Gửi hồ sơ xin việc cho một công việc mơ ước là cả một nghệ thuật mà ở đó đòi hỏi sự can đảm lẫn tính tỉ mỉ. Tuy nhiên, vài người vì quá hăm hở thể hiện những năng lực tốt nhất của mình đã dập tắt cơ hội nhận được lời mời phỏng vấn từ nhà tuyển dụng.
Bạn thường viết đơn xin việc của mình theo cách nào, search trên mạng một vài mẫu đơn hay và tập viết theo hay bạn tự tay viết một lá thư giới thiệu về mình? Dù bằng cách nào thì hầu như tất cả chúng ta đều không nhận ra một vài lỗi cơ bản trong cách dùng từ có thể gây sự phản cảm với nhà tuyển dụng ngay những giây phút đầu tiên khi mà bạn còn chưa có cơ hội được gặp mặt. Dưới đây là danh sách 9 từ ngữ thường gặp nhất.
Hòa đồng
Lý do:
Từ này nghĩa quá rộng khi dùng để mô tả những phẩm chất cá nhân của ứng viên đến mức nó trở thành một từ rỗng tuếch đối với nhà tuyển dụng.
Thay thế hợp lý:
“Tôi không gặp khó khăn trong giao tiếp với mọi người ở mọi tầng lớp”.
“Trong vòng một năm, tôi đã phát triển quan hệ hợp tác với nhiều giám đốc của 15 dự án lớn”.
Năng động
Lý do:
Từ này không mang tính cung cấp thông tin và hoàn toàn vô ích với nhà tuyển dụng.
Thay thế hợp lý:
“100% hoàn thành kế hoạch trong suốt quá trình làm việc”.
“Lập kế hoạch quản lý công việc hiệu quả nhất”.
Chịu được áp lực
Lý do:
Nhà tuyển dụng không biết bạn muốn ám chỉ loại áp lực nào.
Thay thế hợp lý:
“Có kinh nghiệm làm công việc có lịch trình thay đổi”.
“Có kinh nghiệm làm việc trong môi trường thường xuyên cải tổ nhóm cộng tác mà vẫn đảm bảo được hiệu quả công việc”.
Có tinh thần học hỏi
Lý do:
Giá trị những kinh nghiệm trước đó của bạn ngay lập tức bị hạ thấp trong mắt nhà tuyển dụng.
Thay thế hợp lý:
“Dễ dàng thích ứng với những điều kiện làm việc mới”.
“Tôi đã hoàn toàn tiếp cận quy trình làm việc ngay lập tức và đã bắt đầu làm việc cho dự án ‘Ngôi nhà mơ ước’”.
Sáng tạo
Lý do:
Từ ngữ sáo rỗng và thiếu thông tin về cách thức mà bạn sáng tạo.
Thay thế hợp lý:
“Tôi giải quyết vấn đề mệt mỏi của học sinh bằng cách bắt đầu tổ chức các buổi học ngoài trời”.
“Tôi giải quyết vấn đề vắng người trong các buổi hòa nhạc bằng cách thêm kèm các chủ đề âm nhạc từ những bộ phim nổi tiếng trong danh mục và đề tên bộ phim trên các áp phích quảng cáo”.
Có kỹ năng vi tính
Lý do:
Cách diễn đạt này quá chung chung.
Thay thế hợp lý:
“Tôi có thể làm việc trên phần mềm Windows 7,8 và 10 ở cấp độ người sử dụng”.
“Tôi có kinh nghiệm làm việc với phần mềm R-Keeper 7”.
Hoài bão
Lý do:
Đây chỉ là một từ vô nghĩa mang đến nhận xét tiêu cực.
Thay thế hợp lý:
“Nếu tất cả các dự án được hoàn thành xuất sắc, tôi hy vọng sẽ được thăng chức trưởng nhóm trong vòng 1 năm”.
“Tôi đang lên kế hoạch nâng cao những kỹ năng của mình lên một cấp độ nữa trong vòng 6 tháng”.
Khả năng làm việc theo nhóm
Lý do:
Đây là một cách nói rập khuôn sáo rỗng.
Thay thế hợp lý:
“Tôi từng là trưởng nhóm của đội 8 người, phụ trách việc phát hành cuốn lịch niên giám về lịch sử của thành phố Hà Nội”.
“Tôi từng là một trong 20 chuyên gia phụ trách việc thiết kế của buổi biểu diễn ‘Việt Nam Idol’.”
Cuốn hút
Lý do:
Điều này không quan trọng cho hầu hết các vị trí cần tuyển dụng, nếu nhà tuyển dụng thấy điều kiện này cần thiết, họ sẽ yêu cầu nó.
Thay thế hợp lý: Một bức ảnh cá nhân thể hiện được nét tươi trẻ và hài hòa của bạn, kiểu như bức hình dưới đây chẳng hạn
Những sai lầm khiến nhà tuyển dụng không muốn đọc hết hồ sơ xin việc của bạn.
Điều quan trọng không chỉ là quan tâm đến những gì bạn viết trong hồ sơ xin việc, mà còn phải chú ý đến cách trình bày ra sao.
- Không dùng CHỮ VIẾT HOA.
- Không sử dụng dấu chấm cảm!!!
- Đừng kết thúc câu của bạn với dấu chấm lửng…
- Kiểm tra các lỗi trước khi gửi đi hồ sơ xin việc của bạn.
- Chú ý cấu trúc văn bản: Hãy dùng những tiêu đề, phụ đề và dấu đánh dấu.
- Hãy viết các nguồn tham khảo ngay đầu hồ sơ để nhà tuyển dụng không mất công tìm kiếm chúng trong văn bản.
- Đừng yêu cầu nhà tuyển dụng cần phải làm gì: Ví như họ nên gọi bạn vào giờ nào, họ cần thông qua những ai để liên hệ với bạn, hay là thông tin gì cần chia sẻ.
Có thể hôm nay, bạn là người tài giỏi, nhưng việc bạn có được tuyển dụng hay không thì hồ sơ xin việc quyết định phần lớn sự thành công của bạn, vì nó được xem như lá thư giới thiệu bạn tới nhà tuyển dụng. Chúng ta nói đùa một câu, “một chàng trai sẽ phải lòng cô gái đẹp ngay phút đầu của cuộc gặp gỡ”. Vì vậy, một hồ sơ rõ ràng cũng cần yếu tố đẹp mắt và lôi cuốn để tạo ấn tượng, nhưng đừng quá lòe loẹt đấy nhé. Hãy nhớ, bạn đang đi xin việc chứ không phải thi thời trang. Hơn bất kỳ một lỗi sai hay thiếu sót nào, chúng tôi khuyên rằng: Để thành công hãy đặt mình vào vị trí một nhà tuyển dụng để biết mình cần làm gì là tốt nhất!
Với một vài thông tin chia sẻ kinh nghiệm trên đây đứng từ góc độ một nhà tuyển dụng, hy vọng chúng hữu ích và giúp bạn tìm được một công việc mà mình mơ ước. Cuối cùng, chúc bạn thành công!
Quỳnh Như