của bạn sẽ khiến người nghe và chính bạn giảm bớt căng thẳng, đặc biệt là trong những môi trường giao tiếp nghiêm túc như một cuộc phỏng vấn, hay một cuộc họp.
Tạo lập thói quen làm một người chân thành trong giao tiếp
Trong một cuộc trò chuyện, hãy cố gắng là chính bạn. Cụ thể hơn, việc hình dung ra một hình mẫu lý tưởng và bắt chước theo sẽ khiến bạn căng thẳng, thiếu tự nhiên và người khác có thể nghĩ rằng bạn thiếu sự chân thật.
Bộc lộ những suy nghĩ của bạn một cách trung thực là điều tốt nhất giúp bạn chiếm thiện cảm của người đối diện. Ai cũng có những quan điểm riêng của mình. Nếu bạn có thể đón nhận ý tưởng của người khác, thì hãy tin tưởng rằng, người khác cũng có thể đón nhận những suy nghĩ của bạn một cách tôn trọng.
Bạn biết rõ, sự khác biệt của mỗi cá nhân sẽ làm nên trí thông minh của tập thể và sự hấp dẫn của một cuộc trò chuyện. Nói chuyện với một người đồng ý hoàn toàn với những gì bạn đưa ra sẽ không thú vị lắm, phải vậy không?
Tạo thói quen nói những từ đơn giản có sức mạnh lớn Cảm ơn – Xin lỗi – Làm ơn
Ba cụm từ này tuy rất đơn giản, nhưng nó sẽ khiến bạn bất ngờ khi sử dụng thường xuyên và đúng mực trong giao tiếp hàng ngày. Đây là phương pháp trực tiếp và hiệu quả nhất để bạn có thể thể hiện sự tôn trọng người khác khi tham gia trò chuyện.
Lúc mới bắt đầu hình thành thói quen, bạn sẽ cảm thấy ngượng ngùng. Những người khác cũng sẽ nhìn bạn với ánh mắt lạ lẫm. Nhưng hãy quan sát kĩ, sau sự lạ lẫm ấy, người nói chuyện với bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn vì họ được tôn trọng.
Tuy nhiên hãy nhớ, khi sử dụng ba từ này, bạn hãy dùng tất cả sự chân thành của mình. Khi nói “cảm ơn”, hãy thực sự nghĩ tới điều người khác vừa làm cho bạn, khi nói “xin lỗi”, hãy chắc chắn rằng bạn thực sự ái ngại khi vô ý làm đau hoặc làm phiền người khác. Còn câu nói “làm ơn” cần mang trong nó thông điệp nhờ cậy với sự tin tưởng. Nếu bạn chỉ nói ba lời nói này một cách máy móc, thì rất có thể sẽ bị người khác đánh giá là quá khách sáo hay tệ hơn là quá lịch sự.
Khi thực hành nói ba điều này trong cuộc sống hàng ngày, bạn cũng sẽ thấy mình học được sự tôn trọng người khác và thái độ khiêm nhường một cách thật tự nhiên.
Nắm vững những đặc trưng căn bản của cách ứng xử với các độ tuổi – giới tính khác nhau
Thông qua đọc sách và trò chuyện nhiều hơn với những người xung quanh, bạn sẽ tập được cho mình một thói quen nhận biết những đối tượng giao tiếp của mình. Khi trò chuyện với một người đàn ông hay một phụ nữ, đặc điểm giới tính của họ cũng chi phối nhiều tới cách thức tiếp nhận và xử lý thông tin hay những sở thích và các chủ đề gây hứng thú.
Bên cạnh đó, việc nắm vững tuổi tác của đối tượng giao tiếp sẽ giúp bạn chọn được cách ứng xử phù hợp. Ví dụ như, khi trò chuyện với trẻ nhỏ, một thái độ chan hòa, thân thiện, những câu hỏi rõ ràng sẽ giúp bạn gần gũi với các em nhanh hơn; khi tiếp chuyện các cụ già, sự lễ phép và lắng nghe của bạn chắc chắn sẽ được đánh giá rất cao.
Tạo ra một môi trường thoải mái cho việc giao tiếp
Tạo lập một môi trường giao tiếp thoải mái không chỉ bao gồm các yếu tố về ngoại cảnh như đến đúng giờ trong những cuộc hẹn (điều này cũng đặc biệt quan trọng trong những cuộc hẹn với những đối tác nước ngoài). Một yếu tố khác có thể giúp bạn tạo ra một môi trường thực sự thoải mái và dễ chịu cho việc đối thoại chính là giữ một thái độ đúng đắn với người đối diện.
Trên thực tế, thái độ đúng muốn chỉ điều gì? Trong các tiếp xúc hàng ngày, chúng ta không tránh khỏi việc mang trong mình rất nhiều những định kiến và đánh giá của bản thân về người khác. Những suy nghĩ ấy có xu hướng bật lên trong đầu bạn một cách tự động, khiến bạn giao tiếp với người khác dựa trên những định kiến này.
Khi chúng ta ngầm đánh giá, phán xét hay giữ thiên kiến với người đối diện, tuy không nói ra, nhưng họ hoàn toàn có thể cảm nhận được thái độ của bạn. Chính vì vậy, rèn luyện thành công khả năng không đánh giá và phán xét người khác trong lúc giao tiếp, bao dung hơn với những sai sót của họ sẽ mang đến cho bạn sự chia sẻ cởi mở của người đối diện.
Lắng nghe, món quà mà ai cũng muốn được nhận
Bạn đã nghe câu này cả ngàn lần và thấy nó mới thật sáo rỗng làm sao? Tuy nhiên điều đó không thể xua đi chân lý, “lắng nghe” là một nửa của kĩ năng giao tiếp mà bạn cần kiên định rèn luyện nếu muốn trở thành một người nói chuyện thu hút.
Nhưng làm thế nào để lắng nghe?
Trong thực tế đối thoại, “lắng nghe” là quá trình bạn thấu hiểu đối phương thông qua sự quan sát và chú ý. Những tư thế, ánh mắt, nét mặt, nhịp thở hay ngữ điệu của người đối thoại chính là kho thông tin khổng lồ để bạn nhận biết được tâm trạng của họ. Khi hiểu được sự vui buồn của họ, bạn sẽ tự khắc biết được những điều nên nói và những điều không nên nói.
Ai cũng có một nhu cầu nào đó trong mỗi cuộc đối thoại, nên việc chú ý tới mong muốn của người đối thoại sẽ giúp bạn “lèo lái” cuộc trò chuyện đi đúng hướng. Nếu không thể trực tiếp nhận ra những nhu cầu này, bạn có thể dùng những câu hỏi nhẹ nhàng và gợi mở để người đối diện có thể nói lên mong muốn của họ, ví dụ như “Bạn có muốn chúng ta nói kĩ hơn về vấn đề này?”, “Bạn có muốn phát triển thêm ý tưởng này của bạn không?”.
Ngoài ra, việc chỉ nói chuyện khi tập trung sẽ khiến bạn lắng nghe hiệu quả hơn. Nếu bạn đang trong một tâm trạng không tốt, ít nhất hãy thông báo cho người khác biết cảm xúc của bạn. Điều này sẽ giúp bạn tránh được nhiều hiểu lầm đáng tiếc và người đối thoại có thể cân nhắc những điều họ muốn chia sẻ.
Công nghệ là kẻ phá bĩnh tồi tệ nhất
Sẽ không có điều gì tồi tệ hơn khi người khác đang trút bầu tâm sự với bạn, cảm xúc của họ đang ở giây phút lắng đọng nhất, thì chuông điện thoại của bạn reo. Vì lịch sự, người đối thoại sẽ chấp nhận việc bạn ngừng cuộc nói chuyện và đi nghe điện thoại. Tuy nhiên, không ai mong muốn cuộc trò chuyện bị gián đoạn như vậy.
Tiếng “ding ding” phát ra từ các thông báo của mạng xã hội, những cái liếc mắt của bạn lên màn hình điện thoại, hoặc tệ hơn là bạn xin năm phút để kiểm tra tin nhắn, nhưng nửa tiếng sau mới quay lại cuộc trò chuyện, những hành động này đã vô tình truyền đi một thông điệp của bạn tới với người đối diện “câu chuyện của bạn không quá quan trọng đối với tôi”.
Một cuộc đối thoại thành công là khi người này dành hết tâm trí cho người kia trong khi nói chuyện. Nếu có thể, hãy tìm đọc thêm những tác phẩm viết về “sự chuyên nhất khi làm việc” của người Nhật, bạn sẽ thấy, sự tập trung quan trọng và có sức mạnh như thế nào.
Trêm đây là 8 gợi ý để bạn suy ngẫm và lên một kế hoạch cụ thể để trau dồi khả năng giao tiếp của mình. Tuy nhiên hãy nhớ rằng, 8 gợi ý trên không phải là 8 câu thần chú, chỉ cần đọc thật to là nó thành sự thật. Chỉ có “thực hành” và “kiên trì luyện tập” mới giúp bạn thấy được những thay đổi kì diệu mà chúng mang lại.
Video xem thêm: Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm