Đại Kỷ Nguyên

8 cách hay dạy con trẻ trở nên ngoan hiền

Trẻ con không tự nhiên biết được tính khí, tính cách như thế nào là đúng, là chuẩn với nhân cách sống của một người đối với gia đình và xã hội.

Là bậc cha mẹ, chúng ta cần răn dạy con sống tốt và có ý nghĩa. Điều cơ bản là trẻ cần được dạy bảo ngay từ tấm bé các cách phản ứng, biểu hiện trên các tình huống phát sinh làm cho chúng vui hoặc không vui. Tốt nhất hãy để chúng nhìn thấy lỗi lầm hay các tâm tính xấu của mình.

Nếu các bậc cha mẹ không để ý đến từng hành vi, cử chỉ của con mình và dạy dỗ chúng đến nơi đến chốn thì khi chúng trưởng thành, chúng dễ trở thành những thành phần không tốt của xã hội.

Vậy trẻ cần học những điều gì?

1. Về cảm xúc

Thời thơ ấu là khoảng thời gian tươi đẹp nhất đối với tất cả chúng ta vì bản chất vốn rất thuần khiết và trong sáng của mình. Tuy nhiên, một khi được sinh ra trên thế giới này, không ai là không phải trải qua các cảm xúc tiêu cực như buồn bã, nóng giận, lo lắng… Với khối óc nhỏ bé kia, làm sao có thể xử lý chúng được tốt?

Người lớn cần dành nhiều thời gian để dạy trẻ nhận biết được những cảm xúc này và các phương pháp giúp trẻ đối mặt và phản ứng với từng loại cảm xúc. Chẳng hạn, chỉ cho trẻ thấy giận dữ là điều không nên khi những đứa trẻ khác mượn hay tranh giành đồ chơi của chúng. Hướng trẻ đến một tâm tính hòa ái và thân thiện hơn, dạy trẻ không ích kỷ cá nhân mà hãy “cùng chia sẻ, cùng vui” cho bạn bè và mọi người xung quanh.

Tất nhiên, không thể một sớm một chiều trẻ có thể nắm bắt hết được những gì đã chỉ bảo, nhưng từng chút một, chúng sẽ tiến bộ một cách đáng kể.

2. Kỹ năng lắng nghe

Trẻ thường hay có những biểu hiện như nũng nịu, khóc lóc, nỉ non khi có chuyện gì đó không vừa ý chúng. Những lúc như vậy, chúng thường không chịu lắng nghe người khác nói.

Kỹ năng lắng nghe là yếu tố cần thiết trong giao tiếp. Cha mẹ cần phân biệt cho trẻ rõ giữa “nghe” và “thật sự lắng nghe”. Hãy tập cho trẻ lưu tâm đến người khác khi đang nói chuyện với chúng, không phải là chờ đến phiên chúng nói mà cần có sự tương tác qua lại giữa người nghe và người nói. Khi chúng lớn lên, chúng sẽ trở thành một đứa trẻ sống biết suy nghĩ và quan tâm đến người khác, vì lắng nghe tạo cho người nói cảm nhận được sự tôn trọng.

3. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Một khi trẻ đã hiểu được các cảm xúc hay lắng nghe người khác nói thì cha mẹ hãy tiếp tục chỉ dẫn cho trẻ cách giải quyết vấn đề mà chúng đang đối mặt.

Có nhiều phương thức khác nhau để giải quyết nhưng tốt nhất là đưa chúng vào vai diễn trong các tình huống giả định, để chúng tự đưa ra quyết định cá nhân. Dù kết quả đưa đến tích cực hoặc tiêu cực thì cha mẹ cần giải thích cho chúng hiểu tại sao nên hoặc không nên đưa ra quyết định như thế. Dần dần trẻ sẽ nhanh chóng xác định được các hành vi, hành động của chúng quan trọng như thế nào đối với từng vai trò một.

Ví dụ: “Giả như bạn trong lớp đánh con, con cư xử thế nào?”. Nếu trẻ trả lời là đánh lại bạn, thì tâm tính của trẻ rõ là “tâm tranh đấu hơn thua”. Cha mẹ hãy chỉ rõ cho con thấy đó là hành vi xấu. “Con nên nhân nhượng và nhắc nhở bạn chứ không nên đánh bạn. Nếu bạn không nghe, tiếp tục có hành vi như thế thì báo với cô giáo để cô có biện pháp xử lý thích hợp hơn”.

4. Kỹ năng điều tiết cơn giận

Mỗi người đều có “tính nóng giận”, đây là cảm xúc được hình thành trong quá trình sống của con người. Tuy nhiên, khi cảm xúc rơi vào cực điểm bị bức bách, bế tắc, một số người không tự thoát khỏi nó mà còn gây ra những điều tệ hại hơn, làm hư hại về vật chất cũng như gây tổn thương đến người khác.

Các bậc cha mẹ cần nhìn nhận vấn đề này để tìm ra giải pháp chỉ dẫn trẻ đối phó với cơn giận. Trẻ giận dữ rất dễ nhận thấy qua giọng điệu, nét mặt, cử chỉ, chẳng hạn hai bàn tay nắm chặt, cơ thể căng thẳng, hét lớn tiếng… Hãy giúp chúng xua tan sự hằn học đang diễn ra trên bề mặt đồng thời bảo ban chúng phải làm gì cho đúng thay vì cáu giận.

Ngoài cơn bực tức nóng giận, cảm xúc khác như sợ hãi, ghen tức, thất vọng, hay cảm giác bị từ chối cũng có thể chi phối đến đời sống tâm lý của trẻ. Cha mẹ hãy dành thêm thời gian để quan sát, tìm hiểu và chia sẻ với chúng để cho chúng thấy tâm tính của mình cần thay đổi như thế nào để trở thành một con người tốt.

5. Thiết lập quy củ

Vì xã hội có nhiều biến đổi, tâm tính con người đang ngày càng trượt dốc. Có những gia đình không đủ thời gian để chăm sóc và dạy bảo con nên con cái trở nên hư hỏng. Nhưng cũng có những gia đình đang làm rất tốt trong việc đặt con vào khuôn phép, lễ nghĩa.

Con cái nên được uốn nắn ngay từ nhỏ thì khi chúng lớn lên, chúng mới nhận biết được điều gì xấu – điều gì tốt và tránh kết giao với những người không tốt trong xã hội.

Tất nhiên mỗi gia đình đều có những quy tắc, có luật lệ riêng, nhưng giải thích vẫn là mấu chốt quan trọng nhất. Trẻ cần phải hiểu tại sao chúng làm như thế là sai, sự lập lờ không hiểu sẽ không để lại cho chúng những nguyên tắc nhất quán để tuân thủ khi chúng trưởng thành.

Các bậc cha mẹ cần lưu ý rằng “Tính cách của trẻ dựa trên nền tảng của gia đình”, vì vậy hãy tạo cho trẻ một môi trường học tập tốt để sau này chúng trở thành một công dân tốt với cả gia đình và xã hội.

6. Lập thời gian biểu

Ngoài giờ học, ngủ nghỉ, ăn uống, trẻ cũng cần khoảng thời gian vui chơi, nâng cao trí lực qua nhiều hình thức khác nhau (hoạt động ngoài trời, ghép chữ, xếp mô hình, v.v…). Tuy vậy, cha mẹ nên đề ra thời gian biểu cho trẻ để tạo thói quen cũng như giúp trẻ không thể đòi hỏi thứ này hay thứ kia theo ý muốn của chúng. Khi thời gian hoạch định cụ thể, chúng sẽ làm theo, vả lại những suy nghĩ đúng đắn sẽ không bị chệch trong tâm trí của chúng.

7. Kìm hãm sự ham thích

Thế giới ngày nay có muôn vàn các thứ lôi cuốn, hấp dẫn con người. Chỉ cần cái nhấp chuột thì dịch vụ nào cũng có. Trên thực tế, cuộc sống nên cần có những luật định cho bản thân để không sa ngã vào những thói hư tật xấu của xã hội.

Do đó, đối với con trẻ, cha mẹ cần nói rõ cho chúng biết không phải tất cả mọi thứ đều “theo yêu cầu”, muốn gì được đó. Phim hoạt hình yêu thích cũng phải có thời gian biểu hẳn hoi. Qua thời gian khi chúng có nhận thức nhất định, chúng sẽ nhận ra mức độ hạn định của thứ mình yêu thích. Chân lý sống không phải chỉ dừng ở sự “yêu” cái này, “thích” cái kia, mà làm sao có thể tạo nên một cuộc sống đích thực, đầy ý nghĩa.

8. Tấm gương cho con

Trẻ em chưa thực sự ý thức được tất cả mọi chuyện, cũng không thể tự phân tích rõ ràng sự đúng sai của một vấn đề. Vì thế trẻ con thường làm theo gương của cha mẹ.

Nếu tình cờ trẻ bắt gặp được hành vi không chín chắn của cha mẹ như nói lời thô tục, la hét hoặc đánh mắng người khác thì như một lập trình sẵn trong trí não của trẻ, trẻ lập tức học cách cư xử này của người lớn.

Chính vì thế, các bậc cha mẹ nên nhớ rằng, sự phát triển của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào cách cha mẹ dạy dỗ chúng. Cha mẹ như thế nào chúng sẽ như thế ấy, cho nên cần phải “làm gương” cho con cái noi theo.

Người xưa có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, ý nghĩa của câu rất sâu sắc, muốn làm việc gì cũng cần phải học. Các bậc cha mẹ có thể lấy bài học quý báu của cha ông để lại cho chúng ta – những điều hay lẽ phải để giáo dục con cái. Tất cả đều bắt nguồn từ cơ sở rèn luyện và tu dưỡng bản thân thì khi con cái trưởng thành, chúng sẽ luôn là con ngoan của gia đình và là người con mẫu mực của xã hội.

Hahna Nguyễn

Tham khảo Lifehack.org

Video xem thêm: Cha mẹ tức giận ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con trẻ

Exit mobile version