Ngày 20/4 vừa qua, “Chim cánh cụt đất Việt” Trần Mạnh Chánh Quân được trường Georgia Gwinnett College (GGC) bang Georgia, Mỹ trao danh hiệu “Unsung hero” (Người hùng thầm lặng). Tin vui này khiến những người yêu mến cậu hạnh phúc nức lòng, và câu chuyện về cuộc đời chàng trai trẻ bắt đầu lan tỏa trong giới trẻ khắp nước Mỹ, Việt Nam và nhiều nước khác.
Hành trình từ “Zero” trở thành “Hero”
Quân mắc hội chứng bại não từ khi mới lọt lòng mẹ. Giống như bao đứa trẻ khuyết tật bẩm sinh, chàng trai trẻ từng cảm thấy vô cùng bất lực khi không thể điều khiển tay chân theo ý mình, miệng nói không tròn vành rõ chữ. Tuổi thơ của cậu là những tháng ngày vật lộn với căn bệnh quái ác để hòa nhập với cuộc sống, việc đi học cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi mà đôi bàn tay yếu ớt không cầm vững được cây bút viết.
Thế nhưng, năm 2007, Quân đã khiến nhiều người trầm trồ thán phục khi đậu vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu) với số điểm môn chuyên gần như tuyệt đối (9.5). Đến năm 2013, Quân được trường GGC (Mỹ) cấp học bổng 50%, và bắt đầu theo đuổi đam mê trong ngành Công nghệ Thông tin, Toán tại Mỹ từ đây.
Vừa qua, câu chuyện về nghị lực phi thường của Chánh Quân đăng trên tạp chí Engage đã nhận được nhiều quan tâm và yêu mến của độc giả, đặc biệt là giới trẻ. Họ bày tỏ sự ngưỡng mộ và cảm kích đối với cậu bạn gốc Việt. Dù bị khuyết tật bẩm sinh nhưng với lòng dũng cảm, kiên trì thực hiện ước mơ, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, Quân đã trở nên nổi bật so với các sinh viên trong trường và trở thành tấm gương cho các bạn trẻ đang khao khát theo đuổi đam mê.
Mọi người hùng đều bắt đầu từ những con người hết sức bình thường. Còn đối với riêng Quân, cậu thậm chí không được đứng ở vạch xuất phát như bao người, cậu bị đẩy lùi về phía sau với hội chứng bại não bẩm sinh cùng muôn vàn những hạn chế về thể chất. Con đường cậu đi là một hành trình dài đầy chông gai mà nhiều người có cùng hoàn cảnh đã không thể nào đủ dũng khí để cất bước và lựa chọn bỏ cuộc.
Nếu bạn biết được rằng, Quân đã từng bắt mẹ trói chân để tập đánh máy bằng tay ở trường, hay quyết leo 1.000 bậc thang lên núi Tao Phùng (bãi Sau TP Vũng Tàu) để chứng minh với thầy cô mình có đủ sức khỏe tham gia kỳ thi Học sinh giỏi cấp Quốc gia năm học 2009 – 2010…, bạn sẽ thực sự hiểu rằng “chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”. Và chính những tháng năm nhọc nhằn, tủi hờn đó đã tôi luyện chàng trai khuyết tật từ “zero” trở thành “hero”.
Những ngày tháng sinh sống và học tập bên Mỹ, Quân luôn cố gắng để giúp đỡ người khác chứ chưa từng đòi hỏi sự quan tâm của cộng đồng dành cho mình. Điều 9X mong muốn là sống một cuộc đời bình thường như bao người và dốc lòng cống hiến cho xã hội. “Tôi không qua Mỹ để xin niềm thương hại”– cậu bạn từng thẳng thắn chia sẻ. Không mong muốn trở thành một người hùng đặc biệt hay bất kỳ một danh hiệu nào cả, Quân chỉ đơn giản là lặng lẽ theo đuổi ước mơ trở thành lập trình viên đã ấp ủ từ bé và gắng hết sức giúp đỡ những ai cần đến mình.
Cũng như bao bạn trẻ khác, cuộc sống của một du học sinh với lịch học tập, thi cử dày đặc, chạy đua với deadline, đề tài nghiên cứu… thật chẳng dễ dàng. Còn đối với riêng Quân, khó khăn lại càng thêm nan giải. Phương tiện duy nhất của cậu chính là chiếc xe lăn; vào những ngày mưa gió, việc di chuyển đến trường quả là cực hình. Có những đợt mưa kéo dài, Quân chỉ có chiếc xe lăn và một cái ô để đến trường, nhiều lần, bị gió tốc bay cả ô, người ướt sũng như chuột lột, gió luồn đến chỗ nào là buốt chỗ ấy, nhưng cậu bạn chỉ chăm chăm sợ cái laptop hỏng mất hết dữ liệu.
Cậu cũng tâm sự, nhiều khi mệt mỏi vì áp lực, đến thời gian ăn cơm cũng chẳng có, nhất là những mùa đông một mình nơi xứ lạ, cảm thấy tủi thân chỉ chực gục ngã, nhưng rồi lại tự nhủ “nhiêu đây thôi mình chưa chết nổi đâu”, và lại cười một cái mà tiếp tục cố gắng.
Quả là trời không phụ lòng người, suốt mấy năm ở Mỹ, Trần Mạnh Chánh Quân đã là cái tên được thầy cô và bạn bè tin tưởng, yêu mến. Cậu luôn là sinh viên xuất sắc được trường chọn tham gia các cuộc thi của Hiệp hội chuyên ngành Công nghệ thông tin (AITP).
Mới đây, “gã khổng lồ” Google gọi Quân nộp hồ sơ dự tuyển nhân viên làm việc toàn thời gian. Sau nhiều vòng phỏng vấn, đến nay, Google chưa cho cậu phản hồi đánh giá chi tiết cụ thể, nhưng chuyến đi đến Google với Quân quả là một cuộc phiêu lưu thú vị và đáng nhớ. Cậu cũng chia sẻ, nếu Google không chọn mình thì cũng không sao, bởi ít nhất cậu đã có những trải nghiệm vô cùng đáng quý ở đó – Quân vẫn vậy, luôn lạc quan và không bao giờ đòi hỏi bất kỳ điều gì từ cuộc sống.
Phía sau “người hùng thầm lặng” là một “tình yêu thương lặng lẽ”
Kể lại quá khứ, Quân dành nhiều thời gian tâm sự về “người thầy vĩ đại nhất”, cô giáo Phạm Thị Nhung, giáo viên ngữ văn trường chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu) bằng tất cả sự kính trọng của một học trò dành cho người thầy và cũng chan chứa tình cảm của một đứa con dành cho người mẹ hiền.
Trong suốt những năm cấp 3, cô Nhung đã luôn ở bên Quân, động viên và yêu thương cậu như con đẻ. Năm đó, khi Quân đậu vào trường chuyên, có nhiều người ái ngại và nghi ngờ khả năng của cậu. Bởi vì Quân không đi lại được, tiếng nói cũng không rõ ràng; mỗi khi trường chào cờ hay có đại lễ, Quân cũng không thể ngồi cùng các bạn mà phải ngồi dưới chân cột cờ, đã nhiều ý kiến cho rằng nên đưa cậu về quê để bố mẹ chăm sóc và cũng có hàm ý rằng điều này sẽ làm cho gương mặt nhà trường đẹp đẽ hơn. Khi biết chuyện đó, cô Nhung đã bật khóc, cô kiên quyết đứng ra bảo lãnh cho cậu học trò bất hạnh được ở lại trường. Nhờ tình yêu thương và sự bảo vệ thầm lặng của cô, Chánh Quân càng có thêm sức mạnh và vững vàng tiếp bước.
Khi hay tin Quân được vinh danh “Người hùng thầm lặng” tại Mỹ, cô Nhung hạnh phúc tựa như niềm vinh dự của chính con đẻ mình. Nhìn Quân rạng rỡ trong tấm áo cử nhân trường Mỹ, cô không sao quên được hình ảnh của cậu học trò lớp 9 lần đầu đến gặp cô xin học luyện thi năm nào, càng không thể quên đôi mắt ngân ngấn nước tha thiết mong được làm học trò của cô. Chính sự chân thành và khao khát học tập đã khiến cô Nhung phải “bất đắc dĩ” chấp nhận, với điều kiện cậu không được đóng học phí.
Cô Nhung chưa bao giờ dạy văn cho học sinh cấp 2 nên phải dành rất nhiều thời gian nghiên cứu và chuẩn bị giáo án cho Quân. Lịch ôn thi vào đại học cho học sinh của cô cũng kín mít, có những hôm, cô gần như thức trắng đêm để soạn bài cho cậu học trò hiếu học.
Quân lẽo đẽo theo cô Nhung học văn từ lớp 10 đến lớp 12, dù ngày nắng hay mưa, đi lại khó khăn bất tiện là vậy, nhưng cậu chưa bỏ học buổi nào, bởi cậu có một khao khát mạnh mẽ, “học cách làm người từ cô”.
Cô Nhung cũng luôn lấy Trần Mạnh Chánh Quân là tấm gương sáng để các học sinh khác noi theo. Với cô, Quân không chỉ là một nghị lực sống phi thường mà cậu còn mang theo một trái tim mạnh mẽ, khao khát được làm người tốt, có ích cho xã hội.
Trần Mạnh Chánh Quân – một người bình thường được sở hữu thêm khuyết tật
Quân chưa bao giờ xem bệnh tật là một nỗi bất hạnh. Cậu xem mình là một con người đúng nghĩa và được sở hữu thêm “khuyết tật” mà thôi. Thậm chí, Quân còn luôn vui vẻ đón nhận “khuyết tật” như một phần tất yếu của cuộc sống, bởi cậu tin rằng “mình sở hữu cái vốn liếng khác người thì mình cũng cần cố gắng để cho ra kết quả khác người bình thường”. Có lẽ, chính sự lạc quan đã khiến cho chàng trai trẻ có thêm động lực vượt qua muôn trùng thử thách mà một người bình thường khó làm được. “Tốt xấu xuất tự một niệm”, và đó là điều tạo nên một người hùng thực thụ mang tên Trần Mạnh Chánh Quân.
Sau một chặng đường dài đã có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, chàng trai trẻ Chánh Quân đã viết nên một câu chuyện xúc động về sức mạnh của lòng quyết tâm, kiên cường trước khó khăn thử thách và khao khát mãnh liệt được sống xứng đáng, ý nghĩa. Một lần nữa, chúng ta càng thêm mạnh mẽ tin tưởng rằng: nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường.
Cuộc sống luôn tồn tại được mất giống như hai mặt của đồng tiền, thay vì chán nản, tuyệt vọng vì những khó khăn gặp phải trên đường đời hay chờ đợi sự giúp đỡ từ người khác, hãy lựa chọn cách tự đứng dậy và bước đi. Thực sự, tất cả những điều chúng ta cần làm chỉ là đứng dậy và bước đi. Hãy có một niềm tin mạnh mẽ rằng: cho dù gian nan và khó nhọc đến đâu, chỉ cần không bao giờ lùi bước, chắc chắn sẽ có ngày về đích.
Bởi vì, Thượng Đế luôn dõi theo từng bước chân của mỗi người, vậy nên, những ai chân thành và chăm chỉ chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng.
Linh An
Nguồn ảnh: kenh14
Xem thêm: