Đại Kỷ Nguyên

8 kỹ năng sống sót khi bị lạc trong rừng sâu

Trang bị những kỹ năng sinh tồn khi đi lạc trong rừng giúp bạn sẵn sàng đối mặt với những rủi ro đáng tiếc, tự cứu lấy mình, khi không liên lạc được với ai.

Mang theo những vật dụng cần thiết khi đi phượt

Tham gia hành trình du lịch phượt, bạn cần trang bị những vật dụng bạn cần thiết như: lều trại, quần áo, áo mưa, áo khoác, đề phòng khi thời tiết mưa bão, lạnh giá. Đặc biệt, bạn cần mang đủ nước uống cho cuộc hành trình.

Về đồ ăn: Cơm nắm, muối vừng, ruốc, lương khô, mì gói… Nếu bạn muốn mang theo đồ ăn nóng thì chuẩn bị sẵn: bật lửa, bếp cồn, xoong nồi, đồ ăn nhanh.

Ngoài ra, chúng ta cần mang theo sạc dự phòng và chọn loại đèn sử dụng pin hoặc loại đèn cắm được với sạc dự phòng.

Thông báo cho đoàn biết bạn muốn rời đi

Đi phượt theo nhóm, mỗi thành viên ngoài việc trang bị cho các kỹ năng cơ bản khi đi du lịch cũng cần tuân thủ sự hướng dẫn của trưởng nhóm. Nếu bạn muốn tách nhóm để chụp ảnh hay thăm thú cảnh vật xung quanh, bạn nên thông báo cho các thành viên trong đoàn để mọi người biết lịch trình cụ thể.

Bám sát nhau khi đi du lịch nhóm trong rừng là cách để không bị lạc và an toàn nhất. Các thành viên trong đoàn thi thoảng nên kiểm tra và gọi nhau. Tốt nhất trang bị sẵn cho mình một cái còi để thổi phòng khi bị lạc.

Giữ bình tĩnh khi bị lạc

Trong trường hợp bị lạc, nếu bạn chưa có kinh nghiệm đi rừng thì đứng lại ngay tại chỗ đó để người trong đoàn tìm thấy bạn nhanh hơn. Bên cạnh đó, việc ngồi nghỉ không chỉ lấy lại năng lượng mà còn giúp bạn bình tĩnh hơn, tránh hoảng loạn để tính toán các bước tiếp theo.

Xác định vị trí của mình

(Ảnh: momgoescamping.com)

Nếu chỗ lạc có có sông, suối, thì trấn an tinh thần và nghĩ lại mình đi vào rừng từ hướng hạ lưu hay thượng lưu. Sau đó, đi men theo sông suối để ra rừng, dọc theo sông suối sẽ đổ về đồng bằng hoặc có người ở, khả năng thoát hiểm của người bị lạc sẽ cao hơn đi các hướng khác.

Trèo lên cây hoặc điểm cao, bạn cố gắng quan sát xung quanh xem có khói hay nóc nhà dân không rồi đi theo hướng đó. Ban đêm cũng có thể treo lên cây hoặc điểm cao để quan sát ánh đèn đốm lửa. Nếu khoảng cách gần thì di chuyển ngay, nhưng nếu xa cần phải nghỉ lại qua đêm xác định phương hướng để ngày hôm sau di chuyển.

Lập kế hoạch

Xác định xem bạn có thể ra khỏi rừng trước khi mặt trời lặn hay phải ở lại cho đến sáng. Nếu có thể ra được rừng khi trời còn sáng, cố gắng đi về hướng Đông, hướng mặt trời mọc. Nếu trời đã nhá nhem tối thì lánh tạm vào chỗ nào đó đợi trời sáng rồi tìm đường ra ngoài.

Tìm nguồn nước sạch, thực phẩm

Nếu không có nước và thực phẩm mang theo, bạn phải tìm nước suối, hứng sương trên lá cây. Con người không thể tỉnh táo nếu thiếu nước tới ngày thứ hai. Bởi vậy, khi bị lạc, chúng ta cần chủ động tìm kiếm nguồn nước để cầm cự thêm nhiều ngày. Sau đó, đi dọc về hướng nước sông suối chảy, khả năng sống sót sẽ cao hơn.

Tìm chỗ trú ngụ

Người bị lạc cần tìm địa điểm thích hợp để nghỉ ngơi giữ năng lượng, không nên chạy ngược chạy xuôi tìm đường ra sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi và càng mất bình tĩnh hơn.

Qua đêm trong rừng, một trong những rủi ro mà bạn phải đối mặt là tình trạng hạ thân nhiệt. Cách tốt nhất là tìm nơi trú ẩn để có thể giữ khô và ấm cơ thể như hang động. Ngoài ra, những chỗ cạnh tảng đá lớn, một cái cây chết hoặc cây lớn cũng khá lý tưởng. Nếu tìm ra vị trí thích hợp, cố gắng ở yên đó. Người khác sẽ dễ tìm thấy bạn khi bạn ngồi yên một chỗ hơn là di chuyển.

Tìm mọi cách phát tín hiệu cầu cứu

(Ảnh: vobmapping.vn)

Bạn nên tạo ra tín hiệu cầu cứu bằng cách như đốt lửa, huýt sáo, gọi to, đập những hòn đá vào nhau…

Việc đánh dấu vị trí của bạn cũng giúp mọi người có thể quan sát được từ trên không. Hãy vẽ một hình tam giác lớn bằng cát hoặc xếp những chiếc lá, cành cây lại với nhau, tùy thuộc vào địa hình nơi bạn đi lạc. Chúng là những dấu hiệu cầu cứu tiêu chuẩn, giúp chúng ta tăng khả năng được cứu thoát.

Hoài Phương

Exit mobile version