Đại Kỷ Nguyên

8 năm đầu đời – thời kỳ vàng kim trong quá trình phát triển của trẻ

Khoa nghiên cứu nhi đồng Gosol của đại học Jale đã tiến hành nghiên cứu về đề tài này suốt hơn 40 năm qua, họ đã quan sát quá trình trưởng thành của hàng nghìn đứa trẻ và phát hiện ra rằng quá trình hình thành và phát triển hành vi và tư duy của con người là hoàn toàn có quy luật.

Dựa vào đó chúng ta có thể dự đoán được một cách chuẩn xác các đặc điểm và biểu hiện trên mọi phương diện ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi xã hội hay tình cảm của mỗi đứa trẻ trong quá trình trưởng thành của chúng.

(Ảnh: Happy Kid)

Sự trưởng thành của đứa trẻ qua mỗi năm đều là độc nhất vô nhị, qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã đúc kết ra những đặc điểm tính cách không thể bỏ qua trong quá trình phát triển của trẻ em giai đoạn 1-8 tuổi, nhằm giúp các bậc cha mẹ hiểu thêm về các quy luật trưởng thành của trẻ, từ đó đưa ra dự báo và kịp thời định hướng cho trẻ, đặc biệt là khi trẻ đối mặt với những khó khăn hoặc phiền toái trong cuộc sống.

Hiểu được những quy luật này, bậc cha mẹ cũng sẽ yên tâm hơn rất nhiều trong quá trình nuôi dạy trẻ.

1 tuổi: Giai đoạn không thể bỏ qua để bồi dưỡng cảm giác an toàn

(Ảnh: Happy Kid)

Nhiều bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào đứa trẻ ở giai đoạn 1 tuổi, thậm chí họ còn bắt đầu thực hiện các phương pháp giáo dục trẻ từ sớm, kỳ thực, khoa học thực nghiệm chứng minh rằng, hành vi và trí tuệ của đứa trẻ trước 1 tuổi rưỡi còn khá đơn giản, giáo dục quá sớm cũng không có hiệu quả mấy.

Thực ra, điều tốt nhất mà bậc cha mẹ nên làm lúc này là chơi với trẻ nhiều hơn, điều này còn tốt hơn là giáo dục bất cứ tri thức nào cho trẻ, bởi vì thông qua các trò chơi, trẻ sẽ tự học được nhiều điều quý giá, bé biết rằng mình được mọi người yêu thương, mình là bảo bối của cha mẹ, biết rằng sẽ luôn có người giúp đỡ mình, và biết rằng thế giới này có rất nhiều điều tốt đẹp.

Đối với những cô cậu bé nhỏ tuổi này, mỗi ngày trôi qua bé đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trở ngại, bé phải nghĩ “trăm phương ngàn kế” để làm những việc mà bé chưa có đủ khả năng làm. Vậy nên bé rất thích có người ở bên cạnh chú ý từng cử động của bé, pha trò làm bé vui, trò chuyện với bé, chơi đùa với bé những trò chơi đơn giản, tự nhiên nhất, có như vậy bé mới có cảm giác an toàn và thân thuộc, bé sẽ phát triển thuận lợi hơn. Điều mà chúng ta nên làm nhất là nhẫn nại và bao dung đối với bé, bồi dưỡng cho bé cảm giác tin cậy và hạnh phúc trong cuộc đời.

2 tuổi: Giai đoạn không thể bỏ qua để phát triển tính hài hước

(Ảnh: Internet)

Tính hài hước là một phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của một người. Do đó tính hài hước của con người phát triển khá chậm. Đến năm 2 tuổi, khả năng hài hước của đứa trẻ mới bắt đầu biểu hiện ra, nhưng vẫn còn rất đơn giản, non nớt. Ví dụ bé sẽ cảm thấy buồn cười khi nhìn thấy những sự vật không có tính logic, bé còn cố ý mặc ngược cái áo khoác lại và cảm thấy rất vui thích vì điều đó.

Hai tuổi rưỡi lại là thời kỳ tính hài hước của bé phát triển nhất. Bé đã rời khỏi “khu vườn cô độc” của mình để hoàn nhập vào với cộng đồng, khi thấy người khác cười bé cũng sẽ cười theo. Khi bé chơi cùng với người lớn và các bạn nhỏ, bé cũng sẽ mỉm cười với người lớn để tỏ thái độ muốn giao tiếp với họ, còn với các bạn nhỏ khác thì phương thức giao tiếp chủ yếu vẫn là ngôn ngữ cơ thể, rất ít dùng lời nói. Khi đứa trẻ chủ động nói chuyện với người lớn, đa phần là muốn gây sự chú ý của người khác tới hành động, cử chỉ, việc thú vị nào mà bé làm hoặc một tác phẩm nào do bé hoàn thành.

Cha mẹ nên chú ý khơi gợi sự hứng thú của bé, tạo nên những tình huống hài hước để phát triển tính hài hước của bé, điều này sẽ giúp xua tan rất nhiều sự căng thẳng và phiền toái trong cuộc sống của bé cả về sau này.

3 tuổi: Giai đoạn không thể bỏ qua để phát triển tính sáng tạo

(Ảnh: Internet)

Tính sáng tạo của đứa trẻ nảy sinh khi bé được 3 tuổi, tính sáng tạo bắt nguồn từ bản tính hiếu kỳ, hoạt bát và hiếu động của bé, chỉ cần có hoàn cảnh và cơ hội thích hợp thì tiềm năng tự nhiên này sẽ được phát huy triệt để.

Khuyến khích bé kể chuyện, vẽ tranh, hay chơi đất nặn, đồng thời cổ vũ bé, chính là biện pháp rất tốt để bồi dưỡng tính sáng tạo cho bé. Khi kể chuyện, cha mẹ có thể cố ý không kể hết mà để lại phần kết cho bé tự kể nốt; có thể cắt những hình ảnh đẹp trên tạp chí để bé dựa vào đó tự kể chuyện. Những cách làm này đều có thể giúp bé tích cực tư duy hơn, đồng thời phát huy trí tưởng tượng của bé, nhất là giúp bé có khái niệm rõ ràng về tính logic.

Có thể đưa ra một số tình huống giả định để bé tự mình tưởng tượng, ví dụ như nếu con có nhiều hơn hai cánh tay thì sẽ như thế nào. Đặt một số đồ vật trước mặt bé cho bé xem một lúc, sau đó bịt mắt bé lại và đố bé có những đồ vật nào bé vừa trông thấy. Những trò chơi như đạp xe đạp, nặn bánh bao v.v.. cũng là cách rất hay để khuyến khích bé vận động tay chân.

Ngoài việc cho bé quan sát thế giới thông qua đôi mắt, cha mẹ cũng có thể giúp bé cảm nhận về thế giới thông qua khứu giác, vị giác hoặc xúc giác. Bạn có thể làm một chiếc “túi xúc giác” (túi không trong suốt) bỏ một số đồ vật vào và bảo bé thò tay vào trong mò tìm các đồ vật trong đó, rồi đoán xem bé sờ được những thứ gì. Trồng cây, nuôi con vật nhỏ, thường xuyên đưa bé đi du ngoạn đều là những hoạt động giúp phát huy tính sáng tạo của bé.

4 tuổi: Giai đoạn phát triển khả năng biểu đạt ngôn ngữ nhanh nhất

(Ảnh: Internet)

Ngôn ngữ là một trong những niềm yêu thích của đứa trẻ 4 tuổi. Bé thích nói chuyện, làm thơ, nói thầm, ca hát, thậm chí thích gào thét. Bé thích đổi cách sắp xếp trong câu, thậm chí còn thích nói chuyện với đồ chơi của mình nữa. Khi nói chuyện, các bé thường thích thổi phồng câu chuyện lên, rất nhiều lúc bị bố mẹ khiển trách là “nói dối”, kỳ thực chỉ là vì bé thích “thêm mắm thêm muối” một chút mà thôi.

Tất nhiên có một số đứa trẻ, nhất là bé trai, có tốc độ phát triển chậm hơn một chút. Tuy nhiên quá trình từ vụng về đến thành thạo là một bước không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của trẻ, vậy nên chúng ta hãy trân quý giai đoạn này và không nên quá lo lắng cho bé. Trước 3 tuổi, bạn không cần phải sửa những lỗi sai trong cách sử dụng ngôn ngữ của bé, điều đó sẽ khiến bé trở nên lo lắng vì sợ nói sai, thậm chí xuất hiện hiện tượng bé nói lắp hoặc dứt khoát không chịu nói. Bạn có thể nhắc lại lời bé nói bằng cách diễn đạt chính xác, nhưng bạn cũng không nên quá chăm chú vào lỗi sai của bé.

4 tuổi cũng là tuổi hay hỏi của bé. Bé có vô vàn câu hỏi “tại sao”, một phần bởi bé rất muốn tìm hiểu những thứ mới lạ, phần là để vui đùa, trò chuyện, một phần nữa là bé muốn biểu đạt sự kháng cự. Tất nhiên chủ yếu nhất vẫn là để tìm hiểu, vậy nên bạn hãy cố gắng hết sức để trả lời những câu hỏi của bé nhé.

Bé không chỉ thích hỏi mà cũng rất thích kể cho bạn nghe những tin tức mà bé biết. Ngôn ngữ của bé đã trở nên phong phú, việc đối đáp với người khác không chỉ thực sự làm phong phú cuộc sống của bé mà còn gắn kết sợi dây tình cảm giữa bé và mọi người.

5 tuổi: Giai đoạn phát triển các mối quan hệ thân thiết, hòa hợp

(Ảnh: Internet)

Đứa trẻ 5 tuổi có thể khống chế hành vi của bản thân, bé cũng biết lượng sức mình, đồng thời biết tạo mối quan hệ thân mật, hòa hợp với mọi người. Giai đoạn này bé đặc biệt yêu mẹ, điều bé thích nhất là khiến mẹ vui, lời nói của mẹ đối với bé là khuôn vàng thước ngọc, sự khen ngợi và tán dương của mẹ cũng rất quan trọng đối với bé.

Dù bé thường thể hiện sự tự tin trước mẹ nhưng bé vẫn rất cần sự công nhận của mẹ, bé rất muốn được nghe mẹ nói rằng mẹ rất yêu bé. Trong tâm bé tin tưởng rằng: “Con yêu mẹ và mẹ cũng yêu con”, mặt khác bé lại thường xuyên hỏi mẹ: “Mẹ có yêu con không?”

Chính vì đứa trẻ 5 tuổi cho rằng mẹ có mối liên hệ sâu sắc với mình, cho nên có lúc bé nghĩ rằng mẹ nên biết mọi điều bé suy nghĩ trong đầu. Khi nói chuyện với mẹ, bé thường không đủ kiên nhẫn để nói hết ý của mình, sau đó lại quay ra bực tức với mẹ, vì mẹ không thể ngay lập tức hiểu hết những điều bé nói. Người mẹ nên suy nghĩ và phản ứng nhanh để bắt kịp bé.

Mặc dù rất yêu mẹ nhưng không có nghĩa là bé lạnh nhạt với bố. Bé thường rất thích bố, tự hào về bố, thích bố ở bên cạnh mình.

6 tuổi: Giai đoạn xuất hiện nhiều mâu thuẫn nội tâm nhất

(Ảnh: Internet)

Đây có lẽ là giai đoạn mà mối quan hệ giữa mẹ và bé nảy sinh nhiều mâu thuẫn nhất, khi bé 5 tuổi, mẹ là trung tâm thế giới của bé, đến 6 tuổi, trung tâm thế giới của bé trở thành bản thân bé. Đứa trẻ muốn mình trở thành trung tâm, càng trưởng thành và độc lập hơn, bé càng muốn phá vỡ các mối cân bằng cũ, xây dựng một vương quốc độc lập của riêng mình.

Một mặt bé thích mẹ, cần mẹ, không thể xa rời được tình cảm của mẹ, mặt khác bé cũng mong muốn được tự lập, cho nên bé thường xuyên đẩy mẹ ra, khiến cả mẹ và con đều phải vật lộn với nhau.

Bé cũng rất thích bố, khi có bố ở bên cạnh cùng chơi và quan tâm đến bé, bé sẽ mừng vui khôn xiết. Rất nhiều đứa trẻ sợ sự quở trách của bố hơn là của mẹ. Bố là người bé luôn kính phục, bé còn tin rằng điều gì bố cũng biết.

Bố cần kiên nhẫn hơn khi tiếp xúc với trẻ 6 tuổi, ví dụ khi chúng mãi vẫn không thắng nổi một trận bóng hoặc một ván cờ, bé thường lén lút “chơi ăn gian”. Bởi những mâu thuẫn của bé với bố thường không lớn như với mẹ, nên bé có phần nể sợ bố hơn, do vậy khi đứa trẻ rất tức giận hoặc khi có mâu thuẫn lớn với mẹ, bố thường là người đứng ra giảng hòa.

7 tuổi: Giai đoạn phát triển tư duy trừu tượng

(Ảnh: Internet)

Tư duy trừu tượng là đặc trưng của trẻ em ở độ tuổi này, sự thay đổi trong tâm trí đứa trẻ vào giai đoạn này có lẽ diễn ra nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong cuộc đời.

Khi xuất hiện dấu hiệu của tư duy trừu tượng, một em học sinh tiểu học sẽ bắt đầu trở nên hứng thú với cách viết và ý nghĩa của từ ngữ, bé cũng thích những quyển từ điển có hình ảnh, bé có thể chỉ ra hai vật thể khác nhau có những điểm tương đồng nào. Bé bắt đầu biết liên hệ tư tưởng với đầu não của mình: “Con phải suy nghĩ kỹ bằng đầu não của mình chứ”, “Một ý tưởng xuất hiện từ trong đầu tôi”.

Tư duy của nhiều trẻ đang ở khâu cuối cùng của giai đoạn “vận hành thử”. Trong giai đoạn “vận hành thử”, đứa trẻ cho rằng mình là trung tâm của thế giới, bé còn cho rằng mọi thứ chuyển động được đều có sinh mệnh. Bé cũng lý giải rằng một số hiện tượng xảy ra có liên quan đến ý nguyện của mình: “Con nghĩ rằng trời sắp mưa, thế là trời mưa luôn”. Bé thậm chí còn tin rằng sự vật và hiện tượng tự nhiên đều có tình cảm, tư duy như con người; bé cũng rất tin vào những sức mạnh thần bí.

Khi đã bước vào giai đoạn “vận hành ổn định”, cũng là khi bé bước sang 7 tuổi, bé có thể nhận ra những điểm tương đồng cũng như điểm khác biệt của các sự vật. Bé có thể hiểu được sự biến đổi về hình dạng sẽ không tạo nên sự biến đổi về lượng, bé cũng bắt đầu hiểu được ý nghĩa của số lượng. Nếu bạn bày 10 viên sỏi thành một hàng trước mặt bé, rồi lại đặt 8 viên sỏi khoảng cách rộng hơn thành một hàng có độ dài tương tự, bé cũng có thể dễ dàng phân biệt được hàng nào có số lượng sỏi nhiều hơn.

8 tuổi: giai đoạn phát triển tâm mưu cầu danh lợi

(Ảnh: Internet)

Mặc dù chúng ta không thể yêu cầu đứa trẻ 8 tuổi làm mọi việc đều hoàn mỹ, nhưng ở độ tuổi này bé biểu hiện ra rất tuyệt vời. Về trí lực, thể lực và tính cách, bé đều có rất nhiều chuyển biến tích cực, đứa trẻ 8 tuổi đã hình thành phong cách của mình.

Bé bắt đầu có nhận thức về thời gian, biết tuân thủ thời gian, biết quan tâm đến những sự kiện liên quan đến thời gian; bé cũng rất hứng thú với vị trí không gian, trở nên quan tâm đến địa lý, thích đọc những thứ nhằm xác minh những điều bé đã biết; tuy nhiên khả năng tính toán vẫn chưa ổn định.

Đây là giai đoạn bé phát triển toàn diện về tư duy, ngôn ngữ, khả năng phán đoán, có thể dùng những lô gic đơn giản để đưa ra một kết luận hoặc cách diễn dịch đơn giản nào đó. Sự cải biến quan trọng trong tư duy của bé là đứa trẻ 8 tuổi không còn tin rằng vạn sự đều có linh như trước nữa, giờ đây bé ngày càng nhận thức được các quy luật tự nhiên khách quan; điển hình về mặt ngôn ngữ là đứa trẻ 8 tuổi rất hay nói chuyện, tất nhiên bé vẫn chưa thể hoàn toàn thành thật, nhưng bé đã có thể phân biệt giữa tưởng tượng và hiện thực.

Theo Secretchina

Ánh Sao  biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version