Đau đớn, nặng nề, mất hy vọng là những gì mà một người sẽ trải qua khi người thân qua đời. Và trong các tang lễ, giây phút tiễn biệt người thân luôn là thời khắc đặc biệt đau khổ và nhạy cảm. Chính vì vậy, khi tới dự một đám tang, bạn hãy chắc chắn rằng mình ý thức được mỗi lời ăn tiếng nói để không vô tình gây thêm tổn thương cho thân nhân người quá cố.
Dưới đây là 9 điều nhất định nên tránh đề cập khi tham dự một lễ tang và khi gặp gỡ người nhà của những người đã khuất.
1. “Trong cái rủi còn có cái may”
Đừng dại dột đề cập với người ở lại những gì mà họ còn có trong thế giới này, ví dụ như con cháu, để xoa dịu nỗi đau. Thực sự nó không phải là những thứ họ muốn nghe vào thời điểm ấy.
Thay vào đó, hãy truyền sức mạnh cho họ bằng cách khơi gợi lại những kỷ niệm tuyệt vời giữa họ và người đã khuất. Kí ức đẹp đẽ luôn có tác dụng an ủi rất lớn. Tuy nhiên, hãy chấp nhận sự thật rằng họ không thể vui vẻ ngay lập tức sau mất mát, nhưng cách làm này chắc chắn khiến tâm trạng của họ tốt hơn.
2. “Người đã mất không còn phải chịu đau đớn nữa”
Nếu người đã khuất ra đi trong đau đớn, thì người ở lại – đối tượng an ủi của bạn – vẫn phải chịu nguyên nỗi đau ấy. Đừng có nhắc họ về những mất mát, thay vào đó hãy trao tặng họ một bờ vai để tựa, hay một cái ôm ấm áp.
3. “Tôi có thể giúp gì?”
Câu này thoạt nghe có vẻ rất có ích, nhưng thực tế nó làm tăng thêm áp lực cho người đang chịu mất mát, vì lúc này, họ không còn đủ tỉnh táo để nghĩ xem bạn có thể làm gì để giúp họ.
Thay vào đó, hãy đưa ra hành động cụ thể và thiết thực hơn. Bạn có thể đề nghị đến giúp làm bữa tối, dọn dẹp, hay giặt giũ trong tuần, hoặc có thể cùng họ đi chợ.
4. “Tôi biết rõ anh/chị đang cảm thấy thế nào”
Những lời an ủi có thể khiến người đang chịu đau khổ vì mất đi người thân cảm thấy sự ấm áp, thân tình, nhưng nếu không đúng cách, lời nói của bạn dễ mang vẻ kể cả, bề trên. Mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau về cái chết và sự đau khổ nó mang lại, bởi vì không có mối quan hệ nào giống hệt nhau. Vậy nên, thay vì khẳng định bạn hiểu họ, hãy chân thành nói cho họ biết bạn luôn ở bên họ và sẵn sàng lắng nghe họ chia sẻ những cảm xúc nặng nề đang đè nặng lên vai.
5. “Mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó”
Có thể điều bạn nói có lý, nhưng nó không giúp xoa dịu đi nỗi đau của người vừa mất đi người thân. Với họ lúc này, cảm xúc mất mát vẫn đang ngự trị, và họ sẽ không thể chấp nhận được có một lý do nào đó đằng sau sự ra đi của người mà họ yêu thương. Thay vì nói câu nói mang đầy tính triết học và có vẻ dạy đời này, hãy cho người bạn muốn an ủi biết rằng bạn hiểu họ cần thời gian để chấp nhận sự thật và thấu hiểu mọi chuyện.
6. “Anh ấy/ chị ấy không muốn trông thấy bạn đau buồn thế này đâu”
Bạn có thể nghĩ câu nói này sẽ có tác dụng an ủi rất lớn. Nhưng trên thực tế, nó sẽ không có ích như bạn vẫn tưởng. Việc nhắc tới sự quan tâm mà người đã khuất dành cho người thân của họ vào lúc mất mát vừa xảy ra sẽ càng khiến họ đau lòng hơn. Bởi điều này giống như bạn đang nhắc nhở người ở lại rằng từ nay cuộc sống của họ sẽ mất đi một người quan tâm và yêu thương họ.
Vậy bạn có thể làm gì? Hãy đề nghị những người đang đau khổ cùng các các thành viên trong gia đình tham gia vào hoạt động yêu thích của người thân của họ. Sự thân thuộc sẽ làm phai nhạt dần nỗi mất mát.
7. “Bạn đang làm được tốt hơn tôi nghĩ”
Có người chọn cách che giấu nỗi đau để đối diện với mất mát, nhưng thực ra đó là một sự nén chịu. Khi con người càng cố gắng kiềm chế những cảm xúc, nỗi đau của họ sẽ càng âm ỉ kéo dài. Vì vậy hãy giúp người bạn muốn an ủi hiểu rằng không có gì đáng xấu hổ khi bật khóc thậm chí là nức nở trong những tình huống đau buồn như vậy. Sự động viên kiên nhẫn và chân thành của bạn sẽ khiến họ tin tưởng và bắt đầu bộc lộ cảm xúc của mình. Đây chính xác là điều sẽ làm họ dễ chịu nhất trong thời điểm này.
8. “Bạn phải mạnh mẽ vì gia đình”
Gợi nhắc một người đang chìm trong buồn phiền về trách nhiệm trong tương lai thực sự không giúp họ cảm thấy tốt hơn, thậm chí sẽ khiến họ nặng nề thêm. Cùng với thời gian và sự trợ giúp của mọi người, họ sẽ lấy lại được sức mạnh. Nhưng đó là chuyện sau này khi họ đã thực sự bình tĩnh lại. Còn hiện tại trong đám tang, hãy nói với họ rằng cảm thấy đau buồn là lẽ tự nhiên.
9. “Ông/bà ấy đã qua đời như thế nào”?
Nếu bạn không biết lý do gây ra cái chết của người quá cố, thì đừng vội hỏi người thân của họ ngay trong đám tang. Hành động này giống như bạn không quan tâm tới gia đình họ mà miễn cưỡng tới chia buồn. Và nếu thực sự lý do cái chết thật tế nhị mà bạn chưa thể biết, hãy đợi họ chia sẻ khi họ cảm thấy sẵn sàng và dễ chịu.
Khi một người đang trải qua nỗi đau mất người thân là thời điểm họ trở nên yếu đuối và nhạy cảm nhất. Vào lúc này, hãy nhớ cẩn trọng trong lời nói để tránh khiến họ cảm thấy mệt mỏi hơn. Thay vào đó, một chỗ dựa tinh thần, một sự an ủi và sẻ chia tế nhị sẽ là món quà tuyệt vời mà bạn có thể dành tặng cho họ, giúp trái tim nặng trĩu của họ nhẹ nhõm đi rất nhiều.
Theo Litlle things
Lê Anh biên dịch
Xem thêm:
- 9 điều quý giá cha mẹ nhất định phải truyền cho con, còn hơn để lại cả núi tiền bạc
- Những cuộc bức hại đức tin tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại
- Cõng mẹ già lên núi rồi bỏ lại chốn rừng sâu, con trai bật khóc khi nghe câu nói cuối cùng của bà